“Tứ bất tử” là một huyền thoại về việc nhân dân ta tôn vinh và thờ phụng “bốn vị thánh không bao giờ chết” (Tứ bất tử). Việc phụng thờ Tứ bất tử là một tín ngưỡng thuần túy Việt Nam, kết tinh từ những truyền thuyết đẹp đẽ và là một bộ phận không thể tách rời trong di sản tôn giáo và tinh thần của đất nước.

Trong tư duy của người Việt, con số bốn mang tính ước lệ và có ý nghĩa lớn. Tứ (bốn) là một hằng số được dùng để khái quát về một phạm trù nào đó. Ví dụ: Tứ trấn, An Nam tứ đại tài, Tràng An tứ hổ, Sơn Tây tứ quý, Mỗ-La-Canh-Cót tứ danh hương… Có thể thấy rằng, mọi cơ cấu giá trị vật chất tinh thần nhiều khi được bắt đầu bằng “bộ tứ”. Việc chọn lấy 4 trong toàn thể của một tập hợp là chọn lấy những gì tiêu biểu nhất, độc đáo nhất và có tính thời đại. Tứ bất tử cũng là một tập hợp như vậy.

Tứ bất tử của Việt Nam gồm: Thánh Tản Viên (Thánh Tản), Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Bà Chúa Liễu).

Thánh Tản Viên biểu hiện ước vọng chiến thắng thiên tai, lũ lụt

Truyền thuyết đồng bằng Bắc bộ kể rằng, Thánh Tản vốn là một nông dân dũng cảm, nhân hậu, thiên phú hùng tài, trở thành Sơn thần, thủ lĩnh của muôn loài, gọi là Sơn Tinh, thường dạy dân làm ruộng, săn bắn, kéo vó, luyện võ và mở hội. Đối lập với Sơn Tinh là Thủy Tinh, vị thần cai quản các loài thủy tộc thường dâng nước tràn lên phá hoại mùa màng, cầm thú, làm hại dân lành. Hùng Vương – vị vua của các bộ lạc Việt, mở cuộc thi tài kén rể cho công chúa Mỵ Nương. Sơn Tinh thắng, được Vua Hùng gả con gái. Thủy Tinh thua, đem hận dâng nước lũ và xua thủy quái đánh phá. Sơn Tinh cùng thần dân và các loài vật trên đất liền chống chọi quyết liệt. Nước càng dâng thì núi lại càng cao. Thủy Tinh bại trận.

Cuộc chiến đấu chống Thủy Tinh của Sơn Tinh và muôn loài phản ánh lịch sử tự nhiên của một đất nước lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, quanh năm chống chọi thiên tai địch họa. Thờ Thánh Tản là tôn thờ và tin cậy vào sức mạnh thiêng liêng, vào đức nhân nghĩa, tin vào nỗ lực sinh tồn của con người.

Tương truyền, Tản Viên Sơn Thánh ngự trên đỉnh Ba Vì, nơi tập trung tất cả hào khí thiêng liêng của lãnh thổ ngày một mở rộng xuống đồng bằng lầy trũng phía nam. Thánh Tản rất linh ứng. Thánh đã từ trên mây phá trận của Cao Biền khi tên này muốn dùng mẹo yểm, khiến Cao Biền phải kinh hãi mà thốt lên “Linh khí nước Nam còn thịnh vượng lắm, không tài nào mà trừ được”. Rồi sau này quan Hàn lâm Nguyễn Sĩ Cố thời Trần đi dẹp giặc, khi qua đền Và, thờ Đức Thánh Tản đã dâng lễ cầu và đề lại một bài thơ:

“Non ngất, thần thiêng lẫm liệt thay

Động lòng đã thấu tới cao dày

Mỵ nương cũng hiển oai linh tâm

Xin giúp thư sinh một chuyến này”.

Cũng theo truyền thuyết, khi cuộc sống thanh bình, Tản Viên cùng Mỵ Nương đi chu du khắp nơi tiếp tục dạy dân làm ăn sinh sống như: khai phá ruộng vườn, trồng lúa và hoa mầu, săn bắt thú rừng, bắt cá dưới sông suối, dệt vải lụa, mở hội mùa để vui chơi, nhảy múa, ăn uống chúc tụng… Nên trong dân gian còn tôn vinh Tản Viên và Mỵ Nương là Thánh sư, là Bách nghệ tổ sư của nước ta.

Tục lệ thờ Đức Thánh Tản có từ rất lâu. Khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng, nay thuộc Ba Vì, Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Cứ ba năm một lần, vào 15 tháng giêng Âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội lớn, với hàng vạn người tham dự. Lễ hội gồm nhiều hoạt động như rước bài vị Thánh Tản, đánh cá sông (99 con) làm gỏi dâng tế, lễ rước Thánh bà Mỵ Nương, múa gà, đấu cờ, hát đúm…

Ngoài đền thờ chính ở núi Ba Vì, Tản Viên Sơn Thánh được thờ cúng ở nhiều nơi nhất là ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình…

Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – biểu tượng của khát vọng tự giải phóng

Sự tích kể rằng Bà Chúa Liễu nguyên là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì tinh nghịch làm mẻ một chiếc chén ngọc mà bị đày xuống trần, rồi được Phật Tổ cứu giải và cho đầu thai làm con gái họ Lê ở Phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định. Bà là người công dung ngôn hạnh, được hiển thánh trở thành một vị thần linh thiêng, chuyên phù trợ người lành, đặc biệt là phụ nữ, trẻ thơ, đồng thời thẳng tay trừng trị kẻ ác. Dân nhớ ơn công đức của Bà, lập đền thờ ở nhiều địa phương khác nhau. Bà được tôn thờ là “Thánh Mẫu linh thiêng – Mẹ của muôn dân.” Thờ Bà Chúa Liễu thể hiện niềm tôn kính người Mẹ vĩ đại, quyền năng và đức độ vô lượng.

Chắc chắn bạn chưa biết, và không tin là nó tồn tại: Cẩm nang & kinh nghiệm du lịch Thái Lan dành cho những bạn du lịch Thái Lan tự túc hoặc tham khảo thông tin trước khi đi du lịch.

Tương truyền, sẵn có phép mầu biến hóa, Bà Chúa Liễu Hạnh từng vân du khắp mọi nơi, trêu ghẹo người này, gia ơn cho kẻ khác; Bà đã trừng trị một hoàng tử ve vãn nàng ở quán nước Đèo Ngang, đã tặng nhà vua một đôi giày khi vua ghé qua quê của Bà ở Vụ Bản; Bà cũng đã hai lần hóa phép để đàm đạo văn chương với danh sĩ Phùng Khắc Khoan (tức Trạng Bùng) ở Lạng Sơn, rồi Tây Hồ (Hà Nội)…và còn rất nhiều huyền thoại về bà gắn với những danh nhân, địa danh cụ thể của đất nước.

Trong tiềm thức của nhân dân, Bà Chúa Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng của khát vọng tự giải phóng, nhất là phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng của hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam đã được ký thác niềm tin vào biểu tượng người mẹ.

Ở Phủ Giầy, quê hương của Bà, một quần thể kiến trúc được xây dựng để thờ cúng. Từ ngày mùng 1 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội Phủ Giầy nổi tiếng với hàng vạn người tham dự. Ngoài ra, tại Phủ Sòng, Thanh Hóa, có đền Sòng thờ Bà. Lễ chính ở đây được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Tại Hà Nội có Phủ Tây Hồ – nơi được tương truyền diễn ra cuộc gặp gỡ đàm đạo văn chương giữa Bà Chúa Liễu Hạnh với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, cũng thờ phụng Bà.

Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Liễu Hạnh là một trong Tứ bất tử, là vị thánh của tín ngưỡng Tứ phủ, mà bản chất của nó là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có nguồn cội lâu đời và độc đáo của Việt Nam. Trong điện thần tín ngưỡng Tứ phủ, Tứ vị Thánh Mẫu chiếm vị trí cao nhất và linh thiêng nhất; Mẫu Thiên (Tiên Thiên Thánh Mẫu), Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn, trong đó Liễu Hạnh là một nhân thần, đồng nhất với Mẫu Địa, hiển linh thành cô gái sống giữa chốn trần gian, linh thiêng nhất và cũng được người đời ngưỡng mộ, cầu xin và thờ phụng thậm chí hơn cả các Mẫu thiên thần khác.

Những sự tích và huyền thoại về các vị thần linh mà tập trung nhất trong bốn vị thần linh bất tử kể trên, đã thâu tóm lịch sử cụ thể và hiện thực thành một thứ lịch sử mang đầy tính thi hứng và thẩm mỹ, vang lên như một bản trường ca được truyền tụng và vang vọng mãi tới mai sau. Sự tích về bốn vị thánh bất tử không do một ai sáng tác. Bốn vị thánh bất tử, độ trì bốn lĩnh vực cốt yếu trong đời sống người dân Việt đã, đang và mãi mãi được tôn thờ. Đó là một nét độc đáo trong tín ngưỡng của người Việt.

Chử Đồng Tử tượng trưng cho tình yêu

Chử Đồng Tử sinh ra ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Chử Đồng Tử sống bằng nghề đánh cá, nghèo đến nỗi không có một mảnh khố che thân. Một hôm, tình cờ thấy thuyền công chúa Tiên Dung – con Vua Hùng đi qua, chàng buộc phải giấu mình trong cát. Nào ngờ, công chúa lại sai người quây màn tắm ngay chỗ trú thân của chàng. Nhờ duyên trời định, Tiên Dung mang lòng yêu và muốn cưới chàng trai nghèo khó. Vua Hùng không thuận, toan bắt trị tội. Chử Đồng Tử và Tiên Dung phải ở lại trong dân, làm mọi nghề sinh sống, rồi đi buôn, gặp kỳ nhân trên Biển Đông truyền dạy tu hành Phật pháp. Hai người đắc đạo thành tiên và bay về trời trở thành Thánh. Tương truyền, vị thánh họ Chử thần thông quảng đại, luôn hiện thân ở chốn trần ai, cứu nhân độ thế, dạy dân buôn bán, chài lưới, nuôi tằm dệt vải, đem lại cuộc sống đủ đầy.

Sau khi đã về trời, tương truyền Chử Đổng Tử còn nhiều lần hiển linh cứu giúp đất nước chống giặc ngoại xâm. Thế kỷ thứ VI, Triệu Quang Phục tới vùng đầm lầy Nhất Dạ làm căn cứ chống lại quân xâm lược nhà Lương. Chử Đổng Tử đã hiển linh trao cho Triệu Việt Vương chiếc móng rồng để gắn vào chóp mũ, từ đó Triệu Quang Phục có thêm sức mạnh, uy tín, đánh bật đối thủ, chặt đầu Dương Sằn, đuổi quân thù bỏ chạy toán loạn.

Khi quân xâm lược nhà Minh sang xâm lược tiêu diệt nhà Hồ, chiếm đóng nước ta, Nguyễn Trãi quyết đi tìm minh chủ mưu đồ giải phóng đất nước. Ông đã đến cầu mộng ở đền thờ Chử Đổng Tử và được thần báo mộng vào Lam Sơn phò giúp Lê Lợi chống giặc Minh làm nên nghiệp lớn.

Với tấm lòng biết ơn, tri ân Chử Đồng Tử nhân dân tôn thờ Ngài như ông tổ của Đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ). Đền thờ của Ngài được nhân dân lập tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hàng năm tế lễ cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh. Lễ hội chính mở vào trung tuần tháng 2 âm lịch với các hoạt động dân gian đặc sắc như múa rồng, hát, đấu cờ người…

Chử Đồng Tử đi vào tâm thức dân gian không chỉ là người con hiếu thảo, nhân ái, mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển cộng đồng: mở mang khai phá đồng bằng trũng lầy thành cánh đồng tốt tươi, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và phát triển các ngành nghề khác, đặc biệt nghề buôn bán. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã mở một hướng mới cho sự phát triển dân tộc, tạo nên sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài.

Thánh Gióng kết tinh ý chí chống giặc ngoại xâm

Thánh Gióng – vị thánh bất tử – là bản hùng ca thần thoại về sức mạnh vĩ đại của dân tộc trước giặc ngoại xâm. Sinh ra trong một gia đình nông dân, đứa trẻ lên 3 tuổi không biết nói cười, sống trong tình thương của mẹ và bà con ở làng Gióng, ven sông Đuống (nay là làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội). Rồi giặc Ân hung dữ từ phương Bắc tràn tới. Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, đứa trẻ 3 tuổi bỗng cất tiếng đòi đi đánh giặc và vươn mình biến thành một tráng sĩ đầy sức mạnh, cầm roi sắt, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt hí ra lửa, dũng mãnh xông trận. Roi sắt gãy thì nhổ tre đằng ngà làm vũ khí diệt giặc. Lúc thắng trận, quê hương được thái bình, vị anh hùng cởi bỏ giáp trụ, không màng vinh hoa phú quý, lặng lẽ lên đỉnh núi Vệ Linh (núi Sài tại Sóc Sơn, Hà Nội) bay về trời.

Vua Hùng ghi nhận công lao của Ngài, phong danh hiệu Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại Vệ Linh. Làng Gióng được đổi tên thành làng Phù Đổng. Hàng năm vào ngày 9 tháng 4 Âm lịch, làng tổ chức lễ hội rất long trọng, tái hiện truyền thuyết Thánh Gióng với các hoạt động như tập trận, đấu cờ người…

Những nơi mang dấu tích chiến công của Thánh Gióng đều được nhân dân lập đền thờ, gìn giữ. Ngoài đền thờ chính ở làng Phù Đổng, còn có đền thờ ở Sóc Sơn ở núi Vệ Linh, nơi Thánh Gióng đánh giặc xong cởi áo giáp sắt treo lên cây để về trời, nay còn di tích mô đá hình gốc cây, có tên là “cây cởi áo”. Ở làng Xuân Tảo, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội còn lưu giữ những vết chân ngựa trên đá, một phiến đá ở chỗ Thánh Gióng ngồi ăn cơm…

Trong tâm thức của người dân đất Việt, Thánh Gióng là hào khí của bản hùng ca hoành tráng từ ngàn xưa vọng lại. Niềm tự hào, kính trọng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, còn là bản tình ca tuyệt đẹp về tình mẫu tử, về trách nhiệm của mỗi con người đối với Tổ quốc.

Năm 2010, lễ hội Thánh Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nguồn: Dương Tiên (trại hè việt nam)

5/5 - (1 bình chọn)