Đối với người Huế, chuyện ăn uống được xem như là một nghệ thuật và là một lạc thú ở đời. Ẩm thực Huế là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý chế biến, trang trí, phong cách dọn ăn, mời uống và những thói quen ăn uống nói chung của người Huế, Việt Nam. Theo thời gian, ẩm thực Huế chịu ảnh hưởng của những luồng văn hoá đến từ những cộng đồng dân cư khác nhau và những đặc thù của xứ sở nên mang những sắc thái riêng trở thành một phần của văn hóa Huế, văn hoá Việt Nam.
Thời xưa các món ăn được quý tộc triều Nguyễn cho phép hẳn hoi trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ quy định cho từng loại tiệc: tiệc tiếp sứ bộ với ba loại cổ(loại một mâm gồm 50 món, loại hai có 7 mâm gồm 40 món, lọai ba có 25 mâm gồm 30 món).Những món đó được bày trong 1080 bát, dĩa quý chỉ dùng trong chốn vương phủ.
Món ăn Huế giản dị, phong phú, mang hương vị, mùi ngon đằm thắm của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông xứ Cựu đô. Buổi cơm ở Huế thường khi chỉ đơn giản vài ba món, như cá bống thệ kho răm rau với nước dừa, một món canh rau tập tàng mà vườn nhà ai cũng có sẵn, với vài ba lá bông ngọt (lá rau ngót), lá mồng tơi, ngọn sần, búp hoa bí ngô, đọt cây bát ngát, ít măng vòi… sang một chút thì nấu với tôm thịt, còn không thì lấy cá long hội (loại cá nhỏ) rút xương, thêm chút nước mắm ngon, một tí ruốc, ít hồ tiêu phi thơm hành mỡ, xào qua là được bát canh rau tập tàng ngọt lịm.
Bữa ăn nào của mọi gia đình Huế cũng đều có dĩa rau sống và một chén nước mắm phù hợp với món ăn. Có người cho rằng, dĩa rau sống ở Huế là một vũ trụ thu nhỏ với là cà chua đỏ xếp xung quanh tượng trưng cho mặt trời, những lát khế hình ngôi sao thay cho những vì tinh tú, lát vả hình trăng khuyết màu tím phớt, lát chuối chát hình tròn điểm hạt tượng trưng cho mặt đất bao la, một chút rau thơm xanh và vài sợi rau muống, ớt tươi xoắn xít phía trên như những mảng mây xanh, mây hồng bồng bềnh trên nền trời của các màu xanh, đỏ, tím, vàng…
Thật là thiếu sót nếu nói nhiều về nón ăn Huế mà không nhớ đến món ăn chay. Vì xưa đến Huế đã từng có một thời gian dài thời các chúa Nguyễn, Phật Giáo trở thành quốc giáo. Cả một lớp quý tộc ăn chay nên các món ăn chay ở Huế rất phong phú (có khoảng 125 món). Các món ăn chay được làm cầu kỳ và ngon không kém món ăn mặn. Đối với các gia đình Phật tử ở Huế mà mời bạn bè ăn một bữa cơm chay, thì đó là một cách bày tỏ sự quý mến và trân trọng người bạn của mình lắm.
Sau đây cùng Khamphadisan.com đi tìm hiểu một số món ăn đã làm nên tên tuổi của ẩm thực xứ Cố Đô nhé!
Bún bò Huế
Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún ở đâu cũng có. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là “bún bò”. Các địa phương khác gọi là “bún bò Huế” để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả bò được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ.
Bún thì không đâu không có, nhưng hình thức của sợi bún thì mỗi miền mỗi khác. Sợi bún Huế lại to hơn các nơi khác. Có hai loại bún, sợi bún thường được cuộn thành từng sợi nhỏ lúc đói bụng mà chấm nó với nước mắm ớt chanh tỏi thì tuyệt. Còn sợi bún để làm bún bò giò heo hoặc bún cua thường lớn hơn.
Dọc hai bên đường ở Huế, bạn sẽ gặp ngay những gánh bún rất bình dân nhưng cũng rất ngon, rất đông khách… Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Đặc biệt là nồi bún, một nồi bằng nhôm dẻo rất mỏng và được người thợ gò xứ Huế gò rất khéo, trông giống một chiếc nồi đồng ngày xưa nhưng sâu và miệng rộng hơn. Cái nồi được chùi rửa kỳ cọ rất kỹ nên bao giờ cũng sáng trắng, trông rất thích mắt. Ăn một tô bún đang bốc khói, những sợi bún trắng trong nổi bật trên đó là những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những miếng móng giò được ninh mềm nhừ, với một chút màu trắng của những cọng giá và màu xanh của rau sống, húp một ít nước beo béo đậm đà kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh bạn sẽ thấy vô cùng thú vị, vừa cay, vừa nóng, vừa xuýt xoa, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt chạy dần vào trong thực quản, chắc chắn bạn sẽ không quên được cái hương vị này. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
– Nếu muốn thưởng thức Bún bò ngon đúng chất Huế các bạn hãy tới khu vực đường: Chi Lăng giao với Nguyễn Du. Ở đây có một số quán bún bò khả nổi tiếng như Bún bò O Liễu, bún bò Mụ Rớt, bún bò Bà Phụng…
Cơm Hến
Cơm hến là một đặc sản ẩm thực Huế. Cơm hến được trình bày dưới hình thức là cơm nguội trộn với hến xào qua dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt màu, đậu phộng nguyên hạt, dầu ăn chín, tiêu, vị tinh (bột ngọt, mì chính) và muối.
Món cơm hến có gốc gác được xem như là món ăn thân quen của người dân làng chài…từ địa phương gọi là dân vạn đò. Họ quanh năm sống trên thuyền đò, lênh đênh trên những nhánh sông với nghề hạ bạc, thu nhập không bao nhiêu. Chài lưới mò được dưới sông như tôm cá… là thực phẩm cao cấp, thường đem bán, còn tầm tầm rẻ tiền như ốc, hến… thì tận dụng tối đa cho bữa cơm thường ngày. Hến thì gần như lúc nào cũng đãi xúc được.
– Bạn có thể tới khu vực đường Hàn Mạc Tử hoặc tới Cồn Hến, Vĩ Dạ để thưởng thức.
Bánh Bèo
Bánh bèo gồm có ba phần chính là: bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, và nước chấm, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc.
Ở miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường thì bánh to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế có khác chút ít, bánh mỏng hơn, có bột tôm sấy, khi ăn kèm theo da heo chiên giòn
– Những địa chỉ bạn có thể thưởng thức:
- Bánh bèo Bà Cư
Địa chỉ: 107 – Nguyễn Huệ – Tp Huế
Điện thoại : 0543.832.895 - Bánh bèo Nậm Lọc Bà Đỏ
Địa chỉ: 71 – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tp Huế
Điện thoại : 0543.541.182
– Ngoài ra bạn có thể tới tuyến đường Phan Đình Phùng quanh cung An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Bánh Bột Lộc
Là một loại bánh Việt Nam được từ bằng bột sắn được lọc lấy tinh bột, sau đó được luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm – thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy. Đây là món ăn phổ biến ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và đặc biệt là Huế.
– Bạn hãy đến Quán số 1 Hàng Me (Địa chỉ: 12 và 45 Võ Thị Sáu – Tp Huế, ĐT: 054 .837.341 – 0905.190.680
Bánh Ram Ít
Ở Huế có một thứ bánh kết hợp hai loại bánh khác nhau, ăn vào vừa giòn vừa dẻo, béo nhưng không ngấy bởi được chấm với thứ nước mắm chua ngọt, đó là bánh ram ít. Tưởng như bánh ram và bánh ít là hai thứ bánh không ăn nhập gì với nhau nhưng qua bàn tay tài hoa của người phụ nữ Huế, bánh ram ít đã trở thành một món ăn dân dã của Huế được du khách gần xa biết tiếng.
Bánh ram ít có hai phần tách bạch rõ ràng: phần bánh ram và phần bánh ít. Tuy cách thức chế biến khác nhau nhưng cả hai phần bánh đều được làm từ gạo nếp. Nếp làm bánh phải là thứ nếp ngon, trắng, dẻo. Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn tí muối, cho nước ấm từ từ từng ít một. Dùng tay nhồi bột đến khi tạo thành một khối chắc mịn, mềm nhưng không nhão, nặn thành các viên tròn nhỏ bằng hai ngón tay. Tôm để nguyên con, thịt ba chỉ xắt hạt lựu nêm đường, nước mắm ngon, tiêu, hành tím băm, thêm chút dầu hoặc mỡ nước kho nhỏ lửa trong vòng 15 phút. Xoa ít dầu ăn vào tay, ấn từng viên bột thành hình dẹp, lấy muỗng múc tôm thịt đặt vào giữa rồi vo tròn lại. Xếp bánh ít vào khay, hấp cách thủy khoảng 10 phút sau khi nước sôi. Bánh có độ dẻo và màu trắng ngần là được. Bánh chín gắp ra để nguội, đậy bằng lá chuối để bánh không bị khô nhưng nhớ không đậy kín kẻo bánh bị chua. Khác với bánh ít, khi nhồi bột bánh ram bớt nước hơn một chút để cho bột bánh hơi cứng. Bánh ram không cần làm nhân, bánh được chiên trên chảo nhiều dầu mỡ đến khi bánh giòn và có màu vàng sậm. Vớt bánh ra để trên lớp giấy thấm cho ráo dầu. Đặt một cái bánh ít lên trên cái bánh ram, dùng đũa dằn cho bánh mỏng ra và ép chặt vào cái bánh ram.
Lúc bày ra đĩa, người Huế thường đặt phần bánh ít trắng tinh lên trên rồi rắt thêm một lớp bột tôm cháy vàng trông thật hấp dẫn. Điểm độc đáo của bánh ram ít là chấm với nước mắm chua chua ngọt ngọt được pha chế một cách đặc biệt, không mặn quá hay ngọt quá, thêm vị cay của mấy lát ớt Huế. Sự kết hợp giữa vị giòn tan của bánh ram với vị thơm, dẻo của bánh ít và vị mặn ngọt của nước mắm đã làm hài lòng rất nhiều thực khách. Dân gian Huế có bài ca dao nói về sự ngon của bánh ram ít như sau:
Này em vừa ngậm mà nghe
Ram vàng ít dẻo càng mê vị tình
Mới hay đặc sản Huế mình
Sắc hương dân dã cung đình tìm nhau
Từ dân gian, bánh ram ít đã được các gia đình hoàng tộc học hỏi trở thành một trong những món ăn cung đình. Ngày nay, du khách dễ dàng tìm thấy bánh ram ít trong các nhà hàng, quán ăn vặt hay các gánh hàng rong của xứ Huế mộng mơ.
Bánh Nậm
Bánh nậm là một loại bánh và là món ẩm thực truyền thống đặc trưng của xứ Huế, cùng với bánh bèo, bánh lọc. Đây là thứ bánh được làm từ bột gạo vừa ngon vừa có tính chất lành (người già, trẻ em, người ốm đều có thể ăn được).Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày rằm, mồng một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm
Món chay Huế
Theo một số liệu thống kê không đầy đủ, ở Huế có tới 125 món ăn chay, điều đó đã nói lên sự phong phú và đa dạng về ẩm thực của mảnh đất Thần Kinh này. Ẩm thực Huế có nhiều phong cách khác nhau, được chia ra làm nhiều loại như: Ẩm thực Cung đình, ẩm thực dân gian… Trong đó còn một loại phong cách ẩm thực khá đặc biệt nơi đây đó là Ẩm thực chay. Sở dĩ ở Huế ẩm thực chay rất phát triển là do nơi đây chính là trung tâm văn hóa Phật giáo của cả nước.
Người Huế cho rằng ăn chay là lành tính, điềm đạm cho nên ai cũng muốn ăn chay để dưỡng tâm tính. Thoạt đầu ăn chay chỉ được giới hạn trong phạm vi những ngôi chùa, hoặc những gia đình theo đạo Phật, nhưng ngày nay cơm chay không còn là “di sản” của nhà chùa nữa mà nó đã lan truyền ra dân gian và trở thành một sản phẩm du lịch. Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, Huế có nhiều đổi thay nhưng tục ăn chay vẫn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong phần lớn cư dân Huế.
– Một số quán chay nổi tiếng tại Huế:
- Quán chay Tịnh Tâm
Địa chỉ 1: 27 – Tịnh Tâm – Tp Huế
Điện thoại: 0543.522.805
Địa chỉ 2: 32 – Hùng Vương – Tp Huế
Điện thoại: 0543.848.620
Địa chỉ 3: 4 – Chu Văn An – Tp Huế
Điện thoại : 0543.821.111
- Quán chay Liên Hoa
Địa chỉ: 9 – Lê Quý Đôn – Tp Huế
Điện thoại: 0543.812.456
- Quán chay Thiện Tân
Địa chỉ: 110A – Lê Ngô Cát – Tp Huế
Điện thoại : 0543.898.220
- Quán cơm chay Bồ Đề
Địa chỉ: 11 Lê Lợi – Tp Huế
Điện thoại: 0543.825.959
- Quán chay Thiên Phú
Địa chỉ: 302 – Phan Chu Trinh – Tp Huế
Điện thoại: 0543.845.112
Bánh Ngũ Sắc (Bánh In)
Bánh ngũ sắc hay còn gọi là bánh in, họ nhà bánh này rất nhiều chủng loại: bánh măng, bánh bột nếp, bánh bột huỳnh tinh, bánh đậu xanh, bánh sen tán… mỗi loại bánh mang đúng loại bột như tên gọi của nó. Bánh được gói bằng giấy gương đủ màu sắc nhưng có quy định cụ thể, ví như màu xanh hy vọng là bánh đậu xanh, màu tím hoàng là bánh bột nếp… và được ép, đức thành khuôn, mặt đáy của bánh khó khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và gói trong giấy ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách. Do giá trị rẻ nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Hiện nay, ở Huế có hai tiệm bán bánh in ngon nổi tiếng là tiệm Hồng Phúc ở đường Phan Đăng Lưu, tiệm Bà Bốn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, đặc biệt vào các ngày rằm, mồng một tiệm bánh Bảo Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo cũng có bán loại bánh này.
– Một số tiệm bánh có tiếng ở Huế:
- Bánh in Hồng Phúc
Địa chỉ : 95 Phan Đăng Lưu, Tp Huế
- Tiệm bánh Bà Bốn
Địa chỉ: 5 – Nguyễn Thiện Thuật – Tp Huế
Điện thoại: 0543.529.254
Bánh Canh Huế
Bánh canh Huế được nấu bằng bột mì với cá và da heo, hoặc với thịt băm nhỏ vo viên… Công đoạn chế biến đơn giản và nhanh chóng: nước dùng đun sôi trong nồi, bột nhào xong cán thật mỏng quanh một ống nhôm tròn làm thớt. Dùng dao xắt thành từng con nhỏ, rơi vào nồi nước nóng. Khi bột vừa chín tới, vớt ra tô, chế nước dùng có thịt heo, cá và hành thái nhỏ, chêm gia vị vào rồi ăn nóng.
Làng Nam Phổ xã Phú Thượng, Phú Vang cách trung tâm thành phố Huế chừng 6km, đã có nghề bán cháo bánh canh truyền thống. Tuy cũng là cháo bánh canh, nhưng nó hoàn toàn khác với bánh canh đời mới. Vì thế, nếu không quen biết thì du khách dễ nhầm lẫn…Bánh canh Nam Phổ bắt đầu bán từ buổi chiều khoảng 13 giờ trở đi, hàng bánh canh do một phụ nữ gánh đi bán dạo (ngày trước người bán trẻ hay già đều đội nón Huế, mặc áo dài). Xuất phát từ Nam Phổ, lên Vỹ Dạ, qua chợ Ðông Ba, vào Thành Nội… Trong hàng bánh canh, còn bán cả bánh lọc, bánh ít, bánh nậm v.v… là những thứ bánh đặc sản Huế. Bánh canh truyền thống Nam Phổ làm bằng bột gạo (xưa không có bột mì), lại chỉ dùng tôm giã nhuyễn trộn trứng. Tô bánh canh hình dẹt, nước dùng trong và sền sệt, thơm phức…
– Một số quán ngon nổi tiếng:
- Bánh canh mệ Sau
Địa chỉ : Chợ Dinh – phường Phú Hậu – Tp Huế
- Quán O Thu
Địa chỉ : 374 Chi Lăng – Tp Huế
- Bánh Canh Bà Đợi
Địa chỉ: 40 Đào Duy Anh – Tp Huế
Điện thoại: 0543.527.420
Bánh ướt thịt nướng Kim Long
Bánh ướt là loại bánh tráng được làm bằng bột gạo có pha bột lọc, tráng mỏng hơn và dùng liền (nên gọi là bánh ướt chứ không phơi khô như bánh tráng). Thịt để nướng thường là thịt heo ba chỉ thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm, ngũ vị hương, mè (vừng). Thịt ướp sau vài giờ thì đem kẹp, nướng trên bếp than đỏ hồng cho đến khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Lấy thịt nướng này kẹp với rau thơm, giá, xà lách làm nhân để cuốn bánh ướt (Món này gần tương tự như kiểu món phở cuốn ở Hà Nội, có điều ở Hà Nội là cuốn với thịt bò)
Bánh ướt thịt nướng Kim Long ngon, hấp dẫn là nhờ chấm với loại nước chấm hết sức đặc biệt, được các chủ hàng chế biến từ nước mắm nguyên chất, đường, chanh, tỏi, ớt… như một bí quyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chính nhờ hương vị nước chấm rất đặc trưng mà món ăn bình dân này của Kim Long được nhiều du khách biết đến, tạo thêm nét chấm phá trong bức tranh ẩm thực đa sắc màu của Huế.
Với hương vị đặc trưng như thế, nếu có dịp đến Huế, trên đường đi thăm chùa Linh Mụ bằng ô tô hay du thuyền, bạn đừng quên ghé lại Kim Long để thưởng thức món ăn đậm đà hương vị quê hương này.
– Các bạn có thể đến Huyền Anh, Địa chỉ : 52/4 Kim Long – Tp Huế để thưởng thức nhé.
Bánh khoái Thượng Tứ
Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, to bằng hai bàn tay trẻ con có cán cầm. Khi nào có khách ăn, nhà hàng mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo bốc lên quyến rũ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa.
Bánh ngon một phần nhờ nước lèo, thứ nước chấm chỉ các đầu bếp giỏi mới chế được. Ðây là bí quyết gia truyền, quyết định chất lượng, tạo nên hương vị thượng hạng của bánh khoái. Nước lèo Huế được chế biến rất cầu kỳ với hàng chục nguyên liệu như bột báng, gan lợn, mè (vừng), lạc rang… Quán bánh khoái Thượng Tứ tồn tại gần ba bốn chục năm nay, đã trở thành văn hoá ẩm thực Huế, làm say lòng du khách, thân thuộc với người Cố Ðô chẳng khác gì cơm hến, tiếng chuông chùa Thiên Mụ, con đò sông Hương.
– Một số địa chỉ bạn có thể thưởng thức:
- Lạc Thiện
Địa chỉ: 6 Đinh Tiên Hoàng – Tp Huế
Điện thoại: (054)3527348
- Lạc Thạnh
Địa chỉ: 10 Đinh Tiên Hoàng – Tp Huế
Mè Xửng Huế
Mè xửng là loại kẹo ngọt dẻo, được làm từ mạch nha pha trộn lẫn với dầu phụng (dầu từ đậu phụng), có mè bao phủ xung quanh kẹo, được cắt từng miếng vuông nhỏ (bao giấy bóng nhỏ) gói trong hộp. Kẹo mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của Huế.
Có thể bạn quan tâm:
- Huế – bánh mì Trường Tiền nức tiếng gần xa
- Đến xứ Huế thưởng thức bánh gói “tiến Vua”
- Những món ăn vặt không thể không thử khi đến Huế
binhqb94 – khamphadisan.com
Tổng hợp từ: thuathienhue.gov.vn / cungphuot / vivuhanoi