Điện Hòn Chén, tên chữ là Huệ Nam Điện. Đây là một di tích tín ngưỡng tôn giáo và danh thắng nổi tiếng của quần thể Di tích Cố đô Huế. Ngôi điện nằm ở bờ Bắc sông Hương thuộc làng Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà (cách trung tâm thành phố Huế khoảng 07 km về phía Tây). Điện tọa lạc trên một quả đồi có tên là núi Ngọc Trản.

Núi Ngọc Trản còn có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi là Ngọc Trản sơn (có nghĩa là núi chén ngọc), dân gian thường quen gọi là Hòn Chén. Nhìn từ xa hình dáng nó trông giống như cái chén úp xuống dòng sông Hương. Theo các nhà nghiên cứu Huế, điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm.

dien hon chen

Ảnh: Visit Hue

Sau khi tiếp quản vùng đất này vào năm 1307, người Việt đã phiên âm việt hóa vị nữ thần của người Chăm với tên đầy đủ là: Yan Inư Poh Nagar thành Y Na, sau đó gọi là Thiên Y A Na. Theo cụ Phan Thanh Giản, làm quan Đại học sĩ dưới triều Tự Đức. Trong một dịp vào thăm tháp Bà Ponaga ở Nha Trang và sau khi sưu tập truyền thuyết dân gian của vùng đất này, cụ đã cho dựng ở phía Bắc của ngôi tháp một tấm bia viết  bằng chữ Hán vào năm 1857, kể về sự tích của nữ thần Thiên Y Ana như sau: Ngày xưa Bà Thiên Y Ana giáng sinh tại núi Đại An (Đại Điển). Nơi đó có hai vợ chồng tiều phu đến cất nhà và làm rẫy trồng dưa dưới chân triền núi. Suốt một thời gian dài, hễ trái dưa nào chín tới đều bị mất. Ông lão rình và một hôm bắt gặp một cô bé khoảng 9-10 tuổi hái dưa rồi chơi đùa dưới trăng. Thấy cô bé dễ thương, ông bèn đem về nuôi và thương yêu như con ruột.

Một hôm, trời mưa to gió lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, cô bé lấy đá chất thành ba hòn dả sơn và hái hoa lá cắm vào rồi đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với phép tắt, ông tiều lớn tiếng rầy la. Không ngờ cô bé là tiên giáng trần buồn nhớ cảnh bồng lai. Đang buồn lại chợt nhìn thấy một khúc kỳ nam theo nước trôi đến, thiếu nữ bèn hóa thân vào khúc kỳ nam cho sóng đưa đi. Khúc kỳ nam trôi ra biển Bắc rồi tấp vào nơi gần một vùng đất lạ, hương kỳ năm tỏa thơm ngào ngạt, người dân trong vùng lấy làm lạ kéo đến xem.

Thấy gỗ tốt, họ bèn xúm vào khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không khiêng nổi. Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn bèn tìm đến xem hư thực và giơ tay nhấc thử, thật kỳ lạ khúc gỗ bỗng trở nên rất nhẹ. Chàng liền đem về cung và nâng niu như báu vật. Một đêm, dưới ánh trăng mờ, thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam, nhưng lại gần thì tứ bề vắng vẻ, chỉ phảng phất mùi hương. Những đêm sau đó, thái tử vẫn tiếp tục theo dõi…Rồi một đêm, chàng thấy từ trong khúc kỳ nam bước ra một giai nhan tuyệt sắc. Chàng vụt chạy đến, ôm choàng lấy giai nhân. Không biến kịp vào khúc kỳ nam, giai nhân đành theo thái tử về cung và cho biết tên là Thiên YAna. Thái tử thấy nàng Ana xinh đẹp khác thường bèn tâu phụ hoàng xin cưới làm vợ. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc, sinh được hai người con (một trai một gái), dung mạo khôi ngô tuấn tú. Một hôm, nỗi nhớ quê hương thúc giục Thiên Y bế hai con nhập vào kỳ nam trở về làng cũ.

dien hon chen2

Núi Đại An còn đó, nhưng vợ chồng ông tiều phu đã mất. Thiên Y xây đắp mồ mả cho cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để thờ tự. Thấy nhân dân địa phương còn lạc hậu, bà dạy cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra các lễ nghi…Từ đó, ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống nhân dân mỗi ngày một ấm no. Đến một ngày nọ, có con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y Ana cùng hai con cưỡi hạc bay về trời…Dân làng nhớ ơn bà nên đã xây tháp, tạc tượng thờ phụng và mỗi năm vào ngày 23 /03 Âm lịch đều làm lễ cúng bái cho bà”. Giống như ở tháp Bà Po Na Ga ở Nha Trang. Điện Hòn Chén là nơi có nhiều truyền thuyết về sự linh hiển của nữ thần Thiên Y A Na, nằm trong địa bàn cư trú của dân làng Hải Cát. Bà được cư dân làng Hải Cát tôn vinh thành Mẹ đở đầu cho vị Thành Hoàng của họ.

Từ đó ngôi đình Hải Cát trở thành nơi thờ phụng Mẫu. Hằng năm đều có lễ rước Mẫu bằng thuyền rồng từ Điện Hòn Chén lên đình làng rồi sau đó rước trở lại điện thờ bà. Điện Hòn Chén càng trở nên nổi tiếng linh thiêng, đó là nhờ các câu chuyện có liên quan đến triều đình nhà Nguyễn, có phần lịch sử nhưng cũng có phần huyền thoại. Thời kỳ đầu triều Nguyễn đã có các buổi cầu mưa, cầu quốc thái dân an, cầu thần núi Ngọc Trản ngăn hổ về quậy phá dân làng. Mặt dù vậy tín ngưỡng thờ thánh mẫu Thiên Y Ana vẫn chưa được triều đình thừa nhận một cách chính thống. Nhưng theo sử liệu thì sự linh ứng của vị nữ thần ngày càng được chú ý.

dien hon chen4

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) bà Thuận Thiên bị bệnh ở mắt Ngự y không chữa được, vua cho người lên Điện Hòn Chén cúng bái thì bà khỏi bệnh, nên vua đã ban sắc phong và sửa sang lại ngôi điện, từ đó các quan lại tham gia thờ Mẫu ngày càng đông. Từ năm 1883- 1885 là giai đoạn éo le nhất của lịch sử triều Nguyễn. Vì không có con, nên Vua Tự Đức đã nhận ba người cháu làm con nuôi: Nguyễn Phúc Ưng Ái, Nguyễn Phúc Ưng Kỷ và Nguyễn Phúc Ưng Đăng. Sau khi vua Tự Đức băng hà lần lượt anh, chú và em của Đồng Khánh đều lên kế vị còn Đồng Khánh thì cứ chờ đợi mãi. Ông nhờ mẹ mình là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản cầu đảo và hỏi Thánh mẫu Thiên Y A Na xem mình có làm vua được không. Mẫu cho biết ông sẽ toại nguyện. Khi được lên ngôi, năm 1886 vua Đồng Khánh cho xây lại đền này một cách khang trang như hiện nayvà cho làm thêm các đồ thờ tự. Đặc biệt vua đổi tên ngôi điện từ Hòn Chén thành Huệ Nam Điện, với tấm lòng thành biết ơn Thánh mẫu( Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam). Vua Đồng Khánh còn đưa lễ hội ở đây vào thượng tuần của tháng 03 và tháng 07 Âm lịch “ Xuân Thu Nhị kỳ”, ngang hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh mẫu, gọi Mẫu là chị, xưng mình là em. Hiện nay trong điện còn thờ bức tranh thờ có hình ảnh vua Đồng Khánh, chính là người cầm hoa sen. Sau thời vua Đồng Khánh, điện Huệ Nam có một vị trí quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế và miền Trung nói chung.

dien hon chen3

Sự ra đời của Tòa Thánh của Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo (ở đường Chi Lăng- Huế) từ sau năm 1954 đã cho thấy hoạt động tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế ngày mỗi phát triển và có tổ chức. Trong những năm gần đây Huế – Hòn Chén – Huệ Nam Điện đã trở thành Thánh địa, là trung tâm hành hương và là nơi quy tụ các đệ tử của Mẫu trên địa bàn miền Trung Việt Nam về đây tiến hành các nghi thức sinh hoạt tế lễ, hầu đồng vào dịp lễ hội tháng 03 và tháng 07 âm lịch hàng năm. Điện Hòn Chén không chỉ là một ngôi đền thờ Thánh mẫu để các tín đồ đến thực thi nghi lễ cúng bái, lên đồng. Đây còn là một di tích kiến trúc cảnh quan độc đáo.

Người xưa đã chọn một vị trí có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, toàn cảnh núi đồi vùng này trông giống một con rồng đang cuộn mình vươn đầu uống nước sông Hương và đầu rồng là nơi ngôi điện tọa lạc. Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 16 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cổ thụ. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, trong đó công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài, nằm ở vị trí trung tâm.

dien hon chen nui ngoc tran khamphadisan 2

ảnh: ella.luu_ya

Minh Kính Đài là một ngôi nhà rườn ba gian khá lớn, nền điện được chia làm 03 tầng, cao dần lên bố trí thờ tự 03 cung. Trên đầu đao nóc mái tòa Điện chính nầy được trang trí hình ảnh chim phụng hoàng bằng sành sứ, rất tinh xảo. Phụng hoàng loài chim biểu tượng cho sự cao quý, dành cho nữ giới, đồng thời còn là loài chim báo hiệu điềm lành, thường sinh sống ở nơi linh thiêng, tụ khí âm dương của trời đất. Phần nội điện được chia thành Tam cung, ở mỗi cung thiết trí hệ thống thờ tự riêng. – Nơi cao nhất là Minh Kính Cao Đài Đệ Nhất Cung – Kế đến là Minh Kính Trung Đài Đệ Nhị Cung – Nơi thấp nhất là Minh Kính Tiền Đài Đệ Tam Cung. Minh Kính Cao Đài Đệ Nhất Cung (còn gọi là Thượng Cung hay Thượng Điện), chia làm 02 tầng. Tầng trên ngay chính giữa là nơi thờ Tam vị Thánh Mẫu (Liễu Hạnh, Quế Hoa, Thụy Hoa).

dien hon chen nui ngoc tran khamphadisan

ảnh: il_cavaliere_errante

Hai bên Tả Hữu là bàn thờ Nhị vị Tôn Ông và bàn thờ Thất Thánh (vua Đồng Khánh là vị thánh thứ bảy, người cầm hoa sen). Phía trong cùng, nơi cao nhất đặt khám thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, phía trước là hai đệ tử. Bàn thờ hai bên là Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoại. Phía trước là bàn thờ Ngũ vị Thánh Bà (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) Minh Kính Trung Đài Đệ Nhị Cung, nơi thờ hàng chục tượng thần thánh khác nhau, có tượng Phật, có đặt ngai trống để thờ vọng Ngọc Hoàng Thượng Đế. Hai bên là nơi thiết trí các đồ thờ dùng để rước sắc trong những dịp lễ lớn như: Võng Cung Nghinh Mẫu, Phụng Liễn, Long Đình.

dien hon chen nui ngoc tran khamphadisan 4

Minh Kính Tiền Đài Đệ Tam Cung: nơi có xây một hương án lớn, hai bên đặt chuông, trống. Hai bên đặt đồ tự khí như: lọng, binh khí (lam ba lỗ bộ), cặp ngựa bằng đất nung. Ngoài ra phía hai bên còn thờ các vị Triều cô, Triều Quận 12 Ông Hoàng, Lục Đinh, Lục Giáp. Bên ngoài trước mặt điện chính là Trung Thiên Đài, hai bên có hai nhà bát giác là nơi thờ các quan, các vị âm binh cô hồn, chiến sĩ trận vong… Bên phải Điện chính là nhà Quan Cư (soạn đồ lễ). Dọc theo triền núi có Trinh Cát Viện nơi thờ những người đã có công trông coi điện( thủ đền), gian giữa có bài vị Thành Hoàng họ Lê của làng Hải Các; Bắc Tế Đường thờ Quan Công. Bên trái là Dinh Ngũ Hành thờ Ngũ Vị Thánh Bà, Am Mẫu Thượng Ngàn, bàn thờ các quan, động thờ Ông Hổ, am Ngoại Cảnh, Ngoại Càng. Ngay dưới Trung Thiên Đài Sát bờ sông còn có Miếu Thủy Phủ thờ Thủy Long Tôn Thần. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác.

Có thể nói rằng tín ngưỡng dân gian thờ Thánh Mẫu thuộc về Bái vật giáo, Đa thần Giáo, tại đây có khoảng 140 bát nhang chính thức để thắp hương. Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 03 và tháng 07 Âm lịch hàng năm.

Khám Phá Di Sản tổng hợp

Bài viết có sử dụng ảnh của Visit Hue

5/5 - (3 bình chọn)