Văn Miếu hay còn gọi Văn thánh là tên gọi tắt cửa một ngôi miếu để thờ vị Thánh về Văn, người được hậu thế tôn vinh là: Vạn Thế Sư Biểu (người thầy của muôn đời), đó là Khổng Tử. Khổng Tử tên là Khổng Khâu, sinh năm 551 trước Công nguyên, tại nước Lỗ (phía Nam tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc ngày nay).

Ông là nhà Nho được tôn vinh lên ngang hàng các bậc thánh. Tinh thần sáng tạo độc đáo trong kiến giải văn hóa Đông Phương của Khổng Tử đã được những học trò và những người nối tiếp ông tiếp tục được phát huy và truyền từ đời này sang đời khác. Vì lẽ đó Khổng Tử có vị trí hết sức đặc biệt trong hệ thống triết lý của Trung Quốc, trở thành người sáng lập học phái mới mang tên Nho gia, dung hòa được tất cả các mối quan hệ xã hội trên cơ sở của tính nhân văn cao đẹp.

vanthanhmieu

Ở nước ta, việc lập miếu thờ đức Khổng Tử sớm nhất được sử sách ghi lại là vào năm 1010 dưới triều Lý, vua Lý Thánh Tông đã cho lập Văn Miếu tại kinh đô Thăng Long và đó được xem là nơi thờ Khổng Tử đầu tiên của nước ta. Các triều đại kế tiếp như Trần, Hồ rồi Hậu Lê vẫn duy trì miếu thờ này, đến đời vua Lê ThánhTông đã cho xây dựng bia ghi tên tiến sỹ (khởi đầu từ khoa thi dưới triều vua Lê Thái Tông), số bia còn lại đến ngày nay là 83 tấm. Dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1775 ), Văn Miếu của thủ phủ xứ Đàng trong đã được xây dựng và thay đổi vị trí qua 03 địa điểm khác nhau: Làng Triều Sơn, làng Lương Quán và xã Long Hồ. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, Văn Miếu của triều đại và của cả quốc gia được chính thức xây dựng năm 1808 tại vị trí hiện nay, còn Văn Miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thành Từ (tức miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử).

vanthanhmieu1

Văn Miếu được dựng ở vị trí đẹp, quay mặt về hướng Nam, trước mặt là dòng sông Hương trong xanh phía sau là làng mạc và núi đồi lan ra từ rặng núi Trường Sơn hùng vỹ. Nếu Văn Miếu Hà Nội được phân bố trên mặt bằng hình chữ nhật, thì Văn Miếu Huế xây dựng trên mặt bằng hình vuông, mỗi bề khoảng 160m, chung quanh có la thành cao 02m bao bọc. Trong khuôn viên miếu có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia tiến sỹ và 04 tấm bia đá khác. Từ cổng Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là ngôi điện thờ Khổng Tử, tên gọi là Đại Thành Điện . Những tên gọi này thống nhất cho tất cả Văn Miếu ở trung ương và địa phương.

vanthanhmieu2

Điện Đại Thành là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu , điện được dựng trên một nền cao. Cấu trúc của ngôi điện theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”, kiểu nhà truyền thống của Huế.

Ở hai bên trước điện Đại Thành, dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu đều bảy gian (nơi thờ bốn vị gọi là Tứ Phối: Nhan Tử, Mạnh Tử, Tử Tư,Tăng Tử cùng thất thập nhị hiền và các tiên nho).

Trước sân miếu dựng hai nhà bia, nhà bên phải có tấm bia khắc bàì văn bia “Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế dụ: Thái giám bất đắc liệt tấn quan” (dụ về việc Thái giám không được liệt vào hàng quan lại). Nhà bên phải có tấm bia khăc bài văn bia “Hiến Tổ Chương Hoàng Đế dụ : Ngoại thích bất đặc thân chính” (dụ về việc bà con bên ngoại của vua không được tham chính quyền).

Ra khỏi cổng Đại Thành của Văn Miếu, bên trái có xây Hữu Văn Đường, bên phải xây Dị Lễ Đường, đây là hai ngôi nhà xây kiểu một gian hai chái, là nơi để vua quan nghĩ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở miếu. Phía trước là hai dãy nhà bia đối diện nhau gồm 32 tấm bia, mỗi dãy có 16 tấm, bia cao nhất cao 1,15m và rộng 0,85m. Tất cả các tấm bia đều được đặt trên con rùa làm bằng đá thanh và đá cẩm thạch.

vanthanhmieu4

Trên 32 tấm bia này khắc tên, tuổi, quê quán của 293 vị Tiến sỹ triều Nguyễn bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm 1822 (dưới thời vua Minh Mạng) đến khoa thi cuối cùng vào năm 1919 (dưới thời vua Khải Định).

Trong số các vị lưu danh ở đây, có các vị tên tuổi như: Phan Đình Phùng, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Tống Duy Tân,…Dưới thời vua Gia Long (1802-1820), triều đình nhà Nguyễn chỉ mở các cuộc thi Hương nên chưa dựng tấm bia tiến sỹ nào ở Văn Miếu. Từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) trở về sau mới mở các khoa thi Hội nên bia tiến sỹ bắt đầu có. Năm có khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Định (1916-1925). Trước cổng Văn Miếu, gần ở bờ sông có cửa Linh Tinh Môn gồm 04 trụ xây bằng gạch, phần trên trang trí pháp lam, tấm biển ở giữa phía trước có đề bốn chữ Hán lớn “Đạo Tại Lưỡng Gian” (đạo giữa trời đất), mặt sau đề bốn chữ “Trác Việt Thiên Cổ” (vượt cao ngàn xưa).

van thanh hue

Hai bên khu vực trước cổng Văn Miếu có hai tấm bia “Khuynh cái hạ mã” (Nghiên nón xuống ngựa). Văn Miếu là một biểu tượng độc đáo của nền giáo dục nước ta trong giai đoạn vương quyền phong kiến thống trị. Việc lập Văn Miếu và dựng bia Tiến sĩ nhằm nhắc lại sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để từ đó mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ ai cũng có thể tiến thân bằng con đường học vấn, một nền học vấn không phân biệt giai cấp và đề cao đức hạnh.

Trải qua bao biến thiên lịch sử cùng sự khắc nghiệt của thời tiết, Văn Miếu đã bị xuống cấp khá nặng nề. Trong những năm vừa qua Trung tâm BTDT cố đô Huế đã có nhiều nổ lực trong việc bảo tồn trùng tu di tích này. Năm 2012 với nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ Ba Lan (25.947 USD) hệ thống cửa Linh Tinh Môn đã được trùng tu hoàn chỉnh. Năm 2017 trùng tu hoàn thiện hai dãy nhà che 32 tấm bia tiến sĩ. Mong rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, Văn Miếu sẽ tiếp tục được đầu tư trùng tu hoàn thiện tất cả các công trình đúng như nguyên trạng ban đầu, xứng đáng là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc.

Khám Phá Di Sản

Ảnh: Visit Huế

5/5 - (1 bình chọn)