III. Thành Cổ Hà Nội
Giới thiệu chung
Xin kính chào các vị khách quý. Tôi là hướng dẫn viên……, tôi rất vinh dự được là người đồng hành cùng quý khách ngày hôm nay. Vâng, quý khách đã được tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp rất thơ mộng của Hồ Gươm, cũng như phần nào hiểu được giá trị văn hóa lịch sử lâu đời qua các di tích. Người Hà Nội có câu:
“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta,thủ đô yêu dấu,một thời đạn bom, một thời hòa bình”
Hà Nội đẹp không chỉ bởi cành mà Hà Nội còn mang trong mình những câu chuyện lịch sử. Và để quí khách hiểu rõ hơn về 1 thời kỳ vàng son của Kinh thành xưa kia, chúng ta sẽ cùng đến thăm Hoàng Thành Thăng Long. Chút nữa đây thôi, tôi sẽ giới thiệu cho quýkhách về Hoàng Thành. Còn bây giờ, chúng ta,cùng ngắm lại Hồ Gươm trong 1 buổi sáng đẹp trời như ngày hôm nay. Bên tay phải của quý vị là ANZ Bank, nếu quý vị nào có nhu cầu giao dịch tiền tệ,thì đây là một địa chỉ cho quý vị. Chúng ta sẽ đi khoảng 2 con phố nữa là sẽ tới Hoàng Thành…Quý vị đã được biết, Hà Nội là những dấu ấn vàng son, chính vì vậy 1 nhà thơ nổi tiếng của chúng tôi đã viết:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Đường bàn cờ dọc ngang nơi Long Thành xưa kia,suốt đêm ngày rộn rịp ngựa xe của các ông hoàng bà chúa hay những xe tứ mã của các vương công quốc thích. Trên đất Thăng Long đã từng toạ lạc một toà Hoàng thành hoa lệ,với những cung điện nguy nga,những lầu son gác tía,những bệ ngọc hành cung huy hoàng . Theo tài liệu lịch sử thì mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long, đồng thời cho xây một kinh thành tại đây. Thành Thăng Long có cấu trúc tam trùng thành quách, bao gồm 3 lớp: Lớp ngoài cùng có tên là Kinh thành, được đắp bằng đất, là nơi dân cư sinh sống với các ngành nghề thủ công và hoạt động thương nghiệp và còn là nơi bảo vệ vành ngoài.
Tiếp theo là Hoàng thành hay khu triều chính. Đây là nơi ở và làm việc của các quan lại cao cấp trong triều đình. Lớp cuối cùng là Tử Cấm thành – nơi dành cho vua, hoàng hậu và cung tần mỹ nữ ở. Tử Cấm thành có nhiều tên gọi khác nhau qua các triều đại: Cung thành (thời nhà Lý), Long Phượng thành (thời nhà Trần) và Cấm thành (thời nhà Hậu Lê).
Hai lớp tường thành bên trong được xây bằng gạch. Các tường thành liên hệ với nhau bằng các cửa ô. Tử Cấm thành nối với Hoàng thành duy nhất bằng cửa Đoan Môn. Hoàng thành nối với Kinh thành bằng rất nhiều cửa, nhưng hiện nay chỉ còn lại cửa Bắc Môn. Ô Quan chưởng là cửa ô còn sót lại hiện nay thuộc mạng lưới các cửa ô liên hệ giữa Kinh thành và Hoàng thành.
Trải qua 8 thế kỷ, toà thành đã trở thành trung tâm chính trị và đô thị phồn thịnh nhất Ðại Việt. Cuối triều Lý, hoàng cung Thăng Long bị đốt cháy. Tới triều Trần, thành Thăng Long được xây dựng lại nhưng rồi lại bị lũ xâm lược Nguyên – Mông dày xéo, tàn phá. Sau khi đánh đuổi giặc Minh năm 1428, Lê Thái Tổ cho xây dựng lại Thăng Long và đổi tên là Ðông Ðô rồi Ðông Kinh… Tất nhiên,qua bao cuộc chiến tranh và cuối cùng là sự phá hoại của thực dân Pháp, toà thành cổ kính mang tên Thăng Long – Hà Nội không còn nguyên vẹn như ngày xưa nữa, những những di tích hiện tại mà chúng ta lát nữa sẽ tham quan,cũng đủ để chứng tỏ đó là một trung tâm quyền lực chính trị cổ, đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình trao đổi những giá trị nhân loại.
Vâng, kính thưa quý khách,chúng ta đang đứng trước di tích Đoan Môn. Ngay bây giờ quý khách sẽ bắt đầu tham quan cụm di tích Thành cổ Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội – Đoan Môn – Điện Kính Thiên- Hậu Lâu
•Kỳ Đài
Điểm tham quan đầu tiên thuộc cụm di tích Thành cổ Hà nội sẽ là Kì Đài hay còn gọi là Cột cờ Hà Nội. Xưa kia, Cột Cờ và Cửa Bắc được coi như vị trí đánh dấu điểm đầu và điểm cuối của trục chính tâm, trục thần đạo, trục thiêng không chỉ của thành Hà Nội mà còn của cấm thành Thăng Long xưa. Ngày nay, cột cờ Hà Nôi nằm ở đường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, trong khuôn viên bảo tàng lịch sử Quân Sự.
Sử sách kể lại rằng, sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho xây thành Thăng Long trên vị trí của thành Đại la. Đến năm 1805, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn và lên ngôi, mở đầu nhà Nguyễn, vua Gia Long cho xây dựng kinh đô ở Huế, phá bỏ thành Thăng Long và cho xây dựng lại theo kiến trúc Vauban của Pháp. Với kiến trúc này, thành được xây có nhiều góc tạo thành Pháo đài ( hỏa lâu ) liên kết với nhau. Trên nóc các cổng thành có lầu canh ( thú lâu ) do một số cơ binh thay nhau canh gác ngày đêm. Năm 1812, vua Gia Long cho xây Kỳ Đài. Hiện nay, dưới chân Kỳ Đài có trưng bày các khẩu pháo thuộc thế kỷ XIX.
Cột cờ Hà Nội xây dựng năm 1805, là một trong 3 cột cờ của nước ta được xây dựng từ thế kỷ 19 (Hà Nội, Huế, Gia Định) nhưng nay cột cờ thành Gia Định đã bị mất tích, chỉ còn cột cờ Hà Nội và Huế. Cột cờ Hà Nội từng chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của quân ta chống thực dân Pháp với sự kiện tử tiết của Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và sự tuẫn tiết của Hoàng Diệu (1820-1882).
Sau cách mạng, Cột Cờ được xây dựng vào năm 1812, đời Vua Gia Long. Đây là công trình cao nhất ở Hà Nội thời bấy giờ. Năm 1882, sau khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, quân đội Pháp đã xây thêm một cái chóp mái ở trên đỉnh, biến phần nở rộng thành một căn phòng làm trạm thu phát để liên lạc truyền tin đến các tòa thành lân cận như Bắc Ninh (cách 30km), Sơn Tây (cách 40km).
Kì đài cao hơn 40m, gồm ba tầng đế vuông và một thân cột. Các tầng đế có dạng hình chop cụt chồng lên nhau, nhỏ dần, xung quanh xây ốp gạch. Tầng thứ nhất có cạnh 42,5m; có hai cầu thang gạch dẫn lên. Tầng thứ hai có cạnh 27m; cao 3,7m. Tầng thứ ba có cạnh 12,8m; cao 8,1m. kỳ đài bao gồm bốn cửa :
- Cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ: “ Nghênh Húc ” ( Đón ánh nắng ban mai).
- Cửa hướng Tây: “ Hồi Quang ” ( Ánh nắng phản chiếu ).
- Cửa phía nam: “ Hướng Minh ” ( Hướng về ánh sáng ).
- Cửa Bắc không đề chữ và có hai khẩu đại bác hai bên
Trên đế thứ ba là thân trụ hình bát giác , trên cùng là lầu nóc có cắm cột cờ. Trong thân trụ có cầu thang với 54 bậc xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Để tạo sự thông thoáng và cho ánh sáng mặt trời lọt vào, mỗi mặt trên thân cột cờ có đến 4-5 ô hình hoa thị, vị trí cao nhất mỗi mặt có 1 ô hình rẽ quạt. lầu nóc là mổt trụ bát giác, có nhiều ô cửa quan sát theo tám hướng. Trên đỉnh lầu nóc có chỗ cắm trụ treo cờ. Nếu tính luôn cả trụ treo cờ thì Kỳ Đài cao trên 41m.
Tháng 8-1945, trên cột đã phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Sau kháng chiến chống Pháp (1954) đến nay, cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trên cột cờ. Thực tế, lịch sử 1000 năm HN trải qua các cuộc chiến tranh nên các công trình bị phá hoại rất nhiều, di tích kiến trúc xưa còn lại rất ít.
Ngày 10/10/1954, quân đội ta về tiếp quản thủ đô, tại đây, vào lúc 3 giờ chiều đã tổ chức lễ chào cờ hết sức trọng thể, với sự tham gia của các đơn vị quân đội tiếp quản, cùng hàng vạn nhân dân thủ đô và đồng bào ngoại thành. Nhìn phía sau kỳ đài về hướng Bắc là Đoan Môn. Từ sau ngày giải phóng thủ đô đến nay, Kỳ đài được trùng tu hai lần, vào tháng 12/1959 và tháng 11/1989.
• Đoan Môn
Tiếp đến , xin mời quý khách tiếp tục cuộc hành trình thăm cụm di tích Hoàng thành Thăng Long sáng nay với điểm di tích Đoan Môn- Một trong năm di tích còn lại của thành Hà Nội, nằm trên đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình.Tên gọi Đoan Môn được sử dụng phổ biến trong sách sử xưa nay. Dựa theo kiến trúc mở 5 cửa ra vào, một số tư liệu thời hậu Lê và thời Nguyễn còn ghi là cửa Nghi Môn. Cửa Đoan Môn dành riêng để nhà vua qua lại. Trong quy hoạch tổng thể, kinh thành Thăng Long gồm ba vòng thành: La Thành rộng lớn bao quanh phía ngoài, tiép đến là Hòang Thành, trong cùng là Cấm Thành nơi ở của Hoàng Đế. Đoan Môn là lần cửa trong cùng dẫn vào cung vua.
Đoan Môn theo chính sử ở triều Nguyễn đã khẳng định là di tích có từ thời Lý. Một số học giả Hà Nội cũng cho rằng Hai chữ Hán “Đoan Môn” khắc trên biển đá trước cửa Đoan Môn có từ thời Lý. Ở thời Lê Trung hưng, cửa Đoan Môn đựoc ghi chép nhiều với cả hai tên gọi: Đoan Môn và Ngũ Môn. Căn cứ vào vật liệu xây dựng và kiến trúc hiện còn của di tích, có thể khẳng định di tích Đoan Môn đựoc xây dựng từ đầu thời Lê và được tu bổ, sửa sang ở thời Nguyễn.
Đoan Môn hiện còn tương đối nguyên vẹn. Di tích nằm ở hướng nam của điện Kính Thiên, thẳng trục với Cột cờ Hà Nội. Đoan Môn được xây dựng theo chiều ngang, vật liệu chủ yếu là gạch vồ, loại gạch phổ biến của thời Lê(Thế kỷ XV) và đá cuốn vòm cửa.
Kiến trúc chính của Đoan Môn là kiểu vọng lâu, với ba cửa vòm cuốn. Cửa giữa lớn nhất giành riêng cho nhà vua, hai bên có bốn cửa nhỏ hơn để các quan và hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm, khi có lệnh vời hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại điện Kính Thiên do hoàng đế tiến hành… Đoan Môn là một kiến trúc rất quan trọng của kinh thành thuộc thời Lý-Trần-Lê, cả thành Hà Nội và cả khi chỉ còn là một vị trí của tỉnh thành. Trải qua hơn 1000 năm, nhiều triều đại thay đổi, bao phen bị tàn phá nhưng Đoan Môn luôn được tu sửa, xây dựng về thế, nguy nga, bao giờ cũng xứng với vị thế quan trọng của mình. Khảo cổ học xác nhận rằng tìm thấy Đoan Môn là tìm thấy phần trung tâm của cả một đô thành.
Theo các nhà khoa học, căn cứ vào di tích còn lại tới nay, căn cứ vào bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1490 và những bản đồ vẽ lại sau đó, có thể hiểu rằng Đoan Môn là cửa mở ở phía nam Hoàng thành, là cửa chính của Hoàng Thành và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện Quốc gia quan trọng.
Ngoài những việc hòang đế ra khỏi Hoàng thành thì có kiệu, nghị trượng , bảo vệ rất chu đáo và long trọng đi theo đường ngự đạo ra cửa giữa Đoan môn, nhiều sự kiện quan trọng cũng đi qua đường ngự đạo để vào trước thềm rồng cử hành các nghi thức quan trọng. Đoan môn cũng là cửa để đón người vào hành danh Tiến sĩ. Đoan Môn đã được thành phố Hà Nội trùng tu lớn nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội. Hơn thế việc trùng tu Đoan Môn kịp mở cửa cùng các di tích Hậu Lâu, Bắc Môn phục vụ khách thăm quan trong và ngoài
• Điện Kính Thiên
Sau khi chiêm ngưỡng nét cổ kính và vẻ đẹp kiến trúc của Kỳ đài và Bắc Môn, bây giờ xin kính mời Quý khách theo tôi, chúng ta sẽ tiếp tục chuyến tham quan vào buổi sáng ngày hôm nay bằng việc đi vào trung tâm của Hoàng thành, thăm nền điện Kính Thiên, là một trong những điện trung tâm và lớn bậc nhất của Kinh thành Thăng Long buổi xưa.
Từ cổng Đoan Môn, đi theo con đường gạch đá hoa chanh, sẽ dẫn chúng ta đến nền điện Kính Thiên. Trong quá khứ, điện Kính Thiên được xây dựng tại vị trí trung tâm của thành Thăng Long, là cung điện uy nghi, tráng lệ và quan trọng bậc nhất của thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội xưa.
Hiện tại, chúng ta đang đứng trước nền điện Kính Thiên, tôi sẽ trình bày qua một vài nét về lịch sử của cung điện nguy nga bậc nhất trong quá khứ này.
Vào năm 1010, Lý Công Uẩn cho xây dựng điện Càn Nguyên trên núi Nùng, là nơi hội tụ khí thiêng của đất trời làm nơi thiết triều. Tương truyền rằng, ở dưới ngọn núi này có một lỗ thông với một cái đầm , nên núi này có tên “ Long đỗ ” ( Rốn rồng ). Nhưng đến năm 1017, điện Càn Nguyên bị sét đánh làm cho hư hại.
Đến năm 1028, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng lại các cung điện trung tâm trên nền cũ, có mở rộng thêm và đổi tên “ Thiên An ”. Về sau điện Thiên An lại đổi thành điện Phụng Thiên. Đầu triều Trần, trên khu đất điện Phụng Thiên, vua Trần cho xây các điện Thiên An, Bát Giác và Diên Hiền. Ba điện này là nơi vua làm việc, thiết triều và thiết yến bá quan văn võ.
Cuối thời Trần và thời Hồ, do những biến động chính trị, do giặc ngoại xâm, những cung điện trên đều bị phá hủy.
Đến thời Lê, vua Lê Thái Tổ ( 1428 – 1433 ) đã cho dựng điện Kính Thiên, điện Càn Chánh, Tả Điện, Hữu Điện và điện Vạn Thọ trên nền điện Càn Nguyên – Thiên An – Phụng Thiên thời Lý – Trần. Điện Kính Thiên ở giữa Hoàng thành, phía trước có long trì dẫn tới Đoan Môn.
1465, Vua Lê Thánh Tông cho mở rộng quy mô, tu sửa điện Kính Thiên tráng lệ, uy nghi hơn và làm thêm đôi rồng đá chạm trổ tinh xảo ở hai bên bậc cầu thang lên xuống của cung điện. Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuất điêu khắc thời Lê sơ.Hai con rồng mang phong cách rồng triều Lê, có ảnh hưởng phong cách Trung Hoa : Mắt lồi, miệng rộng, sừng nai hai chạc, tai thú, cổ rắn, vẩy cá chép, chân có 5 móng, bờm lượn ra sau,miệng ngậm hạt ngọc.
Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Hai bậc ở hai bên thềm điện là hai khối đá chạy dài , chính là hai con rồng được cách điệu hóa. Nền điện Kính Thiên và đôi rồng chầu đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.Thông qua tấm ảnh của Thực dân Pháp chụp vào cuối thế kỷ XIX, chúng ta có thể nhận thấy rằng , Điện Kính Thiên là một công trình có phân lớn kiến trúc bằng gỗ và có ảnh hưởng bởi yếu tố trung Quốc, xây theo hình chữ Nhị, hai tầng và tám mái. Ở trên đỉnh mái, có hai đôi “ Rồng chầu nguyệt ”, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào bằng gạch và những sân lớn.
Theo nguồn Tài liệu, khi xem bức ảnh trong cuốn “ Một chiến dịch ở Bắc Kỳ ” của Hocquard, có thể thấy rằng kiến trúc điện Kính Thiên có nhiều nét giống với kiến trúc điện Thái Hòa ở Kinh thành Huế. Tuy nhiên, điện Kính Thiên có năm gian, 2 chái trong khi điện Thái Hòa có bảy gian, hai chái.
Năm 1886, thực dân Pháp đã phá bỏ điện Kính Thiên chỉ còn lại nền điện cùng đôi rồng đá và xây dựng tòa nhà hai tầng , bảy gian làm Sở chỉ huy Pháo binh.Sau tháng 10/1954, khu vực điện Kính Thiên, nhà con Rồng nói riêng và Thành cổ Hà Nội nói chung là nơi làm việc của Bộ Quốc Phòng. Những di tích cổ được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo.
• Hậu Lâu
Lầu Tĩnh Bắc (Tĩnh Bắc lâu) là một toà lầu xây phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên là hành cung của thành cổ Hà Nội. Tuy ở sau hành cung nhưng lại là phía bắc, xây với ý đồ phong thuỷ giữ yên bình phía bắc hành cung, nên mới có tên là Tĩnh Bắc lâu và còn có tên là Hậu lâu (lầu phía sau), hoặc là lầu Công chúa do cho rằng đây là nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống vua Nguyễn ra ngự giá Bắc thành.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu-”Nơi trung tâm của trung tâm”
Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19.
Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ nói riêng về bề mặt Lý-Trần ở tầng hai có rất nhiều hiện vật được phát hiện, như những nền cung điện, có kích thước một chiều hơn 60 mét, chiều kia 27 mét. Có 40 chân cột, rồi cả giếng cổ, gạch, phù điêu. “Có tượng rồng, phượng mà được các nhà nghiên cứu mỹ thuật khẳng định là mô típ hoa văn thời Lý. Rồi đến những tầng lớp bên trên, thời Lê, Nguyễn đều tìm được nhiều hiện vật. Tổng cộng là ba triệu hiện vật. ” Khi tiến hành khai quật ở hố B16 (400m2) thuộc địa điểm dự kiến xây dựng toà nhà Quốc hội mới, nhà khảo cổ học Bùi Vinh (Viện khảo cổ học) đã phát hiện một toà lâu đài 3 tầng lầu, 4 mái, dạng hình tháp toạ lạc trên một diện tích xấp xỉ 1000m2 (hai chiều ngang dọc, mỗi chiều dài trên 30m) thuộc hệ thống các cung điện Thăng Long xưa.
Theo đánh giá của ông Bùi Vinh thì đây là công trình đầu tiên, có tầm cỡ và giá trị nhất được tìm thấy từ trước đến nay ở VN.Việc phát hiện ra lâu đài này được coi là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hoành tráng của kinh thành Thăng Long từ thời Lý-Trần. Mặc dù trước đây các nhà khảo cổ đã đoán định được di chỉ này nằm trong khu vực hoàng thành, thậm chí là cấm thành Thăng Long suốt từ thời Lý, Trần đến Lê nhưng do tiến hành khai quật quá nhanh khiến cho nhiều tầng lớp kiến trúc không thể hiện rõ.
Giai đoạn đầu, tại các hố A1, A1MR, A2, A2MR, A3, A4, A9, A10, A11, A12, A13 trong các lớp đất ở độ sâu trung bình trên dưới – 1, 50m so với “cốt” cao độ của mặt bậc thềm đá Đoan Môn, (được lấy làm “cốt” chuẩn 0. 00 cho cả khu vực khai quật) xuất lộ những ô sỏi trộn lẫn đất sét. Sỏi ở đây khá thống nhất về kích thước, chỉ khoảng bằng hoặc to hơn đầu ngón chân cái, chứng tỏ đã được chọn lọc. Hiện vật thu được trong các lớp đất này được xác định có niên đại thời Lý. Các ô sỏi này thường có hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 1, 30m và ăn sâu xuống các lớp dưới, dày trên dưới 1, 00m. Điều này chứng tỏ đây là các hố đào có chủ đích để đầm – nhồi sỏi cuộn với đất sét. Đáy của các hố sỏi này nằm trong lớp đất chứa các hiện vật được xác định có niên đại Đinh – Tiền Lê.
Các ô sỏi nói trên xuất hiện trong các hố từ A1 đến A18. Tổng cộng có tất cả 40 ô sỏi, xếp thành 04 hàng dọc (hai hàng phía đông có 10 ô trong một hàng, hai hàng phía tây mỗi hàng chỉ có 09 ô). Có lẽ đây chính lá các hố sỏi gia cố dưới các chân tảng đá kê dưới chân các cột. Nói chính xác, theo ngôn ngữ kiến trúc – xây dựng, đó là các móng trụ. Kết quả đo đạc đã giúp khẳng định đây là phế tích của một kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ có 04 hàng chân cột. Khoảng cách giữa các cột Quân với các cột Cái là khoảng 3, 00m. Khoảng cách giữa các cột Cái là khoảng 6, 00m. Từ Bắc xuống Nam đã xác định được 10 vì, nghĩa là ít nhất kiến trúc này có 09 gian. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định về số gian bởi dấu vết của kiến trúc này còn phát triển kéo dài về phía Bắc, ngoài khu vực khai quật.
Bước gian (khoảng cách giữa hai vì) của kiến trúc này rất lớn, khoảng 5, 80m – 6, 00m. Trên thực tế, bước gian của các di tích kiến trúc bằng gỗ cổ truyền hiện còn đứng vững trên mặt đất thường nhỏ hơn. Tuy nhiên, theo PGS. Trần Lâm Biền hai di tích chùa Thầy (Hà Tây) và đền Lê (Thanh Hoá) cũng có bước gian 6, 00m.
Chưa lý giải được nguyên nhân của sự chênh lệch về số lượng các móng trụ của các hàng móng trụ phía Tây nhưng ở đây chắc chắn đã có 04 móng trụ sỏi gia cố cho 01 chân tảng cột Cái và 03 chân tảng cột Quân. Khoảng cách giữa hai hàng móng trụ sỏi cuối cùng chỉ là 4, 1m chứng tỏ đây chính là không gian của chái phía Nam.
Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía Đông khoảng 4, 5m và chạy dài suốt chiều rộng của “toà nhà nhiều gian” nói trên còn thấy xuất lộ một cống thoát nước được xây-xếp bằng gạch (hoàn toàn không thấy dấu vết của chất kết dính dạng vôi vữa), lòng cống rộng 0, 17m – sâu 0, 20m. Ngoài lớp gạch đặt nằm làm đáy, hai bên thành của rãnh thoát nước này được xếp nghiêng hai lớp gạch. Kích thước trung bình của gạch ở đây là 0, 36m x 0, 20m x 0, 05m). Về phía Đông, sát cạnh cống thoát nước này là một thềm gạch rộng 0, 76m chạy dọc suốt chiều dài đường cống. Gạch lát thềm là gạch vuông 0, 38m x 0, 38m x 0, 07m. Có chỗ còn lát lẫn cả gạch in hoa.
Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía tây khoảng 2, 5m cũng xuất lộ một cống thoát nước khác. Dấu vết của cống phía tây bị đứt quãng ở góc Tây Nam “toà nhà nhiều gian”, khu vực bị mất 04 móng trụ gia cố chân tảng. Gạch xây-xếp cống thoát nước này là loại chuyên dụng, được sản xuất chỉ để dùng làm cống-rãnh. Các viên dùng lát đáy có mặt cắt hình thang cân (cạnh ngắn 0, 16m – cạnh dài 0, 22m – dầy 0, 08). Những viên dựng hai bên thành có hình bình hành (cạnh ngắn 0, 07m, cạnh dài 2, 44m). Với hình dáng đặc biệt như vậy nên chỉ cần đào rãnh, đặt các viên gạch chuyên dụng này xuống là thành cống (đáy rộng 0, 22m – miệng rộng 0, 32m – sâu 0, 30m).
Cách tim của các hố sỏi gia cố chân tảng cột Quân phía nam khoảng 4, 5m lại cũng xuất lộ một đoạn cống xây xếp bằng gạch chuyên dụng tương tự. Các đoạn cống xây xếp bằng gạch chuyên dụng phía tây và phía nam “toà nhà nhiều gian” nếu còn nguyên vẹn sẽ “bắt” vuông góc chái Tây Nam.
Các đường cống này chính là các rãnh thoát nước mưa của “toà nhà nhiều gian”. Các cống này đều không có nắp để có thể hứng nước mưa rơi thẳng xuống từ hàng ngói lợp cuối cùng của mái (dân gian thường gọi là giọt gianh). Nghĩa là các rãnh thoát nước mưa này chính là giới hạn của mặt bằng mái. Nói cách khác, số đo giữa các rãnh thoát nước này cho biết về chiều rộng và chiều dài của công trình kiến trúc. Khoảng cách từ tim rãnh thoát nước phía Tây đến tim rãnh thoát nước phía Đông là 17, 65m. Đó chính là kích thước chiều rộng của “toà nhà nhiều gian” này. Chiều dài của kiến trúc này hiện chưa khẳng định được. Nhưng nếu giả định “toà nhà nhiều gian” có 09 gian thì kích thước này sẽ là khoảng 67m.
Theo số đo, phế tích này cho thấy một công trình kiến trúc to lớn theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên chưa thể xác định công năng của kiến trúc này. Chỉ biết rằng “toà nhà nhiều gian” này chạy dài theo trục Bắc – Nam, mở cửa ra cả hai hướng Đông và Tây.
Về phía Tây của toà nhà nhiều gian, cách tim các móng trụ sỏi gia cố hàng chân tảng cột Quân phía tây 4, 90m, đã tìm thấy những móng trụ gia cố chân tảng khác. Vật liệu gia cố có phần đa dạng hơn, ngoài sỏi (tương tự như sỏi ở các hố đã nêu trên) còn có cả ngói vỡ vụn, được nhồi đầm theo chu kỳ 1 lớp sỏi lại 1 lớp ngói vụn. Hình dạng của các hố đào cũng khác, có hố tròn (đường kính từ 1, 10m đến 1, 30m), có hố vuông (1, 20m x 1, 20m). Bố cục của các móng trụ chân tảng này khá đặc biệt: 06 trụ móng tròn quây quanh một số trụ móng ở chính giữa. Khoảng cách trung bình giữa tim của các móng trụ tròn (làm thành một hình lục giác gần đều) là khoảng 1, 30m. Tim móng trụ vuông trùng với tâm của đường tròn ngoại tiếp hình lục giác, cách tim các móng trụ tròn một khoảng 1, 30m
Các cụm móng trụ gia cố chân tảng này trải dài suốt mặt phía tây của toà nhà nhiều gian. Khoảng cách giữa các cụm (đếm được tất cả 11 cụm), không thật đều, xê xích từ 8, 00m đến 12, 00m. Theo các nhà khảo cổ, một cụm móng trụ gia cố chân tảng như vậy là phế tích của một kiểu lầu lục giác nhỏ, được dựng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn.
Theo GS. Trần Quốc Vượng, Việt Sử lược có ghi nhận về loại hình kiến trúc này, gọi là các Trà đình. Trong các hố A19, A20, A20MR và A21 cũng xuất lộ nhiều móng trụ sỏi.
Ngay gần chái phía Nam của toà nhà nhiều gian thuộc phạm vi hố A19 có một số móng chân tảng nhưng kết quả đo đạc không xác định được thật rõ ràng về kiến trúc từng tồn tại ở đây. Phía Bắc hố A20 xuất lộ hai hàng móng trụ sỏi gia cố, mỗi hàng 05 móng trụ, khoảng cách giữa tim hai hàng là 3, 40m. Hiện trạng và số đo cho phép giả định đây là một kiến trúc có hướng chạy dài theo trục Đông – Tây (vuông góc với toà nhà nhiều gian). Số đo bước gian đo được của kiến trúc này theo chiều từ Đông sang Tây là: 3, 30m – 5, 45m – 5, 30m. Các khoảng cách khác chưa khẳng định được vì một số móng trụ sỏi đã bị mất và vì kiến trúc này còn tiếp tục kéo dài về phía Đông, ra ngoài khu vực khai quật. Các nhà khảo cổ cho rằng đây có lẽ là phế tích của một toà nhà có 3 gian hai chái.Ở phía Nam hố A20 đã xuất lộ một cụm phế tích rõ ràng hơn.
Khác với các phế tích vừa mô tả, cụm phế tích này còn cả chân tảng đá đặt nguyên vị trí (in situ) trên hố gia cố. Thực tế này đã khẳng định chính xác về công năng của các hố sỏi. Hố gia cố chân tảng ở đây hình vuông (1, 30m x 1, 30m). Vật liệu gia cố hỗn hợp cả sỏi nhỏ, gạch, đá vụn. Tất cả còn 09 chân tảng, xếp hành 04 hàng. Theo trục Đông – Tây, các chân tảng cách đều nhau một khoảng 5, 75m.
Các chân tảng đều được làm bằng sa thạch (grès) màu xám. Mặt chân tảng chạm cánh sen mang phong cách nghệ thuật Lý. Đường kính trong của vành hoa sen này là 0, 49m. Trên mặt nhiều chân tảng còn rất rõ dấu vết cho biết cột gỗ dựng trên đó có đường kính 0, 43m. Tuy nhiên ở vị trí sẽ đặt xà ngưỡng, mặt tảng để trơn, không chạm cánh sen. Nối dài hai bên (đông, tây) một số chân tảng cũng còn giữ nguyên một số viên gạch (0, 38m x 0, 15m x 0, 11m) của hàng gạch đỡ dưới xà ngưỡng. Với dấu vết của các xà ngưỡng này cho thấy có lẽ đây là hai kiến trúc dạng hành lang, chạy dài theo Đông – Tây. Đặc biệt, cụm phế tích này còn giữ nguyên vẹn một số đoạn thềm hiên lát gạch ở phía ngoài xà ngưỡng, rộng trên dưới 1, 00m tính từ tim chân tảng. Thềm gạch này được xây xếp bởi 8 hàng gạch (0, 39m x 0, 20m x 0, 05m) cao hơn mặt sân 0, 36m. Sân gạch chạy giữa hai hành lang này được lát gạch vuông (0, 38m x 0, 38m x 0, 06m).
Theo các nhận định ban đầu cho rằng các phế tích kiến trúc ở phía Bắc khu A là của một tổ hợp kiến trúc có liên quan mật thiết với nhau, bao gồm: một tòa nhà nhiều gian có chiều rộng 17, 65m, chạy dài ít nhất 09 gian (khoảng 67m) và một dãy các lầu lục giác. Điều đáng quan tâm là sự liên hệ, tiếp nối giữa các kiến trúc này. Hiện trường còn rất rõ một số mảng nền lát gạch vuông (0, 38m x 0, 38m x 0, 08m), nối liền từ mép rãnh thoát nước phía Tây tòa nhà nhiều gian với các lầu lục giác.Chiều rộng của nền gạch này đo được 2, 60m. Nhiều viên gạch vuông của nền gạch nói trên đã được cắt chéo để lát sát vào hàng gạch chữ nhật (0, 39m x 0, 18m x 0, 06m) xây nghiêng bao quanh mặt nền của lầu lục giác.Căn cứ vào dấu vết của nền lát gạch vuông này, các nhà khảo cổ nhận định khả năng tòa nhà nhiều gian và các lầu lục giác có cùng một niên đại khởi dựng.
Về niên đại: Để định niên đại cho các dấu tích kiến trúc đã xác định ở khu A, các nhà khảo cổ dùng phương án đối chiếu và so sánh tổng hợp, kết hợp với việc phân tích địa tầng.
Trước hết các nhà khảo cổ tập trung vào các trụ móng sỏi có chuẩn niên đại tương đối. Như đã trình bày, ở khu A20 còn có 8 trụ móng sỏi còn nguyên chân tảng đá xếp tại chỗ. Các chân tảng đều bằng đá cát, các cánh sen thon thả, trau chuốt, đẹp tương tự như chân tảng đá hoa sen thời Lý ở tháp Tường Long (Hải Phòng) năm 1057, tháp Chương Sơn (Nam Định)… Chiều rộng của nền gạch này đo được 2, 60m. Nhiều viên gạch vuông của nền gạch nói trên đã được cắt chéo để lát sát vào hàng gạch chữ nhật (0, 39m x 0, 18m x 0, 06m) xây nghiêng bao quanh mặt nền của lầu lục giác.
Đồng thời tại khu vực hố A20 có khá nhiều các di vật lá đề và gốm sứ thời Lý. Các loại gạch có thềm hiên nhà đều còn nguyên vẹn và dáng hình, sắc màu đều giống hệt như các viên gạch xây các tháp Lý vừa dẫn. Từ các dẫn liệu trên đây chúng tôi tin rằng đây là dấu tích kiến trúc của thời Lý. Niên đại này được củng cố khi so sánh mặt bằng của hai kiến trúc này là tương đương với địa tầng chuẩn Lý – Trần ở Đoan Môn đều ở độ sâu khoảng 2m. Khi đó có các móng trụ có niên đại tương đối ta có thể so sánh tìm hiểu niên đại của các móng trụ khác. Ta sẽ thấy, móng trụ sỏi ở kiến trúc nhiều gian, ở lầu lục giác giống hệt về kỹ thuật, vật liệu, kích thước với các trụ móng sỏi Lý ở khu A20.
Về địa tầng các trụ móng đó cùng độ sâu 1, 80m – 2, 20m với các kiến trúc ở A20, tức là đều nằm trong khoảng niên đại khoảng thời Lý. Hơn nữa xét về mặt kỹ thuật xây dựng, các móng trụ ở đây cũng đều thuộc kỹ thuật của thời Lý và thời Trần. Trong thời Lý, kỹ thuật gia cố sỏi đặc biệt thấy rõ ở chùa Lạng (Hưng Yên), tháp Chương Sơn (Nam Định), tháp Phổ Minh (Nam Định).
Các trụ móng sỏi ở thời Lý thường được gia cố rất chặt chẽ. Điều này khác với các trụ móng sỏi thời muộn hơn (có thể là thời Lê), có gia cố sỏi nhưng sơ sài hơn rất nhiều và ở độ sâu cao hơn. Nói cách khác các trụ móng sỏi Lê nằm ở mặt bằng cao hơn mặt bằng Lý – Trần. Hơn nữa, như đã nói trên, phủ trên mặt bằng của khu vực của các trụ móng thời Lý là một lớp di vật có niên đại Lý nên có thế tin rằng hầu hết các trụ móng ở đây đều thuộc thời Lý.
Điều này còn được khẳng định thêm khi phát hiện một hồ nước cổ hình chữ nhật phía Nam khu kiến trúc nhiều gian bị lấp đầy vật liệu Lý, Trần. Điều này chứng tỏ hồ nước này đã bị lấp trong thời Trần. Hồ nước này đã phá vào móng kiến trúc lầu lục giác và một phần móng trụ của ‘kiến trúc nhiều gian. Các nhà khảo cổ cho rằng hồ này được đào vào đầu thời Trần và bỏ đi vào khoảng cuối thời Trần. Do đó ta cũng thấy các trụ móng sỏi đã xuất lộ ở cùng mặt bằng đều thuộc thời Lý.
Kiến trúc cổ truyền Việt là các công trình có hệ chịu lực bằng khung gỗ, với cấu kiện cơ bản là hệ thống cột. Vì vậy, người Việt chỉ chú trọng gia cố nền mà không cần đến móng. Sức nặng của công trình được phân tán qua hệ cột nên chân các cột đá được gia cố bằng các chân tảng đá có kích thước lớn gấp nhiều lần đường kính cột.
Hiện trạng khảo cổ học (tầng văn hoá, hiện vật) và kết quả khảo sát địa chất khu vực này cho phép khẳng định có một dòng chảy cổ (theo hướng Bắc – Nam) ở phía Tây các phế tích nói trên. Nền đất tự nhiên chịu tải kém nên các công trình kiến trúc ở đây đều có hệ thống hố gia cố chân tảng. Đây là một thành tựu, một tiến bộ kỹ thuật của người Việt trong xây dựng. Với khảo cổ học kiến trúc (hay khảo cổ học đô thị), các phế tích nói trên còn cung cấp những hiểu biết mới, có tính chất lý thuyết về việc gia cố chân tảng, về cách thức xác định kích thước – quy mô của một kiến trúc qua các dấu vết của phế tích. Kỹ thuật này đã được thấy ở cố đô Hoa Lư thời Đinh – Lê. Ở kỹ thuật xây trụ móng được thực hiện bằng các móng bè bằng gỗ lim cao 5 lớp kết hợp với lớp móng trụ đá ở bên trên. Đến thời Lý và thời Trần, kỹ thuật này bây giờ xử lý hoàn toàn bằng sỏi và gạch vụn, sành vụn. Móng trụ bằng sỏi thời Lý và thời Trần có quy mô và chắc chắn nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.
Các phế tích kiến trúc ở khu A còn cần được nghiên cứu kỹ hơn. Kiến giải của các nhà khảo cổ về một số phế tích chỉ là những nhận định ban đầu. Tuy chưa thể khẳng định về quy mô và công năng của tất cả các công trình nhưng rõ ràng các phế tích này cho thấy một quần thể kiến trúc toà ngang dãy dọc khá phong phú. Dung mạo của một bộ phận Hoàng Thành Thăng Long xưa đã hiển hiện qua dấu vết vật chất chứ không chỉ là hình ảnh của sách vở, chữ nghĩa.
Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc, một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.
Cửa Bắc
Tên Hán Việt là Bắc Môn, là một trong năm cổng của thành Hà Nội thời Nguyễn. Khi Pháp phá thành Hà Nội chúng giữ lại cửa Bắc vì nơi đây còn hai vết đại bác do pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng năm 1882 khi Pháp hạ thành Hà Nội lần 2