Tọa lạc bên bờ Bắc sông Gianh, chợ Ba Đồn – là nơi lưu giữ những nét văn hóa cổ của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, nơi đây từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và du khách thập phương. Đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn để tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này qua ẩm thực và các sản vật được xem là đặc sản từ các vùng quê và cách bán buôn của người dân bản địa.

Chợ Ba Đồn là một trong những chợ cổ nhất của Quảng Bình, song thời gian không làm mất đi những nét đẹp vốn có của chợ. Từ khi ra đời đến nay, nơi đây vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên, tạo nên vẻ độc đáo có tính chất truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của quê hương.

cho ba don net cho co trong long pho khamphadisan e1484535898657

Theo lịch sử địa phương, chợ Ba Đồn xưa đóng tại địa phận làng Phan Long dưới vòm cây đại thụ, cao hàng chục mét, có tán lá rộng. Sở dĩ có tên Ba Đồn là vì vềđời Hậu Lê, Chúa Trịnh có lập ba đồn lính đóng ở chung quanh thị trấn (đồn Trung Thuần, đồn Phan Longđồn Xuân Kiều).

Ban đầu chợ được lập ra để quân lính các đồn gặp gỡ, vui chơi, trao đổi, mua bán đồ ăn, vật dụng… Vì địa thế thuận lợi nên từ một chợ nhỏ đã sớm hình thành trung tâm thương nghiệp, buôn bán, trao đổi cũng như trung tâm giao lưu văn hóa, vui chơi của nhân dân.

Vào thời Pháp thuộc, chợ được dựng thành 5 đình lớn kế tiếp nhau, mỗi đình rộng từ 20 – 25m, dài 60 – 80m, nền láng xi măng và mái lợp ngói Hồng Ký. Hai dãy phố xá của người Việt và Hoa kiều được hình thành với những sản phẩm có tiếng như: thuốc bắc, xăng dầu, trầm hương, vàng mã. Ngoài ra, còn có vài xưởng người tây buôn thuốc lá, rượu, xì gà… Dần dần Ba Đồn đã biến thành một chợ lớn nổi tiếng khắp khu vực Bắc Trung bộ.

cho ba don net cho co trong long pho khamphadisan 1 e1484536358576

Chợ xưa mỗi tháng họp 3 phiên vào các ngày: 6/16/26 âm lịch và chỉ họp một ngày thì tan. Mỗi phiên thu hút vài ngàn người từ các vùng đất khác đổ về với nhiều sản vật như: lúa, gạo, tơ lụa, gỗ, trâu bò… Phố xá, lều quán dần mọc lên san sát và hàng hóa muôn nơi hội tụ về chợ chất chồng như núi.

Chính nếp sinh hoạt độc đáo mà phiên chợ Ba Đồn đã đi vào phương ngôn của người dân một cách nhẹ nhàng, gợi mở mà chân thực:

“Ba Đồn là chợ xưa nay

Tụ nhân, tụ hóa mười ngày một phiên

Phố phường Nam, Khách hai bên

Khi đông cũng phải vài nghìn người ta”.

Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, bị tàn phá bởi chiến tranh rồi lại được khôi phục, chợ Ba Đồn nay có cơ ngơi khá khang trang, đẹp đẽ và nằm cạnh bến đò Cửa Hác với khuôn viên rộng rộng rãi. Khu vực sân trời được bố trí cụ thể để tổ chức các phiên chợ trong mỗi tháng.

cho ba don net cho co trong long pho khamphadisan 2 e1484536785989

Sự độc đáo của chợ Ba Đồn, nhất là trong các ngày chợ phiên là người ta có thể mua bất kỳ thức gì từ trên rừng, dưới biển hay đồng bằng với các hình thức mua bán sỉ, lẻ. Nơi đây hội tụ đủ các sản vật của các làng quê và hầu như đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Đi chợ còn là một vui của nhiều người bởi người ta có thể mua hoặc ngắm các sản phẩm yêu thích gắn với những tên đất, tên làng tạo thương hiệu cho các làng quê.

Ấn tượng nhất và cũng là một trong những nơi thu hút đông khách mua nhất là những sản phẩm ra đời từ các làng nghề truyền thống như sản phẩm đan lát của làng Thọ Đơn (Quảng Thọ, nón lá làng Thổ Ngọa (Quảng Thuận), bánh đa làng Lộc Điền (Quảng Thanh), rèn đúc (Quảng Hòa)…

Ngoài ra, người ta có thể chọn mua rau sạch hay hoa tươi của vùng đất cát Quảng Long, mua hành, tỏi của Quảng Hòa hay mua hải sản tươi sống của các vùng quê ven biển như Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Tùng, Quảng Đông…
Và phần lớn các mặt hàng bày bán ở chợ phiên là những sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở đôi bờ sông Gianh chủ yếu do người bán tự làm ra. Chính việc người tiêu dùng được mua nhiều mặt hàng truyền thống của địa phương, nên chợ Ba Đồn đã trở thành một trong những hình thức quảng bá và tiêu thụ hàng Việt rất hiệu quả.

Nằm giữa phố thị nhưng cách bán buôn, bài trí hàng hóa của tiểu thương chợ Ba Đồn vẫn mang đậm dấu ấn của một chợ quê. Đó là ngồn ngộn những gian hàng nông sản “cây nhà lá vườn” đủ các loại, không cần sắp xếp trưng bày, hay những hàng thịt bò với những tảng thịt, từng cái đùi bò đỏ au, tươi rói được treo từ nóc lán dài xuống tận sàn để người mua mặc sức chọn lựa.

Chợ còn có một khoảng lớn dành cho các mặt hàng hải sản khá phong phú từ cá, tôm, mực nang, mực ống, cá biển… của người từ Hà Tĩnh chở xe vào, hoặc từ Thanh Khê, Cảnh Dương, Lý Hòa, Roòn gần đó theo thuyền cập bến chợ và cả cá, tôm, tép từ sông Gianh vừa đánh lên hay từ cánh đồng vùng Nam Quảng Trạch chở xuống… đủ các loại, có con to đến vài chục cân, có con nhỏ phải đong bằng chén.

Nhiều người đi chợ không chỉ để mua mà còn để thưởng thức nét văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Khu ẩm thực của chợ khá phong phú các món ăn, từ những món bánh như bánh đúc, bánh xèo, bánh lọc, bánh nậm, bánh kẹp, bánh ướt, bánh đa, bánh ít, bánh gai, bánh cuốn và hàng chục thứ bánh của các làng quê… đến món cháo bánh canh hay các gian hàng thịt cầy nổi tiếng cả vùng. Thế nên, nơi đây còn được xem là chợ ẩm thực của cả một vùng luôn tấp nập thực khách đến ăn hoặc mua về làm quà cho người thân.

cho ba don net cho co trong long pho khamphadisan 4 e1484537510259

Chợ Ba Đồn từ lâu với những nét đẹp vốn có được truyền tụng trong dân gian rằng: “Ba Đồn một tháng sáu lần/Chợ phiên tụ điểm xa gần bán mua” (nay chợ có 6 phiên vào các ngày 1/11/216/16/26 âm lịch). Nét văn hóa cổ xưa của chợ đã làm nên một thương hiệu chợ Ba Đồn với những đặc trưng văn hóa của các làng quê thuộc huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.

Vì lẽ đó, chợ Ba Đồn còn được xem là dấu nối hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại để rồi làm cho người ta nhớ khi đi xa và mong muốn tìm về dẫu chỉ để ngắm, để hòa mình vào sự tấp nập, nhộn nhịp của người mua, kẻ bán và khám phá về những điều mới mẻ đang diễn ra từng ngày trên phố chợ.

Có thể bạn chưa xem:

binhqb94 (sưu tầm)

Theo: Báo Quảng Bình

4.2/5 - (4 bình chọn)