Ở Việt Nam có cả hai hệ phái Bắc tông và Nam tông. Hệ phái Nam tông phần lớn là người Khơme ở Nam bộ tiếp nhận. Chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét Phật giáo Nam tông qua Phật giáo Nam tông Khơme ở Việt Nam.

1. Sự tiếp nhận hệ phái Nam tông của người Khmer

Theo lịch sử Phật giáo Campuchia, thời kì đất nước này còn thuộc vương quốc Phù Nam, nơi đây là nơi tập trung giao lưu giữa các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Vì thế vương quốc Phù Nam đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Phật giáo Bắc tông đã có lúc thịnh vượng ở đây dưới vương triều Chân Lạp, được truyền bá theo các thương gia từ Ấn Độ sang. Song, Phật giáo Bắc tông mang tư tưởng phóng thoáng đã không phù hợp với các dân tộc có bản chất mộc mạc ở nơi đây. Do vậy, Phật giáo Bắc tông đã nhường chỗ cho Phật giáo Nam tông từ phía Xrilanca truyền xuống với giáo luật, kinh điển nguyên thủy phù hợp hơn với người bản xứ.

Vùng đất thuộc tỉnh Trà Vinh hiện nay là một trong nhữngvùng có nhiều người Khmer sinh sống đông nhất đã là một trong hai trung tâm lớn của thời kì tiền Angco. Các pho tượng cổ ở đây đã cho thấy đạo Phật đã du nhập vào đây theo đường biển qua các cửa sông Cửu Long. Như Châu Đạt Quang ở thế kỷ thứ 13 đã viết trong cuốn du kí rằng “Phật giáo Tiểu thừa có nguồn gốc từ Xrilanca du nhập vào đồng băng sông Cửu Long”[1].

Như vậy chúng ta có thể thấy được Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Nam bộ từ rất sớm, có những ngôi chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ IV như chùa Tropangveng ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Trước năm 1965 người Khmer sinh sống ở 491 xã thuộc 10 tỉnh thành và có hơn 500 chùa Khmer chiếm tỉ lệ khoảng 3% trên toàn quốc.

2. Trung tâm hoằng pháp đầu tiên của Phật giáo Nam tông Khmer

Vương quốc Phù Nam xưa kia đã để lại ba tấm bia để chứng minh một thời vàng son của Phật giáo đã đi qua. Trong thời kì này Phật giáo và Ấn giáo tồn tại song song bởi một lẽ chúng ta đã tìm thấy hai tấm hình thìn Sishnu và một tấm chạm hình Phật tổ được tìm thấy ở Bita. Vua nước Phù Nam lúc bấy giờ đã gửi hai thiền sư sang Trung Hoa dịch kinh chữ Phạn. Tất cả những điều trên cho chúng ta thấy Phật giáo tại đây lúc này phât triển rất mạnh và chắc chắn có nhiều trung tâm hoằng pháp của Phật giáo nguyên thủy thời kì đó.

Người khmer ở Việt Nam với con số ít ỏi vì thế việc kiến tạo ngôi bảo Tháp Đồng Tháp Mười là một điều khó thực thi do vậy công trình này phải có sự ủng hộ của Quốc vương. Từ đây chúng ta thấy được Phật giáo thời này rất phát triển và được mọi tầng lớp nhân dân qui thuận từ tầng lớp vua chúa đến nhân dân.

3. Cấu trúc giáo hội Phật giáo Nam tông.

Như thường lệ vẫn còn tồn tại đến ngày đó chính là những thanh niên đều phải trải qua một thời gian ở chùa để học tập tìm hiểu về giáo lý của đạo Phật và để đền đáp ơn nghĩa của cha mẹ. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc của Phật giáo Nam tông khmer. Phật giáo Nam tông Khmer Việt Nam có bốn giáo phái như sau: Giáo phái Mahanikaya, giáo phái Dhammayuttu, giáo phái Theravada Cư sĩ, Hội Phật giáo Nguyên thủy.

3.1. Giáo phái Mahanikaya.

Phật giáo Khmer Việt Nam phần lớn tu tập thuần túy theo Phật giáo Nguyên thủy Theravada có nguồn gốc từ Ấn Độ và Tích Lan và chiếm phần lớn số đông vì thế nên giáo phái này mang tên Mahanikaya. Danh từ này không phải là giáo hội hay tông phái mà nó chỉ nhằm nhấn mạnh đây là giáo phái của đông đảo mọi thành phần tu theo.

Về vấn đề giới luật và phương pháp tu trì được tác giả Nguyên Văn Sáu viết trong quấn “bước đầu tìm hiểu Phật giáo Nam tông Việt Nam” như sau: “Kinh văn tu hành y cứ theo Tam tạng Pàli. Ăn một buổi, không ăn phi thời. Tỳ kheo xuất gia phải thọ 227 giới luật, điểm chú ý là không có tỳ kheo Ni, chỉ có Tu nữ thọ 8 giới hoặc 10 giới. Chánh điện thường tôn thờ Phật Thích Ca, không có Phật bà Quan Âm.”[2]

Như chúng ta đã nói ở trên, tại đất nước Phù Nam lúc này có rất nhiều thiền sư tài giỏi như thiên sư Nagasena, thiền sư Mandrasena, hay thiền sư Sanghapala… vì thế chúng ta có thể nhận định một điều rằng Phật giáo Nguyên thủy thời kì Phù Nam rất phát triển và có qui mô chặt chẽ mặc dù cho đến lúc này chúng ta chưa tìm thấy tài liệu nào nói về điều này.

3.2. Giáo phái Dhammayutta.

Nguyên do thành lập giáo phái Dhammayutta như nhiều sách đã ghi lại là do vị trưởng lão tên là Preah Saukonn bất mãn trong tăng đoàn nên bỏ sang Thái Lan tu hành và thành lập nên giáo phái này. Sau khi thành lập giáo phái tại Thái Lan, vào năm 1864 Ngài trở lại Campuchia để chuyền bá điểm đặc biệt là giáo phái này được Hoàng gia theo ủng hộ và xuất gia chính vì thế nó có tầm ảnh hưởng khá mạnh.

Về mặt kinh điển và nghi lễ thì hai giáo hội này hoàn toàn đồng nhau, chỉ có một vài điểm khác biệt chính như sau; khi đi khất thực thì giáo phái Dhammayutta để trần bình bát vì theo họ đức Phật ngày xưa cũng như thế chỉ có khăn nót bát chứ không như phái Mahanikaya chế thêm dây và áo bát cho tiện việc khất thực. Đồng thời giáo phái Dhammayutta không phát âm chữ “ia” vì đây là ngôn ngữ thổ âm.

Hoàng gia Campuchia đã cử một thiền sư sang Việt Nam để truyền đạo và ủng hộ những ngôi chùa theo giáo phía Dhammayyutta. Chính vì thế đến năm 2004 đã có 21 ngôi chùa tại Việt Nam theo giáo phái Dhammayutta, đây là một số lượng ít nhưng giáo phái này vẫn có tổ chức độc lập và có hội đồng Trưởng lão để chỉ đạo đường hướng hoạt động, trụ sở được đặt tại chùa Prey Veng.

3.3. Giáo phái Theravada Cư sĩ.

Cái tên Theravada được bắt nguồn khi Tăng đoàn tách làm hai hê phái là Đại chúng bộ (Mahasanghika) và Trưởng Lão bộ (Theravada). Ngay cái tên chúng ta có thể thấy được tư tưởng và đường nối tu hành của giáo phái này. Do đặc điểm về địa lý và hướng truyền bá nên hai hệ phái này còn mang một tên khác là Bắc tông, Nam tông… Phần lớn ở các nước như Ấn Độ, Thía Lan, Lào, Campuchia, Tích Lan… đều tu theo giáo phái Theravada.

Ở Việt Nam người thành lập giáo phái này là ông Sơn Thái Nguyên, ông là một công chức hoàng gia campuchia. Giáo phái này được hậu thuẫn bởi chư Tăng và Phật tử với mục đích là phát huy truyền thống Phật giáo Nguyên thủy của người dân Khmer tại Việt Nam. Vào năm 1963, Viện Hóa Đạo – Giáo hội Phật giáo Thống nhất công nhận giáo phái Theravada là một đại diện cho Cư sĩ Việt gốc Khmer tại Trung ương.

3.4. Hội Phật giáo Nguyên thủy.

Hội Phật giáo Nguyên thủy được thành lập vào ngày 19 tháng 11 năm 1960. Mục đích của hội là kết nối Phật giáo với người Phật tử để chia se về tinh thần và vật chất, đồng thời nó cũng là nơi giáo dục công dân và truyền bá đường hướng của chính phủ. Đứng đầu hội là Sải Cả Mekon để điều hành Phật sự còn Ban Quản trị điều hành Phật sự thế tục.
Sau năm 1975 đến nay, Hội chỉ hoạt động trong phạm vi tỉnh Trà Vinh. Do quá nhiều giáo phái trên một địa bàn vì thế đã phát sinh nhiều mẫu thuẫn gây mất nội bộ trong Phật giáo. Đến năm 1981 tất cả các giáo phái này đều là thành viên của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

4. Tìm hiểu một vài nét đặc trưng trong giáo lý của Phật giáo Nam Tông Khmer tại Việt Nam

Như chúng ta đã biết giáo lý căn bản nhất của đạo Phật không ngoài tư tưởng diệt khổ, tu đạo để đến Niết Bàn, mặc dù hai hệ phái Bắc tông và Nam tông có sự khác nhau về tư tưởng nhưng giáo lý căn bản dường như đồng nhau bởi vì Bắc tông thực chất là sự phát triển trên nền của Phật giáo Nguyên thủy. Điều này dẫn đến nguyên do như trên.
Phật giáo Nam tông nói chung hay Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng đều dựa vào giáo lý Tứ Thánh đế làm lòng cốt, vì thế chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về nó.

4.1. Giáo lý căn bản.

Không lâu sau khi Giác ngộ, Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên, trong đó ngài trình bày cơ cấu chủ yếu làm cơ sở cho các giáo lý cuả ngài về sau. Cơ cấu đó bao gồm Bốn Chân Lý Cao thượng, bốn nguyên tắc nền tảng cuả bản chất Pháp (Pháp-Dhamma) phát sinh từ sự đánh giá thấu đạt và chân thật tận cùng cội rễ điều kiện cuả con người. Ngài dạy các chân lý này không phải với tư cách các lý thuyết siêu hình hoặc như là những bài luận về đức tin, mà là các phạm trù mà theo đó chúng ta phải khuôn dẫn thể nghiệm trực tiếp cuả chúng ta theo cách hỗ trợ cho sự Giác ngộ:

Khổ Thánh Đế: khổ, sự không hài lòng, không thoả mãn, sự căng thẳng về tâm lý…nói nên cái sự khổ của cuộc đời mà con người phải gánh chịu.

Tập Khổ Thánh Đế: nói nên cái nguyên nhân của sự khổ, của sự không thỏa mãn của lòng ham muốn nên bị khổ…

Diệt Khổ Thánh Đế: ta đã thấy được nguyên do vì sao khổ nên từ bỏ lòng ham muốn đó… đấy chính là Diệt Đế.

Đạo diệt khổ thánh đế: Bát chánh đạo: chánh kiến chánh tư duy, chánh ngữ chánh nghiệp, Chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Bởi vì vô minh (avijja) – không biết được Tứ Thánh Đế, bởi vì không hiểu đối với thế giới quan đúng đắn, chúng ta mãi bị buộc ràng vào vòng luân hồi-samsara, với sinh, lão, bệnh, tử, và tái sinh. Tham dục là đông cơ thúc đẩy tiến trình này tiến lên, từ sát na này tới sát na khác và qua chu trình cuả vô vàn sinh mệnh, tuỳ theo nghiệp, kamma (Skt. karma), qui luật phổ quát cuả nhân quả. Theo qui luật bất biến này, mỗi hành động mà người ta làm ở phút giây hiện tại – dù là do thân, khẩu hay ý – cuối cùng sẽ kết quả tuỳ theo sự khôn khéo cuả nó: bất thiện nghiệp cho quả khổ đau, thiện nghiệp đưa đến quả an vui. Mãi khi nào ta còn không biết đến qui luật này, ta nhất định sống lông bông vô phương hướng: lúc thì hạnh phúc, lúc lại khổ đau; một đời trên thiên đàng, kiếp sau lại rơi vào điạ ngục.

Đức Phật phát hiện ra rằng việc thoát khỏi luân hồi cần được giao cho mỗi Thánh Đế một nhiệm vụ cụ thể: Thánh đế thứ nhất phải được thấu hiểu, thứ hai: xả bỏ, thứ ba: thực hiện, thứ tư: phát triển. Thực hiện viên mãn Thánh Đế thứ ba dọn đường cho sự Giác ngộ: chấm dứt vô minh, tham, khổ, và nghiệp; trực nhập vào tự do tuyệt diệu và hạnh phúc siêu phàm như là đích cuối cùng cho mọi giáo lý cuả Đức Phật:Tự do, Tự tại, Bất tử – Niết bàn – Nibbaa (Skt. Nirvana).

4.2. Kiến trúc thẩm mỹ.

Mỗi sóc hay phum của người Khmer dù lớn hay nhỏ thì cũng đều có một ngôi chùa. Toàn cảnh chùa là một “không gian tâm linh”, mà vào những ngày thường bao giờ cũng yên tỉnh, trầm mặc. Mỗi ngôi chùa bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như: cổng, chính điện, sa la, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, những tháp để cốt. Trong đó toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chánh điện.

4.2.1. Kiến trúc bên ngoài.

Hình ảnh đầu tiên mà chúng ta bắt gặp khi bước vào một ngôi chùa đó chính là cổng chùa. Hầu hết những cổng chùa Khmer thường được trang trí, điêu khắc tỉ mỉ và được xem là những công trình nghệ thuật nổi tiếng.Trên cổng chùa thường có hình của Raehu, hai bên thường có hình hình ảnh của rắn thần Naga. Tuy nhiên, những kiểu dáng của các chùa không theo một khuôn mẫu nào nhất định. Chẳng hạn như cổng chùa Phướn được xây dựng rất đồ sộ; phần trên là ba ngọn tháp theo kiểu cổng đền Angkor, trang trí bằng những hoa văn rất đẹp; phần dưới cổng có hình con rắn 7 đầu, nằm trên bờ lan can. Những cổng chùa theo mô thức Chămpa thì thường chạm khắc hình những người đua ghe Ngo.

Chánh điện là phần quan trọng nhất của chùa, dùng để thờ phụng Đức Phật, nằm ở chính giữa khuân viên chùa, và nền được xây cao hơn mặt đất. Nét đặc biệt trong kiến trúc của chùa Khmer là luôn tuân thủ theo những qui định về kích thước, qui cách như sau: chiều dài bằng hai lần chiều rộng, chiều cao bằng chiều dài, mái và thân là hai phần bằng nhau. Các diện tích khung của, nhà ở và diện thờ cũng phải tuân theo quy định đó, chóp nóc thường là một tam giác cân, nhọn, chiều đứng dài hơn 1/4. Chùa nào cũng phải có hành lang bao quanh chính điện.

Ở nỗi ngôi chùa, chánh điện nằm ở trung tâm khuôn viên chùa và được trải dọc theo hướng Đông – Tây. Chánh điện bao giờ cũng quay mặt về hướng Đông, vì người Khmer quan niệm rằng khi còn tại thế thì Đức Phật ở hướng Tây quay mặt về hướng Đông để cứu độ chúng sinh.

Trong kiến trúc của chùa Khmer, chúng ta không thể bỏ qua Sala vì đây là nơi được xây dưng đầu tiên của một ngôi chùa. Sala là kiểu “nhà hội” của Phật tử, giảng đường của những sư sải. Sala cũng là nơi tiếp khách trong những ngày đại lễ Phật Giáo. Trong sala, phần trung tâm vẫn có bàn thờ Phật nhưng đơn giản hơn khu chánh điện, và trong bố cục này thì sala phải hướng về phía đông như bao nhiêu chánh điện khác.

4.2.2. Kiến trúc bên trong.

Khác với Phật Giáo Đại Thừa thờ nhiều Phật và các vị Bồ Tát khác nhau, Phật giáo Tiểu Thừa chỉ thờ duy nhất một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, trong gian chánh điện của chùa Khmer bài trí khá đơn giản. Ở vị trí chính yếu là bệ thờ tượng Phật Thích Ca. Bệ tượng là một tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ. Trên tòa sen là tượng Phật đặt ở chính giữa.

Tượng Phật ngồi theo tư thế bán già, đầu có nhục kế hình chỏm nhọn – đặc trưng cho trí tuệ, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả – dưới là hai lớp tóc đen và xoăn. Mặt tượng có trán rộng, gương mặt đầy đặn, đôi lông mày cong, đôi mắt khép hờ, mũi thẳng, miệng rộng, đôi môi hơi dày, đôi tai to và dài gần chấm vai, đôi khi tượng phảng phất gương mặt người Khmer hiện đại. Phần thân mình, tượng có ức nở, lưng thẳng, bụng thon, hai cánh tay tròn trịa. Tay trái trong thế ấn Tam muội, tay phải tì qua chân, bàn tay úp chỉ các ngón xuống đất. Tượng Phật mặc áo cà sa choàng kín một bên vai trái, vai phải để trần nhằm biểu hiện kinh pháp. Đây là mô típ được rút ra từ Phật tích, truyền lại rằng: sau 49 ngày ngồi tham thiền, khi Đức Phật vừa mới đắc đạo thì Ma Vương đem binh tới chống phá, đòi Phật phải minh chứng. Đức Phật chỉ tay xuống, lấy đất làm chứng cho mình.

Loại mô típ phổ biến thứ hai là tượng Phật cứu độ chúng sinh. Tượng thể hiện Đức Phật trong tư thế đứng thẳng, nhưng gương mặt và cơ thể Phật lại mang dáng vẻ khác. Tượng mặc áo cà sa buông thõng, phủ kín lưng như một tấm áo choàng. Tay phải của Phật buông xuôi bên hông, tay trái đưa về phía trước ngực, lòng bàn tay hướng ra, các ngón tròn, dài thẳng lên trên. Trong lòng bàn tay thường có đường xoắn ốc là quí tướng của Phật.

Trong gian chính điện còn có nhiều hình vẽ gần kín các mặt tường. Chủ yếu là các hình vẽ kể lại cuộc đời của Đức Phật từ lúc sơ sinh cho đến khi thành đạo. đôi khi còn có các trường ca như ở chùa Xiêm Cán ( Bạc Liêu) có trường ca Ra-ma-za-na. Hầu như các tranh đều được lấy mẫu từ Ấn Độ, vì vậy những nhân vật trong tranh thường phảng phất gương mặt của người Ấn. Trên trần của chính điện cũng thường được vẽ kín. Các hình vẽ tả lại cảnh giao đấu giữa các Tiên nữ và Chằn, cảnh Tiên làm lễ, cảnh Aùpsara dâng hoa… những chi tiết này được trang trí với màu sắc sặc sỡ làm cho chánh điện như sáng lên.

4.3. Sư Sãi và phong tục của các chùa Nam tông Khmer Việt Nam.

Đây là một bộ phận bao gồm các chức sắc sư sãi và các tín đồ của đạo Phật trong các chùa. Những quy định của giáo lý phật giáo buộc người con trai Khmer phải tu ở chùa một thời gian, về hệ thống dày đặc của các chùa chiền vùng Khmer, đã tạo nên một tầng lớp sư sãi khá đông đảo. Có những thời kì, số sư tu trong một chùa rất đông, hàng chục, hàng trăm và thậm chí đỉnh cao là lên tới 1000 người đi tu.

Hệ thống chùa chiền và sư sãi Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long tập hợp thành những hệ giáo phái riêng biệt và những tổ chức quản lý chặt chẽ.

Phật giáo Nam tông Khmer không chỉ có những điều luật chung, khái quát mà còn có quy định rất cụ thể trong quá trình hành đạo nhằm tạo tính quy luật riêng biệt trong các chùa và trong giáo phái, ngành giới của mình.

Phật giáo Nam Tông Khmer quy định: Người con trai nào cũng phải vào chùa tu từ một tháng cho đến hết đời, lúc nào muốn trở về nhà thì xin ra, gọi là “Sark”, hoặc muốn ở luôn cũng được. Ai đã về nhà rồi mà quay trở lại tu nữa cũng được đón tiếp như thường. Ai cũng phải đi tu. Vua chúa cũng đi tu như dân chúng. Người nào không đi tu sẽ bị đồng bào coi thường, cho là kẻ không có Phật tính, không hiểu đạo lý ở đời. Thực tế cuộc sống đời thường đã cho thấy rõ người con trai không đi tu rất khó cưới vợ. Đây là quy định có nhiều ảnh hưởng quan trọng đối với người Khmer cũng như những ai trong cộng đồng tộc người tu theo ngành Nam Tông.

Sư sãi trong chùa có hai cấp bậc: Sadi và Tỳ khưu. Điều kiện bắt buộc là người mới vào tu, nếu tuổi chưa quá 20 thì phải theo bậc Sadi, muốn theo bậc Tỳ khưu phải hơn 20 tuổi. Trường hợp người lớn tuổi mà muốn theo bậc Sadi suốt đời cũng được, không ai ngăn cản. Cấp bậc này tính theo giới luật mà nhà sư phải giữ: Sadi giữ 105 giới, Tỳ khưu giữ 227 giới.

Lễ xuất gia được tiến hành rất cẩn thận, người đi tu nhờ một vị sư chon ngày cử hành xuất gia và nhờ bè bạn, hay thân nhân cạo đầu, cạo râu, cạo lông mày cho mình. Sau này cứ mỗi tháng cạo hai lần vào hai ngày trước đêm trăng tròn và hai ngày trước đêm trăng khuyết. Nhà sư để đầu trần chứ không được đội mũ, nón, nhưng có thể được che ô bằng vải trắng hay vàng. Đúng theo kinh nhà phật thì sư phải đi chân khồng, nhưng để tránh gai góc và giữ vệ sinh nên trong giới sư sãi bỏ đi điều ấy và đặt quy chế riêng là sư đi dép nhưng không được bít phía trước, không được cao quá hai phân, cùng một kiểu, một màu với nhau.

Ngoài sinh hoạt tôn giáo thường xuyên có định kỳ vào các ngày mùng 5, 8, 15, 23, 20 hàng tháng ( theo lịch Khmer) còn có việc tố chức tại chùa những nghi lễ do tăng doàn và ban quản trị chù tiến hành theo ngày tháng mà kinh điểngiáo lý quy định như lễ ban hành giáo lý, lễ Phật Đản, lễ nhập hạ, lễ dâng y… các lễ truyền thống cũng được tổ chức tại chùa như Chol Chnam Thmay, tết Dolta , lễ đút cốm dẹp… các lễ mang tính tập tục dân gian ở xóm ấp và gia đình.

Nói về Phật giáo Nam tông Khmer thì chúng ta có thể nói rất nhiều vì đây không những là Phật giáo mà nó còn mang đậm tính chất dân tộc trong đó. Chính đặc điểm này đã tạo cho văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer mang một nét khác biệt so với các tông phái Phật giáo khác.

[1] Châu Đạt Quang, Du Ký[2] Nguyễn Văn Sáu, Bước đầu tìm hiểu Phật giáo Nam tông Việt Nam, trang 14, nxb Tôn Giáo, 2007

5/5 - (2 bình chọn)