Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Năm 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tam trường, được tập ấm một chức quan võ ở Thái Nguyên. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào năm 1788, ông lánh về quê vợ ở tỉnh Thái Bình.
Mười năm ở quê vợ là quãng “Mười năm gió bụi”, bao cảnh cơ hàn, bần cực đã đến với ông. Khi bố vợ mất, người con trai lớn mất, Nguyễn Du cùng người con trai nhỏ Nguyễn Tứ về quê cũ ở xã Tiền Điền. Trở lại quê, dinh cơ của cha đã tan hoang, anh em đôi ngả, ông thốt lên “ Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán”. Nguyễn Du được bà con họ tộc chia cho mảnh đất tại thôn Thuận Mỹ để làm nhà ở. Cũng từ đây, ông có biệt hiệu “Hồng Sơn liệp hộ” (người đi săn ở núi Hồng) và “Nam Hải điếu đồ” (người câu cá ở bể Nam).
Năm 1802, Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du được bổ làm Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (tỉnh Hà Tây). Con đường làm quan với nhà Nguyễn đang hanh thông, nhưng ông vẫn thấy không mặn mà với triều đại này, cho nên năm 1804 ông xin cáo bệnh vềquê, nhưng chưa được bao lâu lại có chỉ gọi ông vào Kinh Đô. Mùa xuân 1805, ông được thăng Đông Các đại học sĩ, tước Du Đức hầu. Tháng 2/1813, ông được thăng hàm Cần Chánh Đại học sĩ, rồi cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là TuếCống Chánh sứ, khi trở vềnước, ông có tập thơ “Bắc hành tạp lục” và được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ. Tháng 8/1820, vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, có lệnh sai Nguyễn Du đi làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, nhưng ông chưa kịp đi thì mất tại Kinh thành Huếvào ngày 16/9/1820 (dương lịch) hưởng thọ 55 tuổi.
Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều
Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, các sáng tác chữ Hán có: “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”. Sáng tác chữ Nôm có: “Văn chiêu hồn” nguyên có tên “văn tế thập loại chúng sinh”, “Thác lời trai phường nón”, “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”. Đặc biệt, khi nhắc đến Nguyễn Du chúng ta sẽ nhớ ngay đến thiên trường thi bất hủ “Đoạn trường Tân Thanh” mà hay được biết đến với tên gọi Truyện Kiều. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh, nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống. Tác phẩm gồm 3254 câu lục bát, kể về 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều – người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến giày xéo.
Truyện Kiều đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam.
Truyện Kiều cũng là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp về một tình yêu trong sáng, thủy chung trong xã hội mà quan niệm hôn nhân, tình yêu hết sức khắc nghiệt. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình yêu, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng…
Cùng với đó Truyện Kiều còn là tiếng nói lên án các thế lực bạo tàn, chà đạp lên quyền con người; sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong tay bọn bất lương, nó có sức mạnh đổi trắng thay đen, biến con người thành hàng hóa để mua bán chà đạp.
Truyện Kiều khắc sâu trong lòng bao thế hệ nhân dân còn nhờ ở giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Công lao đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ có một không hai trong lịch sử.
Nghệ thuật tự sự trong Truyện Kiều, cũng đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn đến chuyện, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lý con người. Trong lời tựa cuốn Truyện Kiều ra mắt lần đầu tiên vào năm 1820, Mộng Liên Đường chủ nhân (Nguyễn Đăng Tuyển, 1795-1880) đã viết: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột… Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh cũng hệt, đàm tình đã thiết, nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Giáo sư Đào Duy Anh trong lời đầu từ điển Truyện Kiều (1974) cũng đã viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại nước ta”.
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Pháp, Anh, Nga, Hàn, Nhật…
Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965) cùng với 8 danh nhân văn hoá trên toàn thế giới. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới.
VềHà Tĩnh thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du
Từ trung tâm thành phốVinh khoảng 8 km, qua cầu Bến Thủy là đến Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mấy trăm năm trước, mỗi khi nhắc đến Tiên Điền, người ta thường nghĩ ngay đến dòng họ Nguyễn bởi những giá trị văn hóa quý báu để lại. Dòng họ Nguyễn Tiền Điền nổi tiếng trâm anh thế phiệt, có nhiều người tài năng thành đạt trên con đường văn chương, khoa cử, y học, sử học, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Bởi vậy có câu ca “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước, họ này hết quan” để nói về truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn làng Tiên Điền.
Khu lưu niệm Nguyễn Du rộng khoảng 2 ha, là một quần thể tưởng niệm dòng họ Nguyễn Tiên Điền gồm: đền thờ Nguyễn Nghiễm – thân phụ của Nguyễn Du, đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Huệ – bác ruột của Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Trọng, nhà tư văn… và khu lưu niệm Nguyễn Du.
Khu di tích Tiên Điền ngày nay đã trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn với hàng ngàn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu mỗi năm. Đi theo những con đường nhỏ lát gạch xuyên qua hàng cây, bức tượng Nguyễn Du trước sân khu lưu niệm nổi bật với khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông. Tượng bằng đồng, cao 1,5m, bệ tượng cao 2,5m, trông toát lên thần thái nho nhã, thanh thoát của đại thi hào. Nhà thờ Nguyễn Du bày trí đơn sơ, giản dị như cốt cách của đại thi hào. Một bàn thờ bằng đá vôi cát, một chiếc bàn nhỏ để bút nghiên cùng một bức hoành đề chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, tước trung hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long (1790) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ: “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”.
Cạnh nhà thờ Nguyễn Du là Trung tâm văn hóa Nguyễn Du là nơi trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền như: nghiên mực, chén uống trà, uống rượu, móc treo mũ áo…
Cách khu lưu niệm khoảng 1 km là mộ Nguyễn Du. Năm 1820, Nguyễn Du mất tại Huế. Bốn năm sau (1824) hài cốt của cụ được con là Nguyễn Ngũ, cháu Nguyễn Thắng làm quan tại Huế cải táng đưa về quê nhà. Sau nhiều lần di dời, đến năm 1990, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, xây lại phần mộ cho cụ. Từ đó, tới nay qua nhiều lần chỉnh sửa mộ cụ ngày một tôn nghiêm hơn. Đến năm 2012, Khu lưu niệm Nguyễn Du được xếp hạng thành Di tích quốc gia đặc biệt.
Từ quê hương, xã hội, gia đình, cuộc đời, năng khiếu bẩm sinh, đã tạo cho Nguyễn Du có trái tim yêu thương vĩ đại, một thiên tài văn chương với sự nghiệp văn học có giá trị lớn. Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ sống mãi với dân tộc và trở thành linh hồn của dân tộc.
Hằng Dương – khamphadisan.com
Sưu tầm