Lăng Vua Đồng Khánh là vị vua thứ 09 của triều Nguyễn, ngài sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (12/12/1864), tên thật là Phúc Ưng Đường (còn có tên húy là Nguyễn Phúc Biện), là con trai cả của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876). Mặc dù ông Nguyễn Phúc Hồng Cai không làm vua nhưng là bậc sinh thành của 03 vị vua: Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi(1884-1885) và Đồng Khánh (1885-1888). Năm 1865 lúc mới hai tuổi Ưng Đường được vua Tự Đức nhận làm con nuôi, vua giao Ưng Đường cho bà Thiệu phi Nguyễn Thị Cẩm nuôi dạy.

Screenshot 2Năm 1883 ngài được phong là Kiên Giang Quận Công. Ưng Đường là anh cả nhưng lại được đưa lên ngai vàng sau cùng. Bấy giờ, khi vua Hiệp Hoà chết (1883) Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập hoàng tử Ưng Đăng (con nuôi vua Tự Đức và là em thứ 02 của Ưng Đường) lên làm vua, lấy niên hiệu Kiến Phúc. Nhưng ở ngôi được 08 tháng thì Kiến Phúc băng hà. Em trai là Ưng Lịch được kế vị, đặt niên hiệu Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi trị vì được một năm thì Kinh đô thất thủ (05/07/1885), sau đó vua Hàm Nghi phải rời ngai vàng theo Tôn Thất Thuyết ngoài Tân Sở, phát chiếu Cần Vương chống Pháp. Triều thần và chính phủ bảo hộ đưa anh trai Hàm Nghi là Ưng Đường lên ngai vàng đang còn bỏ trống, lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Vì vậy trong dân gian truyền tụng rằng: “ Một nhà sinh đặng ba vua Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài” (Vua còn là vua Đồng Khánh đang tại vị, vua mất là vua Kiến Phúc, vua thua chạy dài là vua Hàm Nghi).

Vua Đồng Khánh tính tình hiền lành, thích đọc sách, xem tuồng và thích nghiên cứu Kinh Dịch, đặc biệt là nhà vua rất tín ngượng đạo thờ Mẫu. Tương truyền khi còn là hoàng tử muốn biết thời điểm nào lên ngôi và làm vua được bao lâu, nhà vua đã khẩn cầu nữ thần Thiên Y A Na thờ ở Điện Hòn Chén. Điều đó sau đã linh ứng, nhà vua được toại nguyện. Vì vậy sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh đã cho xây cất lại ngôi điện khang trang hơn và đặt tên là Huệ Nam điện. Nhà vua thường lên Điện Hòn Chén cầu bái, lệnh cho bộ Lễ mỗi năm hai kỳ mùa Xuân và mùa Thu phải cử quan đại diện triều đình đên đây dâng đồ tế lễ, từ đó hàng năm lễ tế Thánh Mẫu được xếp vào hàng Quốc lễ. Chính vì vậy sau khi vua băng hà, bài vị của nhà vua cũng được thờ tại Điện Hòn Chén.

Vua Đồng Khánh lên ngôi trong tình hình ngân khố Quốc gia khánh kiệt, của cải của triều đình phần vì quân Pháp vơ vét, phần thì Tôn Thát Thuyết chở ra Quảng Trị; tình hình chính trị xã hội rối ren, sỹ phu trong Nam ngoài Bắc đều noi theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, hoàn cảnh đó được phản ánh qua câu ca: “ Ngẫm xem thế sự mà rầu Ở giữa Đông Khánh hai đầu Hàm Nghi” Vua Đồng Khánh là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn thừa nhận nền bảo hộ của Pháp, tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, mang huy chương Bắc Đẩu bội tinh, sử dụng nhiều đồ dùng của người Pháp. Khác với các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều cố tình xa lánh người Pháp, thì ngược lại vua Đồng Khánh lại cố thắt chặt tình thân hữu, thỉnh thoảng nhà vua mời các vị quan Pháp vào hoàng cung dự yến tiệc hoặc xem hát tuồng. Một sự thay đổi lớn trong cách tiếp đón đáng nói ở đây là nhà vua cho phép phái đoàn ngoại giao Pháp đi cửa giữa Ngọ Môn.

lang vua dong khanh tu lang khamphadisan 1

Về thể chất nhà vua vốn yếu đuối, cuối năm 1888 vua Đồng Khánh lâm bệnh nặng và không ăn uống được gì, thỉnh thoảng lên cơn sốt cao, người mệt mỏi, đêm nằm nhà vua thường la hét vì ác mộng. Các quan ngự y trong triều tận tình cứu chữa nhưng bất lực, thậm chí cả bác sỹ người Pháp cũng được mời đến cứu chữa nhưng cũng vô hiệu. Sau hơn nữa tháng ốm nặng vua Đồng Khánh đã băng hà giữa lúc 25 tuổi, trị ngôi được 03 năm (1886-1888), Vua Đồng Khánh có 05 bà phi và 09 người con (06 Hoàng tử và 03 Công chúa). Trong đó phải kể đến hai bà hoàng hậu khá nổi tiếng là bà Thánh Cung và bà Tiên cung.

– Bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Nhàn (1870-1935), thường gọi là bà Thánh Cung, là con gái ông Nguyễn Hữu Độ, bà sinh được hai hoàng tử. Lăng bà có tên Tư Minh nằm gần lăng vua Đồng Khánh.

– Bà Hoàng hậu Dương Thị Thục (1868-1944), thường gọi là bà Tiên Cung, là con gái ông Dương Quang Hướng, bà sanh được hai hoàng tử và chính là thân mẫu của vua Khải Định. Lăng bà có tên Tư Thông, thường gọi là lăng Vạn Vạn ở làng An Cựu – Huế.

Lúc sinh thời nhà vua không ngờ đến vận mệnh vắn số của mình, nên chưa nghĩ đến việc xây dựng lăng tẩm. Như để bù đắp lại cho sự kém may mắn, lăng của vua lại được yên nghỉ giữa một nơi nồng ấm tình cảm gia đình, xung quanh là lăng mộ của bà con quyến thuộc như: lăng vua Tự Đức, lăng Kiên Thái Vương, lăng bà Từ Cung, lăng bà Thánh Cung và xa hơn là lăng bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu, lăng vua Thiệu Trị … Sự ra đời của lăng vua Đồng Khánh có lịch sử đầy trắc trở. Sau khi vua Đồng Khánh lên ngôi, ngài thấy lăng của cha mình ở núi Cư Sỹ chưa có điện thờ nên đã sai bộ Công dựng điện Truy Tư gần đó để rước bài vị của Kiên Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Cai) về thờ trong điện, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh lăng mộ cho cha mình.

Tuy nhiên trong quá trình đang thi công giang dở thì vua đột ngột băng hà. Vua Thành Thái kế vị trong hoàn cảnh lịch sử, kinh tế khó khăn và suy kiệt nên không đủ khả năng để xây cất lăng quy cũ cho vua tiền nhiệm, nhà vua đành lấy điện Truy Tư đổi làm điện Ngưng Hy để thờ vua Đồng Khánh. Thi hài vua Đồng Khánh cũng được an táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận sơn, cách điện Ngưng Hy 30m về phía tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi là Tư Lăng.

Khi vua Đồng Khánh băng hà, quan tài nhà vua được đưa lên quàn tại điện Ngưng Hy 20 ngày, sau đó mới đưa đến an táng tại khu lăng mộ, mặc dù các công trình kiến trúc tại khu vực này chưa được hoàn tất. Phần lớn các công trình kiến trúc mà ngày nay chúng ta thấy ở khu lăng tẩm vua Đồng Khánh đều được thực hiện dưới thời Khải Định (1916-1925). Sau khi lên ngôi được 03 tháng, vua Khải Định sai Bộ công lo việc tu sửa toàn bộ khu lăng cho cha mình. Như vậy công cuộc xây dựng lăng Đồng Khánh diễn ra nhiều đợt trong thời gian dài ngót 35 năm (1888-1923) và qua 4 đời vua. Bắt đầu vào cuối đời vua Đồng Khánh và đến thời Khải Định mới quy mô và hoàn chỉnh.

I. KIẾN TRÚC LĂNG

Về quy mô, lăng vua Đồng Khánh không có gì khác lạ đáng kể so với lăng của các vua tiền nhiệm trước đó, ở cả hai khu vực lăng và tẩm có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ với mật độ tương đối dày. Khu vực tẩm quay về hướng Đông – Nam, ngay trước mặt có đào hồ bán nguyệt để làm yếu tố“ minh đường” và ngọn đồi Thiên An cách cách đó khoảng 03 km được chọn làm “tiền án”. Khu vực mộ lại quay về hướng Đông – Đông Nam, tiền án là ngọn núi Thiên Thai.

II. KHU VỰC TẨM ĐIỆN

Cung Môn là cửa chính để đi vào khu vực tẩm điện. Cung Môn được làm theo kiểu tam quan, kết cấu 02 tầng lầu và 03 lối vào hình vòm, với bộ khung bằng gỗ lim. Phía trên cửa giữa có một bức hoành phi màu đỏ chạm nổi hình“ lưỡng long triều nguyệt”. Bên hữu là dòng lạc khoản bằng chữ Hán phiên âm: (Thành Thái nguyên niên nhị các
nhật tạo), có nghĩa là làm vào ngày tốt tháng 02 thời vua Thành Thái. Mái tầng trên Cung Môn lợp ngói ống men vàng, ở chính giữa gắn họa tiết bầu rượu bằng pháp lam, bốn góc đều chia ô hộc trang trí hoa lá bát bửu bằng pháp lam.

Điện Ngưng Hy là ngôi điện chính trong khu vực tẩm điện, được làm bằng gỗ lim, xây theo kiều“ trùng thiềm điệp ốc”, gồm 07 gian 02 chái, nhưng ở phía sau lại được gia tăng thêm một tòa nhà thứ 03 (hậu điện ), 03 hệ thống tòa nhà nối với hệ thống vì kèo ghép lại với nhau theo kiểu chữ “Tam”, phía trên có 02 máng xối. Điện quay mặt về hướng Đông, mặt trước cửa ra vào được đóng ghép bằng hệ thống cửa buồng khoa gắn kính nhiều màu rất rực rỡ theo phong cách Tây hóa. Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, trên các bờ nóc bờ quyết, diềm cổ, đầu hồi đều được làm bằng pháp lam ngũ và bằng đất nung tráng men màu với đề tài trang trí dân dã như: “Tiều ngư canh mục”, “ Cầm kỳ thi tửu”, hoa quả, các con thú… Đặt biệt là loại hình sản phẩm đất nung tráng men này rất ít thấy trang trí trong cung điện hay lăng tẩm của triều Nguyễn, đây là loại hình tạo tác thủ công mỹ thuật đặc sắc của địa phương. Bên trong nội thất, ở gian giữa nhà chính doanh là nơi thiết đặt bàn thờ vua Đồng Khánh và hai bà Hoàng hậu (Bà Thánh Cung và bà Tiên Cung). Bàn thờ được làm bằng gỗ có khảm cẩn, trên bàn thờ có đặt cây san hô trắng đặt trong lồng gương hai bên có hai lọng vàng.

lang vua dong khanh tu lang khamphadisan 4 e1487905566171

Sau bài vị của vua Đồng Khánh là chân dung nhà vua do một họa sĩ Việt Nam vẽ, các ô hộc trang trí phong phú với các đề tài: Tùng – Lộc, Mai – Điểu, Liên – Áp, Trúc – Tước…bằng sơn mài ghép khảm và chạm nổi. Nổi bật nhất là 24 bức tranh sơn thếp được lấy từ điển tích “Nhị thập tứ hiếu” của người xưa, mỗi bức tranh một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán diễn tả các câu chuyện hiếu thảo như: Ngu Thuấn – Hán Văn Đế – Tăng Tử – Mẫn Tử – Lão Lai Tử – Đồng Vĩnh – Quách Cự Khương Thi – Đinh Lan …Ngoài ra còn có các bức tranh chạm thếp về bốn mùa xuân hạ thu đông rất tinh xảo. Điện Ngưng Hy là nơi còn lưu giữ nhiều đồ ký tự khác của triều Nguyễn, các hiện vật này được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, tạo nên sự rực rỡ và phong phú cho ngôi điện. Hai bên phía trước điên Ngưng Hy có hai công trình kiến trúc giống nhau là Tả Hữu phối điện, nơi để thờ các công thần. Tả phối điện được gọi là nhà Công Nghĩa, Hữu phối điện được gọi là viện Minh Ân, cả hai tên gọi này đều do vua Đồng Khánh đặt tên (Ân – Nghĩa ở đây muốn nói rằng nhớ tới công đức sinh thành của cha mẹ). Phía sau điện Ngưng Hy là hậu điện, nơi thờ các bà phi tần của vua Đồng Khánh, sau hậu điện có sân hẹp, hai bên sân là nhà Tả Hữu tùng viện là hai ngôi nhà dành cho các cung phi sinh sống, thờ phụng, hương khói sau khi vua Đồng Khánh mất. Bên cạnh đó còn có Vĩnh Khánh Đường, nguyên xưa là nơi thờ Phật, thờ Thánh trong khu vực tẩm điện, đây là một yếu tố tâm linh đặc biệt trong lăng của vua Đồng Khánh.

III. KHU VỰC MỘ

Khu vực này có đầy đủ các công trình giống như các lăng mộ các vua tiền nhiệm. Qua khỏi Nghi Môn, hai bên sân Bái Đình là hai hàng tượng quan văn, quan võ và voi ngựa phủ phục. Riêng các bức tượng ở đây được đắp bằng gạch và vôi vữa có dáng vẻ cao ráo, thanh mảnh hơn hẳn tượng đá ở các lăng khác.Tượng voi ngựa được trang trí sắc xảo. Chính giữa sân là nhà Bi Đình, xây theo kiểu hình tứ giác, mái đúc giả ngói ổng, chính giữa thiết bầu rượu trên hoa sen đắp nổi, 04 góc mái trang trí 04 con rồng. Bốn mặt tường trổ cửa vòm đắp hoa lá và chữ “Thọ”. Bên trong đặt tấm bia đá Thanh có chiều cao 03m, rộng 1,45m, dày 0,6m. Khắc chữ cả hai mặt bia, nội dung bài văn bia “Thánh đức thành công” do vua Khải Định viết ca ngợi công đức vua cha.

Phía sau nhà Bi Đình là Huyền Cung (nơi an táng thi hài vua), mộ vua có hình chữ nhật dài 4,2m và rộng 2,6m. Trên nóc chạm hính mặt trời, 04 góc mái chạm hình rồng vào chữ “Thọ”. Bao quanh phần mộ nhà vua là ba vòng thành xây gạch trát vữa hình vuông cao 1,6m. Nền lát đá Thanh, mỗi vòng thành đều có trổ cửa, hai bên đắp trụ vuông hình tháp trang trí hoa sen. Cùng với các khu lăng tẩm triều Nguyễn khác, lăng Đồng Khánh đã góp phần làm phong phú cho toàn bộ kiến trúc lăng tẩm cung đình Huế. Đây là một di tích điển hình cho nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam nói chung cũng như Huế nói riêng vào cuối thế kỷ XIX.

lang vua dong khanh tu lang khamphadisan 3 e1487905724869

Lăng Đồng Khánh là một trong những yếu tố cấu thành một quần thể di tích rộng lớn của Cố đô Huế, làm cho di sản văn hóa Huế thêm đa dạng và độc đáo. Bởi vậy việc từng bước trả lại những giá trị vốn có của nó là điều hết sức quan trọng. Chính vì lẽ đó tháng 12 năm 2008 TTBTDT Cố đô Huế đã tiến hành trùng tu tổng thể các hạng mục công trình kiến trúc của lăng Đồng Khánh với tổng kinh phí hơn 62,7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí của địa phương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt (trong đó ưu tiên ngôi điện chính là điện Ngưng Hy với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Cung Môn cửa chính đi vào khu vực tẩm điện hơn 6,5 tỷ. Các công trình Tả Hữu Phối điện, Tả Hữu Tùng viện được đầu tư tu bổ mỗi công trình gần 06 tỷ đồng). Nhìn chung toàn bộ khu vực tẩm điện đều được đại trung tu, từ hệ thống tường thành bao quanh, các tòa cung điện cho đến sân vườn. Đến cuối năm 2014 dự án lăng Đồng Khánh đã thực hiện đạt 93% khối lượng các công trình tu bổ, kinh phí hơn 56 tỷ đồng.

Hiện tại các công trình Tả Phối Điện, Hữu Phối Điện, Tả Tòng Viện, Hữu Tòng Viện, Cung Môn, hệ thống tường thành khu Tẩm Điện, các cổng, sân vườn đã hoàn thành có thể đưa vào sử dụng. Riêng Điện Ngưng Hy cũng đã hoàn chỉnh toàn bộ, dự kiến đầu năm 2019 sẽ mở cửa Lăng Đồng Khánh để tiếp đón du khách thăm quan.

Có thể bạn quan tâm: 

Theo: Sở du lịch Thừa Thiên Huế

Khám Phá Di Sản

5/5 - (1 bình chọn)