Khamphadisan.com – Mặc dù đã có tuổi đời hơn 100 năm, cầu Trường Tiền vẫn đang ngày đêm soi bóng trên dòng sông Hương thơ mộng. Hình ảnh của cầu Tràng Tiền như một chiếc lược ngà được cài lên mái tóc dài mềm mại sông Hương từ lâu đã đi vào thơ ca nhạc họa như một nét đẹp biểu trưng của miền đất sông Hương núi Ngự.

cau truong tien hue khamphadisan 1

ảnh: zing.vn

Từng là nơi đã từng lắng nghe những âm thanh thì thầm của biết bao chàng trai cô gái thanh lịch mãnh đất cố đô mà người dân gian xứ Huế còn để lại mấy câu hò còn ngân vang đến mãi tận hôm nay:

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi!
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời,
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà xa!…

Đối với người dân xứ Huế từ lâu hình ảnh cầu Trường Tiền đã đi vào tiềm thức của biết bao nhiêu thế hệ. Cầu Trường Tiền được khâm sứ Trung Kỳ lúc bấy giờ là Levécque đã giao cho hãng Eiffel của Pháp (là công ty xây dựng thap Eiffel tại Paris) thiết kế và thi công đến năm 1899 thì hoàn thành.

cau truong tien hue khamphadisan

ảnh: shosventures

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình cầu Trường Tiền đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: cầu Thành Thái (mang tên vua Thành Thái), cầu Clémenceau (là tênThủ tướng Pháp trong thời Chiến tranh thế giới thứ nhất), cầu Nguyễn Hoàng (người có công khai phá, mở mang vùng đất Thuận Hoá giữa thế kỷ 16 – 17) và cái tên Trường Tiền cũng ra đời từ vị trí cầu qua sông Hương gần với xưởng đúc tiền ngày xưa của triều đình nhà Nguyễn.

Mặc dù đã trải qua không ít lần “thay tên, đổi họ”, nhưng người dân xứ Huế và khắp nơi trên cả nước đều gọi tên cầu Trường Tiền, cái tên đã quá đỗi thông dụng bao đời nay vẫn thấm sâu trong tâm thức của mọi người.

cau truong tien hue khamphadisan 2

ảnh: mrvandong

Cầu Trường Tiền gồm 6 vài, mỗi vài dài 66 thước 8 tấc 5 phân (mỗi thước mộc ta bằng 0,425 mét); cầu rộng 6 thước 2 tấc, tổng chiều dài cây cầu là 401 thước 1 tấc (đó là những số liệu lưu trữ cũ, còn bây giờ thực tế chiều dài và rộng của cầu này đã thay đổi chút ít qua các đợt trùng tu nâng cấp).

Cầu có 12 nhịp được thiết kế theo kiểu kiến trúc Gothique; mỗi nhịp có thành hình bán nguyệt. Các nhịp kế tiếp nhau làm thành một giải sóng đều đặn, mềm mại như làn nước sông Hương. Với kiểu kiến trúc cầu khá đẹp, hài hoà lại ở ví trí trung tâm thành phố càng làm cho dòng Hương Giang và thành phố Huế thêm duyên dáng, thơ mộng.

cau truong tien hue khamphadisan 3

ảnh: tze_0820

Năm 1904, cơn bão lịch sử xô đổ cây cầu thép, nhiều đoạn bị hất đổ xuống lòng sông. Năm 1906, cầu được tu sửa lại, và mặt cầu được đúc bằng bê tông cốt thép. Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ, có các ban công phình rộng ra để nghỉ chân, ngắm cảnh hay tránh đường qua lại. Năm 1946, cầu bị sập hai phía tả ngạn do mìn trong chiến tranh Việt – Pháp. Năm 1953 cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ. Năm 1968, cầu Trường Tiền một lần nữa lại đổ gục xuống lòng sông Hương. Cho tới năm 1991, cầu Trường Tiền mới được trùng tu lần nữa, kéo dài trong 5 năm (1991 – 1995). Năm 2002, cầu được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại.

cau truong tien hue - khamphadisan 4

Vị trí và số phận trong suốt hơn 100 năm đã làm cầu Trường Tiền trở thành một phần trong lịch sử mảnh đất cố đô. Cho dù có nhiều cây cầu khác bắc qua sông Hương: cầu Bạch Hổ, cầu Phú Xuân, cầu Bãi Dâu…cầu Trường Tiền vẫn là cây cầu tiêu biểu nhất của xứ Huế mộng mơ.

Ngày nay, du khách đến du lịch Huế việc đầu tiên muốn làm đó là đi qua cây cầu Trường Tiền duyên dáng này để có thể thấy những nhịp cầu cong cong soi bóng xuống dòng Hương Giang, với những tà áo dài tím thướt tha, những con thuyền lặng lẽ dưới chân cầu, cùng với những tán phượng đỏ hoa đầu cầu rất Huế.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94

5/5 - (1 bình chọn)