Thuyết minh là một biểu hiện đặc sắc và đỉnh cao của nghề hướng dẫn du lịch. Hướng dẫn viên luôn tìm cách thuyết minh thật hay, thu hút và hấp dẫn người nghe để chinh phục ánh mắt, đôi tai và cả trái tim du khách. Ngay từ trên ghế nhà trường, ngay trong những chuyến đi thực tế, sinh viên ngành du lịch cần tập và rèn khả năng thuyết minh. Bởi lẽ, không thể một ngày một bữa mà có thể thuyết minh hay được. Đó là cả một quá trình lâu dài, tích lũy kinh nghiệm và nó là thành quả của lao động, sáng tạo của người làm du lịch.

Muốn làm được những điều ấy, có bài thuyết minh hay, thành công thì hướng dẫn viên du lịch cần chú ý những điều sau đây:

Chuẩn bị một nội dung thuyết minh

Nội dung chính là cái hồn của bài thuyết minh, yêu cầu về nội dung rất cao vì ngày nay chỉ cần kéo smartphone, du khách có thể tìm kiếm và kiểm tra thông tin bất cứ khi nào. Nên thông tin cung cấp phải chính xác và mang tính khoa học. Hướng dẫn viên cần sưu tầm những những mẫu chuyện hay, những thông tin lý thú để sắp đặt và đưa vào bài thuyết minh. Tài liệu tham khảo vì thế không chỉ đơn giản từ sách vở chính thống của nhà trường, của thư viện mà từ nhiều nguồn khác nhau như tư liệu xưa lượm lặt được, nguồn truyền miệng, nguồn dã sử.

Đã có “nguyên liệu” kiến thức, hướng dẫn viên phải khéo léo sắp xếp, “nêm nếm” theo sự sáng tạo của mình để làm thành một bố cục mang bản sắc và ý đồ thuyết minh của mình.

Trong nội dung nhiều bài thuyết minh, hướng dẫn viên cần chú ý đưa vào thơ ca, nhạc họa để làm mềm mại nội dung và có cơ hội đi nhanh, đi sâu vào lòng người nghe.

Chuẩn bị hình thức thuyết minh

Cùng một nội dung đã soạn sẵn nhưng sẽ rất khác nhau khi thể hiện ra với những con người khác nhau. Hình thức thuyết minh có thể nâng cao hoặc hạ thấp giá trị và hiệu quả của một bài thuyết minh. Hình thức thuyết minh gồm hai yếu tố là giọng điệu thuyết minh và ngôn ngữ hình thể thuyết minh.

Giọng điệu thuyết minh: đây là yếu tố có phần mang tính “trời cho” mỗi người. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể khắc phục những khiếm khuyết và phát huy những lợi thế ở giọng điệu. Giọng điệu góp phần cực kì quan trọng trong việc truyền tải nội dung và đạt dụng ý của hướng dẫn viên. Thuyết minh về chuyện vui, chuyện buồn, chuyên đau thương, chuyện căm giận, chuyện tự hào, chuyện phiếm phàm, . . . sẽ có giọng điệu khác nhau cho phù hợp. Âm lượng, tốc độ nhanh chậm khi nói sẽ tác động trực tiếp và vô cùng hiệu quả cho người nghe.

Ngôn ngữ hình thể gồm có cả thân người, nét mặt, ánh mắt và đôi tay. Ngôn ngữ hình thể là phương tiện giúp truyền tải thông điệp ngôn ngữ nói tốt hơn và tạo ra những hiệu ứng tức thời với du khách. Du khách ngoài nghe còn có nhìn. Nghe hay, nhìn đẹp tức là thưởng thức trọn vẹn “tác phẩm” thuyết minh của hướng dẫn viên. Trong đó, ngôn ngữ ánh mắt và đôi tay là quan trọng nhất. Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, ánh mắt luôn là phương tiện để trao đổi liên tục với du khách. Du khách có thể hiểu hướng dẫn viên và ngược lại. Ánh mắt nếu được sử dụng tốt sẽ làm tăng đáng kể “ép phê” của bài thuyết minh đến du khách.

Đôi tay là ngôn ngữ hình thể quan trọng thứ hai bởi lẽ tay là bộ phận có thể vươn xa nhất về phía du khách dù chỉ khoảng chừng nửa mét. Nhưng với người nghe thì nó làm cho họ cảm thấy người nói “chuyền” lời nói đến gần hơn và trân trọng hơn. Cả tay và mắt đều quan trọng nên cần được sử dụng đồng thời và phối hợp nhịp nhàng. Không ai có thể làm tốt ngay được ở những lần đầu tiên nhưng tập dần, tập dần để đến một lúc tất cả trở thành những phản xạ tự nhiên và chúng giúp phát huy tối đa hiệu quả của bài thuyết minh.

Yếu tố khách quan tác động

Những điều bên trên là yếu tố chủ quan của một bài thuyết minh hay. Thuyết minh hay vẫn còn phải chịu tác động của những yếu tố khách quan. Nhiều trường hợp, yếu tố khách quan trở nên quan trọng, nó có thể giúp nâng lên hay hạ xuống chất lượng của thuyết minh. Những yếu tố khách quan đó là:

Không gian và thời gian: hướng dẫn viên khi thể hiện bài thuyết minh phải tính đến yếu tố này, có một không gian và thời gian lý tưởng phù hợp sẽ rất tuyệt vời. Ví dụ: Tour miền trung, hướng dẫn viên chọn thuyết minh bài thơ “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan) nên lựa vào buổi chiều tà khi xe đi trên đường Trường Sơn nơi có những đồi sim tím.

Tâm lý du khách: hướng dẫn bao giờ cũng phải thăm dò bằng những biện pháp nghiệp vụ và bằng kinh nghiệm để biết được khách của mình đang như thế nào mà thuyết minh cho tốt. Một bài thuyết minh có nội dung hay, hấp dẫn, không gian và thời gian ủng hộ nhưng du khách đang trong trạng thái không sẵn sàng lắng nghe (đói, mệt, . . .) thì khi thể hiện ra sẽ không thu được hiệu quả.

Tóm lại, thuyết minh không đơn giản nói cho du khách nghe mà còn làm sao cho du khách cảm nhận trọn vẹn nội dung và ý nghĩa mà hướng dẫn viên mong muốn truyền tải. Bài thuyết minh vì thế không đơn gian là một bài thuyết trình bình thường mà hướng dẫn viên phải nâng niu và xem nó như là một tác phẩm nghệ thuật của mình. Mỗi bài thuyết minh là một tác phẩm. Mỗi hướng dẫn viên phải có nhiều tác phẩm. Các tác phẩm ấy không giữ nguyên vẹn mà cần có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp theo đối tượng khách.

Hướng dẫn viên cần có trách nhiệm sâu sắc với bản thân, với du khách, với ngành và với đất nước. Những bài thuyết minh hay về lịch sử, văn hóa dân tộc cụ thể hóa những trách nhiệm ấy. Hãy trân trọng nghề, xã hội sẽ thừa nhận và trân trọng lại mình.

Rate this post