Khamphadisan.com – Nếu bạn có dịp về với quê hương “năm tấn Thái Bình“, bạn không chỉ được ngắm những cánh đồng thẳng cò bay thẳng cánh, được thưởng thức đặc sản bánh cáy, kẹo lạc ngọt bùi nức tiếng mà bạn sẽ còn được tận mắt chiêm ngưỡng những tuyệt tác chạm bạc của một làng nghề hàng có tuổi đời hàng trăm năm.
ảnh: vietnamtourism
Nếu ở Hà Nội có làng kim hoàn Định Công thì khi nhắc đến mãnh đất Thái Bình, người ta không thể không nói đến làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã nổi tiếng từ lâu. Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm (xưa kia có tên là Ðường Thâm) nằm tọa lạc bên hữu ngạn sông Ðồng Giang, cách Tp.Thái Bình chừng 20 km về phía đông
ảnh: vietnamtourism
Theo như những ghi chép trong sách sử còn lưu lại thì: làng này được hình thành vào khoảng thời gian cuối nhà Trần – Hồ, cách chúng ta ngày nay trên 600 năm. Nhưng nghề chạm bạc ở đây đến lại xuất hiện muộn hơn. Hiện tại làng còn một am thờ cùng một tấm bia đá ở trong khu chùa Ðường (tại thông Thượng Gia ngày nay). Ðó là một văn bia Tổ nghề được dựng năm 1689. Trên văn bia có ghi: “Hoàng triều Chính Hoà thập niên, Tổ phụ Nguyễn Kim Lâu, Bảo Long tụ lạc học nghệ, đáo Ðồng Xâm xứ kiến lập thập nhị phường kim hoàn truyền nghệ.” Tạm dịch: Năm thứ mười dưới triều vua Chính Hoà (1689), vị tổ sư Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long, tới xứ Ðồng Xâm lập ra mười hai phường để truyền nghề.”
Nguyễn Kim Lâu sống vào khoảng đầu thế kỷ 17. Và như vậy có thể tháy nghề chạm bạc Ðồng Xâm đã tồn tại được gần 400 năm nay. Vào buổi đầu là nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khoá, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát…về sau mới làm có thêm làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc.
ảnh: sưu tầm
Qua những bàn tay khéo léo của những người thợ nơi này, từ những tấm đồng thô kệch đã biến thành những bát, ấm, chén, chuôi dao… được trang trí với những họa tiết khắc chìm chìm, chạm nổi, lúc đơn giản, nhẹ nhàng, lúc lại cầu kỳ tinh tế. Cũng như nhiều làng nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim… nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật chế tác lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm người Ðồng Xâm luôn giữ bí mật nghề. Ðến nay, những kỹ thuật này không còn là độc quyền của thợ Ðồng Xâm nữa, nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền.
ảnh: sưu tầm
Phường chạm bạc ngày xưa đã có qui định chặt chẽ trong hương ước của làng rằng: người nào đem bí quyết nghề truyền dạy cho nơi khác, cho người làng khác, hay làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải phạt thật nặng… hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ Tổ, hoặc phải xoá tên trong phường.
ảnh: vietnamtourism
Dù thuộc dòng nào thì những sản phẩm của làng Đồng Xâm luôn đảm bảo sự hoàn hảo và nổi bật với hoa văn trang trí tinh xảo, cân đối và thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Nhờ vậy, sản phẩm Đồng Xâm không chỉ đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng khó tính mà cả những người am hiểu nghệ thuật.
ảnh: sưu tầm
Nếu có dịp đến với Đồng Xâm vào ngày 1-5/4 âm lịch, các bạn còn được hòa mình trong không khí sôi động của lễ hội đền Đồng Xâm với nhiều nghi và hoạt động như: lễ rước, tế linh đình, các trò chơi dân gian phong phú. Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn của ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu của những người thợ Đồng Xâm, và là dịp để bạn có thể chọn mua những kiệt tác tinh xảo được các nghệ nhân giỏi nhất của làng nghề làm ra.
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Thái Bình
- Những điểm đến nổi tiếng tại Thái Bình
- Chùa Keo – nét kiến trúc cổ độc đáo của ngôi chùa Việt
- Cồn Đen một trong những bãi biển đẹp nhất vịnh Bắc Bộ
binhqb94 (Tổng hợp -biên tập)