Các nhà vị vua triều Nguyễn, người nào cũng giỏi thơ văn. Người nào cũng có cách “chơi thơ” rất độc đáo. Vua Tự Đức in thơ lên tiền vàng, in lên các loại đồ sứ như chén, ấm, bình…, thêu trên trướng, liễn. Vua Thiệu Trị in thơ vào những tranh gương quý phái… Còn vua Minh Mạng, vị vua tạo ra một nước Đại Việt thịnh trị nhất thời Nguyễn, là ông vua có tài thơ và thích “chơi” thơ! Ông cho làm bài thơ để đặt tên “Đế hệ” (Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh… là câu đầu của bài thơ tứ tuyệt Đế hệ đặt tên hệ từ vua Thiệu Trị (Miên Tông) đến Bảo Đại (Vĩnh Thụy).
Vua Minh Mạng từng làm tới 10 bài “Phiên hệ” để đặt tên cho từng pháo đài Kinh Thành Huế. Vua còn cho khắc thơ lên kiến trúc Kinh thành Huế và Lăng của mình. Sách “Lăng hoàng đế Minh Mạng”của Mai Khắc Ứng cho biết, thơ văn Minh Mạng lưu tại Viện Hán Nôm gồm 36 tập, khoảng 12.000 trang.
Trong đó có Ngự chếthi tập 73 quyển, được đóng thành 6 tập gồm 3.500 bài thơ chữ Hán. Phần lớn thơ này đã được khắc in dưới thời Minh Mạng và Thiệu Trị. Vua giỏi thơ, say thơ đã ươm mầm cho một thế hệ thơ “thất thịnh đường” Việt Nam thế kỷ XIX! 20 năm triều Minh Mạng là thời cực thịnh của văn thơ Việt thế kỷ XIX với nhiều tên tuổi lừng danh như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, cùng những tài thơ con vua như Nguyễn Phước Miên Tông (vua Thiệu Trị), Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tương An Quận Vương Miên Bửu và ba Công chúa Trọng Khanh, Trúc Khanh, Quý Khanh.
Thơ hoàng đế Minh Mạng được khắc vẽ ở điện Thái Hòa, lầu Ngọ Môn, đặc biệt là ở Hiếu Lăng (lăng Minh Mạng). Có thể nói lăng Minh Mạng là một bảo tàng thơ, bảo tàng tâm hồn của nhà vua! Thơ được khắc thành từng ô chữ trong từng dải liên ba, cổ diềm trên bốn công trình kiến trúc chính của Hiếu Lăng là Bi Đình, Hiển Đức Môn, Sùng Ân Điện, Minh Lâu. Số thơ ở Hiếu Lăng lên đến trên 120 bài tứ tuyệt (ngũ ngôn và thất ngôn) được khắc từng câu thành 500 ô chữ tách biệt. Hàng trăm năm liền, các nhà nghiên cứu đã rất băn khoăn mỗi khi đọc những câu thơ chữ Hán riêng biệt vì nó bí ẩn.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Mai Khắc Ứng qua thời gian dài nghiên cứu, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã tìm ra được mối liên hệ và cách xếp các ô chữ đó thành những bài thơ tứ tuyệt theo đúng luật lệ của cấu trúc và ngôn ngữ thơ. Thơ khắc ở Lăng Minh Mạng ca ngợi giang sơn gấm vóc, cảnh đẹp núi sông, đất nước thái bình, triều đình bền vững. Ở Hiếu Lăng khắc in rất nhiều thơ về nông nghiệp, nông dân, về đời sống kinh tế của nước Đại Việt xưa. Tâm huyết và đồng điệu với đất nước, làng quê lắm, nhà vua mới duyệt cho khắc những bài thơ ấy vào lăng mộ của mình.
Làm thơ nhiều như thế, nhưng vua Minh Mạng không coi mình là nhà thơ: “Thơ ta làm ra là để làm vui khi rỗi việc đó thôi… “. Ông còn nói: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là Trời. Tuy có cảnh tình, mây lành, chim phụng kỳ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng Được Mùa là điềm lành trên hết!“. Bởi thế thơ Minh Mạng rất gần gũi với cuộc sống và ý nguyện thường dân nên Lăng của vua như một bảo tàng thơ để đời sau người bốn phương tìm đến ngưỡng vọng!
Có thể bạn quan tâm:
binhqb94 (sưu tầm)