MẠC KÍNH CHỈ
Mạc Kính Chỉ – con của hoàng thân Mạc Kính Điển và là cháu nội của vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) cũng gây nên chuyện động trời vì ham sắc dục.
Sách Đại Việt thông sử viết: “Mạc Kính Chỉ là con cả của Kính Điển, mới đầu được phong là Hùng Lễ Vương, vì tư thông với người thiếp của cha nên bị giáng xuống làm thứ dân, sau đó lại khôi phục, phong là Đường An Vương”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Vụ việc loạn luân giữa Mạc Kính Chỉ với vợ của cha xảy ra vào đầu năm Giáp Tý (1564)”.
Nhưng có một số điểm khác: “Bấy giờ, con trưởng của Kính Điển là Đoan Hùng Vương Kính Chỉ ngầm tư thông với vợ lẽ Kính Điển, việc phát giác phải giáng làm thứ dân ; lấy con thứ là Kính Phu làm Đường An Vương, giao cho binh quyền. Đến khi Kính Điển chết, họ Mạc lại cho Kính Chỉ làm Hùng Lễ Công, nhưng không cho binh quyền”.
ĐÔNG CUNG THÁI TỬ LÝ LONG XƯỞNG
Lý Long Xưởng là con trưởng của Vua Lý Anh Tông, được lập làm Đông cung Thái tử, tước Hiển Trung vương. Và từ buổi đó, ngôi vị hoàng đế Đại Việt tương lai dường như đã cầm chắc trong tay Long Xưởng. Tuy nhiên, từ khi được lập làm Thái tử, Lý Long Xưởng chỉ lo ăn chơi, đàn đúm và đặc biệt vô cùng hoang dâm hiếu sắc, bất chấp loạn luân…
Đông cung Thái tử Long Xưởng đã thông dâm với cả cung phi của vua cha Anh Tông. Sách Đại Việt sử lược viết: “Long Xưởng có tính hiếu sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long Xưởng đều tư thông với họ…”.
Theo Đại Việt sử lược, trong số các phi tần, Vua Lý Anh Tông đặc biệt sủng ái bà Nguyên phi Từ Thị. Nhằm hạ bệ tình địch, Hoàng hậu Chiêu Linh (mẹ đẻ của Long Xưởng) đang tâm xúi con mình làm điều vô đạo, sai Long Xưởng ngầm giở ngón tư tình để mê hoặc Từ Thị, muốn cho bà Nguyên phi này bị nhà vua nhạt tình. Biết vậy, Từ Thị đem hết việc đó tâu vua… Hoàng đế Lý Anh Tông giận dữ tột cùng, đã hạ chỉ phế Long Xưởng.
CUỘC “NỘI HÔN” – LẤY NHAU TÁ LẢ CỦA HỌ TRẦN
Trong lịch sử vương quyền Việt Nam, nhà Trần là một triều đại hưng thịnh nhất trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, kéo dài 175 năm.
Về võ công, đây là vương triều đã thống lĩnh quân dân Đại Việt ba lần đại phá quân Nguyên Mông, bình phục Chiêm Thành, mở mang bờ cõi đến xứ Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế ngày nay).
Về văn hiến, đây là vương triều đã nhen lên ngọn lửa khai phóng, tập thành một trào lưu tư tưởng Thiền học vừa cởi mở vừa sâu sắc, mà đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tuy nhiên, về tinh thần “cởi mở” trong “quan hệ nội hôn” của vương triều Trần, các sử gia đã viết Đại Việt sử ký toàn thư về Nhà Trần đều lên án.
Nho gia nghiêm cẩn như Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên hay Dực Tông hoàng đế Tự Đức đã đay nghiến là dâm loạn, buông tuồng …
Theo thống kê, nhà Trần có khoảng 35 cuộc hôn nhân nội tộc, trong đó có Vua Trần Anh Tông. Là con trưởng của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Khâm từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu, Trần Anh Tông đồng nghĩa là cháu nội của Trần Thánh Tông, cháu ngoại Trần Hưng Đạo, chắt nội Trần Thái Tông.
Thế nhưng, nhà vua lại lấy Thuận Thánh, con gái Trần Quốc Tảng, là cháu nội của Trần Hưng Đạo, chắt Trần Liễu …
Như vậy, quan hệ vợ chồng này là cháu cô cháu cậu (Trần Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) hay chắt chú chắt bác lấy nhau.
VŨ VƯƠNG NGUYỄN PHÚ KHOÁT
Cũng theo sử liệu, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) là vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử. Ông được đánh giá có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18) nhưng lại bị quy kết là người đưa dần sự nghiệp của các chúa Nguyễn xuống vực thẳm bởi loạn luân với một bà công nữ.
Và câu chuyện là sau khi hoàn thành công cuộc Nam tiến, vào những năm cuối đời, Chúa Võ đâm ra say mê tửu sắc, không còn thiết tha việc nước. Cùng lúc đó, Trương Thúc Loan vốn được Chúa tin cậy, trao cho rất nhiều quyền binh, nhưng chưa vừa lòng. Là một tay gian hùng, tham lam, tàn nhẫn và thủ đoạn, Loan có thể làm bất cứ điều gian ác nào để có thêm quyền hành và của cải. Hành vi thâm độc nhất của Loan là đẩy cháu mình đang ở ngôi vương vào vòng loạn luân.
Cô em con chú của Vũ Vương là Công nữ Ngọc Cầu (ái nữ của Nguyễn Phúc Điền) có nhan sắc kiều diễm trang đài của một giáng tiên. Biết Chúa là người hiếu sắc, Loan tìm cách tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên ra vào trong Vương phủ và gần gũi Vương … Kết quả của những lần lăn lóc ái ân vụng trộm, bà Ngọc Cầu đã mang thai với ông anh đồng đường và sinh ra một công tử. Cũng từ đó, Công nữ Ngọc Cầu nghiễm nhiên trở thành một cung phi được sủng ái bậc nhất trong phạm vi tả hữu hành lang.
Để xây dựng thế lực cho mình, Ngọc Cầu đã tỉ tê bên tai Chúa, giúp anh em của mình đều được trọng dụng ban quyền cao, lộc hậu.
Cụ thể, Nguyễn Phúc Viêm (anh bà) làm Chưởng thủy cơ, Nguyễn Phúc Nghiêm (em Viêm) giữ chức Nội hữu, Chưởng dinh quản Bộ Lại, Bộ Binh, lãnh Tả phủ Chưởng phủ sự dinh Quảng Nam.
Tuy nhiên, về con sinh ra giữa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát với Ngọc Cầu là Nguyễn Phúc Thuần, vì không thoát khỏi mặc cảm loạn luân, Chúa đã không được lập kế vị như mong muốn của người đẹp.
Thấy vậy, Ngọc Cầu lo lắng bàn với Trương Phúc Loan tìm cách đối phó. Khi Võ Vương qua đời, Ngọc Cầu và Trương Phúc Loan không chịu phát tang, lập tức cho gọi 100 võ sĩ nấp sẵn trong vương phủ, gây ra một cuộc tàn sát, rồi tôn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi.
Và thế là, loạn nước xảy đến…