Đã qua ba thế kỷ từ khi ra đời đến nay, chợ Đông Ba luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn nhất của Huế. Là một địa chỉ không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Huế. Đây là một trong ba ngôi chợ lớn đã từng có tên tuổi ở ba vùng Bắc – Trung – Nam của đất nước, sau chợ Đồng Xuân ở Hà Nội và chợ Bến Thành ở Tp. Hồ Chí Minh. Chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền cùng với sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Ngọ Môn… đã đi vào đời sống, trở thành biểu tượng của vùng văn hóa cố đô Huế.
Lược sử chợ Đông Ba
Chợ Đông Ba ra đời có nguồn gốc từ rất sớm và điều này được sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân viết rất rõ ràng: “Chợ Đông Gia nằm ở phía Đông Nam cầu Đông Gia thuộc đất huyện Hương Trà”.(1) Khu vực này vốn có tên là Đông Hoa, Đông Ba, với những chợ, cầu, kho tạm, trường bắn, bến thuyền cùng mang tên đó và đến năm Minh Mệnh thứ 20, mới được đổi tên thành cầu Đông Gia.(2) Vào tháng 12/Ất Dậu thời Đồng Khánh (1885), triều đình mới cho dựng làm đình bằng ngói, điếm ngói ở chợ Đông Gia bởi từ trước, ở trong chợ đều làm điếm lợp gianh. Đến thời điểm này, Suất đội Nguyễn Đình Nên tình nguyện bỏ kinh phí riêng để xây dựng lại một toà đình ngói và hai dãy điếm ngói rồi xin thu thuế chợ này trong suốt thời hạn 6 năm, mỗi năm là 1.300 quan tiền. Triều thần bàn định rồi nhà vua phê chuẩn đồng ý cho làm, chỉ có điều lệ thu thuế chỉ được thực hiện đối với những người ngồi buôn bán ở đình điếm trong chợ, theo đúng từng vật hạng để mà thu, tuyệt nhiên không được đòi tăng quá cao và tất cả, chiểu theo giá đó để thu luôn trong 3 năm, hết hạn sẽ xem xét để giải quyết sau.(3)
Thực ra những tên gọi này cũng chưa phải là cái tên nguyên ủy của chợ và không phải tọa lạc ở vị trí như hiện nay. Trước khi đổi thành chợ Đông Ba, ngôi chợ tọa lạc bên ngoài cửa Chánh Đông (hay cửa Đông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long đã có một cái chợ lớn mang tên Quy Giả Thị. Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn.(4) Theo Phan Văn Dật trong bài Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế qua ca dao, thì Qui Giả là ngôi chợ của những người trở về, ngụ ý quan quân sau nhiều năm bôn ba nay đã trở về.(5) Sự biến đổi địa danh từ Đông Gia thành Đông Ba như vậy, theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì kể từ khi quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế dưới thời Gia Long (1802 – 1819), các công trình được xây dựng ở khu vực này đều mang tên là Đông Hoa, như pháo đài Đông Hoa (Đông Hoa đài), cầu Đông Hoa (Đông Hoa kiều), chợ Đông Hoa (Đông Hoa thị). Nhưng đến đầu thời Thiệu Trị, vào tháng 4/1841, triều đình đã cho đổi tất cả các địa danh có chữ Hoa ra thành chữ khác, vì tên húy của mẹ vua là Hồ Thị Hoa. Có lẽ tên của pháo đài, cầu và chợ nói trên cũng đã đổi ra thành Đông Gia trong dịp này. Hiện nay ở đầu phía Đông của chiếc cầu ấy còn tồn tại tấm bia đá khắc 3 chữ đại tự “Đông Gia kiều” và một dòng lạc khoản bên trái đề “Thiệu Trị nguyên niên nhuận tam nguyệt cát nhật tạo”, nghĩa là bia này được khắc dựng vào những ngày tốt tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất (tháng 5/1841). Từ đó trở đi, mặc dù tên của các địa danh ấy đều được ghi một cách chính thức trong các sử sách của triều Nguyễn là Đông Gia, nhưng xưa nay, người Huế vẫn gọi Đông Ba mà thôi, có lẽ vì chữ Ba vừa có nghĩa tương tự như chữ Hoa (bông), vừa là âm dễ đọc hơn chữ Gia: cửa Đông Ba, cầu Đông Ba, chợ Đông Ba,…(6)
Nhờ sát nách kinh thành, lại có điều kiện giao thương sông ngòi thủy bộ thuận lợi nên khu vực này đã dần trử nên nhộn nhịp, sầm uất, đặc biệt là với sự hình thành cả một hệ thống phố xá bao gồm Đông Ba – Gia Hội – Đông Hội – chợ Dinh được qui hoạch và xây dựng từ năm 1837.(7) Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả khá kỹ về ngôi chợ Quy Giả này trong bối cảnh tổng thể những khu phố thị xung quanh:
Sai Thự Thống Chế Vũ Lâm Lê Văn Thảo đốc binh sĩ dựng nhà lợp ngói gồm 89 gian. Chợ nhìn ra sông, dựng đình gọi là Quy Giả, đình làm hai tầng; lại từ cầu Gia Hội đến chỗ ngang trước trấn Bình Đài dựng một dãy phố gồm 399 gian, cột nhà đều xây bằng gạch, mặt trước đặt cánh cửa, cứ ba gian lại có tường gạch xây ngang, mặt sau xây tường trổ cửa tròn. Từ phía bắc cầu Gia Hội đến phía nam cầu Đông Gia gọi là phố Gia Hội; từ phía bắc cầu Đông Gia đến phía nam cầu Thế Lại gọi là phố Đông Gia, từ phía bắc cầu Thế Lại đến góc trấn Bình Đài gọi là phố Đông Hội; bờ sông xây lan can bằng gạch. Sau đổi ba phố là hàng, gọi là ba hàng phía đông thành. Lại từ chợ Gia Hội thẳng đến ấp Hạ chợ Dinh, chia đặt 8 hàng là các hàng: Gia Thái, Hòa Mỹ, Phong Lạc, Doanh Ninh, Hội Hòa, Mỹ Hưng, Thụy Lạc, Tam Đăng gọi là 8 hàng ven sông dài 3 dăm linh, giữa là đường phố, tả hữu nhà ngói liền nhau buôn bán tấp nập, ở sông thuyền buôn, thuyền chài đi lại như mắc cửi.(8)
Một sự kiện quan trọng có liên quan đến sự phát triển của ngôi chợ này là vào tháng 2 nhuận/Canh Dần Thành Thái thứ 2 (1890), để phù hợp với tầm vóc phát triển trong bối cảnh mới, với nhiều tiện lợi trong tinh thần canh tân mở cửa giao thương, triều đình cho dời chợ Đông Gia qua phía tây cửa thành. Chợ vốn ở cửa Đông Môn, nên chưa được tiện lợi, do đó Nha Tu lý xin cho dời xây ở bên phải, mở riêng đường lớn để tới Gia Hội, đều do những như Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Hữu Nên xin lãnh trưng, thực hiện theo bản đồ quy hoạch để nhận lãnh xây dựng. Bù lại, họ được cho lãnh trưng tiền thuế trong 5 năm liên tiếp với con số cụ thể là 12.000 quan. Lúc này, chợ mới được thực hiện các điều khoản trưng thu thuế chợ như đã định, với những thông tin cụ thể như các gian hàng trong chợ hai bên quay mặt ra phố có mức thuế đồng niên hạng nhất là 54 quan, hạng hai là 36 quan và hạng ba là 18 quan. Bên trong chợ có nhiều cửa hiệu được phân định thành các hạng:
– Buôn bán hạng nhất, bán gạo đậu, vải vóc, bò heo, mỗi ngày thu 1 mạch (2) 40 đồng kẽm.(9)
– Hạng hai bán vàng mã, thuốc hút, miến, trứng, dầu, rượu, thu 1 mạch 20 đồng kẽm.
– Hạng ba như đồ sành, đường đen, tương mắm, thu 1 mạch.
– Hạng tư như than củi, trầu cau, muối rau, hoa quả, chiếu tre, bánh cháo, thu 40 đồng kẽm.
Trong trường hợp những người buôn bán trong chợ không có hàng quán mà tự do tùy tiện tìm chỗ buôn bán thì cứ bán được 1 quan thu tiền 6 đồng kẽm. Còn các thuyền chở hàng hóa đỗ lại bến, thuyền lớn mỗi ngày thu 1 mạch 30 đồng kẽm, thuyền vừa thu 1 mạch, thuyền nhỏ thu 30 đồng kẽm. Thuyền nào không chở hàng hóa và những quán xá cách chợ hơn 10 trượng thì không được thu thuế. Nếu người lãnh trưng làm trái lệ thu bừa, thì lần đầu phạt tiền 30 đồng, lần sau sẽ thu bằng, rồi cương quyết không cho lãnh trưng nữa.(10)
Sự kiện này đã thực sự đem lại nhiều thay đổi lớn, định hình nên cặp địa danh quan trọng trong tâm thức xứ Huế, là cầu Trường Tiền nằm cạnh chợ Đông Ba, như là một dấu mốc đặc biệt trong chiến lược canh tân, mở mang phát triển xứ Huế thời Thành Thái. Chợ Đông Ba được cho “dời đến Trường Tiền”(11) hay như truyền tụng của dân gian trong câu ca dao “đem ra ngoài giại”,(12) đã thể hiện rất rõ điều đó, chính là vị trí của chợ Đông Ba hiện nay. Việc dời chợ Đông Ba cùng với sửa chữa lại cầu Trường Tiền được xem như một sự kiện quan trọng đối với người dân Huế, đã được dân gian ghi lại bằng hai câu ca dao lịch sử:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi – moong.
Năm 1899 là thời điểm vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Huế, khu phố Tây và các cơ quan chính trị, khai thác kinh tế, phương diện sinh hoạt thị thành đều bắt đầu xây dựng ở bờ Nam sông Hương; hệ thống đường phố, cầu cống được xây dựng mới thuận tiện cho giao thông đi lại. Việc di chuyển chợ ra vị trí hiện nay nằm trong sự phát triển đô thị về phía bờ bắc sông Hương.
Chợ nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo hiện nay. Mặt tiền chợ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, trước đây gọi là phố Trường Tiền, phố chính của Huế, sau lưng tiếp giáp sông Hương để tiện giao thương đường thủy khi các thuyền bè chở hàng hóa đến chợ được dễ dàng cùng với mặt bằng thích hợp. Có thể thấy nhờ vị trí thuận lợi, rộng rãi đó đã giúp cho Đông Ba trở thành một trung tâm thương mại của Kinh đô Huế từ cuối thế kỷ XIX cho đến hiện nay.
Chợ Đông Ba: Đặc điểm, qui mô hoạt động
Chợ Đông Ba những ngày đầu họp ngay trên rẻo đất ngã ba sông Hương và bờ Tây sông đào Đông Ba thuộc phường Đệ Nhất (nay là Phường Phú Hòa) trước Kinh Thành Huế, đối diện với chợ Được trên ngã ba sông Hương và bờ phía Đông sông Đông Ba thuộc phường Gia Hội.
Khi chợ Đông Ba chưa dời ra vị trí hiện nay thì chợ Được là ngôi chợ lớn nhất ở vùng ngoại ô Kinh Thành Huế, theo như mô tả của Michel Đức Chaigneau.(13) Nhưng, đến năm 1899, khi chợ Đông Ba dời ra vị trí hiện nay thì vai trò và vị trí của một trung tâm thương mại như vậy đã bắt đầu nhường lại cho ngôi chợ mới này.
Chợ Đông Ba thời Thành Thái gồm có 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 15 gian, dãy ở mặt trái có 12 gian. Dãy ở mặt phải có 13 gian… Các dãy quán đều được lợp ngói.
Ở giữa chợ có một tòa lầu vuông. Lầu xây 3 tầng. Ở tầng dưới có 4 vách tường, trước sau trổ 2 cửa. Ở tầng giữa, có tường vách 4 bên, mỗi bên trổ 2 cửa. Ở tầng trên cả 4 bên đều trổ cửa và đều treo đồng hồ để biết thời khắc.(14) Trong chợ xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi lấy nước dùng tay quay máy, tự nhiên nước trong giếng tràn lên, phun ra. Đầu thế kỷ XX, đây là một công cụ phục vụ con người chưa từng có ở Huế. Chợ Đông Ba với cầu Trường Tiền, sông Đông Ba, chính là con đường thủy ngắn nhất nối chợ Đông Ba với khu vực cảng sông sầm uất ở Bao Vinh, Phố Lỡ, với cầu Đông Ba – chiếc cầu sắt đầu tiên ở Huế bắc qua sông Đông Ba và phố Đông Ba.
Từ thời Quang Trung (1788 – 1892) trở về trước, khu vực buôn bán sầm uất chủ yếu của Huế nằm ở cảng Thanh Hà, phố Bao Vinh. Sau đó chuyển dần lên phố Gia Hội. Người buôn phần lớn là người Thanh. Sau ngày thất thủ kinh đô 1885, người Pháp củng cố bộ máy bảo hộ ở Huế, xây dựng thêm khu buôn bán ở phía hữu ngạn sông Hương, hãng buôn Morin ra đời.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, chợ Đông Ba được chỉnh trang nhiều lần, nhưng không thay đổi diện mạo bao nhiêu. Mãi đến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới với thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Công trình đang xây dang dở thì bị hỏa lực của bom pháo Mỹ phản kích trong chiến dịch Huế Xuân 1968 bắn phá tan tành. Sau đó chính quyền Sài Gòn cho sửa chữa tạm để người dân buôn bán được thuận lợi. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, chính quyền cách mạng tiếp tục sửa chữa để đáp ứng yêu cầu mua bán của tiểu thương chợ Đông Ba, nhưng càng sửa thì lại càng phát sinh nhiều hư hỏng trầm trọng. Đến năm tháng 10/1986, sau 11 năm thống nhất đất nước, chợ Đông Ba được đại trùng tu.
Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ… với tổng diện tích mặt bằng xây dựng lên đến 15.597m². Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn tiếp tục quản lý khu Hoa Viên Chương Dương, các bãi để xe ô tô, xe lam, nơi giữ xe đạp, xe hon da,… nâng tổng diện tích mặt bằng thuộc diện quản lý của Ban quản lý lên đến hơn 47.614m2.(15)
– Thời gian họp chợ: Từ khi ra đời cho đến nay, chợ Đông Ba họp cả ngày.(16) Ngày trước, chợ là nơi trao đổi mua bán của nông dân, thợ thủ công, thị dân Huế; Đặc biệt là bộ phận quan lại trong chính quyền, cả phía Đại Nam cũng như người Pháp ở kinh đô với nhu cầu tiêu thụ cho cuộc sống quí tộc thượng lưu. Ngày nay, chợ Đông Ba còn thường xuyên đón tiếp một lực lượng đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và mua bán trao đổi.
– Phương thức mua bán: Vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hình thức mua bán phổ biến là chi trả bằng tiền mặt theo kiểu Hàng – Tiền – Hàng; người nông dân, thợ thủ công đến chợ bán các sản phẩm mình làm ra lấy tiền và mua về nhu yếu phẩm cần dùng hàng ngày hoặc các công cụ sản xuất. Đội ngũ quan lại ở Kinh đô thì tiêu thụ là chính, đặc biệt là thực phẩm hàng ngày. Ở chợ chưa có hình thức tín phiếu, phiếu chuyển tiền. Trong chợ đã bắt đầu xuất hiện một bộ phận tiểu thương phần đông là người Hoa, có phố, quán bày hàng bán thường trực, bắt đầu có sự tích lũy tiền, hàng nhất định.
Về sau, phương thức trao đổi Tiền – Hàng trở nên phổ biến. Nếu như thế kỷ XVIII – đầu XIX, đội ngũ thương nhân người Hoa đóng vai trò lớn trong các hoạt động thương mại ở phố cảng Thanh Hà, phố chợ phía đông thành, một số chợ lớn trong tỉnh, còn thương nhân người Việt rất ít và yếu, thì từ cuối thế kỷ XIX, đô thị Huế đã xuất hiện một tầng lớp tiểu thương người Việt ngày càng đông đảo, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thương ở chợ Đông Ba.
– Qui mô hoạt động ngày càng phát triển: Theo thống kê của Ban Quản lý chợ, trước năm 1975 có 2614 lô hàng chính có đăng ký kinh doanh, 300 lô hàng ba (không đăng ký) và trên 400 lô chợ trời. Năm 1985 số hộ đăng ký kinh doanh là 3122 hộ từ 54 phường, xã trong tỉnh.(17) Và hiện nay, chợ Đông Ba đã qui tụ một lực lượng đông đảo thương gia, phát triển thương mại trên nhiều lĩnh vực đời sống.
– Chủng loại hàng hóa khá đa dạng: nông, lâm, thủy hải sản, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ của Huế và vùng phụ cận cũng như các mặt hàng từ các nơi trong nước, các mặt hàng của người Hoa đưa tới chợ, phục vụ người tiêu dùng trong khu vực. Thống kê các mặt hàng trong chợ trước ngày giải phóng có 56 mặt hàng. Năm 1985 có thêm 8 mặt hàng mới: hạt giống, sửa đồng hồ, củi bó, dép cao su, phụ tùng xe đạp, xay xát, sơn, gấc lưới,…(18) Hiện nay, chợ đã trở thành trung tâm buôn bán mang dáng dấp hiện đại với các mặt hàng, sản phẩm công nghiệp chiếm ưu thế.
– Chợ Đông Ba có sức mua lớn, thu hút hàng hóa hầu hết trong vùng, đồng thời lại có sức bán năng động, trở thành trung tâm đầu mối phân phối hàng hóa đến các chợ nội ngoại thành như Kim Long, Bến Ngự, An Cựu, Bao Vinh, chợ Mai (Phú Thượng)..; lan rộng ra khắp trong tỉnh như Phú Bài, Sịa, Mỹ Lợi, Thuận An, Phò Trạch, An Lỗ, Đại Lộc, Vĩnh Tu, A Lưới, Nam Đông và phối hợp mua bán trên thị trường thương mại miền Trung và Tây Nguyên, như Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đông Hà, Đồng Hới, Vinh,… cũng như hai trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội và Sài Gòn,… Một số mặt hàng còn phân phối mậu dịch với Lào, Campuchia, Trung Quốc,…
Chợ Đông Ba: nơi qui tụ đặc sản của địa phương
Ngoài chức năng thương mại, kinh tế, chợ Đông Ba còn là một trung tâm văn hóa hội tụ nhiều mặt hàng thủ công truyền thống của địa phương.
Kể từ khi quần thể di tích kiến trúc triều Nguyễn, rồi Nhã nhạc, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được Unesco công nhận là di sản thế giới (bắt đầu từ năm 1993), các nhà khoa học, các nhà văn hóa học trong và ngoài nước rất chú ý đến văn hóa phi vật thể, đến các ngành nghề truyền thống Huế. Tất cả đã có sự quan tâm bước đầu về những di sản văn hóa đã bị mai một, nhất là nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đã biến mất theo sự cáo chung của triều Nguyễn và do thất truyền, hay cả những ngành nghề còn lại được dân gian gìn giữ ở các làng quê. Sự quan tâm đó đã góp phần phục hưng di sản ngành nghề thủ công truyền thống Huế và chợ Đông Ba trở thành một địa chỉ hữu hiệu. Các nhà nghiên cứu, khách du lịch muốn đi tìm bản sắc Huế có thể mua tất cả những mặt hàng truyền thống Huế ngay tại chợ Đông Ba. Nón bài thơ, mè xửng là hai sản phẩm được khách du lịch ưu tiên lựa chọn khi ghé chợ.
Nón bài thơ dù sản xuất ở Tây Hồ, Phủ Cam, hay làng Dạ Lê Chánh, Triều Sơn, Đốc Sơ,… vẫn có chung một đặc điểm là thanh mảnh, đều đặn, không bị bất cứ một mối chỉ lỗi nào. Giữa hai lớp lá mỏng có lót một bài thơ đục trên giấy báo cũ. Câu thơ được sử dụng nhiều nhất là:
“Ai qua xứ Huế mộng mơ,
Nhớ mua chiếc nón bài thơ làm quà”.
Hoặc:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Khương”.
Kèm theo các câu thơ ấy là hình cách điệu tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ hoặc một cô gái Huế mặc áo dài nghiêng nón bài thơ duyên dáng qua cầu Trường Tiền, trên nhiều di tích Huế.
– Mè xửng Huế các hiệu Nam Thuận, Thiên Hương rất được ưa chuộng. Trước kia có hiệu Song Hỷ cũng khá nổi tiếng. Chỉ những loại mè xửng được làm bằng bột La Khê mới ngon. Miếng mè xửng mềm, ngọt thanh, ăn không dính răng.
– Kẹo cau: Những người Huế ở xa về, nếu còn một chút hoài niệm thời thơ ấu thì tìm mua kẹo cau Cồn Hến. Viên kẹo như một miếng cau vừa bửa xong. Vỏ kẹo trắng, mềm, nhai nuốt ngay, phần ruột kẹo màu vàng và trong suốt, cứng, ngậm lâu mới tan hết.
– Bánh ngũ sắc: xuất thân trong những gia đình khá giả đã từng đi chợ Đông Ba thì không ai không nhớ đến bánh ngũ sắc. Mỗi cái bánh nhỏ bằng hai ngón tay được “đóng” trong những cái khuôn đồng hình chữ nhật hoặc hình vuông, sắc cạnh, chắc nịch và được gói trong giấy gương ngũ sắc. Tên ngũ sắc là tên chung, bên trong có thể là bánh đậu xanh, bánh đậu quyên, bánh đậu ngự, bánh bột nếp.
– Bánh phục linh: Cùng họ hàng với bánh ngũ sắc có bánh phục linh làm bằng bột bình tinh. Người phụ nữ Huế khéo tay nào cũng biết làm các loại bánh nầy, nhưng nơi sản xuất chính là Kim Long.
– Mứt gừng xuất xứ từ Kim Long, rất nổi tiếng. Mứt bánh sản xuất ở Kim Long phần lớn để cúng. Người ta giải thích rằng vì ngày xưa Kim Long là thủ phủ của các chúa Thượng, chúa Hiền. Đến năm 1687, chúa Nghĩa dời thủ phủ xứ Đàng Trong về Phú Xuân, Kim Long dành để thờ tổ tiên các chúa nên con cháu các ông hoàng bà chúa ở Kim Long hằng năm phải làm bánh cúng. Truyền thống làm bánh cúng của Kim Long bắt nguồn từ đó.
– Bánh tráng Sịa: Nói đến bánh chợ Đông Ba không thể quên bánh tráng Sịa. Huế không có truyền thống ăn bánh tráng như Bình Định, Quảng Nam, nhưng đối với bánh tráng Sịa có ưu điểm là làm bằng bột gạo nguyên chất, bột mịn, tạp chất ít, bánh tráng nướng hay nhúng ướt đều ngon.
– Trái cây: Những thứ trái nổi tiếng của chợ Đông Ba là măng cụt Kim Long, quít Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều. Miền Trung không phải là quê hương của măng cụt. Măng cụt là một thứ đặc sản của miền Nam. Bà Từ Dũ về làm dâu nhà Nguyễn đem thứ đặc sản ấy của Nam Bộ ra trồng ở vùng Kim Long. Hồi xưa măng cụt quý lắm nên người ta đã đặt cho một cái tên rất đẹp, trái giáng châu. Mùa măng cụt Kim Long chín không trùng với mùa măng cụt Nam Bộ nên được khách du lịch rất ưa chuộng.
– Quýt Hương Cần trái nhỏ, hình hơi dẹp không có núm mà có một cái lúm đồng tiền rất duyên. Đó là dấu hiệu phân biệt giữa quýt Hương Cần hay không. Quýt Hương Cần không ngọt bằng quýt Sài Gòn nhưng có vị ngọt chua rất đậm đà.
Thanh trà Nguyệt Biều trái nhỏ, càng nhỏ càng ngon. Thanh trà Huế không ngọt bằng bưởi Biên Hòa, bưởi Phúc Trạch, nhưng đặc biệt có mùi thơm, và cũng như hai loại bưởi nổi tiếng kia, sau khi ăn rồi không còn để lại vị đắng trong cổ.
– Hải sản: Loại cá biển như cá chim, cá thu của biển Thuận An rất tươi, ngon. Họ bảo “con nước” Thuận An sinh ra con cá có thịt chắc, thơm ngon vô cùng. Còn ở làng An Truyền thì có cá hanh, cá dìa, cá kình, tôm đầm rất ngon. Chỉ có tôm Sịa mới địch nổi với tôm An Truyền. Tôm Sịa thịt trắng, chắc, thơm.
– Các món sơn hào: Chợ Đông Ba gần biển nhưng cũng gần núi. Thời chưa bị luật lệ của ngành môi trường nghiêm cấm, tờ mờ sáng chợ Đông Ba đã có mặt những người thợ săn từ Quảng Trị vào, từ Tuần xuống, từ Phú Lộc lên mang theo những bao thịt hươu, thịt nai, thịt heo rừng còn đang nóng, thậm chí là ngày trước còn có cả thịt voi và thịt bò tót.
– Ẩm thực: Các nhà nghiên cứu cho biết, khi bị hàng hóa công nghiệp của phương Tây tấn công, các nghề truyền thống Việt Nam về cố thủ ở các làng quê. Các món ăn truyền thống Huế cũng vậy, khi bị các nhà hàng bán các món phở Bắc, hủ tiếu Sài Gòn, hủ tiếu Nam Vang theo kiểu Tây bán đồ ăn Tây thì các món ăn Huế rút về chợ Đông Ba. Sau bao năm thử thách với món ăn ngoại lai, ngày nay người ta phải công nhận rằng những món ăn truyền thống Huế như bún bò giò heo, cơm hến, bánh ướt thịt nướng, bánh khoái, bánh lá chả tôm, bánh nậm, bánh ướt, bánh bột lọc, chè đậu ván đặc, chè thập cẩm, chè thịt quay… bán ở chợ Đông Ba là ngon nhất.
– Bún bò giò heo phải ăn ở chợ Đông Ba mới đúng điệu. Người sành ăn, họ chọn quán nào dùng bún Vân Cù mới thưởng thức. Vân Cù là một ngôi làng ở về phía Bắc thành phố Huế, nay thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà. Ngày xưa các vua chúa nói đất Vân Cù có chất “mỡ” nên cho chuyển vào Long Thọ làm gạch ngói xây dựng cung điện. Còn dân gian thì nhận thấy nước ở Vân Cù mà làm bún thì được khách hàng rất mê. Con bún ráo, chắc.
– Chợ Đông Ba còn là nơi qui tụ tất cả những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống Huế. Những mặt hàng thân thiết nhất đối với người lao động như: đồ ngũ kim, nhất là đồ kim khí do dân làng rèn Hiền Lương sản xuất. Nước thép của hàng rèn Hiền Lương rất tuyệt vời. Bên cạnh, hàng rèn là hàng đúc sản xuất từ Phường Đúc nổi tiếng từ hồi mới thành lập dinh phủ ở Phú Xuân cách đây hàng thế kỷ. Hàng đúc thông dụng nhất gồm có chuông, lư đồng, tượng Phật,… Chuông đồng ở Huế đúc tiếng rất ấm và vang rất xa.
Đồ mây tre, gồm thúng, mủng, rổ, rá, đũa tre, tăm tre,…, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch của làng đan lát Bao La nổi tiếng cũng được bày bán tại chợ.
Chợ Đông Ba là nơi che chở cho sự cố thủ của đặc sản truyền thống của vùng văn hóa Huế. Sự tồn tại của các đặc sản truyền thống đó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình gìn giữ bản sắc dân tộc của di sản văn hóa Huế. Do vậy, chợ Đông Ba không chỉ thuần túy là một trung tâm kinh tế thương mại mà còn là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc.
Chợ Đông Ba trong bối cảnh hiện nay
Hiện nay, do tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chợ Đông Ba cũng không tránh khỏi sự chi phối mạnh mẽ, nghiệt ngã đó. Bên cạnh xu thế gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống vốn có của chợ Đông Ba để phục vụ du khách tham quan thì xu thế buôn bán hiện đại để hòa nhập với nền thương mại của đất nước và khu vực cũng là điều tất yếu.
Ngày nay, các mặt hàng truyền thống của chợ Đông Ba ngày càng vắng bóng do bị cạnh tranh bởi hàng ngoại nhập, với mẫu mã đẹp hơn mà giá cả lại rẻ. Mặt khác, tất cả còn bị hoành hành bởi nạn hàng giả, hàng nhái những mặt hàng truyền thống với chất lượng kém, bán giá rẻ, gây hậu quả nghiêm trọng cho hàng truyền thống.
Vấn đề đặt ra chính là cần có chính sách ưu tiên đối với những gian hàng truyền thống, thực sự xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm thương mại và dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc, với những qui chế đặc thù để bảo hộ, khuyến khích các lĩnh vực trọng tâm một cách phù hợp và hữu hiệu. Trong phát triển du lịch, sự quan tâm và vai trò gợi mở của đội ngũ hướng dẫn viên sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá chợ Đông Ba như là một địa chỉ lịch sử – văn hóa Huế đến với du khách.
Đã qua ba thế kỷ từ khi ra đời đến nay, chợ Đông Ba luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn nhất của Huế. Là một địa chỉ không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Huế. Đây là một trong ba ngôi chợ lớn đã từng có tên tuổi ở ba vùng Bắc – Trung – Nam của đất nước, sau chợ Đồng Xuân ở Hà Nội và chợ Bến Thành ở Tp. Hồ Chí Minh. Chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền cùng với sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Ngọ Môn… đã đi vào đời sống, trở thành biểu tượng của vùng văn hóa cố đô Huế.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Bang (1999),”Kinh tế thương nghiệp Phú Xuân – Thanh Hà thế kỷ XVII – XVIII”, trong 100 năm chợ Đông Ba 1899 – 1999, Kỷ yếu tọa đàm Khoa học, UBND thành phố Huế, tháng 8.
- Lê Đức Quang – Trần Đình Hằng (2016), Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
- Nguyễn Đắc Xuân (1999), “Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999)”, trong Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999), Tọa đàm Khoa học, UBND thành phố Huế, tháng 8.
- Phạm Đình Cung (1985), “Một cơ cấu kinh tế – xã hội ở Huế: các chợ”, Luận văn cử nhân Sử học, Khoa Sử, ĐHTH Huế.
- Phan Thuận An (1999), “Một đoạn tư liệu quí hiếm bằng chữ Hán về chợ Đông Ba”, trong Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999), Tọa đàm Khoa học, UBND Tp. Huế, tháng 8.
- Phan Văn Dật (1974), “Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế qua ca dao”, trong Đặc san Mỹ Thuật, Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế xuất bản.
- QSQ triều Nguyễn (1961), Ðại Nam nhất thống chí: Thừa Thiên phủ, tập Thượng (Tu Trai Nguyễn Tạo d.), S.: Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, quyển nhị, tờ 76 ab.
- QSQ triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của Viện Sử học), Huế: Nxb. Thuận Hóa, Tập 1, tr. 22.
- QSQ triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), H.: Nxb. Giáo Dục, bản dịch của Viện Sử học, Tập 9, tr. 325-326.
- QSQ triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên [Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu], S.: Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.
- UBND thành phố Huế (1999), 100 năm chợ Đông Ba 1899 – 1999”, Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học, Huế, tháng 8.
(1) QSQ triều Nguyễn (1961), Ðại Nam nhất thống chí: Thừa Thiên phủ, tập Thượng (Tu Trai Nguyễn Tạo d.), S.: Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, quyển nhị, tờ 76 ab.
(2) QSQ triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của Viện Sử học), Huế: Nxb. Thuận Hóa, Tập 1, tr. 22.
(3) QSQ triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), H.: Nxb. Giáo Dục, bản dịch của Viện Sử học, Tập 9, tr. 325-326.
(4) Nằm ở cuối đường Phan Đăng Lưu hiện nay. Thời Quang Toản loạn lạc, nhân dân chạy tứ tán, đến đầu triều Nguyễn thái bình, họ mới trở lại từ khắp nơi.
(5) Phan Văn Dật (1974), “Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế qua ca dao”, trong Đặc san Mỹ Thuật, Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế xuất bản, tr. 28.
(6) Phan Thuận An (1999), “Một đoạn tư liệu quí hiếm bằng chữ Hán về chợ Đông Ba”, trong Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999), Tọa đàm Khoa học, UBND thành phố Huế, tháng 8, tr.47.
(7) Đỗ Bang (1999),”Kinh tế thương nghiệp Phú Xuân – Thanh Hà thế kỷ XVII – XVIII”, trong 100 năm chợ Đông Ba 1899 – 1999, Kỷ yếu tọa đàm Khoa học, tr. 41.
(8) QSQ triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của Viện Sử học), Huế: Nxb. Thuận Hóa, Tập 1, tr. 211.
(9) Mạch: đơn vị tiền tệ thời Nguyễn, còn được sử dụng đến đầu thế kỷ XX ở vùng Trung Bắc. Thời Nguyễn quy định 1 quan gồm 600 đồng (văn) kẽm, 1 mạch gồm 60 đồng kẽm.
(10) QSQ triều Nguyễn (2011), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên [Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu], S.: Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, mục 0168.
(11) Ngày xưa, ở khu vực gần đầu phía bắc của cầu Trường Tiền hiện nay, đã có một “Sở đúc tiền đồng” của triều đình. Sở này đặt dưới quyền điều khiển của một ông Thị Lang bộ Hộ” [Phan Văn Dật (1974), “Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế qua ca dao”, trong Đặc san Mỹ Thuật, Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế xuất bản, tr. 31 – 32].
Bến đò ngang, chiếc cầu sắt được thiết lập ở đó cũng đã được gọi là bến Trường Tiền, cầu Trường Tiền. Năm 1899, khi thiết lập dãy phố từ đầu cầu Trường Tiền (nay là một đoạn của đường phố Trần Hưng Đạo), người ta cũng gọi là phố Trường Tiền.
(12) Chỗ đất trống lài lài gọi là giại. Chỗ này trước đó là nơi sửa chữa thuyền ngự, gọi là trại. Vì thế có người cho rằng giại là đọc lệch của trại [Nguyễn Đắc Xuân (1999), “Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999)”, trong Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999), Tọa đàm Khoa học, UBND thành phố Huế, tháng 8, tr.5.
(13) Lê Đức Quang – Trần Đình Hằng (2016), Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
(14) Tu Trai Nguyễn Tạo (1961), Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ tập thượng, Nha Văn Hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 135 – 136.
(15) Nguyễn Đắc Xuân (1999), “Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999)”, trong Một trăm năm chợ Đông Ba (1899 – 1999), Tọa đàm Khoa học, UBND thành phố Huế, tháng 8, tr.7.
(16) Có chợ đông cả ngày, có chợ Mai, chợ Hôm, chợ Chiều, chợ Phiên, chợ Huyện,…
(17) Phạm Đình Cung (1985), “Một cơ cấu kinh tế – xã hội ở Huế: các chợ”, Luận văn cử nhân Sử học, Khoa Sử, ĐHTH Huế, tr.80 – 83.
(18) Phạm Đình Cung (1985), “Một cơ cấu kinh tế – xã hội ở Huế: các chợ”, Tlđd, tr. 79, 80, 82.
Xem thêm các bài viết du lịch khác trên Blog du lịch https://phuot3mien.com/