Khamphadisan.com – Xuyên suốt trong những triều đại phong kiến tại Việt Nam chắc có lẽ duy nhất chỉ có nhà Nguyễn cho xây dựng Kỳ đài, đây vừa là biểu tượng của sự thống nhất đất nước, Kỳ đài còn nơi thể hiện cho chính thể của một quốc gia. Từ khi xây dựng cho đến tận ngày nay, trải qua biết bao thăng trầm của thời gian và lịch sử Kỳ đài vẫn hiên ngang, vẫn đứng vững với đúng chức năng của mình là nơi treo quốc kỳ.

ky dai hue khamphadisan 1

ảnh: zing.vn

Kỳ đài, người dân xứ Huế thường hay gọi là Cột cờ được xây vào năm 1807 dưới thời vua Gia Long ở phía chính Nam pháo đài trước mặt Kinh Thành Huế. Đến vua thời Minh mạng vào các năm: 1829, 1831, 1840 Kỳ đài đã được trải qua nhiều lần tu sửa.

ky dai hue khamphadisan

ảnh: zing.vn

Cấu trúc của Kỳ đài bao gồm 2 phần chính là: đài cờ và cột cờ

Đài cờ: bao gồm 3 tầng đài có dạng hình chóp cụt chồng lên nhau cao hơn 17m, tại mỗi tầng đều có lang can cao 1m và được trang trí bằng loại gạch hoa đúc rỗng, tầng thứ nhất cao 5,5m, tầng thứ hai cao gần 6m, tầng thứ ba cao chừng hơn 6m. Mỗi tầng được thông nhau qua một cửa vòm. Cả 3 tầng nền đều được lát gạch vồ và đều có một hệ thống thoát nước rất tinh tế, khi xưa trên mỗi đài còn có hai chòi canh và 8 khẩu đại bác.

ky dai hue khamphadisan 2

ảnh: sưu tầm

Cột cờ: Khi xưa vật liệu chính để làm cột cờ là bằng gỗ cao khoảng 30m, đến năm Thiệu Trị thứ 6 đã được cho làm lại cũng bằng gỗ và cao khoảng 32m. Vào năm 1904 trong một cơn bão đã làm cột cờ bị gãy và sau đó cột cờ đã được thay bằng một cột khác bằng gang. Đến năm 1947 cột cờ lại bị pháo bắn gãy thêm một lần nữa và năm 1948 cột cờ bằng bê tông cốt sắt đã được dựng lên cao khoảng 37m và tồn tại cùng năm tháng cho đến ngày nay. Cột cờ được chia làm 2 phần và giữa có một cái vọng đẩu dung để đặt kính viễn vọng giúp lính gác có thể quan sát ra tới tận cửa biển Thuận An

ky dai hue khamphadisan 3

ảnh: vnphoto

Kỳ đài – chứng nhân của lịch sử

Trong thời gian nhà Nguyễn còn trị vì, Kỳ đài là nơi treo cờ báo hiệu cho những cuộc lễ khác nhau như: lễ đăng quang, vạn thọ, tiếp sứ, ban sốc,…

Nơi này cũng là chứng nhân của lịch sử dân tộc, đặc biệt vào ngày 23/08/1945 khi vua Bảo Đại đọc bản thoái vị ở cổng Ngọ Môn thì lá cờ quẻ ly của nhà Nguyễn đã được kéo xuống và thay vào lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Cuộc kháng chiến giải phóng đất nước vẫn diễn ra, một lần nữa Kỳ đài lại thay màu cờ, mãi cho đến 31/01/1968 là cờ của mặt trận giải phóng dân tộc lại được kéo lên trong 26 ngày và rồi cũng bị hạ xuống, mãi cho đến ngày 26/03/1975 khi Cố đô Huế được giải phóng thì lá cờ của mặt trận giải phóng dân tộc mới yên vị trên kỳ đài.

Từng là biểu tượng chính thể cho một quốc gia, Kỳ đài đã tồn tại giữa những trận mưa bom, bão đạn của chiến tranh, giữa ta và địch, giữa quá khứ của lịch sử cho đến hiện tại. Ngày nay Kỳ đài vẫn đứng uy nghi sừng sững phía trước Đại Nội, trước hoàng cung xưa như là một dấu ấn của thời gian và như biểu tượng cho một đất nước Việt Nam thống nhất trong hiện tại cũng như tương lai.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94 (Tổng hợp – biên tập)

5/5 - (1 bình chọn)