Đã có một Festival Huế trong năm chẵn, nhưng Festival Nghề truyền thống Huế trong năm lẻ vẫn luôn được người dân và du khách háo hức chờ đợi. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Chuyên đề Huế 2017 “các hoạt động của Festival nghề năm nay sẽ đi vào thực chất hơn”.

festival hue 2017

Sân chơi thú vị, hấp dẫn
Hơn 12 năm trước, khi bắt tay chuẩn bị Festival Nghề truyền thống đầu tiên, TP.Huế chưa định hình rõ những hoạt động tôn vinh giá trị của nghề truyền thống như thế nào cho hiệu quả. Trăn trở, bàn bạc và với một quyết tâm cao, cuối cùng Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ nhất vào năm 2005 đã thành công ngoài mong đợi. Những chiếc nón bài thơ, những tà áo dài thướt tha với đường nét thêu  tinh tế, sắc sảo được tôn vinh. Các nghệ nhân, người thợ của nghề thêu và nón lá kiêu hãnh.

Và người dân Huế cũng tự hào bởi những sản phẩm nghề truyền thống của quê hương tưởng chừng rất bình dị lại giá trị, đẹp lung linh đến thế.

tranh theu hue ne

Festival nghề – một sự kiện văn hóa nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế. Cho nên lần này, không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống được chú trọng bố trí dọc theo đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Bảo tàng Văn hóa Huế và một số khu vực công viên phía nam sông Hương một cách phù hợp, thuận tiện trong việc quảng bá sản phẩm.

Thay vì một hội thảo mà Festival nghề các năm trước tổ chức nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, kỳ này Ban Tổ chức và công chúng sẽ tham gia bình chọn từng loại sản phẩm tiêu biểu nhằm khuyến khích các cơ sở nghề, làng nghề trăn trở cho ra đời những sản phẩm đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu, sở thích của du khách.

Hưởng ứng ngày hội, trong năm 2016, TP cũng đã tổ chức “Hội thi tay nghề thủ công mỹ nghệ, đặc sản Huế lần thứ nhất” với sự tham gia của các cơ sở nghề, làng nghề và nghệ nhân tiêu biểu. Ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế cho hay: “Tại hội thi đã xuất hiện những mẫu thiết kế quà tặng, hàng lưu niệm mới mang đặc trưng riêng của vùng đất Cố đô Huế. Ban Tổ chức Fesitval Chuyên đề Huế sẽ công bố kết quả vào dịp lễ hội”.

Những kỳ Festival nghề sau đó tiếp tục tôn vinh nhiều nghề truyền thống ở Huế và trong nước. Các nghệ nhân và người thợ hứng khởi bước vào cuộc chơi đầy trách nhiệm. Bà Hoàng Xuân Thảo, Chủ doanh nghiệp Thuận Thành – Duy Mong nhớ lại: “Tại Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 2 – 2007, nghề kim hoàn được tôn vinh. Từ đó, chúng tôi nảy sinh ý tưởng và bắt tay triển khai xây dựng ngay khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề Tịnh Tâm Kim Cổ tại 278 Đinh Tiên Hoàng, TP Huế”. Bà Thảo cho rằng: “Nếu không có Festival nghề có lẽ sẽ không có một Tịnh Tâm Kim Cổ”.

festival

Nhiều năm qua, địa chỉ này đã thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan. Hiện Doanh nghiệp Thuận Thành-Duy Mong đang chuẩn bị những sản phẩm kim hoàn mới để trình làng trong Festival nghề năm nay. Còn với họa sĩ Thân Văn Huy – người đang ngày ngày lưu giữ vẻ đẹp của hoa giấy Thanh Tiên thì khẳng định: “Nhờ Festival nghề, người dân và du khách mới biết nhiều, hiểu nhiều hơn về hoa giấy Thanh Tiên của Phú Mậu (Phú Vang)”.

Ông kể, tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2013 và 2015, khách ghé gian hàng hoa giấy Thanh Tiên rất đông. Tất cả các sản phẩm hoa giấy được chuẩn bị trước đó đã được khách mua sạch chỉ trong một, hai ngày đầu của lễ hội. Hoa giấy Thanh Tiên được nhiều người yêu thích, nên làng hoa giấy Thanh Tiên trở thành điểm đến hấp dẫn và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã công nhận đây là  “Làng nghề được yêu thích nhất Việt Nam năm 2015”..

hoa giay thanh tien nea

Tiếp tục khẳng định thương hiệu

Với chủ đề đã được “đóng đinh” là “Tinh hoa Nghề Việt”, tại Festival Nghề truyền thống Huế năm nay (diễn ra từ 28/4 đến 2/5) người dân và du khách đến Huế tiếp tục được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm nghề truyền thống nổi tiếng bao đời của vùng đất Cố đô và của nhiều làng nghề trong nước gồm: thêu, dệt, pháp lam, kim hoàn, chạm khảm, mỹ nghệ đồng, trúc chỉ, gốm, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ…và các loại bánh, đặc sản ẩm thực Huế.

Festival nghe truyen thong Hue 2017

Những lá thư mời trang trọng và thông tin về lễ hội đã được gửi đi. Theo bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP.Huế: “Đến giữa tháng 1/2017, có 40 cơ sở nghề và làng nghề trong tỉnh, 18 cơ sở nghề và làng nghề ngoại tỉnh được mời đã đăng ký tham gia”. Đáng nói là có những làng nghề ở xa như dệt lụa của xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình biết đây là cơ hội quảng bá sản phẩm nên chủ động đăng ký tham gia mà không đề nghị một sự hỗ trợ kinh phí nào từ ban tổ chức. Để từng bước nâng tầm Festival nghề, TP.Huế cũng đã mời một số thành phố đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…tham gia trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm thêm phần phong phú, mới lạ.

Tại Festival nghề năm nay, Lễ tế Tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề tiếp tục được chú trọng và cố gắng tạo thêm sự linh thiêng. Lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực, chương trình biểu diễn thời trang Hội tụ bản sắc châu Á được duy trì, nâng cao về chất lượng. Đáng chú ý, một hoạt động sẽ được những nhà làm phim và đông đảo bạn trẻ quan tâm là Công ty Glostar (Hàn Quốc) đang xây dựng kế hoạch để tổ chức liên hoan giới thiệu phim và giao lưu với các diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc…

Chưa đầy 2 tháng nữa, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VII sẽ khai hội. Thương hiệu và uy tín đã được khẳng định nên chắc chắn ngày hội sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người dân và du khách gần xa.

BOX:
     Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP.Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Chuyên đề Huế cho biết, TP đang từng bước giảm dần kinh phí đầu tư của Nhà nước và tăng nguồn đầu tư kinh phí từ các đơn vị hưởng lợi từ Festival nghề. Và hiệu quả đã thấy rõ. Điển hình như tại Festival nghề năm 2015, nhiều khách sạn đã hỗ trợ TP về phòng ở…

Theo Festival Huế

Rate this post