Giới thiệu về tháp chăm Phú Diên

Di tích đền tháp Phú Diên nằm trên một dãi cát ven biển thôn Mỹ Khánh (Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế),(1) ở tọa độ 1602945’’ vĩ độ Bắc, 107’’44’47’’ kinh độ Đông, cách mép nước biển hiện tại từ 100-120m về hướng Đông – Bắc. Di tích này được nhóm công nhân khai thác quặng Titan (điểm số 3, xưởng Phú Diên 2) – Công ty Khoáng sản Thừa Thiên Huế phát hiện ngày 18/4/ 2001, một phát hiện quan trọng về văn hóa Champa từ trước đến nay.

107258137

Khi phát hiện, di tích nằm sâu dưới cồn cát từ 10 – 12m, các công trình nằm ở độ cao 1.5 – 2.0m so với mực nước biển. Nền tháp cao tương đương với bề mặt bãi bồi ven rìa đầm phá, trên nền cát yếu của trầm tích Holocence muộn, dày khoảng 8m, gồm lớp trên là cát xám vàng, xám trắng, nguồn gốc biển – gió, lớp dưới là sét, sét bột xám xanh, xám đen chảy dẻo, có lẫn vỏ sò ốc nguồn gốc đầm lầy biển.(2) Theo các nhà nghiên cứu, ban đầu, khu đền tháp Mỹ Khánh có thể được xây dựng trong điều kiện bờ mở rộng ra phía biển ít nhất 250m và vị trí ban đầu của khu đền – tháp là nằm phía trong cồn cát, trên mặt bãi bồi cao hơn, mở rộng hơn và ít ngập lụt hơn so với hiện nay. Do tác động đồng thời của sóng, gió biển và mực nước biển dâng cao, trong điều kiện khô nóng mùa hè và mưa lũ mùa đông, các quá trình xói lỡ bờ biển, cát bay và cát chảy đã đẩy dịch dần cồn cát về phía đầm phá và lấp kín, vùi sâu trong cát.(3)

Phác thảo di tích qua kết quả thám sát, khai quật

Kết quả thám sát và khai quật đã xuất lộ tổng thể công trình kiến trúc đền tháp Phú Diên gồm nhiều hạng mục của một cụm kiến trúc khá hoàn chỉnh, gồm tháp chính (đền thờ/Kalan), nhà bếp/tháp lửa (Kosagrha),(4) bệ thờ ngoài trời (5).

– Tháp chính (Kalan): Có mặt bằng hình chữ nhật, theo hướng Đông – Tây, cửa quay về hướng Đông, lệch Nam 200, kích thước dài 8,22m, rộng 7,12m. Do kết cấu địa chất yếu của dải cát ven biển nên người ta đã chú ý việc xây dựng kết cấu móng vững chắc bằng cách kè sỏi cuội kích thước lớn, rồi xây gạch liền với móng, xung quanh khu vực xây tháp được kè cọc gỗ khá vững chắc. Đáng chú ý là khi phát hiện, tháp chính bị nghiêng về phía bắc (phía biển), do có thể liên quan đến quá trình xói lỡ bờ biển, dịch lấn cồn cát về phía đầm phá, có những pha bờ biển xói rất mạnh, rồi bồi tụ tạm thời trở lại. Trong quá khứ, có thể có thời điểm xới lỡ bờ biển tiến sát khu đền tháp, có thể đã xuất lộ trên sườn phía biển của cồn cát, bị các đợt sóng mạnh tràn đến và dòng sóng rút đã bào mòn chân móng công trình, gây sụt lún, làm nghiêng tháp.(6)

Toàn bộ tháp được xây bằng gạch gắn kết sít sát vào nhau, chắc chắn. Gạch có kích thước đa dạng, thường gặp loại có kích thước (dài x rộng x dày) là 0,31m x 0,17m x 0,07m; 0,30m x 0,16m x 0,05m; 0,30m x 0,20m x 0,06m; 0,29m x 0,15m x 0,05m; 0,28m x 0,17m x 0,06m. Loại gạch kích thước lớn thường được xây ở dưới, càng lên cao là loại có kích thước nhỏ hơn để giảm trọng lượng. Do kích thước khác nhau nên khi xây dựng một số viên gạch lớp trên phải cắt góc cho phù hợp với lớp gạch phía dưới, dẫn đến một số viên gạch khi xây dựng bị trùng mạch ghép.

Tháp Phú Diên có kích thước không lớn, chiều cao tháp bên ngoài hiện còn đo được nơi cao nhất là 2,87m, trong đó tường ngoài phía Đông cao 2,67m – 2,87m; tường ngoài phía Tây cao 2,74m – 2,80m; tường ngoài phía Bắc cao 2,87m; tường ngoài phía Nam cao 2,75m – 2,80m. Các mặt tường tháp bên ngoài đều bị lún. Về kết cấu, toàn bộ tháp chính được chia làm 3 phần rõ rệt (từ dưới lên): đế, thân và diềm mái.

Phần đế rộng trung bình 6m, cao 0,46m, được xây liền khối với móng tháp tạo nên sự vững chắc. Chân đế tháp cao 0,7m, thu lại so với đế tháp, riêng phần chân trụ cửa giả 3 mặt được xây nhô ra khỏi phần chân, ăn trực tiếp vào nền đế tháp. Chân đế tháp lên cao, thu nhỏ dần với nhiều lớp diềm trang trí viền quanh nhô ra, trang trí chân đế tháp có hàng trụ áp vây quanh, mỗi mặt chân đế tháp trang trí 4 trụ áp đối xứng nhau. Trụ áp thể hiện hình lá đề biến thể với các nấc vuông vức, phần trên phình to, mặt tạc hình lá 3 chẽ chìm, đỡ phía dưới là cột chống với chân loe ra vững chãi. Các trụ áp trang trí những ô chữ nhật nằm ngang. Các lớp gạch được xây xếp gờ thò ra thụt vào cân đối tạo nên những khung hoàn chỉnh.

Thân tháp cao trung bình 1,36m, là phần quan trọng của tháp chính, có kết cấu gồm hệ thống cửa giả, cửa ra vào (cửa chính), các hàng cột (trụ tường). Hệ thống cửa giả được trổ ở các phía Bắc, Nam và Tây, chiều rộng chân đế dao động từ 1,75m – 2,0m, chiều cao 2,63m – 2,74m. Cửa giả được thể hiện ở chính giữa tường tháp, chia thân tường tháp làm hai phần cân đối. Từ lớp nền, cửa giả được xây nên vươn ra khỏi thân tháp. Toàn bộ phần cửa giả gồm 3 phần: chân, thân và vòm cửa.

Chân cửa cao 0,55m, nhô khỏi tường thân tháp 0,90m, khoảng cách giữa hai chân là 1,84m. Phía dưới là bệ gạch nền gồm 2 lớp cao 0,15m, xây liền khít, cắt góc làm nền đỡ chân cột cửa tháp. Đây cũng là phần đỡ chân diềm áp trang trí. Hai bên là chân trụ cột cửa đối xứng. Chân trụ chia làm 2 phần, phần dưới khắc tạc hình cánh hoa xoải xuôi 2 lớp, phần trên ngăn cách là khe hẹp sâu, trên là 2 lớp cánh hoa nhọn hướng lên. Hai phần này thể hiện đối xứng nhau như bông hoa 2 phần, cánh hoa đối xứng nhau làm nền đỡ cho thân cột. Giáp chân cột là một lớp diềm nhô ra, ngăn cách với lớp cánh hoa bằng một khe hẹp, phần diềm này cắt góc vuông đỡ phần cột phía trên.

Nối 2 chân cột cửa tháp là hệ thống diềm với lớp dưới cùng xoải xuôi uốn vát mềm mại, phía trên hơi thóp vào. Đối xứng với lớp diềm dưới sát chân qua lớp diềm giữa là lớp diềm trên hướng lên với cạnh vê tròn. Những lớp diềm này hòa nhập với họa tiết trang trí cánh hoa chân cột tạo nên băng trang trí hoàn chỉnh dưới chân vòm cửa giả hoàn chỉnh khá hài hòa đẹp mắt, tạo nên cảm giác vững chãi mà thanh thoát cho phần chân cửa tháp.

thap cham my khanh hue 3

Mặt chính giữa chân cửa tháp là hình lá đề cắt góc trang trí. Hình áp trang trí này cao 0,4m kéo dài suốt phần chân cửa tháp, thể hiện khối nổi nhô hẳn khỏi chân cửa tháp. Hình áp trang trí hình lá đề được thể hiện 2 phần, chính giữa là đường gân trụ nổi khối nhô ra hình chữ nhật đứng cao 0,20m, rộng 0,15m. Phía trên thân trụ là hình lá đề cắt góc thể hiện hơi thụt vào, đáy lá đề rộng 0,31m, phần trên thu nhỏ dần nhô lên cao 0,20m với chóp bằng đỡ phần chính giữa thân cột cửa. Mặt chính giữa hình lá đề khắc tạc cánh hoa hình lá nho đứng 3 chẽ, cánh vê tròn, cuống loe về chân. Kỹ thuật khắc chìm sâu vào mặt gạch.

Hai bên cửa giả là hệ thống 2 cột đối xứng, được trang trí đăng đối. Phía trên đầu cột đỡ vòm cửa tạo nên khoang vòm cửa. Cột cửa cao 0,77m nhô khỏi thân tường tháp 0,7m, thể hiện cột kép cách nhau một khe hẹp, chính giữa chạy dọc theo thân cột. Bốn góc cột hơi nhô ra chênh nhau các lớp 0,06m, tạo nên gân tường đỡ phần diềm mái vòm cửa. Phần diềm đầu cột thể hiện loe dần đều với 3 lớp diềm mỏng cách nhau những khe hẹp chạy viền quanh nhô dần ra đỡ phần mái cửa. Tiếp giáp phần vòm cửa là lớp diềm loe hướng lên đỡ phần vòm mái cửa. Toàn bộ phần diềm đầu cột cao 0,52m, tạo ra sự cân xứng với phần chân cột. Vòm cửa giả uốn cong hình cung tù, chia làm hai phần, dưới là nền đế vòm cửa, nền vuông vức dày 0,13m gồm hai lớp gạch liên tiếp tạo nên, hai nền đỡ của vòm cung cách nhau một khe hẹp kích thước mặt chính của nền dài 0,88m. Đế đỡ vòm cung dài 2,1m.

Toàn bộ vòm cung cửa giả cao 0,82m, được uốn cong hình mui thuyền. Hai đầu bên ngoài vê tròn uốn cong hơi vểnh lên, hai đầu trong vê tròn vươn ra gần giáp nhau, cách một khe hẹp, tạo nên một ô lõm vào thân cửa giả hình vòm cung tù. Trong lòng đế trơn phẳng, không có trang trí. Khoảng cách giữa hai chân cột để lại ô trống lõm sâu vào, dưới chân rộng 0,53m, phía trên do đầu cột loe ra nên ô trống thu nhỏ dần tạo nên khoảng trống hình tháp nhọn, chính giữa ô trống này thể hiện hình người đứng trên bệ gạch chạm hoa văn cánh sen hướng lên. Hình người thể hiện trong ô vòm cửa giả hình khối nhô hẳn ra, chiếm vị trí trung tâm cửa, được thể hiện có tính ước lệ, không đầu, cao khoảng 1,0m, có thể nhận rõ hình hài chân đứng thẳng, rộng 0,19m, phần thân hình thoi đứng, ngang vai rộng 0,27m, rộng thân 0,28m, phía trên là hình cổ rộng 0,17m, đứng trên bệ gạch hai lớp. Bệ gạch lớp dưới dài 0,3m, rộng 0,26m, mặt đứng khắc tạc hình cánh hoa sen hướng lên, cánh hoa uốn mềm mại chia hai bên cân xứng. Bệ gạch lớp trên hình khối vuông cạnh dài 0,25m, rộng 0,26m, cạnh đứng để trơn không trang trí. Đây có thể là hình ảnh một vị thần đứng trong ô cửa giả đang được khắc tạc dang dở. Hai đầu dốc cửa giả có cấu trúc hoà nhập với mặt chính và trang trí các đường diềm tạo nên băng trang trí hoàn chỉnh vây quanh cửa giả. Các lớp gạch đường diềm tạo đường viền quanh. Chính giữa chân hai đầu dốc trang trí hai hình áp lá đề cắt góc đối xứng qua thân, trên mặt áp tạc hình lá nho ba chẽ tương tự như hình áp trang trí chân cửa giả mặt trước. Thân cửa giả hai đầu dốc thể hiện cột thân lẫn 3 lớp, độ nhô ít, cách cột góc một khe hẹp chạy dọc suốt thân.

Hai bên cửa giả là hệ thống thân tường tháp, có cấu trúc 4 phần cân đối nhịp nhàng nhưng có độ chênh so với cấu trúc vòm cửa giả. Phần cửa giả hơi thấp xuống, nhô khỏi thân tháp tạo nền tôn tháp thêm cao, thanh thoát hơn và chia đều thân tháp thành hai phần tương đối cân xứng. Chân tường tháp cao 0,70m, chênh với phần chân thân cửa giả 0,15m, chia làm 4 phần, lớp dưới cùng cao 0,13m gồm hai lớp gạch xây thẳng đứng, cắt góc tạo dáng theo cấu trúc thân tháp, lớp trên cao 0,22m gồm 3 lớp gạch được thể hiện cắt vát xoải xuôi xuống phần dưới như cánh hoa, ngăn cách với phía trên là khe hẹp ăn sâu vào chân tháp phân biệt với phần trên. Dưới phần trên là một lớp gạch dài 0,07m nhô ra tạo nên một đường diềm trang trí, lớp trên cùng dày 0,13m tạc vát như cánh hoa hướng lên. Trên cùng là đường diềm nhô khỏi thân tháp từ 0,08m – 0,13m như một tầng nền đỡ thân tháp vươn lên. Phần chân nổi hẳn trên đường diềm là hai hình áp trang trí nổi, thể hiện hình lá đề cắt góc, nằm cân đối nhau qua thân cửa giả, dưới khe của hệ thống cột kép góc trên thân tháp. Hình lá đề có kích thước cao 0,58m, đáy rộng 0,42m thu nhỏ dần lên trên. Dưới chân lá đề là cuốn hình chữ nhật đứng cao 0,28m, rộng 0,25m; trên mặt lá đề để trơn không trang trí.

Giới hạn hai góc thân tháp là hai cột góc thân thể hiện kép với 3 lớp nhô dần khỏi thân tường, được gọi là trụ thân tường. Hai trụ tường cách nhau một khe hẹp 0,11m chạy dọc suốt thân. Cột góc tháp được khắc tạc thể hiện ăn suốt xuống tầng đế chân tháp phía dưới và ăn suốt lên phần trên qua lớp diềm mái lên tận nền mái tháp. Hai đầu cột thể hiện loe đều đối xứng qua thân tháp. Trên thân tường tháp phần giáp cửa giả hướng đông có ô chữ nhật ăn sâu vào thân tường, kích thước 1,1m x 0,69m, mặt đứng để trơn không trang trí.

Kết thúc phần thân tháp là một đường diềm dày 0,06m nhô ra vừa có chức năng trang trí, vừa có tác dụng phân biệt phần thân và diềm mái tháp.

Ở mặt tường phía Đông, kết cấu thân tháp có sự khác biệt. Đây là phần tường được mở cửa chính đi vào lòng tháp. Phần vòm cửa tháp chia tường phía Đông thành hai phần cân xứng. Cửa dẫn vào lòng tháp kéo dài về phía Đông tạo nên vòm cửa dẫn khá dài, được xây liên kết với thân tháp thành một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh.

Cửa tháp chính mở về hướng Đông,(7) lệch Nam 200. Vòm cửa được xây cuốn, một phần nửa phía Bắc còn tương đối nguyên vẹn, phần còn lại phía Nam bị sụp lở, mặt trước cửa bị tróc lở, khó nhận biết từng có trang trí hay không, diềm trang trí cột cửa bị sứt không nguyên vẹn, duy chỉ có phần dưới còn khá rõ nét. Kích thước vòm cửa dẫn vươn ra khỏi thân tháp dài 1,8m. Đo vách tường trong lòng tháp thì vòm cửa dài 2,38m, cao 2,75m. Khoảng cách chân giữa hai cột cửa dài 2,32m. Tường hai bên vòm cửa xây thẳng đứng tạo nên đường dẫn vào lòng tháp phẳng, rộng 0,86m. Do tháp bị lún nghiêng nên nền lòng cửa bị lún ván nghiêng về phía Bắc. Trước cửa là hai cột cửa xây đối xứng, cột cửa được xây lồi hẳn ra và trang trí hai mặt trụ. Trước cửa có bậc tam cấp dẫn vào, bậc dưới cùng rộng 0,25m được lát gạch phẳng có chung nền với mặt bằng lát bên ngoài tháp. Bậc giữa giật cấp cao lên 0,17m, mặt bậc rộng 0,25m. Bậc trên cùng giật cấp cao lên 0,19m, mặt bằng gắn với mặt nền lát dẫn vào lòng tháp.

thap cham my khanh hue 1

Trụ cửa hai bên được thể hiện đối xứng, giống nhau về cấu trúc và trang trí. Do bị lún nên trụ cửa phía Bắc hơi thấp hơn trụ cửa phía Nam. Trụ cửa có cấu trúc 3 phần. Hai phần mặt chính và hai đầu dốc còn khá nguyên vẹn với những trang trí ban đầu. Chân đế trụ cao 0,54m được xây giật cấp nhiều lớp thu nhỏ dần lên. Lớp dưới cao 0,14m được xây hai hàng gạch thẳng đứng làm nền trụ. Lớp trên cao 0,21m, tạc vát, trên nhỏ dưới to hình cánh hoa hướng lên đăng đối với phần dưới làm nền đỡ thân trụ. Trước mặt và hai đầu dốc chân trụ trang trí hai hình áp lá đề cắt góc nổi. Lá đề cao 0,40m, đáy lá đề rộng nhất 0,33m, nổi lên là cuống lá đề hình chữ nhật đứng dài 0,25m, rộng 0,21m. Trên mặt lá đề khắc hình lá nho 3 chẽ, đầu cánh vê tròn khắc chìm, cuống hơi loe ra, như trang trí hình áp chân cửa giả. Thân trụ cửa cao 0,78m, mặt chính phía Đông rộng 0,47m, hai đầu dốc mặt rộng 0,40m. Cả hai mặt đều thể hiện trụ cột kép. Cột nhô dần ra 3 lớp, hai cột cách nhau một khe hẹp chạy dài suốt thân. Đầu cột loe dần ra đỡ vòm cửa.

Hai mặt hông của vòm cửa dẫn được thể hiện tương tự nhau. Phần chân sườn cửa cao 0,54m với nhiều lớp diềm chạy dài, giữa các lớp diềm là khe hẹp ăn sâu vào tường. Lớp dưới dày 0,14m, gồm hai lớp gạch xây thẳng đứng; lớp trên dày 0,16m được cắt vát xuôi xuống như cánh hoa; giữa là đường diềm nhô ra, trên là diềm gạch dày 0,10m khắc tạc hướng lên đăng đối với phần vát dưới xuôi xuống. Thân tường hông vòm cửa được xây thẳng đứng, phẳng, cao 0,78m, rộng 0,95m. Trên ô chữ nhật của hông tường có khắc ô chữ nhật (0,71m x 0,52m) nằm ngang chìm sâu vào tường. Trên thân tường là phần diềm mái vòm cửa dẫn nhô ra, cao 0,42m với nhiều lớp diềm ngăn cách nhau, diềm dưới cùng dày 0,05m, nhô khỏi tường 0,04m; diềm giữa dày 0,09m được cắt vát hướng lên mái vòm; diềm trên cùng giáp mái vòm cao 0,20m được cắt vát hướng lên làm nền cho phần trên vòm cửa. Vòm cửa dẫn được xây liên kết liền khối với thân tháp tạo nên tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh vững chắc.

Lòng tháp chính Mỹ Khánh hình chữ nhật (3,8m x 3,3m), được xây thẳng đứng, để trơn phẳng, không thấy hiện tượng để hốc như các tháp thường thấy. Do bị sụt lún nên độ cao còn lại của tường lòng tháp các mặt không đều nhau.

Thap PhuDien 01 XQWV 17747

– Tường phía Bắc còn lại cao từ 2,93m – 3m, gồm 44 hàng gạch; tường lòng tháp phía Tây cao 2,86m – 2,93m gồm 43 hàng gạch; tường phía Nam cao 2,40m-2,86m, gồm 44 hàng gạch; tường phía Đông cao 2,4m – 3,0m, gồm 44 hàng gạch. Độ dày trung bình của tường 1,0m. Gạch xây có kích thước khác nhau, to, dày, màu vàng nhạt, độ cứng cao. Phần tường giáp diềm mái tháp, gạch có kích thước nhỏ, mỏng, màu đỏ sậm, cứng. Gạch được xây bằng kỹ thuật mài chập, do kích thước gạch khác nhau nên trong lòng tháp cũng thấy hiện tượng trùng mạch. Mặt tường phía Tây, Nam và Đông có hiện tượng nứt dọc.

Riêng tường tháp phía Đông là hướng cửa đi vào lòng tháp nên tường bị chia thành 2 phần cân xứng, cánh cửa trong lòng tháp được vê tròn hết phần ngưỡng cửa, có khả năng ngưỡng cửa tháp có bộ phận gá để lắp cửa, phần trên tường được xây thẳng tạo nên lòng tháp phần mái vuông vức các cạnh góc.

Chính giữa lòng tháp là một bệ thờ bằng gạch cao 0,74m, rộng 0,84m x 0,80m. Bệ thờ chia làm 3 phần: chân bệ hơi choãi ra, cao 0,19m, rộng 0,86m, dài 0,82m. Thân bệ cao 0,49m. Mặt bệ phẳng, cao 0,14m, nhô ra so với thân bệ 0,02m, trên bệ đặt một Yoni bằng đá Silicat xám có kích thước 0,60 x 0,60m, vòi dài 0,12m, quay về hướng Bắc, Yoni bị nứt, chính giữa bệ Yoni có lỗ tròn đề gắn Linga 1 phần nhưng rất tiếc đã bị mất. Toàn bộ bệ gạch không trang trí hoa văn ngoài các đường diềm chạy quanh bệ. Ngoài ra, theo báo cáo khai quật,(8) ở góc Tây Nam trong lòng tháp còn phát hiện một Yoni (kích thước 0,19m x 0,12m, khe dài 0,06m, rộng 0,01m) tạc trên một viên gạch (kích thước 0,31m x 0,19m x 0,06m). Yoni xếp chồng lên hai viên gạch khác (kích thước 0,31m x 0,18m x 0,06m và 0,17m x 0,12m x 0,06m), đây là chi tiết đặc biệt hiếm thấy ở các đền tháp Champa khác.

Diềm mái tháp cao 0,69m chia làm 3 phần: dưới là dải diềm nhô ra dày 0,06m, đến khe hẹp ăn sâu vào thân tháp, giữa là lớp diềm dày 0,13m, cắt vát vê tròn hướng lên làm nền cho diềm lớp trên (dày 0,25m) gồm 4 hàng gạch xây liền khít tạo nên, lớp này được cắt vát hướng lên như cánh hoa đối xứng với lớp vát xuôi xuống phần chân tháp, tạo nền cho đế mái tháp vươn lên. Đế mái tháp cao 0,18m gồm 4 hàng gạch xây thẳng đứng tạo nền đỡ bộ mái tháp. Các góc được cắt góc nhiều lớp nhô ra đăng đối với phần chân tháp. Phần mái tháp chính đã bị mất, có lẽ mái tháp được lợp bằng vật liệu nhẹ chứ không phải xây bằng gạch, kiểu giật cấp/Corbel, tạo ngôi điện kín như các đền tháp có niên đại từ cuối thế kỷ VIII trở đi, vì khi khai quật, các nhà nhà nghiên cứu không tìm thấy gạch đổ ở trong lòng tháp.

Cách cửa chính của tháp 12m về phía Đông, có một trụ gạch, hình vuông, cao 1,4m, gồm 19 lớp gạch xây xếp liền khối tạo nên. Gạch chế tác từ đất sét màu đỏ sẫm, được xử lý kỹ thuật tốt, lọc kỹ, độ nung cao, kích thước lớn và không đồng nhất, thường gặp là loại 0,30m x 0,18m x 0,05m; 0,28m x 0,16m x 0,04m; 0,32m x 0,2m x 0,06m. Cạnh đáy bệ rộng 1,38m với 2 lớp gạch, cao 0,14m, tầng trên thu vào cạnh dài 1,21m, đến tầng gạch vát xoải xuôi uốn mềm thu vào làm nên phần giữa trụ thắt, phần dưới có 3 lớp diềm gạch nhô ra trang trí chạy viền xung quanh. Chính giữa bệ thắt, cao 0,26m với 4 trụ góc vuông tạo nên 4 ô chữ nhật nằm ngang trang trí đỡ phần trên bệ. Phần trên bệ đối xứng với phần dưới cân đối hài hòa với 3 đường diềm trang trí, phần gạch vát hướng lên tạo dáng như tòa sen làm nền đỡ trên mặt trụ là một hình tròn gồm 19 viên gạch cắt cạnh xếp tạo nên, đường kính hình tròn là 0,76m, chính giữa có lỗ tròn ăn sâu xuống, đường kính 0,19m. Theo TS.Lê Đình Phụng, đây có khả năng là lỗ chốt gắn tượng thờ hoặc linh vật đặt trên mặt bệ, như thế trụ gạch vuông này là bệ thờ,(9) còn theo Trần Kỳ Phương thì là cột chống mái tháp,(10) còn chúng tôi cho rằng đây là bệ thờ ngoài trời của khu đền tháp này, có thể là nơi đặt tượng thờ hoặc đồ tế lễ.

Thực hiện dự án bảo tồn tháp Phú Diên, ngày 25/11/2005, công nhân thi công đã phát hiện dấu vết nền móng của công trình kiến trúc cách cửa chính của tháp 3m về phía Bắc. Từ những nhận định ban đầu, nhận thấy được tầm quan trọng của công trình kiến trúc này, một cuộc khai quật đã được tiến hành vào đầu năm 2006, làm xuất lộ toàn bộ nền móng kiến trúc mới liên quan đến khu đền tháp. Đây là phần móng còn lại của một công trình kiến trúc hình chữ nhật chạy theo hướng Bắc – Nam, bề mặt móng rộng nhất 0,79m, hẹp nhất 0,41m, dày 0,23m, được xây bằng gạch liên kết vững chắc.

Mặt bằng công trình kiến trúc được chia làm hai phần. Phần phía trước (ô nhỏ), hình chữ nhật, có cạnh dài 4,31m; rộng 3,11m, diện tích khoảng 13,4m2. Kích thước gạch không đều, phần lớn là gạch dài 0,31m, rộng 0,18-0,20m, dày 0,7m, có nhiều viên bị vỡ. Phía dưới lớp gạch là cát vàng, sỏi và đất sét đầm chặt.(11) Do được xây dựng trên mặt bằng có kết cấu địa chất yếu nên toàn bộ nền móng có xu hướng nghiêng hẳn về phía Đông và Đông Nam. Trong ô thứ nhất, cách nền móng phía Đông – Bắc 0,397m, còn lại một khối gạch có độ dài 1,5m; chỗ rộng nhất 0,8m; hẹp nhất 0,37m, dày 0,7m. Phần phía sau gắn với phần phía trước bởi cạnh chung, hướng Bắc – Nam, mặt bằng hình chữ nhật, có cạnh dài 7,4m, rộng 5,03m, diện tích 37,2m2. Ở phía đông của nền móng, còn một khối đá cát kết, dài 1.5m, rộng 0.55m, dày 0.26m, được đục lõm xuống, ba phía bên ngoài để gờ nổi cao tạo dạng chữ U, hai bên phần lõm có hai lỗ tròn, khả năng là ngưỡng cửa chính của công trình kiến trúc này.

Khi khai quật nền móng kiến trúc mới đã phát hiện một số hiện vật có giá trị như chân đèn bằng đồng; hai viên gạch có nhiều ký tự chữ Hán được khắc chìm sau khi nung;(12) hai lọ gốm nhỏ, thân hình tròn thon, phía trên có nắp đậy(13).

Vấn đề đặt ra

Vết tích còn lại cho thấy, khả năng kiến trúc này được xây phần móng bằng gạch, phía trên là bộ khung gỗ, mái lợp vật liệu nhẹ. Có thể, công trình này đã được tháo dỡ và di dời khi đền tháp Phú Diên không được tiếp tục sử dụng. Vì công trình kiến trúc này nằm ở phía đông nam của tháp chính, là hướng của thần lửa Agni trong triết lý Ấn Độ giáo, có cửa mở về hướng bắc nên chúng tôi cho rằng đây là tháp lửa/nhà bếp.

Như vậy, Phú Diên là một quần thể di tích gồm ít nhất 3 công trình kiến trúc có liên quan chặt chẽ với nhau: nhà thờ chính (Kalan), tháp lửa và bệ thờ ngoài trời. Tháp chính của đền tháp này có dáng thấp, mập, mái được lợp bằng vật liệu nhẹ, không gian nửa kín nửa mở, biểu hiện của giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn E1 đến phong cách Hòa Lai, có niên đại khoảng thế kỷ VIII SCN. Niên đại này càng được củng cố bằng niên đại C14 của mẫu than phát hiện trong lòng tháp: 750±40 năm SCN.

Với những hiện vật thu được như chân đèn, lọ gốm, độ mòn ở bậc cửa tháp chính…, chứng tỏ khu đền tháp đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, rất có thể thời gian sử dụng không dài, bằng chứng là các hiện vật thu được rất ít và niên đại không xa nhau, vả lại tháp chính cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Đến nay, không biết vì lý do gì mà ngôi tháp bị bỏ hoang nên chúng tôi cho rằng, việc ngôi tháp bị nghiêng là do sức nén của cát sau khi tháp đã bị lấp chứ không phải do tháp bị nghiêng trong quá trình sử dụng như có nhà nghiên cứu đã quan niệm.(14)

 ——————————

(1) Nơi đây trước thuộc làng Phương Diên, sau giao cho làng Mỹ Khánh quản lý nên khi khu đền tháp được đặt tên Mỹ Khánh, dân làng Phương Diên đã đề nghị đặt tên Phương Diên. Do vậy, chính quyền địa phương và các nhà chuyên môn đã thống nhất đặt tên theo xã là Phú Diên.

(2) Lê Văn Quảng và nnk (2006), Báo cáo kết quả khảo sát địa chất, đo vẽ móng bổ sung dự án bảo tồn di tích tháp Chăm Mỹ Khánh, Tài liệu lưu trữ tại Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế.

(3) Trần Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Cử, Nguyễn Miên (2007), “Vị trí và nguyên nhân bị vùi lấp trong cồn cát ven biển của tháp Chăm Mỹ Khánh (Thừa Thiên Huế)”, NPHMVKCH năm 2006, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.120.

(4) Có ý kiến cho đây là nhà chuẩn bị hành lễ (Mandapa) [Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa, 2006].

(5) Tham khảo:

– Trịnh Nam Hải (2001), “Kết quả khai quật tháp Mỹ Khánh”, TTKH&CN, số 3 (33), Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, tr. 73-83.

– Trịnh Nam Hải (2006), “Kết quả khai quật nền móng kiến trúc mới phát hiện cạnh tháp Mỹ Khánh”, NC&PT, số 1(54), tr. 19-25.

(6) Trần Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Cử, Nguyễn Miên (2007), “Vị trí và nguyên nhân bị vùi lấp trong cồn cát ven biển của tháp Chăm Mỹ Khánh (Thừa Thiên Huế)”, NPHMVKCH năm 2006, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.120.

(7) Cửa chính của các đền – tháp Champa phần lớn quay về hướng đông – mặt trời mọc, của bình minh, mở đầu chu kỳ vận hành của vũ trụ; là hướng của gió, của đấng thần linh theo triết lý Ấn Độ giáo.

(8) Trịnh Nam Hải (2001), “Kết quả khai quật tháp Mỹ Khánh”, TTKH&CN, số 3 (33), Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, tr. 73-83.

(9) Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa (2006), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, tr.54.

(10) Trần Kỳ Phương (2003), “Về mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc của nghệ thuật Champa”, NC&PT, số 2 (40), tr.31.

(11) Trịnh Nam Hải (2006), “Kết quả khai quật nền móng kiến trúc mới phát hiện cạnh tháp Mỹ Khánh”, NC&PT, số 1(54), tr. 21.

(12) Theo chúng tôi, đó là những chữ Hán được khắc lên các viên gạch sau khi đã được nung vì các đường khắc này chìm sâu xuống, khác với việc khắc tạc trước khi nung, sau khi gạch ra lò, những đường gờ đó sẽ nổi lên. Thực tế, chúng ta rất khó khẳng định, các chữ Hán đó có được khắc cùng thời với việc xây dựng tháp hay không? Việc giải mã nội dung các ký tự chữ Hán đó có thể góp phần làm sáng tỏ vấn đề nhưng chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng nó được khắc cùng thời với tháp, bởi lẽ, trong những năm gần đây, việc phát hiện các viên gạch có ký tự chữ Hán trong các di tích Champa là không hiếm. Vả lại, những bằng chứng về di tích, di vật cho thấy sự tồn tại của đền tháp Phú Diên là không lâu dài trước khi bị bỏ hoang, vùi lấp và như vậy, nếu viên gạch này có được viết chữ sau khi dựng tháp thì sự chênh lệch về niên đại cũng không lớn.

(13) Trịnh Nam Hải (2006), “Kết quả khai quật nền móng kiến trúc mới phát hiện cạnh tháp Mỹ Khánh”, NC&PT, số 1(54), tr. 19-25.

(14) Trần Kỳ Phương (2006), “Bước đầu xác định danh hiệu các tiểu quốc thuộc miền Bắc vương quốc cổ Chiêm Thành khoảng giữa thế kỷ 11-15”, NC&PT, số 1(54), tr. 26-32.

Nguồn: Sở du lịch Thừa Thiên Huế

Khám Phá Di Sản tổng hợp

5/5 - (1 bình chọn)