Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai đề án Huế- Kinh đô Áo dài trong đó hai hoạt động trọng tâm là tổ chức Ngày hội Áo dài dự kiến sẽ diễn ra vào trước tết Tân Sửu (2021) để đón chào xuân mới, và nghiên cứu xây dựng hồ sơ về Áo dài truyền thống trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, tiến tới trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: HUẾ- KINH ĐÔ ÁO DÀI VIỆT NAM
Lời nói đầu sách: HUẾ- KINH ĐÔ ÁO DÀI VIỆT NAM

Áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống, niềm tự hào và là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

121075574 719494642244016 3074325860245372684 o

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của chiếc Áo dài, Cố đô Huế tự hào là chiếc nôi sản sinh ra Áo dài với vai trò đặc biệt của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, người đã có công lớn trong việc cải cách trang phục Đàng Trong từ năm 1744 và khai sinh ra chiếc áo ngũ thân huyền thoại. Cố đô Huế còn tự hào về hoàng đế Minh Mạng, vị vua anh minh với nhiều công lao to lớn, đồng thời cũng là người đã phổ biến, nâng tầm và tôn vinh để chiếc Áo dài trở thành quốc phục của nước ta. Vì thế, Huế là cái nôi và cũng là kinh đô của Áo dài Việt Nam – nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của Áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của chiếc Áo dài với tư cách là một di sản. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều nhà thiết kế, nghệ nhân may Áo dài với tay nghề điêu luyện, tạo ra những sản phẩm tinh tế, sắc sảo và đa dạng, thể hiện rõ vị trí và vai trò Áo dài truyền thống trong đời sống văn hóa Huế qua các giai đoạn lịch sử. Đó cũng là cơ sở để Thừa Thiên Huế từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”, góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

120901947 719495382243942 3932171015361599151 o
Ngày 16/3/2019, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và Ủy ban nhân dân Thành phố Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu Áo dài Huế”. Và gần đây, vào ngày 26/6/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”. Hai hội thảo trên đã quy tụ được sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân và cộng đồng làng nghề may Áo dài để phân tích, đánh giá về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề nhận diện Huế là cái nôi đã sản sinh, nuôi dưỡng chiếc Áo dài Việt Nam và Áo dài cũng là một nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Huế vẫn còn bỏ ngõ, thiếu sự nghiên cứu một cách toàn diện. Bên cạnh đó, Cố đô Huế cần phải tri ân, tôn vinh các bậc tiền nhân đã khai sáng, phát triển chiếc Áo dài và ngày nay đã trở thành trang phục truyền thống của Việt Nam, đó là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và hoàng đế Minh Mạng. Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn nói trên, được sự nhất trí của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày mùng 8 tháng 7 năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Hội thảo này là điểm nhấn đầu tiên trong chuỗi sự kiện kỷ niệm, tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của Áo dài Huế và triển khai đề án Huế -Ngày hội Áo dài.

121006936 719495415577272 2383422389919708400 o120999457 719495385577275 974117584690993847 o
Sau khi nghiên cứu thành tựu đạt được của các Hội thảo trước đó và để tiếp tục nghiên cứu mở rộng các vấn đề liên quan trong cách tiếp cận “Huế là cái nôi, là kinh đô Áo dài Việt Nam”, Ban Tổ chức đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhóm tác giả thực hiện 6 chuyên đề. Các chuyên đề này đều được chuyển thành các tham luận để tham gia hội thảo. Nội dung cơ bản của các chuyên đề này cụ thể như sau:
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt trong tham luận “Di sản Áo dài của đàn ông Việt trong bối cảnh hiện nay và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài Huế” đã khái quát về lịch sử, nhận diện bản sắc Áo dài của đàn ông Việt. Nhấn mạnh đến những nguyên nhân khiến Áo dài của đàn ông (áo ngũ thân) bị lãng quên từ giai đoạn sau 1954 đến nay. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã nêu lên thực trạng vấn đề may mặc Áo dài ở Huế và đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản Áo dài Huế trong bối cảnh hiện nay.

doanngocanh

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao với tham luận “Từ cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng nghĩ đến tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa” đã trình bày những tư liệu phản ánh bối cảnh lịch sử, công cuộc cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng. Đồng thời, chứng minh việc cải cách trang phục này nhằm mục đích thể hiện tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại; tạo cơ sở quan trọng cho sự hình thành, phát triển chiếc Áo dài và dần chính thức trở thành quốc phục của dân tộc Việt Nam trong lịch sử; và ngày nay, Áo dài trở thành biểu tượng của nền văn hóa, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, và tiến tới, sẽ là biểu tượng của trang phục Việt Nam.

124597576 10158464650831708 18669953512210314 o
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin với tham luận “Huế – Chiếc nôi của Áo dài Việt Nam” đã khẳng định: “Trang phục Áo dài Việt Nam sản sinh ở kinh thành Phú Xuân-Huế đã dần dần thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam. Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, Áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu”. Qua đó, đã minh chứng sinh động và khẳng định rõ, Áo dài không chỉ là một bộ trang phục đại diện cho cả một nền văn hóa, mà còn là cảm hứng sáng tác bất tận của nghệ thuật Việt Nam.TS Lê Thị An Hòa, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với bài “Nguồn thư tịch và một số nghiên cứu liên quan đến trang phục thời Nguyễn năm 1558 đến 1945” đã tra cứu khảo sát các nguồn thư tịch ghi chép về trang phục cung đình và dân gian thời Nguyễn, từ năm 1558 đến 1945, cũng như những kết quả nghiên cứu về trang phục ở nhiều góc độ khác nhau để làm rõ sự thay đổi trang phục qua từng giai đoạn lịch sử và những dấu ấn đặc biệt nhằm tạo ra bản sắc riêng có của từng vùng miền, bản sắc trang phục riêng cho dân gian và cung đình thời Nguyễn, đó chính là Áo dài Huế- Áo dài Việt Nam.

133253550 10158559509751708 4041530530560021493 o

Nhằm phân tích, đánh giá tổng quan về những thành tựu nghiên cứu liên quan đến Áo dài, nhóm tác giả thuộc Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao với bài viết “Vài nét về những thành tựu nghiên cứu liên quan đến Áo dài Việt Nam” đã nhận diện khái quát những thành tựu nghiên cứu về Áo dài Việt Nam của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, rút ra một số vấn đề quan trọng mang tính gợi mở cho các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nhà thiết kế tiếp tục nghiên cứu mới về Áo dài Việt Nam trong tương lai. Cuối bài viết, nhóm tác giả đã đưa ra bảng phụ lục thống kê 100 công trình nghiên cứu liên quan đến Áo dài Việt Nam để độc giả tiện tham khảo nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Áo dài.

Trong tham luận “Tổng thuật nguồn gốc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Áo dài Huế qua góc nhìn của nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, nhà thiết kế” của nhóm tác giả thuộc Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao đã đưa ra những thông tin tổng hợp từ nội dung trao đổi, lấy ý kiến của một số nhân sĩ trí thức, nhà thiết kế, tổ chức sự kiện liên quan đến nguồn gốc khai sinh ra chiếc Áo dài, việc công nhận Áo dài trở thành quốc phục, vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị thương hiệu Áo dài Huế… Đây là cơ sở rất quan trọng để ban hành các chính sách bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Áo dài gắn với phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh đương đại.

Tại hội thảo, bên cạnh một số tham luận được trình bày, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi xung quanh một số chủ đề sau:
– Những cải cách trang phục của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đối với Áo dài Việt Nam và những đóng góp của vua Minh Mạng trong việc ban hành các quy định về trang phục cung đình, trang phục dân gian trong phạm vi toàn quốc.

– Phân tích và đánh giá các giá trị đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng… của Áo dài trong dòng chảy văn hóa – lịch sử Huế, xây dựng và khẳng định Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam.

– Các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Áo dài trong bối cảnh đương đại; những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu Áo dài Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh; Áo dài với phát triển kinh tế du lịch.

– Nâng cao sức sáng tạo, đa dạng trong chất liệu, màu sắc để bắt nhịp cuộc sống đương đại, thị hiếu thời trang, gần gũi hơn với đời sống người dân, để Áo dài được phổ biến và được yêu thích. Trong đó, sự cách tân chiếc Áo dài đều phải dựa trên nền tảng dấu ấn văn hóa, lịch sử, không thể để đánh mất đi hồn cốt của chiếc Áo dài truyền thống.

Để phát huy kết quả của hội thảo, Sở Văn hóa và Thể thao đã trao đổi với các tác giả nghiên cứu, xem xét lại các tham luận của mình nhằm bổ sung, chỉnh sửa, nâng cao chất lượng và cập nhật các thông tin cần thiết. Cũng từ các vấn đề mà hội thảo đã đặt ra, chúng tôi đã lựa chọn và đặt thêm một số bài viết liên quan để đưa vào tập sách này. Đó là các bài viết của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, TS Trần Đoàn Lâm, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường, TS Trần Văn Dũng, TS Phan Thanh Hải, TS Võ Vinh Quang, THS Phan Lê Chung, nhà thiết kế và tổ chức sự kiện Nguyễn Lan Vy và bài viết của cố Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Khê.

107001178 10158139658501708 3409396845046585484 o

Bài viết “Nghĩ về bộ quốc phục dành cho nam giới” của nhà nghiên cứu lão thành Phan Thuận An tuy đã có từ ngót 15 năm trước nhưng nội dung không hề cũ mà vẫn mang đầy tính thời sự. Tác giả dẫn những nghiên cứu của Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương và Toan Ánh trong Nếp cũ, để cho rằng, “trang phục nam giới ngày xưa của dân tộc chúng ta được chia đại khái ra làm 4 loại: phẩm phục, nhung phục, lễ phục và thường phục. Phẩm phục dành cho vua quan, nhung phục dành cho binh sĩ, lễ phục dành cho dân chúng khi cúng tế còn thường phục thì ai cũng mặc áo dài, đội khăn đóng, mang giày hạ”. Chính bộ thường phục khăn đóng áo dài đã trở thành quốc phục của chúng ta. Quốc phục dành cho đàn ông Việt Nam là câu chuyện đã được bàn luận suốt mấy chục năm qua, nhưng thực tế là trong lịch sử, bộ quốc phục ấy đã tồn tại, chứng minh được vẻ đẹp trang nhã, lịch lãm và cổ điển của nó trong hàng thế kỷ. Vậy tại sao chúng ta không khôi phục lại vị thế của nó, biến nó thành tiêu chí để nhận diện, thành quốc phục của đàn ông Việt Nam? Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cũng trăn trở về việc chúng ta đã “cải biến quá đà” chiếc áo dài nam truyền thống để sử dụng trong các nghi thức ngoại giao quan trọng như tại Diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 5 (ASEM5) vào năm 2004, hội nghị thượng đỉnh diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), năm 2006…Cũng trong chủ đề ấy nhưng có so sánh và cập nhật những thông tin mới nhất về đặc điểm lịch sử, hành trình diễn biến phức tạp của chiếc áo dài ngũ thân nam, những nỗ lực trong việc phục hồi bộ trang phục này của Nhà nước ta và các địa phương như Hà Nội, Huế và các đơn vị, tổ chức, cá nhân…, hai nhà nghiên cứu đến từ Câu lạc bộ Đình Làng Việt là TS Trần Đoàn Lâm và THS Đinh Hồng Cường với các bài viết : “Áo dài nam truyền thống Việt Nam: Tái nhận thức về một di sản văn hóa dân tộc” và bài “Cuộc đua áo dài đến di sản phi vật thể đại diện của nhân loại” đã nói lên những suy nghĩ và trăn trở của bản thân, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm phục hồi và tôn vinh chiếc áo dài ngũ thân dành cho đàn ông Việt ở tầm quốc gia và thế giới. Đó không chỉ là một di sản văn hóa vô giá mà chúng ta được thừa hưởng từ cha ông mà còn là cái để chúng ta tự hào và khẳng định mình với bạn bè năm châu trong bối cảnh thế giới hội nhập hiện nay.


Hai bài viết “Áo dài- nét đặc sắc trong văn hóa Huế” của TS Phan Thanh Hải và TS Trần Văn Dũng và “Áo dài trong văn hóa phủ đệ Huế” của TS Trần Văn Dũng đã khai thác những góc độ khác nhau về ý nghĩa, giá trị, nét đặc sắc của chiếc áo dài truyền thống trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Huế. Bài viết của THS Phan Lê Chung, giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế “Một số nguyên tắc trang trí cơ bản trong trang phục triều Nguyễn- nhìn từ góc độ tạo hình”, thì đúng như tên gọi, đã cho chúng ta một cái nhìn chung về cách thức trang trí, tạo hình trên trang phục của triều Nguyễn, mà ở đây chủ yếu là dạng Triều phục của hoàng đế, đại thần và thành viên hoàng gia.
Trong khi đó, bài viết của nhà tổ chức sự kiện Nguyễn Lan Vy “Xây dựng mô hình kinh doanh show diễn thời trang áo dài Huế” lại nêu lên một cách tiếp cận mới của một nhà kinh doanh đã nhạy bén kịp thời sử dụng áo dài Huế từ một di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch dịch vụ. Mô hình khai thác dịch vụ show diễn áo dài Huế để phục vụ du khách của Công ty VKStar có thể xem là một ví dụ điển hình về sự thành công trong việc khai thác sử dụng thương hiệu Áo dài Huế trong bối cảnh hiện nay.

Một trong những bài viết có dung lượng dài nhất với đầy tâm huyết và công phu là nghiên cứu của TS Võ Vinh Quang “Thường phục ở Đàng Trong thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát- những nét đặc trưng”. Bài viết này đã tham chiếu những nguồn thư tịch phong phú cả ở trong và ngoài nước để giải quyết một cách triệt để vấn đề nguồn gốc của chiếc áo dài ngũ thân truyền thống- Áo dài Huế cùng những đặc trưng của nó, từ đó khẳng định rõ vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát trong việc sáng tạo ra chiếc áo “Trách tụ đoản y” hay chữ Nôm gọi là “Quần chân áo chiết” (hay “Quần chân áo chít”) độc đáo, riêng có của người Việt. Chính sự phù hợp và những ưu thế vượt trội đã khiến chiếc áo dài Huế này nhanh chóng phổ biến ở toàn Đàng Trong, để rồi sau này hoàng đế Minh Mạng đã đưa nó trở thành quốc phục của người Việt Nam.

Và cuối cùng là một bài viết rất hay và cảm động của cố Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Khê về trang phục áo dài truyền thống: “Yêu chiếc áo dài để thêm hiểu mình là ai”. Có thể nói đây là một bài viết chứa chan tình yêu quê hương đất nước, yêu quý, trân trọng và luôn tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua việc sử dụng chiếc áo dài của tác giả, một người đã có thời gian mấy chục năm nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài.
*
Thời Nguyễn (bao gồm cả thời chúa Nguyễn và thời triều Nguyễn) đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Nhiều di sản trong kho tàng ấy đã được các thế hệ người Việt Nam ngày nay kế thừa, tôn vinh và phát huy giá trị một cách xứng đáng, tiêu biểu là các di sản về kiến trúc, lễ nhạc, cổ vật, tài liệu văn hiến… Cho đến nay đã có nhiều di sản thuộc về thời Nguyễn được bảo tồn, khai thác có hiệu quả và tôn vinh ở cấp độ quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như các di sản thế giới do UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc- Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Nhiều cổ vật thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn đã được công nhận là bảo vật quốc gia; thời chúa Nguyễn thì có Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, bia đá thời chúa Nguyễn Phúc Chu, sưu tập vạc đồng thời các chúa Nguyễn; thời Nguyễn thì có bộ Cửu vị thần công, Cửu đỉnh, ngai vàng triều Nguyễn, bia đá lăng vua Tự Đức, Áo tế Giao triều Nguyễn…

Tuy nhiên, với di sản về trang phục truyền thống (chế độ Y quan) thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập dù đây là một di sản quý, có truyền thống lâu đời và được cha ông chúng ta rất tự hào. Vì vậy, việc nghiên cứu, phục hồi và tôn vinh chiếc Áo dài truyền thống Việt Nam, trọng tâm là chiếc áo dài ngũ thân, chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ hiện nay, mà trước hết là tại Cố đô Huế, nơi sản sinh và tỏa sáng của chiếc Áo dài Việt.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai đề án Huế- Kinh đô Áo dài trong đó hai hoạt động trọng tâm là tổ chức Ngày hội Áo dài dự kiến sẽ diễn ra vào trước tết Tân Sửu (2021) để đón chào xuân mới, và nghiên cứu xây dựng hồ sơ về Áo dài truyền thống trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, tiến tới trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hy vọng, cuốn sách này sẽ là một đóng góp có ý nghĩa đối với công cuộc phục hưng chiếc Áo dài truyền thống và xây dựng thương hiệu “Huế- kinh đô Áo dài Việt Nam”.

(Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế biên soạn, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2020. Sách dày 330 trang, in xong ngày 8/10/2020)


Theo Lời nói đầu sách: HUẾ- KINH ĐÔ ÁO DÀI VIỆT NAM

TS Phan Thanh Hải
Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Ảnh: fb Văn Thể Huế

4.3/5 - (6 bình chọn)