Từ ấn, kiếm, thẻ bài tới đồ thờ cúng, sinh hoạt… Tất cả đều được làm bằng vật liệu quý hiếm, chế tác tinh xảo, thể hiện quyền lực, uy phong, sự xa hoa triều Nguyễn. Những bảo vật hoàng cung này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ấn và kiếm được coi là vật bảo chứng cho sự hiện diện và xác nhận ý chí, mệnh lệnh của vua.
Triều Nguyễn (1802-1945) là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, để lại khối di sản đồ sộ. Trong khối di sản đó có một bộ sưu tập bảo vật vô giá do Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia lưu giữ. Bộ sưu tập này gồm 2.500 hiện vật quan trọng, quý giá, linh thiêng nhất của vương triều nhà Nguyễn.
Cuốn sách Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn do NXB Văn hóa Dân tộc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp thực hiện, lựa chọn những hiện vật quan trọng, ý nghĩa nhất nằm trong bộ sưu tập sau:
1. Ấn và kiếm: biểu tượng quyền lực tối cao.
Đây là khối di sản có giá trị đặc biệt của quốc gia, là bộ sưu tập cung đình duy nhất, đầy đủ nhất còn tồn tại, phản ánh diện mạo đời sống của vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Chất liệu chế tác bảo vật đặc biệt quý hiếm, mang biểu tượng của quyền uy hoàng tộc như vàng, bạc, đá quý, các loại ngọc, ngà voi, đồi mồi, kim sa, pha lê… Trong đó phổ biến là vàng, bạc và ngọc.
Ấn làm từ vàng, bạc gọi là kim bảo. ấn làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ là biểu trưng cho quyền lực tối cao của các vua và vương triều Nguyễn. Đây là ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, dùng cho những bản sắc mệnh ban cho các nước chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ. Mặt ấn khắc nổi 9 chữ triện, phân đều ba hàng dọc và ngang, có nghĩa là “Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ Trời”.
Ấn được làm năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đây là ngọc tỷ lớn, với kích cỡ cao 14,2 cm, cạnh 13,2 x 12,7 cm, bề dày 4,3 cm. Trên lưng ấn, phía bên trái khắc dòng chữ Hán, có nghĩa: “Được ngày lành, lễ Thành phụng chỉ cung kính khắc”. Phía bên phải khắc: “Ngày 15 tháng 3 năm Thiệu Trị, 1847”. Phần trên đầu rồng khắc: “Nam Giao đại lễ để cáo (để tế cáo đại lễ đàn Nam Giao)”
Ngọc tỷ này chẳng những là một bảo vật truyền quốc mà còn khẳng định nguyên liệu ngọc quý đã tìm được ở Việt Nam và kỹ thuật tạo tác do chính những người trong ngự xưởng của cung đình Huế thực hiện.
Ngoài kim bảo và ngọc tỷ, vật biểu trưng quyền lực của các hoàng đế triều Nguyễn còn có bảo kiếm. Đáng chú ý nhất là thanh An dân bảo kiếm niên hiệu Khải Định có chuôi vàng nạm đá quý, vỏ đồi mồi bọc vàng.
Kim sách là loại thư tịch đặc biệt, dùng để ghi các sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về chính sự, lễ nghi triều đình. Đó là các sự kiện như: hoàng đế lên ngôi, lập hoàng thái tử, tấn phong hoàng hậu, phong tước, dâng, ban tôn hiệu cho hoàng thân… Trong bộ sưu tập lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có 94 kim sách, hầu hết làm bằng vàng hoặc mạ vàng.
Mũ miện của vua triều Nguyễn cũng là một trong những vật biểu trưng cho quyền lực. Trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có bốn chiếc mũ phục dựng. Do thời gian dài bảo quản ở trong kho, những vật liệu của mũ bị mục nát, chỉ những chi tiết bằng kim loại mới giữ được, nên các nghệ nhân phải phục dựng lại.
2. Đồ thờ, nghi lễ văn phòng tứ bảo: uy nghi vương triều.
Bên cạnh việc xây hàng loạt công trình nghi lễ như đàn Nam Giao, điện Phụng Tiên, Thái Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu… nhà Nguyễn còn cho chế tác rất nhiều đồ nghi lễ.
Những đài thờ, mâm bồng, đỉnh trầm, chân nến, khay chén… của nhà Nguyễn đều được chế tạo với những chất liệu như vàng, bạc, đá quý, san hô.. Các vật dụng thuộc bộ văn phòng tứ bảo được chế tác với kỹ thuật tinh xảo bằng chất liệu quý hiếm. Bút, nghiên, thủy chú (lọ đựng mài mực), hộp son, gác bút, ống bút, chặn giấy… được làm bằng vàng, bạc, ngọc, ngà.
3. Đồ dùng sinh hoạt: sự xa hoa của hoàng cung.
Trong số 2.500 bảo vật triều Nguyễn, chiếm đa số là đồ dùng sinh hoạt. Bát, đĩa, thìa, đũa, lồng ấp, các bộ đồ trà, thuốc, trầu cau, ống nhổ, khay trầu… rất đa dạng.
Đáng chú ý trong những vật dụng này là những chiếc quán tẩy làm hoàn toàn bằng vàng, ngọc, vàng cẩn đá quý, những bộ đồ trà bằng ngọc bịt vàng của vua Thiệu Trị… là hoàn hảo nhất trong các bộ đồ trà bằng ngọc hiện có trong sưu tập.
Trên những hiện vật này thường khắc họ tên của nhiều người thợ trong ngự xưởng, cho thấy đồ vật có xuất xứ, được làm riêng cho hoàng cung.
Các hiện vật trong bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia vốn do ngự xưởng chế tác dành riêng cho các vua và hoàng tộc sử dụng, với sự quản lý vô cùng nghiêm cẩn.
Tương truyền là trong kháng chiến, có những lúc ngân sách kiệt quệ, một số ý kiến cho rằng nên lấy những hiện vật này nấu thành vàng để dùng cho kháng chiến, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết giữ lại. Vì thế, khối di sản lớn này được lưu giữ cho những đời sau.
Sau này, các hiện vật được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Sưu tập được lưu giữ trong căn phòng đặc biệt về an ninh, phòng cháy, cùng các công tác bảo quản hiện vật.
Cuốn sách Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn gồm hình ảnh, thông tin về các hiện vật đặc sắc nhất trong bộ sưu tập, cung cấp tới bạn đọc tri thức về văn hóa, lịch sử, những di sản mà Nhà Nguyễn để lại.
Bài viết liên quan:
- Nhã nhạc cung đình Huế – di sản văn hóa phi vật thể.
- Khám phá quần thể di tích Cố Đô Huế
- Lễ tế trời đất vào mùa xuân của các vua Triều Nguyễn
Theo: bigatm
Nguồn: zing.vn