Khamphadisan.com – Là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Sài Gòn. Chùa Giác Lâm là một trong những địa điểm ưa thích của du khách khi đến với Tp.HCM. Hiện nay, chùa Giác Lâm được xem như là ngôi Tổ đình của dòng Lâm Tế ở miền Nam Việt Nam.

chua giac lam sai gon khamphadisan

Chùa Giác Lâm được ông Lý Thụy Long, là người xã Minh Hương quyên góp tiền xây dựng vào mùa xuân năm 1744. Ban đầu, chùa có tên là Sơn Cang hay còn gọi là chùa Cẩm Đệm. Đến năm 1774, Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc, là trụ trì chùa Từ Ân, đã đổi tên chùa thành chùa Giác Lâm và mời vị Thiền sư Viên Quang về trụ trì.

chua giac lam sai gon khamphadisan 1

Dưới thời trụ trì của thiền sư Viên Quang, nơi này đã trở thành nơi đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho các chư tăng ở thành Gia Đinh và Nam Bộ. Năm 1873, dưới sự trụ trì của Thiền sư Minh Khiêm, chùa còn là nơi in ấn và sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm cho một số sách phật giáo.

chua giac lam sai gon khamphadisan 2

Chùa Giác Lâm cũng đã trải qua nhiều đời trụ trì: Thiền sư Tổ Tông – Viên Quang, trụ trì năm 1774 – 1827 đời thứ 36; Tiên Giác – Hải Tinh, trụ trì năm 1827 – 1869 đời thứ 37; Minh Vi – Mật Hạnh, trụ trì năm 1869 – 1873 đời thứ 38; Minh Khiêm – Hoằng Ân, trụ trì năm 1873 – 1903 đời thứ 38; Như Lợi, trụ trì năm 1903 – 1910 đời thứ 39; Hồng Hưng – Thạnh Đạo, trụ trì năm 1910 – 1949 đời thứ 40; Nhựt Dần – Thiện Thuận, trụ trì năm 1949 – 1974 đời thứ 41; Lệ Sanh – Huệ Sanh, trụ trì năm 1974 – 1998 đời thứ 42. Viện chủ chùa hiện nay là Thượng tọa Thích Huệ Trung, trụ trì là Đại đức Thích Từ Tánh, phó trụ trì là Đại đức Thích Từ Trí.

chua giac lam sai gon khamphadisan 3

Từ khi lập chùa đến nay chùa Giác Lâm đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng lần đại trùng tu mang tính quy mô là vào năm 1798 – 1804 dưới thời Thiền sư Viên Quang trụ trì. Lần đại trùng tu thứ hai do các Thiền sư Như Lợi, Như Phòng, Hồng Hưng tổ chức vào năm 1908 – 1909. Kiến trúc hiện nay mang đậm dấu ấn của đợt trùng tu này. Sau này, chùa có xây dựng và tu sửa thêm. Tiêu biểu như: năm 1939 – 1945, chùa xây thêm vòng tường rào; năm 1955 chùa xây cổng tam quan; sau năm 1975, chùa được lợp lại ngói, lót gạch ở sân trước chánh điện…

chua giac lam sai gon khamphadisan 4

Kiến trúc của chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ “Tam” gồm có 3 lớp nhà chính: Chính điện – Giảng đường – Nhà trai (còn gọi là nhà Ông Giám). Khu vực chính điện được dựng theo kiểu nhà dân gian truyền thống 1 gian 2 chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan được xây dựng vào năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng.

chua giac lam sai gon khamphadisan 5

ảnh: Giác Ngộ online

Bên trong điện có diện tích khá rộng và sâu, gồm có 56 cột to, trên mỗi cột đều có chạm khắc câu đối và được sơn son thiếp vàng công phu. Trong chính điện được bày trí theo lối “tiền Phật, hậu Tổ”. Phía trước chính điện thờ các tượng: Thích Ca, Di Lặc, A Di Đà; 2 bàn thờ hai bên có thờ tượng Quan Thế Âm, Đại Thế Chí; dọc 2 bên tường có các bộ tượng như: Thập Điện Diêm Vương, Thập Bát La Hán, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và tượng Long Vương. Phía sau chính điện là bàn thờ Tổ để thờ các vị Hòa thượng đã từng trụ trì tại chùa Giác Lâm.

chua giac lam sai gon khamphadisan 6

Phía trước có bảo tháp Xá Lợi Phật được xây dựng từ năm 1970 nhưng vì một vài lý đã bị ngưng đến năm 1993 mới tiếp tục đến năm 1994 mới hoàn thành với 7 tầng. Bảo tháp Xá Lợi có hình lục giác, cao 32,70m, diện tích hơn 600m2, mặt hướng phía Bắc. Tầng dưới cùng có đặt bàn thờ tượng Di Đà Tam Tôn, các tầng tiếp theo có đặt thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát như: đức Phật Thích Ca, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Quan Thế Âm… Tầng trên cùng được trang trí chùm đèn Cửu Long, giữa là tháp Xá lợi đức Phật Thích Ca.

chua giac lam sai gon khamphadisan 7

ảnh: leminhha328

Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem như là tiêu biểu cho lối kiến trúc của các ngôi chùa tại Nam Bộ. Hàng năm vào các dịp lễ lớn, chùa Giác Lâm đón hàng ngàn khách thập phương và khách quốc tế đến thắp hương, cầu bình an và tham quan. Chùa đã được Bộ VHTT-DL công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào năm 1989.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94 (Tổng hợp biên tập)

3.8/5 - (5 bình chọn)