Núi Bân – Tượng đài Quang Trung là nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của một thời vàng son trong lịch sử Việt Nam.
Bối cảnh lịch sử
Tháng 7/Mậu Thân (1788), Lê Chiêu Thống từ Kinh Bắc cho thủ hạ sang Quảng Tây cầu viện quân Thanh ứng cứu. Vua tôi nhà Thanh nhân cơ hội đó đã gấp rút chuẩn bị lực lượng để tiến hành xâm lược Đại Việt. Tin tức cầu viện của Lê Chiêu Thống đã được Nguyễn Huệ nắm được cùng thời gian đó. Thực lục cho biết tháng 10/Mậu Thân (1788):
Vua Lê là Duy Kỳ đem quân nhà Thanh đánh lấy lại đô thành An Nam. Trước là vua Lê xuất bôn, sai văn thần là Trần Danh Án và Lê Duy Đản dâng thư sang nhà Thanh, đến Nam Ninh không đạt được phải trở về. Hoàng thái hậu nhà Lê bèn chạy đi Cao Bằng sai đốc đồng Nguyễn Huy Tú đem thư sang Long Bằng (Long Châu và Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc) để xin quân với nhà Thanh. Lưỡng Quảng tổng đốc là Tôn Sĩ Nghị xin giúp, vua Thanh ưng cho, liền sai Tôn Sĩ Nghị đem quân Lưỡng Quảng và Vân Nam, Quý Châu chia làm bốn đạo sang giúp. Thủ tướng giặc Tây Sơn là Ngô Văn Sở lùi giữ Thanh Hoa. Vua Lê bèn khôi phục đô thành An Nam.(1)
Có cớ cầu viện, hoàng đế Càn Long nhà Thanh đã lệnh cho Tôn Sĩ Nghị chuẩn bị. Đầu tiên là tăng cường quân số canh giữ các đồn dọc biên giới Việt – Trung đề phòng quân Tây Sơn tràn sang lùng bắt vong thần nhà Lê.(2) Tiếp theo, lệnh cho quan lại nhà Lê xúi giục nhân dân nổi lên chống lại Tây Sơn, hạ lệnh Tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống phối hợp vua tôi Lê Chiêu Thống chiêu mộ quân tình nguyện làm đội quân dẫn đường cho các đạo quân Thanh tiến vào chiếm đóng nước Việt.(3) Cuối cùng là điều động một lực lượng quân đội chính quy rất lớn để sang xâm lược nước ta, gồm bộ binh bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và thủy binh của hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Tuy nhiên, sau khi trù tính, quân Thanh đã không sử dụng đạo thủy quân.
Công tác chuẩn bị hoàn thành, hoàng đế Càn Long hạ chiếu cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị làm Chinh Man đại tướng quân, thống lĩnh 20 vạn quân tiến đánh Việt Nam (4) và cử Phúc An Khang chuyên trách việc quân lương. Quân Thanh chia làm 3 đường tiến sang Việt Nam. Đạo quân Vân Nam – Quý Châu do Đề đốc Ô Đại Kinh đi từ Vân Nam qua cửa ải Mã Bạch quan. Đạo quân tình nguyện Điền Châu do Sầm Nghi Đống quản lĩnh đi từ Long Châu qua Cao Bằng. Đạo Quảng Đông – Quảng Tây do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, Hứa Thế Hanh làm phó tướng, đi qua cửa ải Nam Quan. Ngày 28/10/Mậu Thân (25/11/1788), tất cả các đạo quân đều cùng xuất phát.(5)
Cũng thời gian đó, nắm được tình hình, Nguyễn Huệ vẫn bình tĩnh, vững tin ở sức mạnh của mình. Một mặt, ông cho các tướng lĩnh Tây Sơn ở Bắc Hà trách nhiệm tự liệu đối phó với địch lúc ban đầu, mặt khác cũng chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tiêu diệt một khi chúng dám tiến sâu vào đất nước ta. Khi được tin quân Thanh đã xuất phát, các tướng lĩnh Tây Sơn đã chủ động thực hiện các biện pháp bố phòng, và cấp báo về Phú Xuân.
Ngày 20/11/Mậu Thân, Ngô Văn Sở đưa quân về Tam Điệp thì đồng thời trong ngày, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã cấp báo cho Nguyễn Huệ. Ngày 24/11/Mậu Thân (21/12/1788), Đô thành Phú Xuân nhận được tin để ngay hôm sau, Nguyễn Huệ quyết định xuất quân Bắc phạt.
Trước khi ra Bắc, để danh chính ngôn thuận, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi hoàng đế. Ngày 25/11/Mậu Thân, tại núi Bân, còn gọi là núi Ba Tầng, nằm ở phía Nam kinh thành Phú Xuân, trên địa phận làng An Cựu, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đăng quang, lấy niên hiệu Quang Trung.
Núi Bân – nơi Quang Trung hoàng đế đăng quang
Về sự kiện lên ngôi đó, Đại Nam chính biên liệt truyện, trong Ngụy Tây truyện, của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Huệ bèn xây đàn ở phía Nam núi Ngự Bình, lấy ngày 25 tháng 11, tự lập làm Hoàng đế, đổi niên hiệu là Quang Trung, dẫn tướng sĩ thủy bộ đều tiến”.
Việc chọn núi Bân làm đàn Nam Giao trong điều kiện thời gian vô cùng gấp gáp cũng xuất phát từ việc tận dụng địa thế của vùng đất mà núi không cao, dễ vận động và có thể xây dựng đàn hoàn thành nhanh chóng, xung quanh là cánh đồng khá rộng đủ để tập kết hàng vạn quân. Chỉ trong một ngày đêm từ khi nhận được tin cấp báo ngày 24, thì đến ngày 25/11/Mậu Thân (1788) đã làm lễ xuất quân, nên không có công trình nào được xây dựng, mà chỉ tận dụng địa thế có sẵn của núi Bân bằng cách bạt núi, xẻ đường để lập đàn tế, tiến hành đại lễ nghi của vương triều.
Núi Ba Tầng, hay núi Bân, theo kết quả khảo sát sư bộ hiện nay, có độ cao 41m, nghiêng khoảng 25 độ so với mặt đất, với diện tích mặt bằng khoảng hơn 8 ha. Đây là một ngọn đồi trọc, cấu tạo bằng đá sa phiến, nay thuộc thôn Tứ Tây, phường An Tây, thành phố Huế. Núi Ba Tầng nằm ở phía Tây núi Ngự Bình, cách đỉnh núi khoảng 620m, cách kinh thành Phú Xuân thời Quang Trung khoảng 3,5km về phía Nam.
Bởi lẽ có 3 tầng nên được gọi là núi Ba Tầng. Theo kết quả khỏ sát thực địa thì tầng thứ nhất, tức tầng dưới cùng, cao 37m, chu vi 220m, bề rộng không đều nhau, ở phía Bắc 19m, phía Nam 16,8m, Đông Tây khoảng 12m. Tầng thứ hai cao 1,65m, chu vi 122,5m, bề rộng không đều nhau, ở phía Bắc 4,8m, phía Nam 10,3m, Đông Tây khoảng 11,5m. Tầng thứ 3 đắp thành hình nón cụt rất tròn và đều đặn, cao 1,2m, đường kính mặt bằng 18,6m và chu vi 52,7m. Mặt của tầng trên cùng này rất bằng phẳng, đây chính là nơi thiết ngự tọa cho Hoàng đế Quang Trung làm lễ đăng cơ.
Các tầng nối với nhau bằng bốn con đường dốc thoai thoải để lên xuống, tỏa ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Quanh dưới chân núi, xưa kia là những bãi đất trống rất rộng và tương đối bằng phẳng, có thể tập kết hàng vạn binh sĩ cùng nhiều voi ngựa và đại pháo.
Từ trên đỉnh ngọn núi ấy nhìn ra khắp xung quanh, có thể nhận thấy người xưa ứng dụng thuật phong thủy và nghệ thuật cảnh quan một cách tài tình để khéo chọn một vị trí được bao bọc bởi núi đồi nằm kề tiếp nhau, tạo thành một không gian bao la hoành tráng. Ngoại cảnh hùng vĩ uy nghiêm ấy chắc hẳn đã cùng tiếng chiêng trống vang rền trong giờ phút thiêng liêng cao cả của buổi lễ, làm nức lòng các tướng sĩ áo vải cờ đào trước khi xuất trận.
Ngay sau buổi làm lễ lên ngôi tại núi Bân, Quang Trung hoàng đế xuất quân ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược. Ngày 26/12/1788, đại quân ra tới Nghệ An, Quang Trung hoàng đế cho đóng ở Nghệ An mười ngày để tuyển quân. Sau đó, vua Quang Trung chia quân làm 5 đạo, ngày 15/1/1789 đại quân tiến tới núi Tam Điệp. Vua Quang Trung hạ lệnh ngày 30/12/Mậu Thân (25/01/1789) sẽ xuất quân tiến đánh các đồn tiền tiêu của giặc. Đến chiều ngày mồng 5/1/Kỷ Dậu (30/01/1789), Quang Trung Nguyễn Huệ giải phóng Thăng Long.(6)
Sự liên hệ giữa núi Bân và phủ Dương Xuân theo giả thiết khảo sát của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Núi Bân là nơi lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung thì phủ Dương Xuân của kinh đô Phú Xuân được một số nhà nghiên cứu xem là nơi ở và làm việc của Hoàng đế. Đặc biệt là giả thiết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về phủ Dương Xuân, với tựa đề đã được in thành sách: Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – Tiền thân của cung điện Đan Dương, Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế. Có thể coi đây là một giả thiết công tác để làm cơ sở đối sánh, tìm hiểu về sau.
Theo đó, tháng 8/Canh Thân (1680), Dinh Phủ của Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ở Kim Long bị “gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều“.(7) Vì vậy, Hiền Vương phải dựng thêm phủ mới ở nơi đất cao để tránh lũ lụt về mùa đông. Chúa bèn chọn một cơ sở cũ của Trấn Lỗ Tướng Quân trên gò Dương Xuân để xây dựng Phủ Dương Xuân. Sau này, nhà buôn Pháp, Pierre Poivre, đặt tên cho Phủ Dương Xuân là Phủ Trên (Palais Supérieur) hay Cung điện Mùa Đông (Résidence d’Hiver hay Palais d’Hiver).
Sử dụng Phủ Dương Xuân khoảng 6 năm, Hiền Vương băng (1686). Con ông là Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (cũng có sách viết là Trăn) lên thay. Ngãi Vương chuyển Cung phủ Kim Long về làng Phú Xuân (1687) và tiếp tục sử dụng Phủ Dương Xuân. Bốn năm sau, Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (Trăn) qua đời, con ông là Nguyễn Phúc Chu lên thay (1691). Chín năm sau đó, Phủ Dương Xuân xuống cấp trầm trọng, vào năm Canh Thìn (1700), chúa Nguyễn Phúc Chu cho đại trùng tu Phủ Dương Xuân. Đơn vị thi công trùng tu là Cơ Tả Thủy khi đào đất thì bắt gặp được một chiếc ấn đồng có khắc tên “Trấn Lỗ Tướng Quân”. Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đây là điềm lành, nên đổi tên Phủ Dương Xuân thành Phủ Ấn, và có lẽ cái thảo am của Hoà thượng Tử Dung dựng trên đồi Long Sơn gần đó được mang tên là chùa Ấn Tôn (8) (Năm Thiệu Trị nguyên niên 1841 đổi thành chùa Từ Đàm, tồn tại cho đến ngày nay).
Tuy được đổi tên là Phủ Ấn (Ấn Phủ) nhưng ít khi thấy dùng tên mới nầy mà vẫn cứ tiếp tục gọi là Phủ Dương Xuân (vì phủ làm trên gò Dương Xuân), hay Phủ Trên, Phủ Thượng (vì phủ làm trên gò cao hơn so với Phủ Chính ở Kim Long hay trên Vương Đảo – khu vực Thành nội Huế ngày nay). Các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Chu rất sùng đạo Phật, xem đạo Phật đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược nhân tâm tư tưởng để thu phục lòng người,(9) nên trong Phủ Dương Xuân có dựng một cái thảo am (tiền thân của chùa Thiền Lâm sau này) để hằng ngày tụng niệm. Năm 1695, Nguyễn Phúc Chu mời Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán, người Quảng Đông Trung Quốc, qua Thuận Hóa truyền giới, ở tại thảo am Thiền Lâm. Do yêu cầu của Hòa thượng Thạch Liêm, thảo am được sửa chữa cấp tốc trở thành một ngôi chùa lớn. Lúc đầu thảo am Thiền Lâm thuộc Phủ Dương Xuân nhưng khi nó được phát triển lớn thì trở thành một cơ sở bên cạnh Phủ Dương Xuân.(10)
Sau năm 1738, Võ vương Nguyễn Phúc Hoạt (hay Khoát) lên ngôi vương, ông ra lệnh sửa sang đô ấp, tất cả các cung phủ đều được cho đại trùng tu, hoặc phá đi làm lại to lớn hơn. Phủ Dương Xuân – theo Phan Huy Ích – được chúa Võ Vương xây dựng lại rất to lớn. Võ Vương đã tiếp nhà buôn Pháp Pierre Poivre ở đây.
Khi Phú Xuân lọt vào tay quân Trịnh (1775) được một thời gian, Hiệp trấn Lê Quý Đôn đã đến Phủ Dương Xuân và hết lời ca ngợi sự to lớn, đẹp đẽ của kiến trúc ở đây. Điều này được ông nói rõ trong sách Phủ Biên Tạp Lục. Phủ Dương Xuân lại được sử dụng làm dinh thất cho bộ tướng của chúa Trịnh từ Thăng Long vào.
Mùa hè năm 1786, Nguyễn Huệ thống suất quân đội Tây Sơn từ Qui Nhơn ra bất thần vượt sông Hương và sông Kim Long từ hai mặt nam và bắc, lợi dụng lúc nước lũ nâng thuyền lên cao, kê súng lớn trên thuyền bắn thẳng vào bên trong thành Phú Xuân, quân Trịnh bị giết, xác chết nằm kín cả mặt đất. Quân Tây Sơn toàn thắng.
Thủy quân Nguyễn Huệ dàn ra dọc bờ sông Hương và sông Kim Long (chảy bọc sau Đô thành Phú Xuân), bộ binh (đặc biệt là bộ phận người sơn cước) đóng ở bờ Nam sông Hương, lấy Phủ Dương Xuân làm trung tâm. Từ đó tất cả các chùa chung quanh Phủ Dương Xuân như Ấn Tôn (Từ Đàm), Thiền Lâm, Huệ Lâm, Viên Giác, Kim Tiên và kể cả chùa Báo Quốc đều bị trưng dụng vào việc công. Thành Phú Xuân là niềm tự hào của chúa Nguyễn Phúc Khoát, được thầy thuốc Koffler chú ý, được Lê Quý Đôn ca ngợi… nhưng có lẽ dưới con mắt thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ – thành Phú Xuân có nhiều nhược điểm, ngoài nhược điểm bị lũ lụt đe dọa hằng năm còn dễ bị cô lập giữa hai con sông (sông Hương phía trước, sông Kim Long phía sau), rất khó phòng ngự trước đối phương có ưu thế về thủy quân. Ngược lại, Phủ Dương Xuân ở trên gò Dương Xuân, đối với một quân đội có nhiều người sơn cước của Tây Sơn, thì nó có nhiều ưu điểm hơn. Cảnh trí núi rừng thích hợp với người sơn cước, thích hợp với đội tượng binh có hàng trăm con voi chiến, lại là nơi đầu mối tiếp giáp với những thượng đạo ra Bắc vào Nam, ưu thế về độ cao trong việc phòng ngự, đặc biệt các chùa chung quanh phủ có đủ sức thu nhận bộ tướng đông đảo của quan quân nhà Tây Sơn.
Trong một lá thư viết ngày 23/7/1788, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết: “Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied chung quanh Dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng Ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng bạc ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ“.(11) Chung quanh nơi ở của vua Quang Trung – Phủ Dương Xuân, ông cho xây dựng thành bao bọc. Bên trong, các kiến trúc của Phủ được sửa chữa khang trang. Sau ngày lên ngôi hoàng đế, phủ cũ Dương Xuân được đổi tên là Cung điện Đan Dương. Cung điện Đan Dương không hẳn là một hành cung, mà thực chất là một cung điện thứ hai của vua Quang Trung. Chỉ có những người thân mới được đến bệ kiến ông tại cung điện thứ hai ấy.
Năm 1791, sau khi nghe tin cấp báo thủy quân của Nguyễn Ánh đã phá hủy phần lớn lực lượng thủy binh Tây Sơn ở Qui Nhơn, vua Quang Trung lại càng thấy những nhược điểm của thành Phú Xuân. Thành Phú Xuân có thể bị tấn công bất ngờ, nhất là vào buổi “tháng bảy nước nhảy lên bờ”, nên từ đó vua Quang Trung thường ngự ở Cung điện Đan Dương nhiều hơn là ở Kinh thành Phú Xuân. Ngày 29/7/Nhâm Tý (16/9/1792), vua Quang Trung băng hà, là biến cố khôn lường, làm đảo lộn mọi kế hoạch chuẩn bị chiến tranh chống lại quân Nguyễn ở Gia Định, xây dựng đất nước. Nếu cái tin vua Quang Trung mất lộ ra ngoài sẽ là nguồn cổ vũ lớn đối với các lực lượng đối phương,(12) nên các đại thần Trần Quang Diệu, Trần Văn Kỷ… cùng đình thần thực hiện ngay một kế hoạch bí mật này. Tất cả đường sá ra Bắc vào Nam đều được “canh nghiêm”. Kinh thành Phú Xuân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Vua Quang Trung còn trẻ, sung sức, vốn không có ý định đóng đô lâu dài ở Phú Xuân, nên chưa tìm chỗ xây lăng. Thế lúc ấy táng vua Quang Trung ở đâu để có thể giữ được bí mật tuyệt đối và hoàn tất được việc ninh lăng trong vòng một tháng theo lời trăng trối của vua Quang Trung ? Nơi giữ được bí mật và có đủ yếu tố “cát địa” để an táng nhà vua lúc bấy giờ có lẽ không nơi nào bằng khu vực Cung điện Đan Dương. Đình thần của vua Quang Trung đã chọn nơi ấy và theo như lập luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cung điện Đan Dương trở thành Đan Dương Lăng, Đan Lăng hay Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung. Điều này hiện đang nhận được nhiều tranh luận sôi nổi, dựa trên nhiều quan điểm và tư liệu khác nhau và chưa có đủ chứng lý kết luận một cách thuyết phục để khẳng định.
Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên ngôi hoàng đế tại Kinh thành Phú Xuân. Việc quốc sự đều nằm trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột của vua Quang Toản). Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm bên cạnh Lăng Đan Dương làm dinh. Dưới mắt Bùi Đắc Tuyên, chùa Thiền Lâm có nhiều ưu điểm: một điểm chiến lược, có nhiều chùa chiền đã biến thành công sở đủ cho “nha thuộc” dưới trướng ông sử dụng. Thiền Lâm lại nằm bên cạnh lăng mộ vua Quang Trung, được nhuần đượm ánh hào quang của vị Hoàng đế vĩ đại Quang Trung. Có thể nói, dưới thời Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư, khu vực chung quanh Lăng Đan Dương – chùa Thiền Lâm là thủ đô chính trị của đất nước thời Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Đến năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị Võ Văn Dũng “đảo chính” bắt giết, một số trọng thần chạy qua hàng Nguyễn Vương như Ngô Văn Sở, Lê Chất…. Khu vực chùa Thiền Lâm không còn được canh nghiêm, do đó những bí mật chung quanh Lăng Đan Dương ở gần đó không còn bí mật nữa. Bà Công nữ Ngọc Huyên, cô ruột của Nguyễn Ánh, ẩn cư ở làng Vân Dương (cách Kinh thành Huế chừng 3km về phía đông nam) nắm hết mọi động tĩnh của đối phương để cung cấp cho họ Nguyễn.
Sau ngày vua Quang Trung qua đời, bà Thái Vũ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tu tại chùa Kim Tiên. Đến năm 1799, bà qua đời và cũng được táng gần Lăng Đan Dương. Nhưng đến đầu năm 1801, một vị quan võ thân tín của bà (Đô đốc Hài) đã bí mật dời hài cốt của bà về làng Nành (tỉnh Bắc Ninh). Mãi đến thời vua Thiệu Trị thì chuyện mới vỡ lở, hài cốt của bà bị quật phá ném xuống sông biệt tích.
Cuối năm 1801, Nguyễn Vương trở lại đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản theo đường thượng đạo chạy ra miền Bắc. Lăng mộ vua Quang Trung bị Nguyễn Vương sai các hàng thần “tận pháp trừng trị”. “Mùa đông năm Nhâm Tuất (1802), xa giá (Nguyễn Ánh) về Phú Xuân, cáo ở Tôn miếu và dâng các tù binh Tây Sơn, đều bị giết và trừng trị, mộ của (Nguyễn) Nhạc, (Nguyễn) Huệ bị đào phá, thi hài bị giã nát rồi đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào ngục thất”.(13) Hoặc: “Tháng 11, Tân Dậu (1801), phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ…..”.(14)
Barisy – một nhân chứng có mặt trong đoàn quân của Nguyễn Vương khi trở lại Phú Xuân, miêu tả: “Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn) và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những toà nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình choé Nhật Bản”.(15)
Những giếng nước khu vực gò Dương Xuân không bị lấp nên vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Lịch sử tóm tắt của các chùa vùng này trong Đại Nam nhất thống chí đều có hai chữ “binh hỏa”. Vật liệu của Phủ Dương Xuân cũ bị chôn sâu xuống lòng đất, mọi dấu tích được phi tang. Vùng đất bị trừng phạt nầy được đổi tên là ấp Bình An. Hiện nay, chung quanh khu vực Bình An vẫn còn nhiều dấu tích. Trong mục tiêu tìm hiểu dấu tích tại đây, cuối năm 2016, Viện Khảo cổ Việt Nam phối hợp với Sở VHTT và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành thám sát khảo cổ, với 5 hố đào, 2 hố ở trước và sau chùa Vạn Phước, 1 hố ở khu vực nhà ông Lê Trung Hiếu, 1 hố ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh và 1 hố ở trước chánh điện chùa Thiền Lâm. Qua đó, những di vật tập trung vào giai đoạn cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18 được tìm thấy rất nhiều, có thể mở ra manh mối cho việc tìm hiểu phủ Dương Xuân – tiền thân cung điện Đan Dương của vua Quang Trung.
Sự tồn tại của phủ Dương Xuân giai đoạn Tây Sơn Nguyễn Huệ – Nguyễn Quang Toản bên cạnh núi Bân đã cho thấy sự liên hệ giữa nơi ở, làm việc và nơi lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Đó là một trục di tích kéo dài theo hướng Đông Nam – Tây Bắc, với núi Bân cách gò Dương Xuân – phủ Dương Xuân gần 2km về phía Đông Nam. Sự tồn tại của 2 di tích này theo trục như vậy đã cho thấy sự hoàn thiện thiết chế triều đại dưới thời hai vị vua Tây Sơn.
Từ đàn đăng quang của vua Quang Trung đến Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là sau khi vua Quang Trung mất, triều Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách trả thù tàn bạo. Hầu hết các dấu tích của vương triều Tây Sơn gần như bị xóa xổ. Núi Bân gần như là di tích còn lại duy nhất của vương triều Tây Sơn Quang Trung Nguyễn Huệ ở cố đô Huế cho đến ngày nay. Năm 1988, khu di tích Núi Bân đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Vào năm 2008, công trình Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân đã được khởi công xây dựng, với tổng diện tích quy hoạch là gần 25.500m2. Trong đó, phần diện tích xây dựng đã thực hiện là hơn 21.300m2, gồm di tích núi Bân và các hạng mục xây dựng mới như tượng đài vua Quang Trung, hệ thống phù điêu, sân hành lễ và các công trình phụ khác. Ngày 09/1/2010, công trình tưởng niệm anh hùng Quang Trung ở núi Bân được khánh thành, sự kiện này đã tạo điều kiện chỉnh trang khu vực núi Bân thành một khu di tích lịch sử đẹp và khang trang, thu hút nhiều người viếng thăm để tưởng nhớ vua Quang Trung, ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời, qua đó cũng tái hiện một phần di tích thời kỳ Tây Sơn trên đất Phú Xuân, gắn với anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ.
Với khu tưởng niệm, điểm nhấn là tượng đài Hoàng đế Quang Trung cao 12m, đặt trên bệ cao 9m, tư thế thẳng đứng, tay phải tựa hông, tay trái cầm đốc kiếm, người hướng về phía Bắc. Phía sau lưng tượng là hệ thống phù điêu dài gần 60m, miêu tả quá trình phát triển của phong trào Tây Sơn từ lúc khởi nghĩa đến lúc khải hoàn. Xen kẽ phù điêu là các đoạn trích Chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung, như đoạn chính giữa bức phù điêu: “Nhân, Nghĩa, Trung tín là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay cùng nhân dân đổi mới, sẽ cùng dìu dắt dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân…”. Bên trái phù điêu là trích khắc lời thề của Hoàng đế Quang Trung tuyên thệ giữa ba quân ở Nghệ An trước khi tiến ra giải phóng Thăng Long. “…Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để đen răng/ đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…”.
Nơi tái hiện lễ lên ngôi lịch sử
Từ khi hoàn thành, đến nay, Khu di tích núi Bân và tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử của Huế, thu hút khách trong và ngoài nước tham quan, dâng hương. Việc hình thành khu tưởng niệm này đã tạo điểm nhấn cho các hoạt động văn hóa, lịch sử liên quan đến triều đại Quang Trung, đặc biệt là lễ lên ngôi lịch sử của nhà vua. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức tái hiện Lễ lên ngôi Quang Trung hoàng đế, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Phần tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế bắt đầu bằng một hồi trống trận rền vang, biểu tượng sức mạnh và hào khí của đoàn quân Tây Sơn thuở nào. Từ lối vào bên cánh trái khu tưởng niệm, vua Quang Trung ngồi trên voi tiến vào khu vực hành lễ, theo sau là nữ tướng Bùi Thị Xuân và đoàn tuỳ tùng hộ giá. Mỗi lễ hội có hơn 1400 diễn viên, nhạc công được bố trí thành các đạo binh gồm: bộ binh, kỵ binh, thuỷ binh với các voi chiến, ngựa chiến, súng đại bác dẫn dắt người xem và khách du lịch vào đại lễ.
Một phần không thể thiếu là màn múa cờ, võ cổ truyền Bình Định, đồng diễn võ thuật tái hiện thuỷ quân, luyện tập hành quân thần tốc của các binh sĩ dưới trang phục muôn màu sắc của các dân tộc anh em trong đoàn quân tiến ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789.
Tiếp theo đó, Lễ đăng quang hào hùng với “Lời tuyên cáo”, “Chiếu lên ngôi” giữa ba quân tướng sĩ, và hàng loạt phát đại bác khai hoả. Quang Trung đứng dậy, dõng dạc: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.” Dứt lời, nhà vua tuốt gươm khỏi vỏ, giơ cao lên trời thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc. Vua Quang Trung cùng Bùi Thị Xuân cỡi voi đi giữa trùng điệp những đạo quân, hành quân tiến ra trận tiền chống giặc ngoại xâm, thu giang sơn về một mối…
Điểm nhấn lịch sử – văn hóa và du lịch
Giá trị lịch sử, văn hóa của triều đại Tây Sơn Quang Trung Nguyễn Huệ vẫn chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, thấu đáo. Vì vậy, việc hình thành khu tưởng niệm liên quan anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ đã tạo điều kiện để nhiều người quan tâm, yêu mến người anh hùng áo vải đến để tìm hiểu, khơi dậy lòng tự hào về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Mặc dù được xây dựng để tưởng niệm nhưng những năm qua đã trở thành điểm nhấn văn hóa mỗi khi Tết đến xuân về, với những ngày tháng lịch sử đánh đuổi quân Thanh xâm lược.
Tại một địa phương vốn là cố đô của triều Nguyễn với các di tích triều Nguyễn dày đặt, sự xuất hiện khu tưởng niệm Quang Trung Nguyễn Huệ tại núi Bân đã bổ sung thêm sự khác biệt, làm đa dạng hơn giá trị các di tích lịch sử – văn hóa của vùng đất cố đô. Đồng thời, tạo điểm nhấn khác biệt, điểm nhấn ghi dấu ấn của một triều đại anh hùng mà Huế là nơi may mắn chứng kiến lễ đăng quang, sự tồn tại của vương triều Quang Trung nhà Tây Sơn.
Nơi có đàn tế lên ngôi đó đã tạo một sức hút tự hào về quá trình gìn giữ nền độc lập của nước nhà. Giá trị này cần được bồi đắp và phát huy qua thời gian, giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong thời đại ngày nay, việc giáo dục lòng yêu nước của thế hệ trẻ, tạo động lực xây dựng đất nước từ trong ý thức, qua những di tích lịch sử – văn hóa như vậy, cần được tô bồi một cách mạnh mẽ, điều đó cũng mang lại những bài học lịch sử sinh động, không bị đứt. Hơn nữa, với giá trị mô phỏng hóa, cách điệu hóa đầy giá trị nghệ thuật, khu tưởng niệm tại núi Bân giành cho Quang Trung hoàng đế còn là điểm nhấn về nghệ thuật điêu khắc, chuyển tải những giá trị nghệ thuật đương đại của mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh giá trị văn hóa đa dạng đầy bản sắc Việt.
Với sự quan tâm của du khách gần xa, nơi đây đã trở thành điểm du lịch trong hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa trên mảnh đất cố đô Huế. Đặc biệt là hoạt động lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, gắn với lễ tái hiện lên ngôi của vua Quang Trung, làm đa dạng hóa các nghi thức, lễ hội trên vùng đất Cố đô mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Tài liệu tham khảo:
- Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Tập san Sử Địa số 9-10.
- Hà Xuân Liêm, Những ngôi chùa Huế, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2000.
- Hồ Bạch Thảo dịch, Thanh thực lục – Sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn, NXB Hà Nội, 2007.
- Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế, kỷ yếu Hội thảo khoa học Thuận Quảng thời Tây Sơn, Huế, 12/2017.
- Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, Hà Nội, 1964
- Ngụy Nguyên, Thánh vũ ký, Bản in Trung Hoa thư cục, Thượng Hải, quyển 6, mục Càn Long chinh An Nam ký.
- Nguyễn Đắc Xuân, Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – Tiền thân của Cung điện Đan Dương, Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế, NXB VHVN, TpHCM, 2017.
- Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1971.
- Nguyễn Lương Bích, Quang Trung Nguyễn Huệ, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1989.
- Nguyễn Phương, 82 năm lịch sử, Đại học Sư phạm, Huế, 1963.
- Nguyễn Thanh Nhã, Tableau économicque du Vietnam aux XVIIè et XVIIIè siècles, Éditions Cujas, Paris, 1970.
- QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), tập I, H.: Nxb. Giáo Dục, bản dịch của Viện Sử học, 2002.
- QSQ triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, H.: Nxb. Giáo dục, 1998.
- QSQ triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập I – Tiền biên (Liệt truyện tiền biên), bản dịch Viện Sử học, Huế.: Nxb. Thuận Hóa, 1993.
- Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, H.1963, tập II.
- Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, NXB Tri thức, Hà Nội, 2013.
- Tập thể tác giả, Nguyễn Huệ Phú Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế, 1986.
(1) QSQ triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), tập I, H.: Nxb. Giáo Dục, bản dịch của Viện Sử học, tr. 238.
(2) Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, Hà Nội, 1964, tr. 326.
(3) Ngụy Nguyên, Thánh vũ ký, Bản in Trung Hoa thư cục, Thượng Hải, quyển 6, mục Càn Long chinh An Nam ký, tờ 34.
(4) Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, Hà Nội, 1964, tr. 336.
(5) Ngụy Nguyên, Thánh vũ ký, quyển 6, tờ 35.
(6) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập I – Tiền biên (Liệt truyện tiền biên), bản dịch Viện Sử học, Huế.: Nxb. Thuận Hóa, 1993, quyển 30, trang 34.
(7) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của Viện Sử học, tập I,tr.126.
(8) Hà Xuân Liêm, Những ngôi chùa Huế, Nxb Thuận Hoá, Huế 2000, tr. 105.
(9) Theo Nguyễn Thanh Nhã, Tableau économicque du Vietnam aux XVIIè et XVIIIè siècles, Éditions Cujas, Paris, 1970, tr.119.
(10) Bởi thế, lịch sử nhà chùa và bia mộ tháp còn lại thì ghi Khắc Huyền là Hòa thượng khai sơn chùa Thiền Lâm, nhưng Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn lại ghi là Hòa thượng Thạch Liêm.
(11) Theo La Bartette thì: “… họ (Tây Sơn) đã phá hủy tất cả các chùa chiền cùng bắt buộc hết thảy các nhà sư phải ra trận”. Trích lời dẫn của Nguyễn Phương, “82 năm lịch sử“, Đại học Sư phạm, Huế 1963.
(12) Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Tập san Sử Địa số 9-10, tr.235.
(13) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30.
(14) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, H.1963, tập II, tr. 451.
(15) Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Tập san Sử Địa số 9-10, tr.235.