Khamphadisan.com – Hòn Khoai là một đảo đá, đồi và rừng gần như còn nguyên vẹn với hệ động thực vật khá phong phú và phong cảnh thiên nhiên hoang dã đến lôi cuốn. Đến đây, bạn sẽ được tham quan và đắm chìm trong một khung cảnh rộng rãi, mênh mông của biển lớn.
ảnh: sưu tầm
Nằm tại cực Nam của Tổ quốc, Hòn Khoai nằm cách đất liền 14.6km. Ngày xưa, Hòn Khoai còn có tên khác hòn Giáng Hương, hòn Ðộc Lập, vào thời Pháp thuộc gọi là đảo Poulo Obi. Tuy nhiên, người nơi đây vẫn quen gọi là Hòn Khoai bởi vì hình dạng của nó trông giống như củ khoai khổng lồ. Ngư dân địa phương còn dựa vào hình dáng của mỗi hòn đảo mà đặt tên như: hòn Tượng, hòn Ðồi Mồi, hòn Ðá Lẻ…
ảnh: sưu tầm
Để ra với Hòn Khoai bạn có thể di chuyển bằng tàu 90CV từ Rạch Gốc (Cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển) bạn sẽ chỉ mất 3 giờ để ra đến nơi. Đến với Hòn Khoai bạn sẽ được chiêm ngưỡng một trong những hòn đảo đẹp nhất miền vùng cực nam của Tổ quốc. Thật ra Hòn Khoai không chỉ có một đảo mà còn có thêm 5 hòn đảo nhỏ nữa Hòn Khoai là đảo lớn nhất.
ảnh: sưu tầm
Đến Hòn Khoai, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, bạn còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm ở nước ta với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn.Trên đỉnh cao nhất của hòn Khoai, hiện nay vẫn còn một cây hải đăng được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Hải đăng hòn Khoai được xem là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam.
ảnh: sưu tầm
Trước đây ngọn hải đăng này sử dụng bầu đèn chạy bằng dây cót nay được thay thế bằng bầu đèn hiện đại quay từ trường qua kính hội tụ có độ chiếu sáng xa đến 35 hải lý. Hòn Khoai còn là một vị trí đèn biển quan trọng ở biển Ðông và vịnh Thái Lan. Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống đèn biển từ Cần Giờ, Côn Ðảo, Phú Quốc, hòn Khoai nhằm phục vụ cho các loại tàu biển đi lại an toàn.
ảnh: sưu tầm
Nơi đây, vào những năm 40, khi bị thực dân Pháp lưu đày ra Hòn Khoai, thầy giáo Phạm Ngọc Hiển đã lãnh đạo một nhóm tù nhân nổi dậy giết chết tên chúa đảo và chiếm ngọn hải đăng, làm nên chiến công Hòn Khoai lừng lẫy đến tận ngày nay. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà cụ thể là cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phạm Ngọc Hiển (sau này tỉnh Minh Hải đã đặt tên Ngọc Hiển cho huyện Năm Căn trước đây).
ảnh: sưu tầm
Ðường lên đảo uốn hình trôn ốc bám theo sườn đồi, cây cối mọc um tùm che rợp lối đi. Mít và xoài ở đây rất nhiều và có không ít cây cổ thụ. Trên đảo còn có nhiều cây là vị thuốc chữa trị được một số bệnh. Bờ biển hòn Khoai có nhiều long tu (rong biển) đóng quanh những tảng đá. Loại rong này ăn rất mát và bổ.
ảnh: sưu tầm
Từ trên ngọn hải đăng, bạn có thể quan sát thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Đặc biệt, bạn có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau để một lần trong đời được chiêm ngưỡng từ xa cái mũi đất thiêng liêng của tận cùng tổ quốc, mà không dễ có ai ngắm được nếu không ra Hòn Khoai.
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Cà Mau
- Những điểm đến không được bỏ qua tại Cà Mau
- Khám phá mũi Cà Mau điểm cực Nam của Tổ quốc
binhqb94 (Tổng hợp – biên tập)