Khamphadisan.com – Là ngôi chùa gắn liền với những di tích và danh thắng nổi tiếng của mãnh đất Cố đô, chùa Thiên Mụ từ lâu đã nổi tiếng và thu hút du khách thập phương không chỉ bởi những câu chuyện huyền thoại kỳ bí, mà còn một vẻ đẹp cổ kính thâm nghiêm, cộng với sự bình yên thơ mộng bên dòng sông Hương.
Tọa lạc phía tả ngạn dòng sông Hương, trên ngọn đồi Hà Khê thơ mộng, cây xanh bao phủ, gió mát bốn mùa, cách trung tâm Tp.Huế khoảng 5km về hướng Tây, chùa Thiên Mụ là một điểm đến tham quan có không gian non nước hữu tình, nơi đây đã từng là nguồn cảm hứng của biết bao tác phẩm thi ca nhạc họa.
Từ trên chùa Thiên Mụ, có thể nhìn xuống dòng sông Hương đang lặng lờ trôi.
Chùa được xây dựng vào năm Tân Sửu (tức 1601) vào thời Chúa Nguyễn Hoàng,(chúa Tiên) là vị chúa đầu tiên của xứ Đàng Trong. Chùa Thiên Mụ đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhiều biến cố, trải qua nhiều trận thiên tai đổ nát rồi lại được xây dựng lại, mở rộng thêm, cho đến ngày nay vẫn sừng sững nét oai nghiêm, và mang nét đẹp bền vững với thời gian.
Năm 1844, nhân dịp lễ mừng “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (tức vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị đã cho kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên, Phước Duyên Bửu Tháp), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.
Hai bên tháp Phước Duyên có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đình Hương Nguyện nằm ở pPhía trước tháp.
Trận bão vào năm 1904 đã tàn phá chùa Thiên Mụ nặng nề, đã khiến cho nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn. Năm 1907, vua đã Thành Thái cho xây dựng lại chùa, nhưng quy mô chùa không còn được to lớn như trước nữa.
Bên cạnh tên gọi Thiên Mụ, chùa còn có một tên khác được sử dụng song song là Linh Mụ. Điều này bắt nguồn từ một câu chuyện xảy ra thời vua Tự Đức. Năm 1862, để cầu mong có con nối dõi, vua Tự Đức sợ chữ “Thiên” phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ”. Tên này có hàm nghĩa là “Bà mụ linh thiêng”. Việc kiêng cữ này chỉ được thực hiện từ 1862 – 1869. Sau đó, cả hai tên Thiên Mụ và Linh Mụ đều được người dân sử dụng.
Qua khỏi Tháp Phước Duyên là Điện Đại Hùng, ngôi điện chính trong chùa, một công trình kiến trúc được bảo tồn khá nguyên vẹn dù trải qua nhiều biến cố của thời cuộc. Vẻ đẹp của điện Đại Hùng vừa cổ kính thâm nghiêm, vừa nguy nga đồ sộ. Xung quanh chùa là khuôn viên với vườn hoa cỏ tươi tốt, xanh xanh, được chăm sóc hàng ngày.
Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô bề thế, ngay từ thời các chúa Nguyễn, chùa Thiên Mụ đã được mệnh danh là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong.
Vào thời nhà Nguyễn, chùa Thiên Mụ được xếp vào 20 thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa.
Bên cạnh những công trình kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật như chuông đồng, những bức tượng Phật, Hộ pháp... hay những hoành phi, câu đối.
Nơi đây cũng là nơi lưu giữ một hiện vật lịch sử đặc biệt của miền Nam thời kỳ trước 1975: Chiếc xe ô tô – di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.
Ngày nay, chùa Thiên Mụ là một điểm đến nổi tiếng không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến với mãnh đất Cố đô Huế.
Có thể bạn quan tâm:
binhqb94 (tổng hợp)