Cho đến ngày nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều công trình lăng tẩm của các vua triều Nguyễn được UNESCO công nhận là những di sản của thế giới. Đóng góp vào kho tàng mỹ thuật chung của nhân loại với nghệ thuật kiến trúc độc đáo là các công trình lăng tẩm mang nhiều phong cách khác nhau thể hiện tính cách của bậc đế vương. Trong điều kiện lịch sử đầy biến động nên 13 vua chỉ có 8 vua là có lăng tẩm.
Khải Định lên ngôi năm 31 tuổi, và sau nhiều năm nghiên cứu phong thủy tìm ra khu đất đẹp để sau này thác về, cuối cùng khi ở tuổi 36, ông bắt đầu cho xây dựng lăng tẩm cho mình. Công cuộc xây dựng lăng này đang dang dở thì năm 41 tuổi nhà vua băng hà và việc xây lăng được cựu hoàng Bảo Đại – người con trai duy nhất của Khải Định tiếp tục hoàn thành. Vậy là việc xây lăng cho Vua Khải Định được kéo dài qua hai đời vua cha và con (1920-1931).
Và, hiện nay trong số những kiến trúc lăng tẩm đầy bí ẩn đó thì Lăng vua Khải Định (vị vua thứ 12 của triều Nguyễn – một ông vua đầy bia miệng và thị phi) so với các công trình lăng tẩm khác còn khá nguyên vẹn và có kiến trúc thật sự khác biệt. Cho đến nay, Lăng Khải Định vẫn còn vô số câu hỏi bí ẩn với các nhà nghiên cứu khoa học chưa có lời giải đáp.
Gọi là 8 lăng của 8 trong 13 đời vua nhưng thực chất trải qua biến thiên của thời gian, cho đến hôm nay chỉ còn lại 6 lăng. Trong 6 lăng hay được nhắc đến là Lăng Gia Long, Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức thì lăng của Vua Khải Định được xây dựng tốn nhiều công sức và tiền của nhất, và thời gian để xây dựng cũng lâu nhất, kéo dài 11 năm trong một khu quần thể chưa đến 1 hecta (chiếm diện tích khiêm tốn so với các đời vua trước).
Vua Khải Định có 12 bà vợ nhưng chỉ duy nhất một người có con với ông, mà cái sự có con này cũng không hoàn toàn chính thức. Khải Định có con khi chưa lên ngôi vua, khi đó ông đang giữ chức Phụng Hóa Công, và nhiều tiếng đồn thổi thị phi về cái chuyện bất lực và tính khí kỳ dị khó hiểu của ông hoàng này.
Ngay cả cho đến giờ những bức ảnh chụp lại Vua Khải Định được treo tại điện Thiên Định, ông vua một thời dáng hình mảnh khảnh, khuôn mặt nhỏ nhắn, trang điểm cầu kỳ, thoa son bôi phấn, áo quần diêm dúa, tay đeo 6 cái nhẫn, đầu đội nón lá.
Những lời đồn đại thị phi không phải là không có căn cứ, sách sử chép lại rằng, Vua Khải Định không có cảm giác với đàn bà con gái. Mặc dù ở ngôi cao nhất, dưới ông là trăm cung tần mỹ nữ xinh tươi, lá ngọc cành vàng, nhưng ông cũng ơ hờ, đến độ khi ông đi qua người phụ nữ nào ông cũng kéo hai vạt áo lên để không chạm vào người họ. Vì ở ngôi bậc đế vương nên các quan thần trong triều đình ai cũng muốn gửi con gái của mình cho ông để kiếm chút bổng lộc, ơn mưa móc vua ban.
Vua Khải Định nể nang mà nhận vào làm phi tần. Mang tiếng hầu hạ vua nhưng thực chất những giai nhân tài sắc, xinh đẹp mỹ miều lại chịu cảnh chăn đơn gối chiếc, phòng không lạnh lùng. Nhà vua chỉ sủng ái một người duy nhất, là Nguyễn Đắc Vọng – một thị vệ trong cung.
Sử sách cũng chép lại rằng, trong cung nhiều cung tần mỹ nữ như vậy nhưng đêm đêm Khải Định lại ôm ông Vọng ngủ. Dưới thời Khải Định xảy ra một chuyện, trong triều đình bao giờ cũng có đội ca nương đàn hát nhưng nhà vua chỉ một mực cho đuổi hết đàn bà con gái mà chỉ thích ngắm nhìn trai giả gái, đánh phấn thoa son, dáng hình ẻo lả, và nhà vua thường bông đùa, hưng phấn với đám người này.
Có lẽ với tính cách có phần bất thường đó mà lăng Vua Khải Định cũng nhuốm màu “kỳ dị” như tính cách của ông chăng?! Khác với lăng của Vua Minh Mạng mang dáng vẻ oai nghiêm, hùng vĩ, tráng lệ. Khác với lăng của Tự Đức mang bầu không khí gần gũi thiên nhiên, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Lăng Khải Định khi mới hoàn thành được người đời ví như cái lồng sơn son thiếp vàng vô cùng sặc sỡ.
Nhưng không ngờ ngày nay những nhà hội họa nghiên cứu mỹ thuật lại phải “ngả mũ cúi chào” trước những tinh hoa kiến trúc điêu khắc đạt đến tinh xảo về đường nét, hài hòa về bố cục để xây nên một lăng tẩm tráng lệ và tuyệt tác của những bàn tay nghệ nhân vàng có một không hai.
Trước lăng là một ngọn núi, yếu tố tiền án che chắn trước mặt lăng. Bên phải có núi Kim Sơn có chức năng tả Thanh Long và hữu Bạch Hổ. Có nghĩa là rồng xanh, hổ trắng để vào khu vực lăng. Ngay trước mặt lăng còn có một khe nước gọi là khe Châu Ê, làm yếu tố minh đường. Sau lăng là núi làm yếu tố hậu chẩn.
Trong quần thể lăng tẩm thì lăng Khải Định được xây dựng bằng vật liệu xây dựng là ximăng sắt thép còn những lăng khác thì xây dựng bằng gạch vôi vữa. Có hai nhà dành cho quan văn quan võ, nhưng khi chưa xây dựng xong thì nhà vua đã qua đời. Người con trai duy nhất của Vua Khải Định là Nguyễn Vĩnh Thụy lên ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại tiếp tục xây dựng. Đây là công trình xây dựng lâu nhất, là công trình xây dựng cuối cùng của triều Nguyễn. Sân chầu tượng quan văn quan võ, voi ngựa chầu nhà vua nhưng tượng này không phải làm bằng đá như các lăng khác mà làm bằng xi măng giả đá.
Nói về phong thủy quả là vùng đất lý tưởng để xây lăng. Lăng có độ dốc cao, từ dưới đường đến điện chính của lăng có 127 bậc cấp. Khải Định là ông vua rất sính ngoại, ông thích những nét đẹp hiện đại của văn hóa phương Tây nên kiến trúc lăng kết hợp giữa Âu và Á, giữa cổ điển và hiện đại, người ta bảo lăng có lối kiến trúc đông tây kim cổ giao hòa.
Bia Khải Đức Thần Công thường do người con viết về công đức của cha mình. Nhưng bài văn bia ở đây lại được viết bằng chữ Hán, mà Vua Bảo Đại lại không giỏi chữ Hán bằng chữ Pháp, vì từ nhỏ Bảo Đại được vua cha gửi sang Pháp học, nên bài văn này không phải chính tay Bảo Đại viết mà do một ông quan cận thần viết. Bài văn bia kể lại tất cả các công trình kiến trúc được xây dựng dưới quần thể lăng này, sau đấy Vua Bảo Đại nêu lên tính cách và cuộc đời của vua cha.
Có một điều đặc biệt Lăng Khải Định khác với nhiều lăng của các vị vua triều trước, đó là, đối với các lăng của vua triều Nguyễn, thi hài nhà vua nằm ở đâu đó trong lăng rất khó để xác định, nhưng riêng Lăng Khải Định được định vị rõ ràng. Do tình hình lịch sử biến động khi Khải Định lên ngôi vua, triều đình bị người Pháp thao túng. Nhất cử nhất động của nhà vua đều có ánh mắt của quan thầy Pháp dõi theo, cũng chính vì thế mà đám tang của Vua Khải Định có nhiều người nước ngoài đưa tiễn và vì thế thi hài của nhà vua chôn ở đâu không còn là một điều bí mật như các vua đời trước.
Quần thể lăng hoàn thành cách đây 83 năm, cho đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Nét đặc sắc của lăng và giá trị nghệ thuật nhất là cung Thiên Định, nơi chôn cất thi hài của Vua Khải Định. Các món sành sứ, đá từ Trung Quốc và Nhật Bản đem về được các nghệ nhân ghép thành rất nhiều bức tranh. Nét đặc sắc của cung Thiên Định là trên ba tầng nhà, bức “Cửu long ẩn vân” – 9 con rồng ẩn trong mây. Ba bức tranh này do họa sĩ rất nổi tiếng là Phan Văn Tánh vẽ. Có giai thoại kể rằng: Lăng được xây từ khi nhà vua còn sống.
Có một bức bình phong xây bằng xi măng cốt thép, ở ngoài khảm sành sứ, ngọc, đá. Người ta đào một đường hầm ở dưới lòng đất từ bức bình phong đến điện chính của lăng (nơi chôn cất nhà vua) là 30m. Sau khi nhà vua băng hà, quan tài của vua được đưa vào bằng đường hầm ở dưới, sau đó người ta bịt kín đường hầm. Trong các đời vua, duy nhất chỉ có Lăng Khải Định mới xác định được rõ ràng ví trị quan tài của nhà vua.
Có một lần Vua Khải Định đến để xem tranh thì thấy ông Phan Văn Tánh vẽ rồng lên những bức tranh, tuy nhiên ông dùng chân để vẽ chứ không dùng tay để vẽ. Khi nhà vua đến, mọi người đều dừng làm việc xuống nghênh tiếp nhà vua, riêng ông Phan Văn Tánh vẫn cứ mê mải vẽ trên trần nhà. Khải Định nghĩ rằng ông này đã không coi trọng nhà vua, và ngay cả con rồng thể hiện uy quyền sức mạnh của nhà vua mà ông lại dùng chân để vẽ. Nhà vua tức giận cho gọi Phan Văn Tánh xuống để hỏi tội.
Khi tụt xuống đất, ông Tánh giải thích với nhà vua: “Sở dĩ hạ thần không xuống nghênh tiếp nhà vua vì mất rất nhiều thời gian mà công trình sẽ không hoàn thành như nhà vua đã đưa ra. Còn lý do thứ hai hạ thần phải vẽ bằng chân vì nếu vẽ những bức tranh trên trần nhà bằng tay thì khoảng cách từ tay đến mắt rất gần, mà muốn nhìn độ đậm nhạt một cách hoàn hảo của một bức tranh có quy mô lớn như vậy thì phải vẽ bằng chân. Phải nhìn từ xa mới thấy rõ. Sau khi nghe người thợ đưa ra những lý do như vậy, mặc dù giận nhưng nhà vua không còn lý do gì để trách, Khải Định quay lại bảo với ông Tánh: “Nếu như Việt Nam này có hai Phan Văn Tánh như nhà ngươi thì ta sẽ chặt đầu nhà ngươi”.
Ba bức tranh trên ba tầng nhà từ xưa đến giờ chưa một lần nào được tô sửa lại cả nhưng vẫn nguyên như mới. Tuy nhiên, ở đây có một điều đặc biệt hơn là dù lăng xây dựng đã hơn 80 năm nhưng không hề có nhện bám trên ba tầng nhà nơi có bức vẽ “Cửu long ẩn vân”. Mặc dù chung quanh điện có rất nhiều mạng nhện. Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa lý giải được lý do tại sao? Ngay cả màu sắc của bức tranh này, hay ngày xưa ông Phan Văn Tánh đã sử dụng loại thuốc gì trên nước sơn mà trên ba trần nhà không có nhện bám? Hiện nay, công trình hội họa này vẫn là sự ngạc nhiên cho những nhà nghiên cứu mỹ thuật và họ vẫn chưa tìm được lời giải đáp.
Trong cung Thiên Định có hai bức tượng Vua Khải Định. Một bức đúc tại Việt Nam vua mặc đồ binh sĩ Pháp. Một bức vua mặc long bào đúc tại Pháp. Bức tượng Vua Khải Định, được đúc khi nhà vua sang Pháp. Tượng vua được đúc bằng đồng do hai nghệ nhân người Pháp thực hiện và đưa về Việt Nam bằng tàu thủy và nghệ nhân Huế dát vàng mười. Muốn dát vàng phải trải qua 42 công đoạn. Bức tượng được hoàn thành vào năm 1920, tỉ lệ 1/1.
Khi hoàn thành bức tượng, người Pháp đã nhận xét: “Người vua gầy, cao tầm thước, khuôn mặt vua hơi gầy dài vàng, nhìn không có sức sống, nên khi vua ngồi trên ngai vàng thấy ngài lọt thỏm”.
Hiện nay dưới chỗ đặt bức tượng sâu 9m là nơi chôn cất thi hài của nhà vua. Một điều đặc biệt là trên ngai vàng của nhà vua có một lọng che được làm bằng xi măng cốt thép trọng lượng trên 1 tấn nhưng trông rất mềm mại, có cảm giác như những cơn gió thổi có thể làm lọng che khẽ khàng lay động. Người thiết kế cũng chính là ông Phan Văn Tánh, người vẽ bức “Cửu long ẩn vân”.
Những người trông coi di tích lăng tẩm Vua Khải Định kể lại rằng: Từ khi mất đi cho đến nay ông chưa bao giờ nhận được một nén nhang từ con và cháu của mình