Đã từ lâu vùng đất Kim Long nổi tiếng với nghề làm mứt gừng và bánh cộ (còn gọi là bánh in), đằng sau đấy là những công sức và tâm huyết của người thợ để làm nên những chiếc bánh mứt ngon lành đến tay người dùng. Chính vì như vậy mà mỗi khi Tết đến xuân về hai món ấy lại khiến nhiều người tìm mua.
Tâm – cô bạn của tôi là người Thanh Hóa hiện là sinh viên năm cuối của trường Đại học Khoa học Huế sẽ là nhân vật cùng đồng hành trong quá trình tìm hiểu về mứt gừng và bánh cộ của người dân xứ Cố đô.
Bánh cộ của người Huế có nhiều loại như: bánh đậu xanh, bánh nếp, bánh bột bình tinh. Hình dạng của bánh cũng rất phong phú như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật… Kích cỡ to nhỏ, dày mỏng cũng khác nhau.
Ghé đến cơ sở sản xuất bánh Kim Long 2 (đường Phạm Thị Liên), chúng tôi được dì Mai Thị Thúy Liên (chủ cơ sở) hướng dẫn cách làm bánh cộ: “Mặc dù khác nhau vềnguyên liệu nhưng để làm ra những chiếc bánh in thơm ngon đều phải trải qua nhiều công đoạn. Với bánh in đậu xanh, đậu quyên thì đậu sau khi làm sạch vỏ và đem hấp chín. Sau đó cho đường vào nấu với lửa thật nhỏ đến khi bột không dính tay là có thể đem đúc thành khuôn.”
Theo dì Liên cho biết những điều lưu ý khi làm bánh đó là: bánh in bột nếp phải lựa những hạt nếp tròn, vo sạch để ráo nước, tiếp đó đem rang với lá dứa cho thơm. Khi hạt nếp có màu hơi vàng cho mùi thơm, lấy bỏ hết lá dứa và xay nhuyễn nếp đã rang. Hòa tan trong nước lạnh và đường cát trắng, để lửa nhỏ nhằm làm hỗn hợp sôi liu riu cho đến khi đường hơi sánh. Khi in thì trộn bột và đường theo tỷ lệ 1:1, chà xát nhiều lần để đường và bột hòa vào nhau.
Dì Liên nói thêm: “Bánh sau khi in phải sấy trên bếp than cho thật kỹ để tránh bị mốc, tiếp đó gùng giấy kiếng gói bánh lại là hoàn tất. Bánh được in và tạo hình bằng các khuôn đồng có hình chữ nhật và một cái nắp khuôn có hoa văn chữ Thọ, chữ Phúc,…”
Theo bạn Tâm cho biết: Công đoạn in bánh khiến mình khá lúng túng bởi không dễ đối với người làm lần đầu, phải mất một lúc những chiếc bánh được mình in ra đầy đặn, vuông vức.
Tiếp là phần gói bánh – quan trọng nhất là các góc không bị thừa ra, nếp góc thẳng đẹp, phẳng phiu. Giấy gói bánh cộ có 5 màu: vàng, đỏ, hồng, xanh lá và gạch. Công đoạn này có vẻ dễ hơn nên Tâm thích thú gói bánh với 5 màu khác nhau. Cô cho biết: “So với in bánh thì em cảm thấy công đoạn gói bánh dễ hơn, em học nhanh hơn chắc do có khiếu gói quà khi còn nhỏ nên quen; chỉ cần xếp các góc đều nhau và cần thêm chút khéo tay để cái bánh được đẹp.”
Theo lời giới thiệu của dì Liên, chúng tôi tiếp tục tìm lên làng Trúc Lâm (phường Hương Long, TP Huế) gặp anh Nguyễn Sang – người chuyên “xây” tháp bánh cộ.
Theo như Anh Sang chia sẻ khi “xây” tháp bánh cộ cần chú ý: “Mình xây phải xây cho tròn, đều để tháp bánh không bị méo. Trùm (thắt) cái nơ cũng cần phải học nếu không sẽ bị lệch, mỗi cái đều có cái khó của nó. Làm sao nổi bật tháp bánh để chưng mấy ngày Tết là điều quan trọng. Tầm 20 phút là mình hoàn thành một tháp bánh.”
Được biết hơn 10 năm nay, gia đình anh Sang chuyên làm nghề “xây” tháp bánh, công việc bắt đầu từ đầu tháng 11 Âm lịch. Theo tìm hiểu, thì tháp bánh cộ loại vừa được ghép từ 38 cái có giá 30.000 đồng/tháp, loại lớn (chữ Phước) thì 60.000 đồng/tháp với 55 cái bánh xếp vào nhau. Mỗi ngày vợ chồng anh chị làm được gần 150 tháp bánh cả lớn cả vừa.
Tạm biệt vợ chồng anh Sang chúng tôi tiếp tục ghé thăm cơ sở sản xuất mứt gừng Ánh Nguyệt (đường Hồ Văn Hiển – phường Kim Long) do vợ chồng ông Trần Hữu Nam và bà Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ. Tại đây, nhân vật trải nghiệm là bạn Tâm sẽ tiếp tục học cách làm mứt gừng với những bếp than hồng đỏ lửa.
Trò chuyện với ông Nam, chúng tôi được biết ông bà theo nghề “cha truyền con nối” này đã mấy chục năm, ông cũng chia sẻ những công đoạn để làm ra mẻ gừng ngon: “Gừng được cạo sạch vỏ và ngâm nước, sau đó bào thành từng lát mỏng. Sau khi bào xong, gừng được rửa lại nhiều lần bằng nước để tránh bụi bẩn. Tiếp đến, gừng được luộc chín trong khoảng 20 phút và vớt ra để ráo nước. Xong trộn gừng với đường trắng, để cỡ nửa tiếng thì cho lên bếp củi để rim. Khi gừng gần ráo nước thì nhỏ lửa dần cho đến khi đường khô có màu trắng. Cuối cùng phơi trên các giàn để đóng gói.”
Khi theo những người thợ vào bếp, Tâm cho biết cô ấn tượng nhất là lúc rim gừng bởi theo cô người thợ phụ trách công đoạn này phải nhiều kinh nghiệm và chịu khó. Người thợ liên tục đảo đều các chảo rim gừng trong khi hơi lửa hầm hập rất nóng. Nhìn trán của người thợ đầm đìa mồ hôi mới biết khó khăn, vất vả để có thể tạo ra mẻ mứt ngon.
Mẻ gừng đầu tiên khá là quá sức với Tâm ấy, bởi vì đây là lần đầu tiên đứng trước bếp than nên cô không chịu nổi sức nóng. Tay Tâm bị bỏng nên cô đành lui về phía sau làm công đoạn trộn gừng với đường. “Cái gì làm lần đầu cũng chưa quen nên trộn như vậy cũng tàm tạm”, dì Nguyễn Thị Nga – làm công việc này đã được hơn 20 năm hóm hỉnh nói.
Sau một khoảng thời gian hòa cùng mọi người trong từng công đoạn làm mứt gừng, Tâm đã hoàn thành và bê một rổ mứt phơi khô chờ đóng gói…
Một ngày tìm hiểu về cách làm bánh cộ và mứt gừng kết thúc trong tiếng cười của Tâm, tôi biết chắc rằng đây sẽ là những kỉ niệm đẹp đối với cô, được trải nghiệm và ngắm nhìn những người thợ cần cù, chịu khó của xứ Cố đô. Và tôi chợt nghĩ biết đâu sau này sẽ được thưởng thức mứt gừng, bánh cộ do người con gái xứ Thanh làm ra…
Có thể bạn chưa xem:
- Đi đâu, chơi gì ở Huế ? dịp Tết Đinh Dậu 2017
- Về làng hoa giấy Thanh Tiên, gặp những người mang xuân về với Huế
- Đại Nội điểm check in không thiếu khi đến với Huế
binhqb94(sưu tầm)
Theo: TRT Huế