Tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian Việt Nam. Đây là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế với mục đích cúng lễ.
Tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) bởi chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng, cúng xong là đốt. Vì vậy, đến nay chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn lưu giữ được ở nhà ông Kỳ Hữu Phước – một nghệ nhân làm tranh lâu năm ở làng Sình.
Làng Sình là một làng nằm ven sông Hương được thành lập vào khoảng thế kỷ 15, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Đàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh, một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế….