Khamphadisan.com – Cồn Mỹ Phước từ xưa đã nổi tiếng với đủ loại trái cây có vị ngọt thanh ngon miệng, hấp dẫn nhiều du khách tìm đến, và dần dần trở thành địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với Sóc Trăng.
ảnh: sưu tầm
Nằm gần cuối hạ lưu sông Hậu, cồn Mỹ Phước thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ – huyện Kế Sách – tỉnh Sóc Trăng. Để đến với cồn Mỹ Phước hiện nay rát thuận tiện và bạn có thể đi theo 1 trong 2 cung đường sau:
- Cung đường đầu tiên: Từ Tp.Sóc Trăng bạn đi theo QL.1A về phía tây bắc tầm khoảng 6km đến ngã ba An Trạch, rẽ phải đi theo Tỉnh lộ 1 thêm 12km đến huyện Kế Sách. Tiếp tục bạn đi theo Tỉnh lộ 5 chừng 10km đến bến phà Nhơn Mỹ rồi qua sông 1km là sẽ đến cồn Mỹ Phước.
- Cung đường thứ hai: Từ Tp.Sóc Trăng đi theo QL.60 về phía đông bắc khoảng 18km đến xã Đại Ngãi, bạn rẽ trái theo hướng Tỉnh lộ 11 khoảng 6km đến bến đò xã Song Phụng (huyện Long Phú) rồi qua sông 1,5km là đến cồn Mỹ Phước.
ảnh: sưu tầm
Được hình thành từ sự bồi đắp phù sa của sông Hậu, cồn Mỹ Phước với diện tích tự nhiên khoảng 1.020ha, đây cũng là nơi sinh sống của hơn 400 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Nhìn từ trên cao, cồn có hình bầu dục với hai đầu thắt lại, đoạn giữa lại phình ra với chiều rộng trên 500m. Cồn Mỹ Phước được bao bọc xung quanh bằng những thân đê vững chãi, hệ thống đường xá trên cồn đều đã được trải bê tông khang trang thuận tiện cho việc đi lại.
ảnh: sưu tầm
Trải qua nhiều thời kỳ, cồn Mỹ Phước cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Lúc ban đầu mới hình thành có tên là cồn Công Điền, rồi cồn Quốc Gia sau đó là cồn Mỹ Phước… Theo như người dân địa phương cho biết, ban đầu nơi này chỉ mọc toàn cây dại; cây cối cũng nổi chìm theo từng đợt nước lên, nước xuống.
ảnh: sưu tầm
Năm 1946, vợ chồng ông Thợ Sáu là người đầu tiên quyết tâm định cư trên đất cồn. Ông đã khai phá đất hoang, bao bờ ngăn nước, lập vườn. Thấy đất đai nơi này màu mỡ, đã có nhiều nông dân nghèo từ đất liền lần lượt rủ nhau đến đây tiếp tục khai hoang, tạo dựng cơ nghiệp, biến mãnh đất hoang thành những vườn cây đặc sản như: chôm chôm, hồng xiêm, nhãn, măng cụt, sầu riêng, cam, quýt…
ảnh: sưu tầm
Với nền khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của vùng sông nước cồn Mỹ Phước là môi trường rất thích hợp để các loài cây ăn trái phát triển, nhờ vậy diện tích vườn đã trải rộng lên đến hơn 300ha, với đủ loài cây ăn trái như: nhãn, xoài, mãng cầu (na), hồng xiêm (sapôchê), chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… còn có vườn trồng tỉa thêm cam, quýt, bưởi… Trong những năm gần đây, người dân nơi đây còn phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, và làm du lịch sinh thái.
ảnh: sưu tầm
Cồn Mỹ Phước cũng đã đầu tư xây dựng khu du lịch với tên gọi “Khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước” trên diện tích 110 ha, bao gồm các hạng mục như: quảng trường, sân khấu ngoài trời, cơ sở lưu trú, hệ thống điện chiếu sáng, sân, cổng, bồn hoa, cầu tàu du lịch… đã đi vào hoạt động.
ảnh: sưu tầm
Ngoài ra, Cồn Mỹ Phước đã dần định hình vùng trồng cây cho trái quanh năm, môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp và từng bước phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng xứ cồn như: du lịch sông nước miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng… phục vụ du khách gần xa.
Thời điểm khách đến tham quan Cồn Mỹ Phước đông vui nhất là vào dịp tết Đoan Ngọ hàng năm hoặc vào các tháng hè, bởi lúc này nhiều loại trái cây vào mùa chín rộ, tỏa hương thơm bảng lãng khắp cồn, như mời gọi du khách đến thưởng thức trái chín cây thỏa thích.
ảnh: sưu tầm
Hàng năm, vào thời điểm tết Đoan Ngọ nơi đây thường diễn ra lễ hội Sông nước miệt vườn được tổ chức vào 2 ngày (04 – 05/05 âm lịch), cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm tính dân gian như: hội thi trái cây, đờn ca tài tử, hội thi ẩm thực miệt vườn,… cùng với các môn thể thao sôi nổi như: thuyền rồng, nhảy bao, đua vỏ lãi, đập nồi… thu hút rất nhiều du khách đến với khu du lịch xanh Cồn Mỹ Phước.
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng
- Những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Sóc Trăng
- Khám phá nét độc đáo của ngôi chùa có dơi ở tại Sóc Trăng
binhqb94