Khamphadisan.com – Không chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp thơ mộng của vùng núi đồi cao nguyên hùng vĩ và những đồng ruộng bậc thang trải dài tít tắp. Sơn La còn thu hút du khách bởi nền văn hóa ẩm thực hết sức phong phú và đa dạng với những món ăn có tên gọi và cách chế biến rất độc đáo. Hãy cùng Khám phá di sản điểm qua một số món ăn ngon nức mũi ở Sơn La nhé!
1. Pa pỉnh tộp
ảnh:Chudu24
Thực ra Pa pỉnh tộp là món cá suối nướng lật úp- món ăn cổ truyền của dân tộc Thái. Nguyên liệu chính của món ăn này là cá suối như cá chép, trôi, trắm. Cá được làm sạch rồi mổ dọc sống lưng để tiện gấp úp lại. Gia vị ướp trực tiếp vào cá gồm gừng, sả, rau thơm và đặc biệt là mắc khén và mầm măng của cây sa nhân.
ảnh:paoquan
Bên ngoài cá được xoa một lớp bột riềng và thính gạo. Pa pỉnh tộp nướng trên lửa than và khi nướng dùng thanh tre kẹp lại để vị cá thêm đậm đà. Thịt cá nướng xong bên trong sẽ có vị thơm, ngọt, khô chắc, tỏa mùi cay cay rất kích thích vị giác.
2.Thịt trâu gác bếp
ảnh:VHouse Mộc Châu
Trong dịp tết hay lễ cúng lớn, gia đình có mổ trâu thì người Thái ở đây mới để lại một ít để làm món này. Thịt trâu thường được lựa ở phần bắp, ít gân, thớ thịt đều, đẹp. Sau đó đem lọc bỏ gân, thái miếng rồi đem tẩm ướp gia vị. Tiếp theo dùng que xiên thịt rồi đem phơi nắng hoặc để trên gác bếp.
ảnh:ĐẶC SẢN QUÊ HƯƠNG
Khi thịt đã khô thì đồ lại trong khoảng hơn một tiếng để thịt được chín đều. Thịt trâu có thể được ăn ngay hoặc đem treo trên gác bếp để dùng dần. Đây cũng là món nhắm rượu hàng đầu của người dân nơi đây.
3. Cháo mắc nhung
ảnh:Du Lịch – Dân trí
Để có một món cháo mắc nhung đúng vị, người Sơn La thường chọn gạo tấm non ở đầu vụ gặt. Sau đó đem nấu chín cùng sườn lợn hun khói. Khi cháo chín tới, cho quả mắc nhung vào (quả màu xanh cùng họ với cà chua nhưng chỉ bé bằng hạt đu đủ chín, có vị cay cay, đắng ngọt).
ảnh:Blog Adayroi
Thêm củ gừng được đập dập, ớt và sả. Ở một số nơi, bà con trộn quả mắc nhung với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt, vùi trong tro bếp nóng hoặc đồ xôi. Chỉ tầm 30 phút sau là sẽ có ngay một món cháo mắc nhung sền sệt, đắng nhẹ, vị thơm cay ăn rất lạ miệng.
4. Cơm lam
ảnh:Anandi
Cơm lam chuẩn được chế biến từ gạo cẩm và nếp cái hoa vàng. Theo phong tục của người Thái thì cơm lam chỉ được làm sau khi thu hoạch xong mùa lúa mới. Gạo được cho thêm chút muối và gừng ngâm qua đêm. Sau đó cho vào từng ống tre hay còn gọi là may khâu (Lam Pa Ngà), thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối hoặc lá dong.
ảnh:Cơm lam người Thái
Rồi đưa lên bếp lửa đốt cho đến khi vỏ ống nứa cháy sém lan tỏa mùi thơm từ gạo, ống nứa không còn nước là vừa chín. Tùy theo sở thích mỗi người mà có thể ăn cơm lam cùng muối vừng hoặc chẳm chéo.
5. Canh mọ
ảnh:Ẩm thực khắp nơi
Canh mọ là một món ăn vào các dịp lễ Tết của dân tộc Khơ mú sống tại Sơn La. Canh mọ được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, thịt sóc sấy khô. Chúng được băm nhỏ và trộn với hoa chuối cùng các loại gia vị. Sau đó, đem nhồi phần nhân vào ống tre, đổ thêm nước vào và đem đốt như ống cơm lam. Khi chín, đổ ra bát sẽ thấy canh sền sệt, tuyệt nhất là ăn cùng xôi nếp.
6. Xôi sắn
ảnh:dulichbonmua
Sắn được đào từ nương về đem bóc vỏ, rửa sạch rồi nạo thành từng sợi nhỏ trộn lẫn với gạo nếp cho vào chõ đồ lên. Khi xôi chín thì đổ xôi ra mâm, dàn mỏng dùng quạt, quạt cho xôi nguội nhanh. Rồi cho xôi vào các “giỏ” đan bằng mây có nắp đậy, có quai treo lên cột nhà. Đến bữa là đem ra dùng hoặc đem đi làm nương ăn rất tiện. Thức ăn chỉ cần là gói muối ớt, hoặc con cá nướng.
7. Nộm da trâu
ảnh:Đặc Sản Tây Bắc
Da trâu dày, rất cứng và dai, thường chỉ để làm da trống nhưng người dân Sơn La lại dùng làm món nộm da trâu. Để giảm độ dai, người dân phải sơ chế da trâu qua những giai đoạn như hơ lửa, ngâm nước lã, lọc và đập da nhiều lần. Nộm da trâu được trộn với măng rừng và mùi tàu, ăn giòn giòn, chua thanh rất lạ miệng.
ảnh:laodong
Bạn có thể thưởng thức nộm da trâu và một số món ăn khác làm từ thịt trâu tạiNhà hàng 75 – Trâu Tây Bắc (Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La). Quán mở cửa từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối.
8. Nậm pịa
ảnh:tuhaoviet
Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, còn “pịa” là chất lỏng ở trong ruột non của con bò. Ruột non được làm sạch. Sau đó nhồi thêm thịt, tiết tươi, đuôi dạ dày, cuống tim,… và một ít gừng, sả, mắc khén, ớt, lá chanh cắt nhỏ. Cho vào nồi đun sôi tầm 5 phút để tạo món ăn sền sệt. Nậm pịa ăn lúc nóng là ngon nhất. Lúc mới ăn có thể thấy vị hơi đắng nhưng càng ăn lại càng cảm thấy ngọt và thơm hơn.
9. Bê chao Mộc Châu
ảnh:Dulich24
Nguyên liệu để làm bê chao ngon nhất là bê sữa khoảng một tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ. Vì thế nên miếng thịt bê mềm ngọt mà bê già tuổi hơn không thể nào có được. Bê chao được chế biến rất đơn giản nhưng hương vị lại vô cùng thơm ngon.
ảnh:Chuyện Du Lịch
Bê chao phải ăn lúc còn nóng. Lúc mà mỡ vẫn còn liu riu sôi trên những miếng thịt. Chấm thịt ấy vào bát nước chấm sánh vàng cùng chút gừng băm nhỏ. Phần da ngoài chín phồng lên, cắn vào thấy giòn, nhai kỹ miếng thịt có một chút dai dai. Lại có thêm những lát gừng mỏng của bát nước chấm, vừa cay thanh vừa thơm đến nức mũi.
ảnh: Quán 64
Đến Sơn La bạn nhớ ghé Quán 64 (khu Chiềng Đi, Thị Trấn Nông Trường Mộc Châu) hoặc Xuân Bắc 181 – Đặc sản bê chao & cá suối nướng(AH 13, Quốc Lộ 6, Mộc Châu) để nếm thử món bê chao này nhé. Quán mở cửa tầm 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, giá dao động từ 30k – 500k.
Một số địa chỉ ăn uống nổi tiếng cực đông khách ở Sơn La:
- Quán 70 Nam Hưng
Địa chỉ: Tiểu Khu Chiềng Đi, thị trấn Nông Trường Mộc Châu
Giá dao động từ 50k – 500k. - Nhà hàng Đức Long
Địa chỉ: Tiểu Khu 8, thị trấn Nông Trường, Mộc Châu
Giá dao động từ 50k – 500k. - Cá Hồi Vườn Đào – Mộc Châu
Điạ chỉ: Tiểu Khu Vườn Đào, Mộc Châu, Sơn La
Giá dao động từ 200k – 500k - Nhà Hàng Đảo Ngọc – Ẩm Thực Việt
Điạ chỉ: Công Viên 26/10, Tổ 4, P. Tô Hiệu, Tp. Sơn La
Có thể bạn quan tâm:
- Top 7 địa điểm check-in cho dân mê sống ảo khi đến Mộc Châu
- Khám phá trải nghiệm Vân Hồ
- Chinh phục đỉnh Pha Luông – Sơn La
Thạch Lam