Đã có một thời gian dài, tín ngưỡng thờ Mẫu bị xem nhẹ, thậm chí còn bị khoác cho cái áo mê tín dị đoan. Nhưng từ những năm 70 của thế kỷ XX, một đôi nhà nghiên cứu mỹ thuật trẻ, với sự dẫn dắt của Cố GS. Từ Chi, đã chợt nhận thấy rằng: Hầu như mọi tôn giáo lớn đều được du nhập từ bên ngoài vào, chỉ riêng tục thờ Mẫu, được coi là một trục chính của tín ngưỡng dân gian, đã tồn tại suốt cả mấy nghìn năm như một đối trọng về mặt tâm linh với các tôn giáo bên ngoài, để ta vẫn là ta, góp phần bảo vệ một bản sắc văn hóa dân tộc muôn đời, muôn thuở. Vậy, đạo “Mẫu” là gì?

Vượt qua giai đoạn nguyên thủy (lúc người Việt còn thờ các lực lượng tự nhiên) đến giai đoạn thờ thần linh nhân dạng, thì ngay từ đầu đã ra đời một đối tượng thờ đáng quan tâm nhất là bà mẹ quyền năng. Vào thời kỳ hái lượm, vai trò của người phụ nữ đã quyết định tới sự tồn tại của gia đình và cộng đồng. Đó là điều kiện để bà mẹ/chúa rừng mang tính khởi nguyên của “con người vũ trụ” trong tín ngưỡng của người Việt xuất hiện. Người ta thường nghĩ tới một điểm hội tụ là đền Đông Cuông (thuộc Bắc Yên Bái). Sau đó, theo dòng sông Hồng người Việt tiến dần xuống khai phá ruộng đất bằng phẳng hơn để từng bước ổn định một nền nông nghiệp lúa nước. Có thể đó là một nguyên nhân sáng tạo nên bà Mẹ xứ sở Âu Cơ ở đất Phú Thọ. Tạm nghĩ đây là sự huyền thoại hóa hiện tượng cư dân trên cạn kết hợp với cư dân chài lưới, làm nảy sinh cặp uyên ương khởi nguyên Âu Cơ-Lạc Long Quân. Có lẽ vùng đất này cũng là địa điểm hội tụ chính của sự giao thoa giữa các tộc người gốc như: Môn-Khơ Me, Tạng-Miến, Tày-Thái, Mã Lai-Nam Đảo, và nhiều tộc thiểu số khác mà hình thành dần hệ tộc Việt-Mường. Sau đó, Phú Thọ-Việt Trì chứng kiến sự tách tộc: Kinh-Mường, mở đầu cho cuộc trường chinh khai phá mạnh mẽ vùng châu thổ trung và hạ lưu sông Hồng. Có thể sau đó có một cuộc “va đập” văn hóa lớn giữa Lạc Việt và Âu Việt (ở Đông Bắc) để chấm dứt thời Hùng, chuyển sang nhà Thục. Đó là một cuộc cách mạng lớn của dân tộc, thúc đẩy lịch sử và xã hội phát triển.

Ở lĩnh vực tín ngưỡng thờ Mẫu, do kết hợp nhiều yếu tố văn hóa bên ngoài (cả Bà La Môn, Phật giáo, văn hóa Trung Hoa…), mà các vị thần nông nghiệp (ở đây các thần gắn với mưa) được Phật giáo hóa để hình thành hệ Mẫu Tứ Pháp. Sự “kết duyên” giữa văn hóa bản địa và văn hóa bên ngoài, nhất là Phạt giáo, đã làm nảy sinh một dạng bà Mẹ xứ sở mới-bà Man Nương (mô hình chung của nhân loại về mẹ xứ sở là: Bà thường “tằng tựu” với người ngoài tộc, tức người không cùng hệ, thành phần…). Một số người đã từng nghĩ Bà là hóa thân của mẹ đất, sự phối hợp giữa Bà và “các con” (Vân, Vũ, Lôi, Phong=Mây, Mưa, Sấm, Gió) là nguồn gốc của hạnh phúc, no đủ… Hiện nay, không gian tập trung về cội nguồn của tín ngưỡng Tứ Pháp được coi là ở ranh giới giữa vùng bán sơn địa và vùng thấp của châu thổ sông Hồng. Từ đây, tín ngưỡng Tứ Pháp lan xuống các vùng dưới (ở Hà Nội, đã chuyển hóa từ Phật thành Bồ Tát; như để gần chúng sinh hơn). Và, ở ngay trên đất Phủ Giày, phần nào đã như thấy có sự hội nhập giữa Tứ Pháp với Tứ Phủ. Nhìn chung, tín ngưỡng Tứ Pháp nhạt dần, để tới khi khai phá vùng thấp của châu thổ sông Hồng, thì chuyển hóa thành tín ngưỡng Tứ Phủ. Nhiều thế kỷ nay, tín ngưỡng Tứ Phủ tồn tại cùng nền kinh tế nông nghiệp, phản ánh ước mong truyền đời của nông dân Việt. Trên thần điện của tín ngưỡng này, có thể tạm xếp thành mấy hệ cơ bản sau:

Một là : hệ sáng tạo: Bao gồm Tứ Phủ Thánh Mẫu (bốn vị tối thượng thần ở bốn miền vũ trụ: Trời, rừng, nước và đất), được chia làm hai hệ nhỏ gắn với cuộc sống và cái chết. Vì thế, tuy là Tứ Phủ nhưng chỉ có Tam Tòa là hệ thứ nhất, gồm ba thế lực gắn với ước vọng nông nghiệp: Trời, Nước và Đất. Hệ thứ hai được gắn với Mẫu Thượng Ngàn, phần nào liên quan tới các kiếp đời đã qua (người chết thường được chôn ở rừng). Khi tín ngưỡng Tứ Phủ chuyển đổi “thành phần tín đồ”, được sự hỗ trợ của tầng lớp phi nông nghiệp chú ý đề cao nước và rừng, mang ý nghĩa về sự giàu có, thì mặc nhiên Mẫu Địa bị gạt ra ngoài để Tam Tòa chuyển hóa, gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải (dù cho vẫn có một động sơn Trang riêng).

Thứ hai, hệ thực hiện ý đồ sáng tạo của Thánh Mẫu, gồm: Ngũ Vị Tôn Ông/quan.

Thứ ba, hệ phát huy thành quả sáng tạo, gồm: Tứ Phủ Quan Hoàng và Tứ Phủ Chầu/Chúa Bà, là những vị có công với nước, với dân trong xây dựng và bảo vệ quốc gia.

Bốn là, hệ chúng sinh chuẩn mực được hưởng quả phúc, gồm: Cô và Cậu. Đây là những chúng sinh khi sinh thời có đạo và đức, được tái sinh về thế giới thánh thiện này. Cô và Cậu được nhiều cư dân trên thế giới tôn thờ và được nhập vào thần điện của Mẫu, khi tín ngưỡng này chiếm địa vị “thượng phong” trong xã hội bình dân Việt. Nhìn chung, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ là sản phẩm của tư duy mênh mông tràn vũ trụ, thuộc giới bình dân, nó vừa được tôn sùng đề cao, vừa gần gụi và gắn bó với bước đi cơ bản của lịch sử. “Đạo” Mẫu đã đi vào đáy sâu của tâm hồn tín ngưỡng dân gian Việt. Mẫu đã đi theo bước chân của người Việt để đánh dấu quyền năng của các Ngài ở khắp mọi miền đất nước. Song, trong các chế độ cũ, việc thờ thánh Mẫu chỉ được coi như một tín ngưỡng bên lề: dù cho nó là thứ tín ngưỡng dân gian tồn tại và phát triển trên dòng trôi chảy của lịch sử, đáp ứng yêu cầu của hạ tầng xã hội trong mọi hoàn cảnh khác nhau

Điều đáng quan tâm là, tín ngưỡng này tuy phát triển có phần rộng khắp, nhưng chưa bao giờ trong các chế độ cũ có có đủ điều kiện để trở thành một hệ tôn giáo chính thống, vì:

Không hề được sáng lập bởi một vị giáo chủ cụ thể nào;

Không hề có hệ thống giáo lý gắn với nhân sinh quan và vũ trụ quan một cách mạnh mẽ. Nó vì nhu cầu thiếu hụt tâm linh của quần chúng ở các thời kỳ khác nhau, rồi tự điều chỉnh để tồn tại. Vì thế, nó thâm nhập vào mọi nơi, mọi chốn, thậm chí vào cả các tôn giáo lớn, để cho tôn giáo ngoại lai thích hợp có thể phổ cập và tồn tại trong quần chúng (khi tôn giáo đó biết dung hội với tín ngưỡng này, các tượng Phật giáo phần nhiều mang dạng nữ, nhất là Quan Âm Bồ Tát).

Tín ngưỡng thờ Mẫu sở dĩ tồn tại lâu dài hơn mọi tôn giáo khác và giữ được nhiều yếu tố về đạo và đức đậm đà bản sắc dân tộc, theo chúng tôi, vì xưa nay nó không có một tổ chức áp đặt từ trên xuống để chi phối mọi việc liên quan. Thực tế lịch sử đã cho thấy, mọi chính quyền quân chủ thời Trung cổ không biết dựa vào khâu nào để cho phối nó, nhất là khi ảnh hưởng của nó qúa rộng, lại dễ tập hợp được quần chúng. Đó là một điều đáng lo ngại cho mọi chế độ xã hội chứa đầy mâu thuẫn giai tầng/cấp. Vì thế, trước đây, nhiều khi tầng lớp thống trị và nho sĩ thường chê bai và gán cho tín ngưỡng thờ Mẫu nhiều yếu tố tiêu cực, thậm chí đả kích vào cả các thánh Mẫu. Họ bài bác và gán cho tín ngưỡng này đậm yếu tố mê tín dị đoan, đặt nó ra ngoài không gian tư tưởng chính thống, đồng thời luôn tìm cách khống chế nó.

Tới nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, để mong tìm về một khía cạnh thuộc cốt lõi khởi nguyên mang vẻ đẹp tâm linh của nông dân Việt, đậm yếu tố thuộc bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó không có nghĩa là chúng ta ủng hộ sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu theo một chiều hướng mới. Khi nghiên cứu về sự phát triển của đạo Phật trong thời mạt pháp, một số nhà Phật học và Triết học đã chỉ ra rằng: Người ta chỉ tìm thấy chân lý của đạo ở nơi mà đạo chưa tới, hoặc Giáo hội là kẻ đào mồ chôn chính tôn giáo của nó. Nếu vậy, ở khía cạnh nào đó, tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay chưa phải ở thời kỳ mạt. Với truyền thống tự thích ứng để tồn tại, tín ngưỡng này đi vào lòng người, bởi “tâm”, không hẳn bằng “pháp’. Vì thế, chúng ta chỉ cần giữ sao cho nó không bị sa đà vào mê tín dị đoan, và nhất là không để cho những kẻ hoạt động tôn giáo tín ngưỡng lợi dụng. Việc đưa tín ngưỡng thờ Mẫu vào tổ chức (có tính chất giáo hội) dễ làm biến chất sự trong sáng hồn nhiên của tín ngưỡng này, làm tàn phai yếu tố dân gian mà chúng ta hằng tôn trọng, có thể tục thờ Mẫu gắn rất chặt chẽ với bước đi của lịch sử và xã hội.

Cụ thể: buổi đầu nó gắn với thờ bà chúa rừng, khi bước vào khẳng định nền kinh tế nông nghiệp, nó chuyển hóa để có bà mẹ xứ sở Âu Cơ. Khi xuống tới vùng đồng bằng cao (Vĩnh Phúc-Bắc Ninh cũ), cùng sự tiếp cận với văn hóa bên ngoài, nó chuyển thành đạo Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Phong: bốn thế lực gắn với cầu mưa), khi khai phá vùng đồng bằng thấp, nó chuyển thành đạo Tứ Phủ, khoảng thế kỷ XVI, khi nền kinh tế thương mại có phần phát triển, thì tất yếu có một xu hướng hội các thần lại hoặc chọn ra một vị tiêu biểu để tôn thờ. Như ở Phật giáo Việt có hiện tượng thờ Quan Âm Nam Hải, thì trong đạo Mẫu tập trung vào việc sáng tạo ra Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nếu như trước đây đạo Mẫu theo chiều thuận chảy từ phía Tây Bắc về Đông Nam thì nay đạo Mẫu đã theo các thương thuyền lên vùng trung du rồi tiếp cận cả với vùng sâu vùng xa để sau đó theo bước chân tộc người chủ thể mà tới nay lan tỏa ra gần khắp đất nước. Quá trình này cũng kèm theo sự hội nhập với các thần địa phương, như ông Hoàng Bảy, Hoàng Sáu, Hoàng Mười và cả các chầu/chúa khác. Nhìn chung giai đoạn đầu (tới thế kỷ XV-XVI) tục thờ Mẫu theo chiều từ trên rừng xuống miền thấp, sau đó thì có phần ngược lại và mở rộng. Một đặc điểm vô cùng quan trọng là đạo Mẫu không cố định về hệ thần linh, mà theo những mốc phát triển lớn của lịch sử dân tộc để biến đổi theo.

Ngược lại, quá trình phát triển của đạo Mẫu đã gắn liền và phản ánh về một khía cạnh nào đó của bước đi lịch sử dân tộc, mà không một tôn giáo lớn nào trên đất nước ta có được. Ở lĩnh vực thờ cúng, vì là tín ngưỡng dân gian nên thần điện cũng rất đa dạng, tùy nơi, tùy lúc mà có thể khác nhau. Một cụ thể là ở điện Mẫu Tây Thiên. Tây Thiên đâu chỉ là mảnh đất từ miền thiên quốc lạc xuống trần gian với suối Bạc, suối Vàng, hội thành dòng Giải Oan và những vách đá sững sững, cây cối xanh tươi… Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn đã ghi: “Mạch núi này do khí thế cao cả của các núi ở các xã Kỳ Phú, Huân Chu và Cát Nê thuộc huyện Phú Lương và cả Đại Từ kéo đến. Đến đây đột khởi ba ngọn núi cao vót đến tận mây xanh…” (Kiến văn tiểu lục). Phải chăng đây là ngọn chủ sơn thiêng liêng, nên vào đời Thái Hòa thứ 8 (năm 1450), nhà vua đã sai đại thần Lê Khắc Phục tới nơi này để tế thần núi Tam Đảo (Bia Ma Nhai, được cán bộ Sở Văn hóa-Thông tin Vĩnh Phú phát hiện năm 1984).

Từ Chi và Trần Quốc Vượng, bằng cảm quan dân tộc học văn hóa và lịch sử đã từng cho biết, dãy núi Tam Đảo là một địa chỉ văn hóa đặc biệt. Nó là “điểm dừng” trên con đường từ rừng núi tiến xuống khai phá vùng châu thổ màu mỡ. Nó cũng là một trục vũ trụ đối xứng với núi Tản Viên (Ba Vì).

Mặt khác, theo sách Thủy kinh chú (tác giả người Hoa-thế kỷ VI) cho biết: Vào thế kỷ III trước công nguyên, vua Asoka, một đại anh hùng Ấn Độ đã cho dựng ở núi Nê Lê trên đất Việt một ngôi tháp Phật để hoằng dương đạo pháp. Về sau, người ta thường cho là núi Tường Long, Kiến An (Hải Phòng). Nhưng, gần đây nhà Phật học Lê Mạnh Thát, qua tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam, quyển I, cũng cho rằng đó là vùng núi Tam Đảo. Tất cả những ý kiến trên, và có thể còn nhiều ý kiến khác nữa, đều như dẫn tới minh giải về tính thiêng liêng cho dãy núi và cả mảnh đất tụ cư ở vùng này, nơi người ta dễ có khả năng thông linh và để nhập mình vào dòng chảy sinh lực của vũ trụ. Phải chăng đó là mảnh đất thiêng liêng để hình thành hệ thống chùa và điện mẫu Tây Thiên.

Theo truyền thuyết, mẫu Tây Thiên có một lý lịch hẳn hoi: bố là Năng Vỹ, mẹ là Đào Liễu, đều trên 40 tuổi mà chưa con. Ông bà đi cầu tự ở chùa Tây Thiên được ban điềm lành mà sinh ra Mẫu, đặt tên Năng Thị Tiêu. Lớn lên, Mẫu dũng mãnh, tài lược hơn người, đã giúp vua Hùng đánh giặc đạt nhiều chiến công. Sau lễ mừng thọ mẹ cha (ngoài 80 tuổi), ngày 15 tháng 02, Mẫu được gọi về trời. Nhớ ơn bà, nên vua đã phong bà “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương, Đệ Nhất Thượng Đẳng Phúc Thần”.

Chúng tôi ngờ rằng, toàn bộ sự tích này đều được san định lại trong thời gian gần đây, để Mẫu có tên tuổi, có mẹ cha và các chiến tích đời thường, để thoảng đâu đó cũng tương đồng theo kiểu thức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, từ khá sớm, hẳn có một hình thức thờ nữ thần đã từng tồn tại ở đây. Mà, theo dòng chảy của sông Hồng, người Việt đi xuống khai phá đất hoang để hình thành dần nền nông nghiệp, thì họ cũng đem theo vị nữ thần nguyên thủy của mình, trong đó một ngờ vực là Bà chúa Rừng. Mặc khác, bà mẹ Thượng Ngàn này cũng phần nào thích hợp với không gian thiêng của núi rừng Tam Đảo (đền Thượng ở khu nghỉ Tam Đảo cũng thờ chính là bà Thượng Ngàn). Ở lĩnh vực tạo hình, một đặc điểm của các điện thờ Mẫu ở Tây Thiên hiện nay là vẫn còn khá đơn sơ, ít theo quy chuẩn chung. Có nghĩa là trên chính điện chỉ có một tượng Thủ điện, không có Tam tòa Thánh Mẫu và chư vị liên quan. Bàn thờ này, thật sự gần giống như cách bài trí ở các đền thờ nữ danh nhân được hội vào tín ngưỡng Tứ Phủ (Hai Bà Trưng, Bà Triệu…). Ngoài ra, nghệ thuật tạo tượng ở đây cũng chưa xứng tầm với Mẫu Tây Thiên, mà còn làm tùy tiện, tô tượng không đúng tính chất, cụ thể là:

Tượng không đẹp, ngồi kiết già hàng ma mà tay để úp.

Tây Thiên (ít nhất hiểu là đất Phật ở phương Tây, phần nào gắn với Tịnh Độ Tông, với thế giới của A Di Đà Phật. Đây là vùng rừng núi, nhiều khi còn gắn với các kiếp đời đã qua), không tương ứng với màu đỏ. Chưa thấy có tư liệu nào nói Mẫu Tây Thiên là hóa thân của Thánh Mẫu Đệ Nhất hay thuộc cung Đệ Nhất, vì thế yếm của Ngài màu đỏ là điều cần phải xem xét lại.

Ở đền Cả, không rõ vì lý do gì, lại có một tượng Mẫu ngồi cao nhất (sau Mẫu Thủ Điện) đã kết ấn chuẩn đề của Bồ Tát Quan Âm. Hình thức này thực sự không có ở tín ngưỡng thờ Mẫu (cũng không có ở lệ Tam Tòa). Tính tùy tiện này cũng xảy ra ở đền Thông.

Nhìn chung, các tượng ở Tây Thiên đều là sản phẩm của người thợ non tay nghề và niên đại không thể trước thế kỷ XX.

Để xứng đáng hơn với vai trò của Mẫu Tây Thiên, chúng tôi mong muốn được các cơ quan chức năng, nhân dân địa phương cùng tín đồ thập phương công đức xây dựng lại điện Mẫu Tây Thiên, tô tượng và đặc biệt là để tâm nghiên cứu lại một cách có hệ thống về tín ngưỡng thờ Mẫu ở nơi đây. Chỉ tới lúc đó, chúng ta mới có thể thấy được vẻ đẹp lung linh của tinh thần Việt muôn đời, muôn thuở của miền đất thánh thiện này.

Rate this post