Làng cổ Phước Tích nổi tiếng nhờ nghề làm gốm, bên cạnh đó Làng gốm Phước Tích là một trong số ít ngôi làng còn bảo lưu được những giá trị văn hóa, lịch sử của một ngôi làng miền quê Việt Nam. Ngôi làng nằm lặng lẽ bên dòng sông Ô Lâu có tuổi đời hơn 500 tuổi…
Vị trí làng cổ Phước Tích
Cách kinh thành Huế chừng 40 km về phía Tây Bắc, làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) tọa lạc trên một vùng đất cao ráo được gọi là xứ cồn Dương. Làng được bao bọc bởi một khúc quanh trong xanh, mềm mại của dòng Ô Lâu mà nhìn từ trên cao, như chiếc túi rút đựng tiền và chỉ có một mặt Bắc – Đông Bắc giáp làng chạm khắc Mỹ Xuyên nổi tiếng.
Dân làng tin rằng địa thế đó là yếu tố phong thuỷ đem lại vượng khí cho làng và cũng trên khúc quanh đó của dòng sông, từ xa xưa đã hình thành nên 12 bến nước: bến Cừa, bến Cạn, bến Vạn, bến Đình, bến Lau, bến Lò, bến Chùa, bến Hội; rồi bến Cây Bàng, bến Cây Thị, bến Miếu Vua, bến Cầu.
Lịch sử hình thành làng cổ Phước Tích
Một cách ngẫu nhiên, lịch sử khai lập làng xã của Phước Tích cũng gắn với thập nhị tôn phái (12 họ tộc) gồm: họ Đoàn, Hoàng, Hồ, Lê Ngọc, Lê Trọng, Lương Thanh, Nguyễn Bá, Nguyễn Duy, Nguyễn Phước, Phan, Trần, Trương (xếp theo abc), trong đó người có công đầu là ngài họ Hoàng. Phả chép ngài là người làng Cảm Quyết (Quỳnh Lưu, Nghệ An), làm quan tới chức Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty, Chỉ huy sứ, Quản tri Phó tướng Hùng Minh hầu, phò vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh Chiêm Thành năm 1470. Sau đó, ngài đã ở lại Thuận Hóa, bao chiếm xứ Cồn Dương, chiêu mộ thêm người để lập ấp dựng làng, đặt tên là Cảm Quyết để tưởng nhớ quê cha đất tổ vùng núi Quyết (Nghệ An). Trải qua lịch sử hàng trăm năm, làng Cảm Quyết lần lượt đổi tên thành Phước Giang (thời chúa Nguyễn), Hoàng Giang (thời Tây Sơn) và Phước Tích, từ thời Nguyễn đến nay.
Nguồn gốc cái tên Phước Tích
Ngoài tên chữ Phước Tích, làng còn có tên Nôm là Kẻ Độôc, hay làng Độôc Độôc, phản ánh sinh kế chính của dân làng Phước Tích trong quá khứ là nghề gốm đất nung mà độôc và các loại đồ đựng gia dụng khác bằng đất nung là sản phẩm chủ đạo. Theo truyền ngôn, ngài Hùng Minh Hầu là người có công truyền nghề gốm cho người Phước Tích trong hành trang mang theo từ cố hương đất Bắc. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn có truyền thuyết khác về ông Độôc với tư cách là một vị tổ nghề: Ông Độôc là bạn ngài thỉ tổ Hoàng Minh (Ngọc) Hùng, vóc người khỏe mạnh, tướng mạo dữ tợn, thạo nghề sông nước và rất giỏi việc làm gốm. Ông Độôc ở lại với dân làng qua lời giới thiệu của ông Hùng, tận tình chỉ dạy cho dân tất cả các khâu kỹ thuật trong nghề gốm. Đến khi mẻ gốm đầu tiên do người làng đảm trách ra lò hoàn hảo, thì ông Độôc lặng lẽ ra đi, không báo là mình đi đâu. Dân làng tưởng nhớ công lao của ông và từ đó gọi sản phẩm của mình là “kẻ độôc”, “đồ độôc”.(1)
Không những thế, tên làng (kẻ Độôc), tên sông (sông Độôc), tên đất (truông Độôc) đã cho phép suy luận rằng: với người làm gốm đất nung ở Phước Tích, Độôc chính là vật tổ, là tôtem và rất nhiều khả năng có một cộng đồng làm nghề độôc độôc đã tồn tại trước khi đoàn người của ngài Hoàng Minh Hùng đến xứ Cồn Dương; họ đã sẵn lòng chia sẻ tri thức nghề nghiệp cho những người mới đến.
Tiếp cận xứ Cồn Dương, điều đáng quan tâm là nghề độôc độôc ít nhiều có liên quan đến xứ Cồn Dương linh thiêng cùng lớp lớp chủ nhân bản địa tiền trú. Truyền thuyết Ông Nồi đậm nét huyền thoại mang tính sáng tạo suốt quá trình mở cõi của người Việt, nhằm Việt hóa nguồn gốc hay ảnh hưởng của sinh kế phi nông nghiệp độc đáo này thông qua yếu tố huyền thoại hóa về một nhân vật khai canh, có quê hương bản quán Cảm Quyết xứ Nghệ đầy đủ, tựa như danh xưng miếu Quảng Tế mang đậm chất Việt nhưng thực chất chỉ là lớp áo bên trên một dấu tích văn hóa phi Việt đặc sắc: Bà Zàng/Bà Dương/Dương Phu nhân, mà trong tước hiệu sắc phong thời Nguyễn, có hai từ Quảng Tế, hàm nghĩa ban phát ân đức rộng rãi. Tâm lý Nhị nguyên hình thành, đặc biệt quan trọng đối với cư dân Việt buổi đầu trên vùng đất mới. Một mặt, lớp lớp tiền nhân Phước Tích luôn tìm cách “Việt hoá” nguồn gốc và ảnh hưởng của nghề gốm đất nung khi đồng nhất hình tượng Ông Nồi với ngài Khai canh Hùng Minh hầu nhưng mặt khác, họ vẫn rất sợ bởi yếu tố “bản quyền” từ những cộng đồng cư dân bản địa phi Việt.
Có lẽ do vậy mà trong đời sống tín ngưỡng, Miếu Đôi được hình thành, được gọi chung là Miếu Khai canh, bao gồm hai ngôi miếu, một thờ ngài Khai Canh Hùng Minh hầu và một thờ Bổn nghệ thờ vị tổ nghề gốm đất nung. 4. Cho dù ai là ông tổ nghề thật sự của làng gốm đất nung thì những sản vật được nắn nhồi từ đất, từ lửa, từ nước của dòng Ô Lâu, từ sự nhọc nhằn tần tảo này đã sớm đưa Phước Tích trở thành một danh hương. Từ thế kỷ XV, Ô Châu Cận lục đã ghi nhận: “đồ gốm ở làng Dũng Cảm, Dũng Quyết (Cảm Quyết) huyện Kim Trà lợi cũng chẳng nhỏ”, hay “gái Vĩnh Cố dệt gấm thêu hoa, người Dũng Cảm nung đất làm gốm”.(2)
Thương hiệu của gốm Phước Tích cũng được biết đến rộng rãi qua câu ca:
“Chạm trổ nổi tiếng Mỹ Xuyên. Phước Tích đồ gốm, đóng thuyền Thuận An”
Thậm chí từ cuối thế kỷ XVI, cùng sự mở rộng giao thương bằng đường biển của xứ Đàng Trong, gốm Phước Tích còn vươn đến Nhật Bản qua cửa biển Hội An với tên gọi “gốm Nam man”, sử dụng một cách trân trọng trong các buổi tiệc trà của Nhật. Nếu đặt trong mối tương quan với dòng chảy gốm sứ của nhân loại, lịch sử 500 năm của gốm Phước Tích chưa phải là dài. Song, sự hình thành của làng gốm Phước Tích đã ghi lại dấu ấn của những lưu dân, mộ dân trong buổi đầu khai thiết miền đất mới là một biểu tượng đẹp của dân tộc Việt về ý chí, nghị lực và khát vọng vươn xa.
Nếu đặt bên cạnh nền gốm sứ vĩ đại của Trung Hoa, hay thậm chí ở miền Bắc, gốm Phước Tích không có được cái mỏng mảnh, thanh tao với những gam màu phong phú nhưng tất cả cái hồn hậu chân chất của người bình dân Việt lại được kết tinh trong hình dáng thô mộc của những lu, hủ, đôộc…, trong cái hữu dụng của om, trách, trình, thống… Đặc biệt, gam màu đơn sắc nâu đỏ của đất nung, hay màu da lươn khó diễn tả của đồ sành cùng với những họa tiết đơn giản chính là giá trị mà nhà các nghiên cứu gọi là hằng số văn hóa của gốm cổ Việt Nam.
Tính đặc trưng của gốm Phước Tích còn thể hiện ở chỗ: nó hiện diện với tư cách là một làng nghề truyền thống với một cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ, tính phường hội cao; có quy trình công nghệ cố định (gồm làm đất, chuốt gốm, sửa nguội, nung và ra lò); sản phẩm đa dạng và có thị trường sớm vươn xa, thậm chí là xuất khẩu nước ngoài. Ngoài ra, các thành viên trong cộng đồng sản xuất còn gắn kết nhau bởi một hệ thống thiết chế đi liền với các nghi thức tâm linh có từ lâu đời, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, biểu hiện rõ nét ở lễ cúng tổ nghề diễn ra vào ngày mồng 5/11Âl hằng năm tại miếu Đôi, nơi thờ ngài khai canh và ngài Bổn Nghệ.
Nghề làm gốm làng Phước Tích
Không dừng lại ở đó, sự gom góp của những người thợ quanh năm xên – chuốt – phơi – nung; sự chắt chiu dành dụm của những người chị, người mẹ đòn gánh đè vai đi từ làng này sang làng khác để bán hoặc đổi từng cái om, trách, ấm chén lấy từng hạt lúa… đã góp phần nuôi lớn ý chí của nhiều thế hệ thanh niên Phước Tích tu chí học hành. Có người phấn đấu vì muốn bản thân, gia đình thoát khỏi cuộc sống khó khăn; có người vì chữ Hiếu, vì sự kỳ vọng của mẹ cha…, nhưng tất cả những người đỗ đạt đã có ảnh hưởng lớn trở lại đối với cộng đồng. Họ là tấm gương cho cả làng noi theo và cứ thế, những ông cử nhân, tú tài ngày một nhiều thêm ở Phước Tích, đến độ dân gian có câu rằng: Tú tài lấy triêng mà gạt [đong], Cử nhân lấy trạc mà sương [gánh]. Và vai trò kinh tế do nghề gốm đem lại là điều không thể phủ nhận. Ba Phủ chín Chu, Không khỏi cái lu cái đôộc chính là câu ca mang hàm ý và tinh thần đó.
Sự sung túc do nghề gốm đem lại, nhất là sự hiển đạt của người Phước Tích trên con đường khoa hoạn cũng là cơ sở cho sự xuất hiện dày đặc của của những nếp nhà rường – một kiểu kiến trúc gỗ tiêu biểu của xứ Huế dưới triều Nguyễn. Mặc dù đây không phải là kiểu không gian cư trú riêng có ở Phước Tích nhưng nét đặc trưng chính là ở sự mật tập của trên 30 ngôi nhà, chủ yếu được xây dựng vào thế kỷ XIX. Về mặt bố cục, nhà rường xưa nơi đây chủ yếu theo dạng chữ Đinh (丁), gồm một nhà chính và một nhà phụ. Tuy nhiên, do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác mà nay hầu như chỉ còn nhà chính là phần nào giữ được nguyên trạng, chủ yếu dạng 3 gian 2 chái, 1 gian 2 chái. Nhà 3 gian 2 chái thường có mặt bằng khoảng (7.5 – 8) m x (11 – 14) m, có 8 cột cái (cột hàng nhất), 16 cột lỡ (cột hàng nhì), 24 cột con (cột hàng ba), 8 cột hàng hiên, tổng cộng 56 cột (không kể cột hiên bên, hiên sau và tiền đường). Dạng thức nhà có rầm thượng chạy suốt ba gian, có chức năng như một kho thóc ở trên cao của gia đình. Điểm chung của nhà rường là bao giờ gian giữa (gian chính) cũng có lòng căn rộng hơn hai gian tả hữu.
Tất cả các chi tiết của bộ khung gỗ được nối kết với nhau bằng những ngàm, mộng, miệng, nêm, chốt; không sử dụng đinh, ốc, vít, dây néo hay bất cứ chi tiết kim loại nào, cũng như không có sự nối kết kiên cố nào giữa phần gỗ và nền móng. Cột đặt trên các chân cột bằng đá đẽo thành hình khối vuông hay hình trái bí để chống ẩm, mối mọt. Móng nhà rường thường được xây bằng đá hộc, đá chẻ, tường xây gạch, nền bằng đất nện, tráng xi măng hay lát gạch carô. Bộ mái nhà rường thường thấp bởi hạn chế của kiểu kiến trúc gỗ, và cần độ xuôi lớn để thích ứng với điều kiện mưa nhiều. Mái nhà chủ yếu lợp bằng ngói liệt với nhiều lớp ngói liên kết, chồng, xen kẽ lên nhau (lợp lòng ba, lòng năm), khác với các loại ngói móc có những bộ phận bám vào nhau theo nguyên tắc lồi lõm. Ngoài ra, trên các chi tiết gỗ là hệ thống hoa văn trang trí tinh xảo mà chúng ta có thể nhìn thấy các motif như: dây lá, hoa trái, hình tượng con vật, ngòi bút, cuốn vở, chữ cách điệu…, phản ánh nổi bật tinh thần Nho giáo và Phật giáo. Ở mỗi nếp nhà rường người ta cũng có thể cảm nhận được cốt cách, tâm hồn của chủ nhân qua cách bài trí nội thất với các đồ gỗ gia dụng: bàn thờ, hoành phi, câu đối, ngựa, hòm rương, trường kỷ,.v.v. Về mặt phân chia không gian sinh hoạt, tương tự dạng thức nhà rường Huế, người Phước Tích dùng nhà chính (nhà trên) làm nơi thờ tự (gian giữa); nơi ở của ông chủ nhà (phòng Tây thuộc dương) và nơi ở của bà chủ (phòng Đông, thuộc Âm). Nhà phụ (nhà dưới) cũng được phân chia thành nhiều gian nhỏ, vừa làm nơi tiếp khách, vừa là nhà ở của những tiểu gia đình, vừa làm phòng ăn, nhà bếp… Mặc dù hiện nay phần nhiều nhà phụ được làm mới theo kiểu kiến trúc và chất liệu hiện đại nhưng những chức năng vốn có vẫn không thay đổi.
Hệ thống di tích, nhà vườn ở Phước Tích
Bao quanh nhà rường Phước Tích là những hàng rào chè tàu, giậu hóp và cả khu vườn mướt xanh tĩnh lặng. Để ý quan sát, có thể thấy rằng lối đi từ cổng vào nhà thường được kiến tạo theo hình zích zắc, vừa tránh trực diện vào cửa chính theo quan niệm phong thủy, vừa giúp gia chủ dễ dàng quan sát để chuẩn bị tâm thế đón khách. Khoảng sân trước nhà có bức bình phong bằng cây xanh được cắt xén theo khuôn khổ, hoặc xây bằng gạch tô vôi vữa. Sát bình phong là bể cạn với hòn non bộ được làm theo nhiều hình thù khác nhau. Chung quanh khu vực này là những chậu trồng cây cảnh, cây thế và các loại hoa đặc trưng. Có thể nhìn thấy trong khu vườn một hệ thống đa chủng loại cây trồng, chen chúc để tồn tại một cách hợp lý trong bóng rợp của nhau. Đặc biệt là sự hiện diện nhiều giống loài phục vụ cuộc sống của chủ nhân trong nhiều lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, tín ngưỡng – phong tục, gia vị, hương liệu, dược liệu, lá gói, chất đốt, sinh hoạt. Tất cả, gợi lên sự chan hòa giữa thiên nhiên và con người.
Không chỉ không gian cư trú, Phước Tích còn có một hệ thống kiến trúc cộng đồng dồi dào. Tài sản ấy cũng đã phần nào cho thấy, từ quá khứ, người dân nơi đây đã có cuộc sống vật chất – tinh thần trù phú, cả nơi ở và đặc biệt quan tâm kiến thiết các cơ sở thờ tự, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, chiêm bái. Điều đặc biệt là giữa nhà ở và nhà ở, giữa nhà ở và các kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo không hề tồn tại một ranh giới vật lý nào quá lớn mà tất cả được phân bố đan xen dọc theo con đường làng ven sông Ô Lâu, vòng qua hà sen và các đường xóm quanh co, mà điểm bắt đầu hay kết thúc đều gặp trục đường chính. Hơn thế, các công trình kiến trúc này luôn có sự ăn ý với nền cảnh thiên nhiên xanh mướt, liên hoàn. Đó là “một đại khuôn viên cấu thành bởi hàng chục tiểu khuôn viên (…).
Sự thống nhất chung của không gian làng thể hiện trong sự chuyển hóa không gian to và nhỏ, cùng các tiểu cảnh luôn biến đổi, từ khoảng không của sông Ô Lâu, sang những con đường làng, vào các ngõ, nhập vào các vườn nhà, nhỏ đi dần, song không khép kín lại. Những điểm nhấn tâm linh, tạo nên bởi cây thị đại cổ thụ che phủ ngôi miếu cổ, hoặc bởi cây bàng đại cổ thụ che phủ bến thuyền… gợi nên những hình ảnh quen thuộc, tiềm ẩn nét thiêng liêng, mà nhiều làng xóm Việt thường vẫn được nạm xuyến”.(3)
Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:
* Đình làng: Trong quá trình hình thành và phát triển, sau nhiều biến động lịch sử, đình làng Phước Tích đã có sự thay đổi về vị trí, quy mô, thậm chí cả đối tượng thờ cúng. Phước Tích vốn có 2 ngôi đình: đình Đại ở xóm Hạ Hòa/xóm Cầu là nơi diễn ra các hoạt động tế tự, và đình Trung ở xóm Trung Hòa/xóm Đình – nơi hội họp của làng. Gia phả họ Nguyễn Bá còn cho biết cả hai đình được xây dựng vào khoảng năm 1825. Về sau, cùng với chùa và nhiều ngôi miếu khác trong làng, hai ngôi đình đều bị thiêu rụi trong chiến tranh chống Pháp.(4)
Năm Kỷ Tỵ (1955), đình Trung được tái thiết, dù không được căn nhà ba gian hai chái bề thế như cũ nhưng đã trở thành nơi phối thờ Thành Hoàng, Khai canh cùng với Thập nhị tôn phái. Năm 1999, đình đã được tôn tạo khá bề thế, dù diện tích vẫn không bằng như xưa. Hiện nay tại đình làng vẫn lưu giữ ba tấm bia công đức hơn 100 năm với hoa văn ở trán bia theo motif lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long triều thái cực; diềm bia có hoa văn dây lá cách điệu. Đó là những tấm bia ghi ơn quý bà: – Hồ Thị Quỳnh, bia cao 78cm, trán rộng 42cm, thân rộng 33cm, dày 11cm, lòng bia cao 45cm, bề ngang lòng 22cm. Bia đề lạc khoản ngày mồng 9/11/Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9 (1897), dựng bên trái, nguyên văn: Mùa đông năm Đinh Dậu (1897), tôi nhàn cư, ở tại làng Phước Tích, tổng Phò Trạch, huyện Phong Điền. Các hào lý đến xin tôi bài văn. Tôi gạn hỏi, bèn đưa xem tờ đơn trình lên phủ. Đơn nói rằng: Làng đó không có ruộng đất cấp cho dân làng làm sưu dịch đắp đường. Người làng là Hồ Thị Quỳnh, vợ của thí sinh Lê Trọng Bình, nguyên dự kỳ thi Hương năm Đinh Hợi (1887), đã xuất tiền 01quan, lúa 03 thăng, cấp cho dân phu. Dân phu tình nguyện dựng bia ghi lại. Phủ đã phê thuận cho dân làm. Lại đưa tôi xem bản thảo bài minh.
Minh rằng:
“Núi Phước sơn cao
Chọn viên đá đẹp
Sinh người phú hào
Vừa trắng vừa bền
Nghĩ đến dân nghèo
Ghi lại sự tích
Lúa ấy tiền ấy
Chuộng đức thế này
Chẳng tiếc chẳng keo
Đáng kính đáng thân
Dân được vẹn toàn
Mãi không thể mòn”
Tôi khen lớn lao thay! Trọng Bình giàu văn lại giàu nghĩa. Có của mà có đạo, tích giữ mà làm được điều thiện, không phải cầu danh mà danh vẫn bất hủ. Lời phủ phê cho và lời minh của dân làng đủ để bền vững cùng bia đá, hà tất dùng văn tôi. Thành Thái năm thứ 9, ngày mồng 9 tháng 11. Nguyên thự Tuần vũ, lãnh Bố chánh sứ Trần Tử Nông. Thí sai cửu phẩm ở ty thợ khắc đá Nguyễn Hoàn, kính khắc.(5)
– Lương Thị Toại, bia cao 86cm, trán rộng 45cm, thân rộng 35cm, dày 11cm, lòng bia 53cm x 25cm, dựng bên trái, nằm ngoài tấm bia thứ nhất, nguyên văn: Năm Đinh Dậu (1897), các hạt Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị đem việc rất khẩn báo lên, quan đại thần đã bao phen toan liệu, nỗi lo thật lớn lao vậy. Làng ta vốn không có điền thổ, dân làng nhao nhao chờ bữa. Thân hào đều khó tìm ra phương kế. Bà vợ của cố thí sinh Nguyễn Văn Tuyển là Lương Thị Toại khẳng khái nói rằng cứu cơn ngặt, giúp khi thiếu là việc thiện vậy. Làm việc thiện phải tùy sức đến đâu, nếu đợi chờ dư giả mới làm thiện thì còn lâu. Bèn bảo con gái xuất 400 cối gạo, 25 hộ lúa chia cấp cho dân làng. Điều đó không có nghĩa là mong cầu được tha giảm lao dịch, lại không phải là cầu mong khen thưởng. Một tấm lòng bố thí mà không cần báo đáp, thật là kẻ làm thiện hồn nhiên. Nếu mọi người đều được như thế, nơi nơi đều như thế há không đủ bồi bổ kho trời, cứu giúp dân nghèo, nuôi dưỡng khí hòa, giảm nỗi lo của triều đình sao? Có lòng có sức, không nhường ai, một người phụ nữ đã chuyên làm việc thiện, đáng thân lên quan, cho khắc vào bia đá. Nguyễn Uyên Ngu, Dực thiện phủ Tuy An quận công soạn. Thành Thái năm thứ 10 (1898), ngày mồng một tháng 2. Bổn xã kính khắc.(6)
– Lương Thị Dao, bia cao 86cm, trán rộng 42cm, thân rộng 36cm, dày 9cm, lòng bia 53cm x 24cm, dựng bên phải, nguyên văn: Phận sự phải làm của nam nhi mà lại phát xuất từ nữ nhi thì quả là một phong thái cao khó thấy trên đời, thế mà lại có ở xóm làng. Giữ gìn mà đúng đạo lý, giúp người như thế gọi là ‘từ’. Bà vợ hiền đức nhà họ Lương, một danh môn của làng ta, húy Dao, bản tính ôn hòa, đã giúp cho chồng đạt được tiếng khen là bậc thiện nhân ở trong làng. Bà đã dạy con bằng đạo nghĩa, lấy thi thư làm của báu truyền đời. Đến nay là lúc mất mùa đói khó, thương xót họ hàng bị cơn quẫn bách như lửa cháy mày, mắt thấy mà lòng đau, đã tự xuất gạo 40 cối, lúa 120 hộc làm nhu cầu hôm sớm, giúp cho bữa sáng bữa chiều để làm trơn trục xe rít, tươi rễ cây khô. Cũng bởi không nỡ nghe tiếng gào khóc, có được tấm lòng trắc ẩn, lại chẳng hề tiếc lúa tiền. Ôi! Phong thái khẳng khái tựa như tấm lòng bố thí đó đã làm sáng tỏ bậc nữ lưu.
Tuy lòng nhân tự phát không cần báo đáp như bậc vương tôn, mà lòng tốt đẹp cũng sáng tỏ, há dám quên ơn sâu của phiếu mẫu, bèn lập bia kính khắc danh thơm dựng ở trước cổng làng, bên tả đình thần, khiến cho lưu lại tiếng thơm trong bút mực, nối tiếp sâu xa khuôn thước, truyền bá lời ca hay, chẳng phải khen tặng suông áo mũ mà làm cho ai nấy đều biết chốn khuê các đã có người (như thế), con cháu sẽ lưu truyền tiếng tăm mãi mãi, nhằm sáng tỏ đức độ và cũng bày tỏ tình quê vậy. Nhị giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, quê Hà Nội, là Nguyễn Đỉnh Thần, soạn. Cửu phẩm Nguyễn Ban ở cuộc thợ đá khắc bản.(7)
Ngoài ra, đình làng Phước Tích còn có một câu đối thể hiện sâu sắc gốc gác và tinh thần hướng về nguồn cội của dân làng:
“Hoan Châu nhi Hóa châu, ngật vu kim bổn nhất cán song chi diệp mậu
Hoàng giang ư Lam giang, tưởng phi viễn nguyên thâm thủy hoạt phái lưu trường”
(Hoan Châu và Hòa Châu xưa đến nay một gốc sinh hai cành tươi tốt Sông Hoàng cùng sông Lam, nghĩ chẳng xa nhau mà nguồn sâu thuận nước chảy dòng dài).
* Miếu Đôi Miếu Đôi vốn toạ lạc ở ấp Hạ Hòa, đến năm Kỷ Dậu Tự Đức thứ 2 (1849) mới được dời đến đầu làng, giáp với Mỹ Xuyên và được tái thiết vào năm 1971.
Sau khi cung nghinh các ngài Bổn nghệ và Khai canh về thờ ở vị trí Miếu Đôi hiện tại, nền cũ bỏ trống, làng thiết bàn thờ các ngài họ Phan và họ Lương Thanh. Hai ngôi miếu này có hình dạng giống nhau, bên tả là miếu Đào Nghệ (thờ ông tổ nghề gốm), bên hữu là miếu Khai canh. Trước hai ngôi miếu là đôi câu đối:
“Vi đức kỳ thanh kỷ
Hữu công tắc tự chi”
Nghĩa là: Ân đức thật to lớn Công lao đáng phụng thờ) (Câu đối tại miếu Khai canh)
“Thượng tướng dĩ chế khí
Tuy vật nhi phó hình”
Nghĩa là:
Chuộng dáng chế thành khí
Tùy vật nắn ra hình
(Câu đối tại miếu Bổn nghệ (8)
Sự linh thiêng của ngôi miếu này được khẳng định qua nhiều câu chuyện lưu truyền trong dân gian: Chuyện thứ nhất: Ở khúc sông trước miếu ngài khai canh, có hai con cá gáy rất to thường đến chầu. Một hôm, có chiếc thuyền đánh cá gõ ván to quá nên cá sợ, nhảy vào lưới. Thấy đôi cá lạ, có người muốn thả đi nhưng những người khác vẫn làm thịt cùng ăn. Kết quả là tất cả đều thiệt mạng, chỉ có bà già không ăn là sống sót. Câu chuyện thứ hai: Có một thợ bạc đi qua trước miếu ngài khai canh, rao: “Hàn nồi bịt bạc không?”, liền ngã xuống, bất tỉnh, có người trong làng khấn vái mới yên. Anh ta bị trừng phạt vì đã gọi tên húy của ngài khai canh (tục danh là ông Nồi), cũng là phạm vào sự linh thiêng của linh hồn vị tổ nghề gốm. Điều này cũng giải thích vì sao người Phước Tích gọi “cái nồi” là “cái nghẹ”.
*. Miếu Quảng Tế Miếu Quảng Tế còn được gọi là miếu Bà Dàng hoặc miếu Dương phu nhân, nằm ở xóm Lò, trong khuôn viên một gia đình Lê Trọng. Được xây dựng trên nền gạch một đền thờ cổ của người Chăm, miếu có cấu trúc vòm cuốn, 2 tầng mái, phía trước có bình phong đắp nổi hình chim phụng, tượng trưng cho nữ thần, sát đó là bệ đá Yoni gồm nhiều tầng, trên cùng có 3 quả cầu đá, có thể là một dạng Linga. Chi tiết này rất quan trọng bởi Yoni – Linga là một biểu tượng tín ngưỡng phổ biến của người Chăm. Tên miếu (Quảng Tế) được đắp bằng chữ Hán trước cửa miếu, có nghĩa là “Tế độ rộng khắp”. Hai bên có khắc câu đối: Anh linh biệt chiếm cư Dương thổ Công đức quang huy tận Hóa Châu (Anh linh riêng chiếm cứ đất Cồn Dương Công đức sáng rực hết vùng Hóa Châu)
*. Miếu Cây Thị Miếu nằm ở xóm Trung Hòa (xóm Giữa), dưới tán của một cây thị cổ, nên ngôi miếu được mang tên là miếu Cây Thị. Miếu được xây dựng bằng gạch vồ, có tường thành bao quanh, phía trước là bức bình phong được trang trí hình chim phụng, khảm sành sứ. Ở giữa miếu là bức hoành Linh hiển miếu, dòng chữ Hán Tự Đức Tân Tỵ trọng xuân thượng hoán cho thấy ngôi miếu từng được trùng tu vào thượng tuần tháng Hai năm Tân Tỵ thời Tự Đức (1881). Mặc dù không xác định được niên điểm dựng miếu song theo truyền ngôn, khi những người đầu tiên đến khai phá xứ cồn Dương (thế kỷ XV) thì cả ngôi miếu và cây thị đã hiện diện nên cây thị làng Phước Tích là một trong 5 cây cổ thụ ở Thừa Thiên Huế được công nhận là cây di sản Việt Nam.
* Miếu Liễu Hạnh cũng là một miếu thờ nữ thần, tương tự miếu Quảng Tế và miếu Cây Thị, toạ lạc trên địa phận xóm Hạ Hòa, quay về hướng hợp lưu của hai dòng Ô Lâu – Thác Ma. Miếu được xây dựng kiên cố, với mái đúc, cao khoảng 3.5m, mỗi bề chừng 3m, cửa vòng cung, rất cổ kính.
* Miếu Ngũ hành hướng ra hà sen, là nơi thờ tự các nữ thần không gian: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, trong đó bà Hỏa được người Phước Tích đặc biệt quan tâm. Điều đó có lẽ xuất phát từ đặc trưng của nghề gốm vốn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố vật chất này nên miếu Bà Hỏa có vai trò quan trọng đặc biệt. * Miếu Cô hồn là nơi trú ngụ của các vong linh không ai thờ tự. Thực chất, miếu cô hồn chỉ là cái đàn dùng để bày bát nhang và vật phẩm cúng tế, nên thường gọi là Cô đàn. Ban đầu, miếu được xây dựng tại xóm Thượng Hòa (gần Cồn Trèng), sau đó để thuận tiện việc hương khói nên được chuyển về trong khuôn viên chùa Phước Bửu.
* Miếu Văn thánh: Văn thánh miếu là nơi thờ tự đức Khổng tử và các bậc tiên Nho, tiên hiền khoa bảng trong làng. Hiện nay, Văn Thánh khá khang trang so với hệ thống các miếu thờ khác, tinh thần hiếu học của người Phước Tích cũng phần nào thể hiện qua cách tái thiết, coi sóc ngôi miếu này. Ngoài ra, còn có một số tự miếu khác nhưng không còn di tích, chỉ còn nghe tên hoặc các truyền thuyết liên quan, như miếu Thành Hoàng (xóm Trung Hòa, bên phải đình Trung), miếu Vua (xóm Trung Hòa) và đặc biệt là miếu ông Cọp (xóm Thượng Hòa).
Tương tự như miếu Cây Thị, miếu ông Cọp thờ nhiên thần khác của người Phước Tích, tuy quy mô không lớn nhưng trong làng lưu truyền nhiều huyền thoại khác nhau liên quan đến việc lập nên ngôi miếu này. Câu chuyện thứ nhất: Ngày xưa trong làng có một bà mụ rất giỏi. Một hôm, có con cọp đến cõng bà đi đỡ đẻ cho cọp cái. Hôm sau, cọp mang đến một con nai để trả ơn bà. Thấy hiện tượng lạ, dân làng lập miếu thờ Ông Cọp từ đó. Câu chuyện thứ hai: Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, một số nơi trong làng còn hoang sơ, đất đai chưa khai phá hết, cây cối rậm rạp, các loài thú dữ thường hay lui tới săn mồi. Nhiều người đã tận mắt trông thấy một con cọp rằn to tướng thường xuất hiện ở khu vực miếu Cây Thị, họ truyền miệng cho nhau, nên hễ trời vừa mới tối không ai dám bén mảng đến đó.
Tuy vậy, vẫn có hai người đàn ông ở xóm Lò (một người khoảng chừng 30 tuổi, vóc dáng mạnh khỏe, tên là Lê Trọng Quê; một người độ ngũ tuần, không rõ tên) hằng đêm vào khu vực gần miếu Cây Thị để trông giữ vật liệu, chuẩn bị làm nhà. Có nhiều người đến báo tình hình và khuyên hai ông nên đề phòng nhưng ông Quê vẫn cười và nói đùa: “Tôi cũng muốn gặp hổ để đấu một trận thử tài”. Hôm ấy, như thường lệ, ông Quê đề nghị người kia vào nằm trong lán trại, còn ông ra nằm tận ngoài cổng, chỉ mang theo đoạn tre vót nhọn để hộ thân và cây đèn dầu chuồng. Đến khoảng giữa canh tư, bỗng nghe tiếng động từ cổng vào, ông lập tức vùng dậy thì thấy ngay trước mặt một con cọp rằn to lớn đang nhe nanh, há miệng nhằm hướng ông đi tới. Nhanh tay nắm lấy đoạn tre, ông lựa thế chống trả quyết liệt nhưng vẫn không thắng nổi con hổ hung dữ. Khi vồ được ông, cọp kêu lên 3 tiếng rồi mang xác ông đi, khi đến gần cồn Trèng, bỏ xác ông xuống, kêu lên 3 tiếng, rồi bỏ đi. Nghe tiếng cọp kêu, cả làng thức giấc và huy động nhau đi tìm.
Từ miếu Cây Thị đi lần ra, họ phát hiện thi thể ông Quê cách cồn Trèng khoảng 50m, thân xác nguyên vẹn, chỉ thấy vết bầm ở cổ, nằm duổi chân tay, đầu hướng ra hồ sen như đang nằm ngủ. Cũng từ đó không ai còn trông thấy bóng dáng của cọp rằn nữa. Vì những điềm lạ ấy mà dân làng cho đây là cọp thần, rồi lập miếu thờ Ông Cọp. Hai câu chuyện trên, ngoài ý nghĩa thờ kính động vật trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, còn là liều thuốc an thần hữu hiệu cho người Phước Tích quân bình đời sống tinh thần trước một số loài dã thú hay đe dọa cuộc sống người dân. Ít ra, đó cũng là mối ưu tư mà người ta không thể không đặt ra khi đối diện với những lùm lòi rậm rạp và việc lập miếu thờ này chính là một cách “động viên” để cộng đồng có thể dẹp mọi mối e ngại, vững tin hơn để mở rộng không gian cư trú, sản xuất.
Một số lễ hội tại làng Phước Tích
Cùng hệ thống thiết chế tín ngưỡng, tương tự nhiều ngôi làng khác, Phước Tích có đời sống lễ hội khá phong phú, như Lễ Tảo mộ âm hồn (ngày 15/1 Âm lịch), Lễ Kỳ Yên (Lễ cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, nhân dân no đủ, ngày 16/6 Âm Lịch), Lễ kỵ ngài Khai canh và ngài Bổn nghệ (ngày 5/11 Âm Lịch), lễ Tế Đinh (Tế Văn miếu), Lễ giỗ tổ của các dòng họ…
Ngoài lễ hội truyền thống, những năm gần đây, Hương xưa làng cổ trong khuôn khổ Festival Huế định kỳ hai năm một lần đã góp phần khơi dậy những giá trị di sản truyền thống của Phước Tích.
Bên cạnh lễ hội, Phước Tích còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng, từ di sản Hán Nôm đến thơ ca hò vè, từ trò chơi dân gian đến những nếp phong tục tập quán và đặc biệt là truyền thống ẩm thực mang đậm phong vị của chốn thôn dã. Từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, nổi bật là vả và mít – hai loại cây bán thuần dưỡng, bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, người phụ nữ Phước Tích đã khéo tạo nên những món ăn ấn tượng, mà vả trộn và mít trộn là hai món ăn thường được nhắc đến nhất, kèm theo đó là cả một hệ thực đơn đa dạng.
Đặc sản tại làng Phước Tích
Chẳng hạn, với riêng mít, người ta có thể sử dụng hầu hết các sản phẩm từ khi còn non, già, hườm (gần chín), đến chín với các món phổ biến: canh – luộc – hấp – kho cá; hay với quả vả, có thể ăn sống, kho hoặc hầm… Phước Tích cũng nổi tiếng với nghề làm bột (gạo, sắn) và các loại bánh chế biến từ bột với sự kết hợp hệ lá có sẵn trong từng góc vườn: lá dong, lá chuối, lá gai, lá dừa. Từ đó tạo nên các loại bánh có thương hiệu cho ẩm thực Phước Tích, như: bánh phu thê, bánh ít đen, bánh vả, bánh đôn…. Nghề làm tương, giá đỗ, các loại kẹo cũng là nét làm phong phú thêm đời sống ẩm thực của Phước Tích.
Với nghề gốm có lịch sử hình thành phát triển 500 năm, với hệ thống gần 30 ngôi nhà rường hơn 100 năm tuổi gắn với di sản Hán Nôm được khắc trên đá, trên gỗ, trên giấy; với hệ thống thiết chế tín ngưỡng đa dạng như đình chùa miếu vũ và đời sống lễ hội phong phú; với không gian xanh mát hiền hòa gắn với đời sống ấm thực đặc sắc; với nếp sống hồn hầu được lưu giữ qua nhiều thế kỷ, Phước Tích được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia theo quyết định số 832/QĐ – BVHTTDL (ngày 03/3/2009). Mặc dù đến nay nghề gốm Phước Tích không còn hưng thịnh như xưa song bằng nhiều nguồn tài trợ khác nhau, nghề gốm Phước Tích đang từng bước phục hồi theo hướng mỹ nghệ và phục vụ du lịch. Phước Tích không thể tránh khỏi những xáo trộn, biến thiên cùng nhịp sống hiện đại nhưng đây vẫn là nơi mang lại cho du khách cảm giác thanh bình, an vui khi tìm về.
Nếp sống, văn hóa người dân làng Phước Tích
Tinh thần Phước Tích: từ truyền thống đến hiện đại: Có thể còn có nhiều ngôi làng sinh sống bằng nghề gốm đất nung, hay nghề gốm đất nung có thể hiện diện ở nhiều ngôi làng khác nữa, nhưng cần khẳng định trên dải đất Trị – Thiên, dấu tích trong thư tịch và trên thực địa đến nay vẫn rất hiếm hoi. Do vậy mà nguồn sống của làng Kẻ Độôc – Phước Tích suốt chiều dài lịch sử trở nên rất dồi dào, thành nguồn sinh lực tạo nên sức sống đặc trưng của ngôi làng nhỏ này.
Đặc biệt, nếu như trong thời kỳ đầu lập làng, nguyên tắc huyền thoại hóa được tiền nhân áp dụng để khẳng định yếu tố Việt về nguồn gốc, tính chính danh cho sự ra đời của nghề gốm đất nung, thông qua Truyền thuyết Ông Nồi, thì với Om Ngự thời Nguyễn, hậu thế đã chính thức lịch sử hóa một sản phẩm dân gian trực tiếp vào Đại Nội. Điều đó càng khẳng định tính chính danh cũng như vai trò, thực lực của nghề gốm đất nung trong lịch sử văn hóa làng Phước Tích.
Phước Tích đã thành công nhờ tuân thủ nghiêm ngặt, nhất quán phương thức kinh tế phi nông nghiệp của tổ tiên sáng suốt lựa chọn. Người Phước Tích cũng ý thức sâu sắc đến sự chi phối nặng nề, nghiệt ngã của quan niệm “dĩ nông vi bản” truyền thống bởi ngoài nông nghiệp, tất cả đều là “mạt nghệ”, như phần nào thể hiện qua danh xưng “kẻ độôc”, “con buôn”v.v… mang hàm nghĩa miệt thị. Từ đây, người dân Phước Tích đã có thế ứng xử đặc biệt: (1) tiếp tục sinh kế nghề độôc, sinh lợi để (2) có sự đầu tư đặc biệt cho con cái học hành, cho sau này khả dĩ chính danh bước vào hoạn lộ hoặc chốn trường qui, và(3) một bộ phận cư dân trở lại bằng nghề nông khi chọn hướng tiếp tục di cư về phía thượng nguồn sông Ô Lâu (xứ thượng nguyên) để khai phá, hình thành nên ấp Huỳnh Liên và phường Tân Lộc. Một ngôi làng Việt được thành lập từ cuối thế kỷ XV nhưng không sinh sống bằng nghề nông mà vẫn trở thành danh hương khoa bảng trong vùng văn hóa Huế. Tư tưởng kinh tế phi nông nghiệp đó đến nay vẫn mang đậm ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn sâu sắc.
Từ đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ theo hướng phát triển du lịch dựa trên những thế mạnh truyền thống là những luận chứng tham khảo cần thiết. Lịch sử hình thành và phát triển Phước Tích – Kẻ Độôc hàng trăm năm đã minh chứng cho việc lựa chọn sinh kế “phi nông nghiệp” của tiền nhân. Quần thể kiến trúc nhà vườn – nhà rường vùng Huế đặc trưng hiện tồn ở xứ Cồn Dương xưa, đến nay đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia, ít nhiều, cũng phần nào thể hiện được tầm vóc lớn lao, sâu rộng đó của di sản Phước Tích.
Trong bối cảnh vỡ ra của xã hội truyền thống thời hiện đại, nghề gốm đất nung của làng vang danh một thời cũng nhanh chóng tàn phai bởi sự công phá mạnh mẽ, nghiệt ngã của nhu cầu, thị hiếu và vật dụng, nguyên vật liệu hiện đại. Không thể, càng không thể trông chờ vào nông nghiệp bởi vô vàn những khó khăn, người dân Phước Tích đang phát huy tối đa lợi thế của phương thức phi nông nghiệp thứ hai (nhập thế từ bề dày truyền thống khoa bảng của làng, từ bên ngoài làng) để làm cứu cánh cho phương thức phi nông nghiệp đặc trưng cốt lõi – nghề độôc vang bóng một thời, như là một di sản văn hóa độc đáo, đặc trưng. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa di sản văn hóa và sản phẩm du lịch là bài toán khó có tính toàn cầu nhưng với Phước Tích, hoàn toàn có cơ sở, nhất là hành trang di sản truyền thống có thể trở thành chất liệu quí hiếm cho việc tạo dựng thành công một thương hiệu du lịch thời hiện đại.(9)
Đó chính là hành trình dài, dù gian nan qua lắm chông gai nhưng vẻ vang, đầy ấn tượng của Kẻ Độôc – Phước Tích, một làng di sản đặc trưng trên cơ sở nền tảng một ngôi làng không có ruộng đất nông nghiệp ở miền Trung Việt Nam.
Khám Phá Di Sản tổng hợp