Đàn Xã Tắc là một di tích tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, đây là Đàn tế thần Đất và thần Lúa của triều Nguyễn ở Kinh đô. Khu di tích Đàn Xã Tắc nằm ở phía Tây Nam của Kinh thành Huế, cách Hoàng thành khoảng hơn 01km về phía Tây.
Hiện nay toàn bộ diện tích Đàn Xã Tắc nằm trong phạm vi giới hạn bởi 04 con đường: đường Trần Nguyên Hãn (phía Đông Nam), Trần Nguyên Đán (phía Đông Bắc), Nguyễn Cư Trinh (phía Tây Nam), Ngô Thời Nhiệm (phía Tây Bắc). Khu di tích này thuộc địa phận, phường Thuận Hoà, thành phố Huế. Năm 1802, sau khi lên ngôi vua Gia Long đã cho xây dựng Kinh đô Huế với những công trình kiến trúc quan trọng phục vụ cho các nhu cầu cơ bản của bộ máy chính quyền phong kiến. Bộ mặt Kinh khành Huế đã dần dần được hình thành với những khu vực có chức năng riêng biệt. Nhà vua còn chú trọng xây dựng các khu vực thờ cúng tổ tiên và sinh hoạt tín ngưỡng. Khu miếu đàn đã được quy hoạch trong tổng thể kiến trúc Kinh thành Huế ngay từ đầu.
Đàn Xã Tắc đã được nhà vua chọn vị trí để xây dựng theo nguyên tắc: Tả Tổ, Hữu Xã (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) nên Đàn xã Tắc nằm bên phải Hoàng thành. Đàn Xã Tắc là nơi triều đình tổ chức các buổi tế lễ Thần Đất (Xã) và Thần Lúa (Tắc), hai vị thần tiêu biểu nhất trong 05 loại thổ thần và ngũ cốc thần theo tư duy của cư dân của một nước nông nghiệp, trồng lúa nước.
Nguyên tục lập đàn tế thần Xã Tắc vốn có từ lâu đời ở Trung Quốc và đã du nhập vào nước ta từ ngàn năm trước. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã Tắc” như sau: “Thuở xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Với một nước nông nghiệp như nước ta thì tục tế thần Xã Tắc tỏ ra rất phù hợp nên rất được coi trọng.
Năm 1806 Đàn Xã Tắc bắt đầu được xây dựng, do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đàn tế, nên triều đình đã huy động các dinh, trấn khắp cả nước mỗi nơi đưa một ít đất sạch lấy ở địa phương mình, dùng thuyền chở về Kinh đô để đắp đàn….Với việc làm này, triều đình nhà Nguyễn vừa tạo được ý nghĩa linh thiêng cho đàn Xã Tắc, đồng thời khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của một nước Việt Nam thống nhất , giang sơn xã tắc từ đây quy về một mối.
Đàn Xã Tắc quay mặt về hướng Bắc, với quy mô tương đối lớn, gồm 02 tầng, hình vuông. Tầng thứ nhất cao 1,6m , mỗi cạnh dài 30m mặt nền tô năm màu dựa theo Kinh Dịch“ Ngũ Phương, Ngũ Hành”. Trung tâm là màu vàng, hướng Đông màu xanh, hướng Tây màu trắng, hướng Nam màu đỏ, hướng Bắc màu đen. Chính giữa tầng này có 32 chân táng để cắm tàn lọng. Chung quanh tầng này đều có hệ thống bậc cấp để lên xuống Đàn. Mặt phía Bắc có 11 bậc; các mặt ở phía Đông, Tây, Nam đều có 07 bậc. Tầng thứ hai cao 1,2m, dài mỗi cạnh 70m. Mặt trước nền lát gạch có 02 chân táng để cắm tàn; bốn bên đều có hệ thống bậc cấp, mỗi mặt có 05 bậc làm bằng đá. Cả 02 tầng Đàn chung quanh đều có dựng lan can nữ tường bằng gạch. Mỗi lần tế lễ đều cho quét vôi lại đàn tế, tầng thứ nhất tô màu vàng, tầng thứ hai tô màu đỏ.
Tầng trên đặt án thờ thần Đại Xã và Đại Tắc ở chính giữa; án thờ thần Hậu Thổ, Càn Long thị và Hậu Tắc thị phối thờ ở hai bên. Ở phía Nam của tổng thể kiến trúc Đàn Xã Tắc còn có một bức bình phong hậu được xây bằng gạch vồ có cấu trúc đơn giản, không trang trí. Trong phạm vi di tích Đàn Xã Tắc, cho đến hiện nay vẫn còn một tấm lớn bằng đá Thanh cao 1,29m, rộng 0,74m, dày 0,29m, được chạm khắc đơn giản, trong lòng bia khắc 04 chữ đại tự “Thái Xã chi thần”. Mặt trước của Đàn có hồ nước tương đối lớn, dài 182m, rộng 80m, chu vi 524m, diện tích 14.560m2.
Xung quanh hồ được đắp bờ khá cao, kè đá tổ ong và đá gan gà, trên có lan can bằng gạch. Khuôn viên đàn Xã Tắc ngày xưa còn có một vòng tường gạch hình chữ nhật cao 1,2m, chiều Bắc – Nam hơn 160m, chiều Đông – Tây hơn 200m. Mặt Bắc tường trổ 03 cửa phường môn, các mặt còn lại chỉ trổ một cửa. Triều đình còn cho trồng nhiều cây để tạo bóng mát và cảnh quan, trong đó chủ yếu là cây cây mù u.
Lễ tế ở đàn Xã Tắc được tổ chức hàng năm hai lần vào ngày mậu của tháng trọng Xuân và tháng trọng Thu (tức tháng hai và tháng tám âm lịch). Thời Nguyễn chia việc thờ cúng làm 03 bậc: Đại tự, Trung tự và Quần tự. Lễ tế Xã Tắc được xếp vào hàng Đại tự đứng sau lễ tế Nam Giao và tế Miếu. Năm Gia Long thứ 8 (1809) quy định cứ 03 năm tế Đàn một lần. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều từng tham dự lễ tế quan trọng này. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Đàn Xã Tắc hoang phế dần. Trước năm 1975, Đàn Xã Tắc được làm khu gia binh, sau này là khu tập thể Xã Tắc với hàng chục dãy nhà của các hộ dân sinh sống. Hiện nay Trung tâm BTDT CĐ Huế đã nỗ lực khôi phục diện mạo của Đàn Xã Tắc để bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần của di tích này trong cuộc sống đương đại, góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Huế một cách phong phú và toàn diện hơn.
Bắt đầu từ năm 2008, lễ tế Xã Tắc được phục dựng và tổ chức lễ tế hàng năm. Việc phục dựng lễ tế Xã Tắc không chỉ bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống mà còn là sự tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đàn Xã Tắc là một trong những công trình kiến trúc quan trọng, có niên đại từ đầu thời Nguyễn, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng,tôn giáo của một nhà nước quân chủ phong kiến.
Cùng với đàn Nam Giao là di tích đàn tế trời, đàn Xã Tắc là đàn tế Thần đất và Thần lúa, hiếm hoi còn tồn tại ở Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á. Cũng như các công trình kiến trúc nổi tiếng khác ở Huế như: Ngọ Môn, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, Văn Thánh, Võ Thánh… đối với người dân Huế Đàn Xã Tắc có ý nghĩa lớn về mặt tâm linh và tiềm thức. Thể hiện qua câu câu ca dao: “Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u”.
Hiện nay di tích kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cung đình này đã trở thành một công trình tín ngưỡng của nhân dân. Hằng năm Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều tổ chức phục dựng lễ tế Xã Tắc, lãnh đạo tỉnh, thành phố và đông đảo quần chúng nhân dân địa phương đến tế lễ. Dâng hương cầu nguyện: Đất nước thái bình, nhân dân an lạc, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu.
Khám Phá Di Sản tổng hợp