Khamphadisan.com.vn – Cùng với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc chạm trổ đều có sự hiện diện từ: đình làng, chùa chiền, đền đài lăng tẩm cho đến cung điện của vua chúa đều được sơn thếp vàng son lộng lẫy.
ảnh: sưu tầm
Có thể nói cái nôi của nghề sơn mài Huế tập trung ở các làng như: Địa Linh, Triều Sơn, Tiên Nộn. Trong đó làng Tiên Nộn tại xã Phú Mậu – huyện Phú Vang cách Tp.Huế 10km, được xem là làng nghề sơn mài truyền thống tại xứ Huế. Vào thời vua Khải Định đã từng giao trách nhiệm cho gia đình cụ Nguyễn Đức Bùi phục chế sơn son thếp vàng ở Đại Nội Huế.
ảnh: sưu tầm
Trong kỹ thuật chế luyện làm ra sơn ta, chất liệu chính được dùng là sơn sống được lấy từ cây sơn của vùng đất Phú Thọ. Để điều chế ra các màu, người thợ làm sơn cần phải đánh sơn rất vất vả, nếu ai không quen sẽ bị phù mặt. Người ta lấy nhựa trắng từ cây sơn về, để trong thùng gỗ hoặc tre khoảng ba tháng, lúc này sơn sẽ chia thành 3 lớp:
– Lớp thứ 1gọi là “đợi nhất” (không bao giờ khô) thường dùng để tăng độ của sơn.
– Lớp thứ 2 gọi là “dọi nhì” dùng để đánh sơn cánh dán, sơn then.
– Lớp thứ 3 gọi là “sơn thịt” dùng để vốc, để bó, để hom và được dùng để trát thuyền.
Để tạo sơn cánh dán, dùng chậu gỗ và mỏ vầy đánh sơn trong vòng 48h sau đó chế với nhựa thông tươi với tỷ lệ vừa phải, để tạo ra màu sơn đen (còn gọi là sơn then) người ta đánh trong chậu gang và mỏ vầy bằng sắt.
ảnh: sưu tầm
Nghề sơn mài truyền thống tại Huế có thể chia thành ba loại: sơn quang – sơn son thếp vàng – sơn mài đắp nổi. Gam màu cổ truyền và căn bản của những tác phẩm sơn mài là cánh dán, đỏ, đen, màu của vàng, bạc nguyên chất dưới dạng bột hay được dát mỏng thành lá. Về sau, hệ màu này được bổ sung thêm sắc độ xanh, xám, màu trắng vỏ trứng, màu hồng vỏ cua, vỏ trai, vỏ ốc…
Ngày nay, làng Tiên Nộn mặc dù không còn người theo nghề sơn mài nhưng sức sống của nghề sơn mài vẫn được duy trì và phát triển và được xem đây như là một bộ môn nghệ thuật độc đáo của xứ Huế. Do vật liệu bằng vàng thật sự rất đắt nên những người làm nghề không còn sơn son thếp vàng các vật dụng hoành phi, câu đối, đồ thờ tự theo đúng kỹ thuật sơn mài truyền thống.
ảnh: sưu tầm
Để hoàn thành được một tác phẩm nghệ thuật này cần phải sơn và mài 5 – 7 lần. Sau khi vẽ chồng hoặc tráng lên các lớp sơn, người ta tiến hành mài xuống và bức tranh sẽ hoàn thành ở tầng sâu cho hiệu quả tốt nhất.
Ngày Nay, sức sống của những làng nghề sơn mài truyền thống Huế được thể hiện rõ ở những cách tân về đề tài, mẫu mã, công năng sử dụng… Nhiều họa sĩ, nghệ nhân đã mạnh dạn sáng tác những tác phẩm sơn mài mang ý tưởng mới, phục vụ cho đời sống hiện đại, sơn mài còn xuất hiện trong đồ dùng làm trang sức, đồ mỹ nghệ sử dụng hàng ngày.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám phá những điều bạn chưa biết về Huế
- Nón Lá Sen – món quà độc đáo của xứ Huế
- Về Huế tham quan làng đan lát Bao La
binhqb94(Tổng hợp – biên tập)
Theo: Ghiền đi Huế