Khamphadisan.com – Nằm trên tuyến hành trình di sản Quảng Nam bắt đầu từ phố cổ Hội An đến Thánh địa Mỹ Sơn, làng đúc đồng Phước Kiều với hơn 400 năm tuổi, có lịch sử hình thành, phát triển đã gắn liền với lịch sử dinh trấn Thanh Chiêm từ thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong.

lang duc dong phuoc kieu khamphadisan

ảnh: TCDL

Nằm tại thôn Thanh Chiêm – xã Điện Phương – thị xã Điện Bàn –  Quảng Nam, Phước Kiều là làng nghề đúc đồng nổi tiếng, đặc biệt về kỹ thuật đúc cồng chiêng.

Làng đúc đồng Phước Kiệu nằm trên xã Điện Bàn, vùng đất xưa kia từng được chúa Nguyễn Hoàng chọn nơi để lập dinh trấn Quảng Nam vào năm 1602. Lúc bấy giờ, những cư dân từ vùng Thanh Hóa ngày nay đã theo chúa Nguyễn vào xứ Thuận Hóa làm nghề rèn đúc binh khí và đã lập nên làng chú tượng Phước Kiều.

lang duc dong phuoc kieu khamphadisan 1

ảnh: sưu tầm

Đến thế kỉ XVIII, quân Tây Sơn khởi nghĩa đánh ra có nhu cầu chế tạo vũ khí tại chỗ nên đã lập làng tạc tượng Đông Kiều ở gần đó. Đến thời vua Minh Mạng, vào  năm 1832, đã cho nhập hai làng này thành một và lấy xã hiệu Phước Kiều, từ đó làng có tên làng đúc đồng Phước Kiều mà trải bao vật đổi sao dời, những truyền nhân của làng vẫn còn giữ lửa làng nghề truyền thống đến ngày nay.

lang duc dong phuoc kieu khamphadisan 2

ảnh: sưu tầm

Theo như lời của những vị cao niên trong làng, thì ông tổ nghề đúc đồng của Phước Kiều là Dương Không Lộ, vốn là người ở châu Thất Truyền – phủ Tường Khánh – tỉnh Lạng Sơn, khi bôn ba làm ăn đã đặt chân đến phủ Điện Bàn – chính là nơi chúa mà Nguyễn Hoàng đã lập dinh trấn Thanh Chiêm khai khẩn đất hoang làm nghề đúc đồng. Ngày nay, nhiều nhà nghề tại làng đúc đồng Phước Kiều đều là con cháu nhà họ Dương. Nhưng câu chuyện tổ nghề của làng đúc đồng Phước Kiều ngay ở địa phương cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi bởi nơi này có nhiều dòng họ có truyền nhân theo nghề này ở làng.

lang duc dong phuoc kieu khamphadisan 4

ảnh: Báo Dân Việt

Làng đúc đồng Phước Kiều thưở sơ khai chủ yếu là rèn đúc binh khí, súng đạn, và những vật phẩm phục vụ cho những sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng như: đèn thờ, chuông, chiêng và một số đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Dưới thời các chúa Nguyễn, những nghệ nhân của làng đã được triều đình gọi ra kinh đô Phú Xuân để đúc đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín.

Đã từng có nhiều nghệ nhân của làng được phong “Cửu phẩm đội trưởng” như: cụ Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên). Những sản phẩm của làng nghề có đường nét chạm khắc tinh xảo, đặc biệt là bí quyết gia truyền pha hợp kim riêng.

lang duc dong phuoc kieu khamphadisan 3

ảnh: dulichdienban

Đặc biệt, sản phẩm cồng chiêng của làng Phước Kiều đã có mặt ở hầu khắp các bản làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Kết hợp với bí quyết pha hợp kim trong chế tác sản phẩm đồng, nhiều nghệ nhân ở làng đặc biệt có kỹ năng thẩm âm. Đôi tai tinh nhạy, sự am hiểu và cả kinh nghiệm giúp cho các nghệ nhân làng nghề tạo ra những sản phẩm cồng chiêng phù hợp với từng vùng dân tộc thiểu số ở khắp vùng Miền Trung và Tây Nguyên. “Hồn vía” của lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chính là âm thanh những sản phẩm của các nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều vang trong không gian khoáng đạt, huyền bí của núi rừng.

lang duc dong phuoc kieu khamphadisan 6

ảnh: sưu tầm

Làng nghề hơn 400 năm tuổi này đã từng có một thời gian dài bị mai một, tưởng chừng nghề truyền thống của làng sẽ phải lụi tàn khi mà số nhà nghề còn giữ lửa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Chính sự phát triển của du lịch tại Quảng Nam mà lợi thế là điểm đến có hai di sản thế giới (Hội AnThánh địa Mỹ Sơn), đã tạo tiền đề cho làng nghề truyền thống trở mình hồi sinh trong vài năm trở lại đây khi mà có nhiều dự án phát triển làng đúc đồng Phước Kiều gắn liền với phát triển du lịch và các lễ hội văn hóa ở địa phương.

Đến với làng đúc đồng Phước Kiều bạn không chỉ được thưởng lãm các sản phẩm tinh hoa của làng nghề truyền thống lâu đời ở xứ Quảng mà còn có thể tận mắt xem và trải nghiệm các công đoạn chế tác sản phẩm đồng Phước Kiều khi nhà nghề đỏ lửa.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94

5/5 - (2 bình chọn)