Khamphadisan.com – Trong suốt hơn 100 năm tồn tại và phát triển, Chợ Bến Thành không chỉ là nơi giao thương buôn bán sầm uất mà còn là mộtchứng nhân của rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của mảnh đất Sài Gòn khi xưa. Ngày nay chợ Bến Thành là một điểm du lịch nổi tiếng của Sài Gòn mà bất cứ du khách nào đến cũng muốn được một lần đến.
ảnh:yang_yang0313
Nằm tại trung tâm Quận 1 – Tp.HCM, chợ Bến Thành là một khu chợ cổ nổi tiếng, từ lâu đã được xem như là một biểu tượng lịch sử của mảnh đất Sài Gòn. Trước kia, chợ đã được hình thành trước khi người Pháp xâm chiếm thành Gia Định. Lúc ban đầu, vị trí của chợ nằm sát bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (vào thời bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái).
ảnh: Báo Kiến Thức
Bến này thường được dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì thế mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ này cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Sau nhiều thập niên tồn tại, vào giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, người ta phải phá bỏ đi khu chợ, chỉ còn vài gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá.
ảnh:dahillaryous
Đồng thời, người Pháp cũng đã tiến hành lựa chọn một địa điểm khác để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm mới được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (ngày nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm tọa lạc của chợ Bến Thành ngày nay.
ảnh:tsyin90
Khu vực được chọn để xây chợ từng là một cái ao sình được người Pháp cho sàng bằng. Khuôn viên chợ được quy hoạch bốn mặt bởi bốn con đường. Mặt tiền là: Place Cuniac, mặt Bắc là: Rue d’Espagne, mặt Đông là: rue Viénot, và mặt Tây là: rue Schroeder, ngày nay là Quảng trường Quách Thị Trang và các đường Lê Thánh Tôn- Phan Bội Châu – Phan Châu Trinh.
ảnh:whoisjoshua
Ngôi chợ mới này do hãng thầu Brossard et Maupincủa Pháp cho khởi công xây dựng từ năm 1912 – cuối 03/1914 thì hoàn tất. Lễ ăn mừng chợ khánh thành được báo chí thời bấy giờ gọi là “Tân Vương Hội”, do được diễn ra trong ba ngày 28 – 30/3/1914, với pháo bông, xe hoa và hơn 100.000 người tham gia, kể cả từ các tỉnh lân cận đổ về.
ảnh: Báo Kiến Thức
Kể từ lúc khánh thành, chợ Bến Thành đã hoạt động liên tục hơn 100 năm qua. Đến năm 1985, khu chợ Bến Thành đã được cải tạo và sửa chữa lớn, nhưng về kiến trúc cơ bản vẫn được giữ nguyên. Nét kiến trúc đặc trưng của chợ là khu tòa tháp với 4 chiếc đồng hồ quay về 4 mặt phía trên cổng chính. Ba mặt còn lại của chợ có 3 cổng với kiến trúc đơn giản hơn.
ảnh:Báo Kiến Thức
Một nét đặc sắc khác trong kiến trúc của chợ Bến Thành là trên các cổng đều có gắn những bức phù điêu gốm, mô tả những mặt hàng sản vật của miền Nam với hình con bò, con ngỗng, nải chuối… Các phù điêu gốm này đều do các nghệ nhân gốm Biên Hòa thực hiện vào năm 1952.
ảnh:gaijin_crew_travel
Hiện nay, chợ Bến Thành có tổng diện tích lên đến 13.000 m². Ngành hàng kinh doanh chủ yếu là: áo quần, vải sợi, giày dép, thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi.Đây không chỉ là một khu trung tâm thương mại, chợ Bến Thành còn là một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.
Trong suốt quảng thời gian hơn 100 năm tồn tại và phát triển chợ Bến Thành cũng là một chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từng xảy ra trên mảnh đất Sài Gòn, tiêu biểu là sự kiện nữ Phật tử Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết ở khu vực trước cổng chính của chợ trong một cuộc đấu tranh chống lại chế độ Diệm – Nhu năm 1963.
Có thể bạn quan tâm:
- Khu du lịch Vàm Sát điểm đến xanh lý tưởng cho giới trẻ Sài Gòn
- Tour khám phá Sài Gòn 1 Ngày
- Tour khám phá Miền Tây khởi hành từ Sài Gòn
- Tour khám phá Phú Quốc khởi hành hàng tuần
binhqb94(Tổng hợp – biên tập)
Theo: Báo Kiến Thức