Khamphadisan.com – Phú Quốc không chỉ sở hữu những thắng cảnh thiên nhiên đẹp hay những di tích ấn tượng, mà có có một điểm đến mang dấu ấn tâm linh Phật giáo, đó là chùa Hộ Quốc. Chùa Hộ Quốc đặc biệt được xây dựng đa phần bởi gỗ lim, vì vậy nơi đây có những nét đặc sắc mà ít nơi nào có được.
Chùa Hộ Quốc – Ngôi chùa lớn nhất đảo Phú Quốc
ảnh:lekhanh.ngocanh
Nằm trong dự án khu du lịch tâm linh có diện tích 110ha (chùa chiếm khoảng 12% diện tích dự án), chùa Hộ Quốc được xem là ngôi chùa lớn nhất đảo Phú Quốc. Chùa thuộc ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Bạn có thể đi từ thị trấn Dương Đông, Phú Quốc theo hướng nhà tù Phú Quốc, cách đường rẽ vào Bãi Sao khoảng 1km, phía tay trái sẽ có lối rẽ nhỏ dẫn đến chùa Hộ Quốc.
Khám phá chùa Hộ Quốc
ảnh:chowduong
Chùa Hộ Quốc hay còn được gọi là Thiền viện trúc lâm Hộ Quốc, bắt đầu xây dựng ngày 14/10/2011 và khánh thành ngày 14/12/2012 với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng.
Vị trí của chùa nằm trên núi nên không khí tương đối mát mẻ và trong lành. Từ trên chùa nhìn xuống xa xa là biển nước trong xanh được gọi là Bãi Cây Da. Xung quanh chùa là cây xanh bao bọc, khung cảnh thật sự nên thơ.
Chiêm ngưỡng kiến trúc gỗ lim
ảnh:javieresteveztur
Chùa Hộ Quốc có sân khá rộng, ngay phía trước là tượng Phật cao khoảng 2m làm từ ngọc cẩm thạch. Phía sau bức tượng Phật là bức tranh rồng phượng sơn vàng trên nền thạch cao màu trắng cực kỳ tinh xảo. Hai bên bức tranh là hai dãy những bậc thang dẫn lên chính điện, có cách điệu bằng hình ảnh rồng đặc trưng đời Trần màu xám.
ảnh:chowduong
Sau khi lên 70 bậc thang, trước mắt bạn sẽ là không gian đặc biệt nhất của chùa, phía trước là chính điện, hai bên là lầu trống và lầu chuông. Lầu trống và lầu chuông được thiết kế theo phong cách truyền thống với kiến trúc 3 tầng, mái cong.
Chính điện
ảnh:ny.dqs
Chính điện có diện tích khá lớn, với 5 cửa vào, cửa chính ở giữa và 2 cửa tả, 2 cửa hữu. Trên nóc chính điện là hình tượng bánh xe pháp luân. Bên ngoài chính điện là biển chữ “Thiền viện trúc lâm Chùa Hộ Quốc Phú Quốc”, bên trong có thêm biển chữ “Đại Hùng Bảo Điện” và các liễn đối được chạm khắc công phu.
Chiều cao chùa khá hạn chế bởi thiết kế bằng gỗ lim, kể cả các cột nhà. Chính giữa chính điện là tượng Phật sơn vàng, đặc biệt bạn có thể chiêm ngưỡng xá lợi Đức Phật Thích Ca và tượng Phật ngọc.
Tổ đường
ảnh: Hội Trường Sơn
Phía sau chính điện là Tổ đường là nơi thờ cúng Tam vị thánh tổ. Các chi tiết trong Tổ đường cũng được chạm khắc tinh xảo. Phía sau các bức tượng Tam thánh tổ đều có những bức tranh mang dấu ấn Phật giáo đẹp mắt, tạo nên không gian nhẹ nhàng, yên bình.
Xung quanh chùa còn bố trí các tượng đều được tạc bằng đá granite nguyên khối cao khoảng 5m. Các đường nét, khối chạm khắc rất tinh xảo và sống động. Đặc biệt là hai bên hậu cung chùa là tượng 18 vị La Hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối, toát lên tính cách riêng của mỗi vị La Hán.
ảnh:klaus_frankfurt
Bên trái chính điện nhìn từ cổng chùa vào là tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao hơn 30m, tạo nên một quần thể ngôi chùa nguy nga, mang đậm dấu ấn tâm linh Phật giáo.
Đến với chùa Hộ Quốc bạn sẽ không khỏi ấn tượng với những tuyệt tác chạm khắc, vị trí mặt hướng biển, lưng tựa núi tạo nên một hình ảnh rất tráng lệ. Đã đến với Phú Quốc thì không nên bỏ qua chùa Hộ Quốc.
Có thể bạn quan tâm:
- 7 điểm đến, 5 món ăn nhất định phải trải nghiệm khi đến Phú Quốc
- 4 cung đường khám phá trọn vẹn đảo ngọc Phú Quốc
- Infographic du lịch đảo Phú Quốc
diemtv (Tổng hợp)