Lăng vua Dục Ðức tên chữ An Lăng (安陵) là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Dục Ðức, vị vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn. Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, xưa thuộc huyện Hương Thủy, nay tại số 8 Duy Tân, An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố chưa đầy 2 km.
Đôi nét về vua Dục Đức
Nguyễn Cung Tông (chữ Hán: 阮恭宗 23 tháng 2 năm 1852 – 6 tháng 10 năm 1883), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân (阮福膺禛), là vị hoàng đế thứ năm của triều đại nhà Nguyễn. Ông lên ngôi vua ngày 19 tháng 7 năm 1883 nhưng tại vị chỉ được ba ngày, ngắn nhất trong số 13 vị hoàng đế của triều Nguyễn, được vua Thành Thái truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Cung Tông (阮恭宗), thuỵ hiệu là Cung Huệ Hoàng đế (恭惠皇帝) Dực Đức (育德) là tên gọi khi ông còn ở Dục Đức Đường.
Hoàng đế Tự Đức mất để di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, nhưng trong di chiếu có đoạn viết: “… Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có Hoàng đế lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây.”
Lúc làm lễ lên ngôi, Ưng Chân đã cho đọc lướt đoạn này nên 3 ngày sau hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã phế bỏ Dục Đức theo lệnh của Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu (mẹ Hoàng đế Tự Đức) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ Hoàng đế Tự Đức).
Làm Hoàng đế được 3 ngày chưa kịp đặt niên hiệu (Dục Đức chỉ là tên gọi nơi ở) thì Ưng Chân đã bị phế bỏ và giam vào ngục cho đến khi mất. Ông mất ngày 6 tháng 9 năm Giáp Thân (24-10-1884), thọ 32 tuổi.
Đến thời Hoàng đế Thành Thái (con Hoàng đế Dục Đức) vào năm 1892 đã truy tôn cha mình là Cung Tôn Huệ Hoàng đế. Hoàng đế Dục Đức có 19 con (11 con trai và 8 con gái).
Vị trí An Lăng
An Lăng nằm ở khu vực trung tâm, diện tích khoảng 1ha. Lăng gồm 2 khu vực: khu lăng mộ và khu tẩm thờ đặt song song với nhau. Cả hai khu đều có tường thành bao bọc. Lăng quay mặt về phía tây bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy. (Nay tại số 8 Duy Tân, An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế)
Khu lăng mộ có diện tích gần 3.500m², la thành chu vi 136m, cao 3,7m, dày 0,5m. Mặt trước la thành trổ 1 cửa vòm xây gạch, trên có 2 tầng mái giả ngói (trước kia có 2 cửa hông nhưng đã bị xây bít). Sau cửa là sân Bái đình lát gạch. Hai bên sân không có tượng đá như ở lăng mộ các vua khác.
Tiếp đến là 1 cửa tam quan đồ sộ 3 tầng, hình thức như cửa Trường An ở cung Trường Sanh trong Hoàng thành. Ðây là cửa chính của vòng tường thành thứ hai, chu vi 142m, cao 2m, dày 0,5m. Bên trong lại có vòng tường thứ ba, chu vi 106m, cao 1,5m, dày 0,4m bao bọc lấy mộ vua, mộ hoàng hậu và nhà Huỳnh ốc.
Ở vị trí trung tâm trong vòng tường thứ 3 là nhà Huỳnh ốc làm theo lối phương đình, mái lợp ngói lưu ly vàng, đặt trên 1 bệ hình vuông, mỗi cạnh dài 7m. Trong nhà có sập thờ, án thờ đều làm bằng đá dùng để trần thiết các đồ thờ cúng.
Hai bên ngôi nhà này là hai ngôi mộ của vua Dục Ðức và Hoàng hậu Từ Minh nằm đối xứng với nhau. Mộ đều xây bằng đá Thanh, theo kiểu 5 hình khối chữ nhật chồng lên nhau, tổng chiều cao mộ là 0,85m.
Trước 2 mộ đều có bình phong đắp nổi hình chữ Thọ, chữ Song Hỷ. Bên ngoài khu mộ, ở hai bên có 2 trụ biểu xây gạch, trên đắp hình hoa sen, xa hơn nữa có các trụ cấm để giới hạn khu vực lăng mộ.
Khu Tẩm Điện
Khu tẩm điện cách khu lăng mộ khoảng 50m, diện tích rộng 6.245m², có vòng la thành chu vi 260m, cao 2,3m, dày 0,5m bao bọc. Ở cả bốn mặt la thành đều trổ 1 cửa, cửa sau thông với một vòng tường thành hình thang vuông giới hạn khu vực ăn ở của các cung phi và gia nhân.
Cổng chính phía trước làm theo lối tam quan, trên đắp 4 tầng mái xi măng giả ngói ống, thân cổng chia làm nhiều ô hộc để trang trí. Các cổng bên và cổng sau đều làm theo lối cửa vòm, trên có 2 tầng mái giả ngói.
Sau cổng chính là bình phong, rồi đến sân chầu lát gạch Bát Tràng. Trung tâm của khu tẩm thờ là điện Long An, một tòa nhà kép trùng thiềm điệp ốc đặt trên một mặt nền kích thước 24,2m x 22,2m. Chính điện gồm 3 gian 2 chái kép, tiền điện gồm 5 gian 2 chái đơn mái lợp ngói lưu li vàng. Trong điện có 3 khám thờ: khám giữa thờ bài vị vua Dục Ðức và bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu, khám bên trái thờ bài vị vua Thành Thái, khám bên phải thờ bài vị vua Duy Tân.
Điện Long An
Hai bên điện Long An, phía trước có Tả, Hữu phối điện, sau có Tả, Hữu Tòng viện nối thông với nhà cầu qua điện chính. Ngoài vòng tường thành có nhà trực, điếm canh và nhà ở của quan quân hộ lăng.
Phía sau điện Long An ngày xưa là chốn hậu cung của các bà vợ vua, giờ đây được mở rộng và chỉnh trang thêm. Đó cũng là nơi yên nghỉ của hai ông vua Thành Thái và Duy Tân. Trong khu vực này còn có mộ của các bà vợ vua Thành Thái: mộ bà Hoàng Quý Phi Nguyễn Gia Thị Anh, bà Nguyễn Thị Định (mẹ vua Duy Tân) và bà Khoan Phi Hồ Thị Phương; mộ công chúa Lương Linh (em vua Duy Tân), mộ bà Mai Thị Vàng (cải táng) vợ vua Duy Tân và một số lăng mộ của các hoàng thân anh em với vua Duy Tân. Khu vực An Lăng còn có 39 lăng mộ các ông hoàng, bà chúa và 121 ngôi mộ đất thuộc Đệ tứ Chánh hệ (Nguyễn Phúc Tộc).
Ngày nay, An Lăng tọa lạc tại số 8 Duy Tân, An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Nguồn ảnh: Visit Hue
Bài viết có tham khảo từ Visit Hue, wikipedia.org