Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.

Lược sử hình thành và phát triển

Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.

Năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán”, thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển với những ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm hải sản; dịch vụ thương mại cũng phát đạt.

Sau khi xâm chiếm toàn bộ đất nước ta vào năm 1889, thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu (chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô), sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.

Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.

Tháng 3.1965 các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được chính quyền miền Nam xây dựng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật. Quân đội Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng: sân bay, cảng, kho bãi, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng. Khu kỹ nghệ Hòa Khánh sản xuất oxygen, acetylene, bột giặt, xay xát, dệt… Ở thời kỳ này công nghiệp được phát triển ở mức độ cao hơn: các khu kỹ nghệ thay thế cho công trường thủ công. Tuy nhiên, chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, hàng trăm nghìn dân quê phải chạy vào các trại tỵ nạn, các khu ổ chuột đô thị; tệ nạn xã hội tăng nhanh, sản xuất không phát triển.
Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng (là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.

Ngày 6.11.1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng hiện nay bao gồm 6 quận: Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và 2 huyện là Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa. Kể từ ngày 15.7.2003, theo Quyết định số 145/2003/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Chỉ trong mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng đã khác trước nhiều. Những vận động nội lực đã khiến Đà Nẵng ngày càng mở rộng tầm vóc của mình. Bắt đầu từ kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở về hạ tầng giao thông, tiến hành chỉnh trang đô thị, xây dựng một môi trường mới hiểu theo nghĩa rộng, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển mới. Khai thác tốt những lợi thế sẵn có, trong những năm qua Đà Nẵng đã có những biến đổi rõ rệt về nhịp độ và khí thế phát triển.

Nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa

Đà Nẵng là quê hương của nhiều danh nhân. Họ là những vị tướng lĩnh, nhà chính trị, nhà văn hóa…, tên tuổi gắn với nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước, của dân tộc. Sau đây là một số danh nhân tiêu biểu:

  1. Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829): Thường được gọi một cách kính ngưỡng là Thoại Ngọc Hầu, là một danh thần, một nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà kinh tế doanh điền nổi tiếng và có nhiều đóng góp quan trọng dưới thời nhà Nguyễn. Ông quê ở làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  2. Ông Ích Khiêm (1828 – 1884): Người thôn Phong Lệ, làng Đà Ly, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ông thi đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) và làm quan dưới triều vua Tự Đức. Nổi tiếng là người thông minh, chính trực, là một vị tướng khẳng khái và mưu lược, ông có công trong việc cầm quân bảo vệ Đà Nẵng khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, xâm lược nước ta vào ngày 1.9.1858. Thời kỳ này ông ở dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, ông đã lo củng cố các đồn trại như đồn Nhất ở đèo Hải Vân, đồn Liên Trì, Phong Lệ và đắp lũy từ Hải Châu đến Phước Ninh…
  3. Lâm Nhĩ (1867 – 1916): Hiệu là Ninh Võ, quê ở làng Cẩm Toại, nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Là một chí sĩ yêu nước của phong trào Duy Tân 1908, phong trào Cần Vương cứu nước 1916 và là một trong hai người đứng ra xây dựng trường Tân Học Nghĩa Thụ vào thời kỳ đó.
  4. Thái Phiên (1882 – 1916): Quê ở làng Nghi An, xã Hòa Phát, nay thuộc xã Hòa ???, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Cùng với Trần Cao Vân, ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân tháng 5.1916. Cuộc khởi nghĩa không thành, cả hai ông bị bắt ngày 4.5.1916, sau đó bị xử chém tại Cống Chém An Hòa (Huế) ngày 17.5.1916 (16.5 năm Bính Thìn).
  5. Lê Văn Hiến (1904 – 1997): Quê ở xã Phước Ninh, nay là xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Tháng 9.1927 ông cùng Lê Quang Sung và vợ là Thái Thị Bôi tham gia thành lập chi bộ đầu tiên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Đà Nẵng. Sau khi được giặc Pháp trả tự do vào năm 1935, ông tiếp tục hoạt động bí mật tại Đà Nẵng cùng với các nhà hoạt động như: Phan Thanh, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn… Ông trở thành Chủ tịch UBND Cách mạng thành phố Đà Nẵng ngay sau khi Đà Nẵng giành chính quyền vào năm 1945. Ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ như Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng tối cao Khóa 1, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào v.v…
  6. Thái Thị Bôi (1911 – 1938): Quê ở làng Nghi An, xã Hòa Phát, nay thuộc xã Hòa ???, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Từ những phong trào yêu nước, Thái Thị Bôi sớm giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản. Cùng với chồng là Lê Văn Hiến, bà đã tìm cách tập hợp lực lượng, vận đồng quần chúng đấu tranh cũng như đóng góp nguồn tài chính cho hoạt động của Đảng ở Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ.
  7. Mẹ Nhu (? – 1968): Tên thật là Lê Thị Dãnh, quê làng Thanh Khê, huyện Hòa Vang, nay là phường Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà mẹ là cơ sở cách mạng nội thành. Hầm bí mật được xây dựng ngay trong nhà mẹ để nuôi giấu cán bộ. Ngày 26.12.1968, để che giấu cho các dũng sĩ Thanh Khê đang ẩn náu trong hầm bí mật tại nhà mình, mẹ Nhu đã mưu trí chiến đấu và anh dũng hy sinh. Sự cống hiến và hy sinh cao cả của mẹ Nhu cho cách mạng đã được Đảng và Nhà nước ghi công, truy tặng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995.

Di sản văn hóa

Thành phố Đà Nẵng hiện có 15 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) cấp quốc gia, 35 di tích LSVH cấp thành phố và hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác. Tất cả những di sản này đều cần được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa.

Văn hóa vật thể

Di tích

  • Đình Túy Loan: Là một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng quốc gia, một địa chỉ nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan hấp dẫn. Đình làng Túy Loan được xây ở vị trí trung tâm, vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) có khuôn viên rộng hơn 8.000m2, thoáng đãng, hướng ra sông, nhìn về thế núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê đã có hơn trăm tuổi gây ấn tượng và cảm xúc khó quên.
  • Đình Bồ Bản: Được xếp hạng là di tích LSVH cấp quốc gia vào ngày 4.1.1999, được xây dựng vào năm 1852 tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Đình có kiến trúc tường gạch, lợp ngói âm dương, chia làm ba gian, hai chái dài 14,5m, rộng 9,7m, có 36 cột bằng gỗ mít và kiền kiền; kết cấu kèo, cột cũng theo lối chồng rường giả thủ, đầu các trính chạm đầu rồng, các vì kèo chạm mai, trúc, tùng, lan
  • Đình làng Hải Châu: Tọa lạc tại kiệt 48/14 đường Phan Châu Trinh, là nơi thờ chung 42 bài vị của 42 tộc họ từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, Thanh Hóa theo vua Lê Thánh Tôn vào năm 1471. Đình làng Hải Châu được Bộ VHTT công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia vào ngày 12.7.2001.
  • Thành Điện Hải: Tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ. Đây cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 – 1860. Gần đây, di tích thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng. Thành Điện Hải đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích LSVH cấp quốc gia vào ngày 16.11.1988
  • Nghĩa trũng Khuê Trung: Là mộ lớn của nghĩa sĩ lập tại Khuê Trung, Hòa Vang, theo sắc tứ vua ban để quy tụ hài cốt tướng sĩ vị quốc vong thân trong cuộc kháng chiến chống quân pháp xâm lược năm 1858. Hòa Vang Nghĩa Trũng đầu tiên được lập ở trũng bò làng Nghi An (Phước Tường). Khoảng năm 1920 Pháp mở sân bay Đà Nẵng, phải dời Nghĩa Trũng về vườn Bá Khuê Trung. Đến 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía Nam, lại phải dời Nghĩa Trũng đến chỗ hiện nay, khu vực Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Bảo tàng

Bảo tàng Đà Nẵng: Là nơi lưu giữ đầy đủ nhất những câu chuyện, những huyền thoại của người Đà Nẵng qua những năm tháng chiến đấu và dựng xây mảnh đất thân yêu này. Đó là một câu chuyện dài về cuộc sống được kể qua những dụng cụ lao động bình thường, những vật dụng hàng ngày, cả những câu ca dao, điệu bài chòi, câu hò của người xứ Quảng… Năm tháng như dừng lại trên từng cổ vật, nỗi đau chiến tranh dừng lại trên từng mảnh bom, viên đạn, nhưng từ mỗi hiện vật, mỗi bức tranh vẫn day dứt, ám ảnh một nỗi đau về cuộc đấu tranh giành quyền sống, và những cuộc chiến dẫu đau thương vẫn ngời lên niềm tự hào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi người Đà Nẵng.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Chính thức được xây dựng vào tháng 7.1915, với sự giúp đỡ của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện tại có khoảng gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có gần 500 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà bảo tàng (được phân chia thành các phòng trưng bày gồm: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định), một số hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật hiện đang lưu giữ trong kho. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc hiện có tại bảo tàng là những tác phẩm nguyên bản trên 3 chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng, phần lớn là sa thạch, có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau.

Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Quân khu V): Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày 12.9.1976 thể theo nguyện vọng, tình cảm của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ Khu V đối với Bác Hồ kính yêu, mô hình nhà sàn được xây dựng theo đúng tỉ lệ 1/1 (giống như nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội) tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, bên ngoài là vườn cây, ao cá… tạo nên một khuôn viên thoáng mát, đẹp thu hút nhiều du khách khi đến thăm thành phố.

Bảo tàng Đồng Đình: Năm 2011, thành phố Đà Nẵng có thêm 1 địa chỉ văn hóa du lịch độc đáo dành cho du khách đó là Bảo tàng Đồng Đình – Bảo tàng tư nhân đầu tiên được cấp phép xây dựng ở miền Trung. Tọa lạc tại khu vực thượng lưu suối Bụt, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, bảo tàng đã góp phần vào sự phong phú thêm cho các sản phẩm văn hoá du lịch của thành phố.

Danh lam thắng cảnh

Ngũ Hành Sơn: Nằm cách không xa trung tâm thành phố với không gian huyền ảo, thơ mộng, chùa chiền và hang động, cây cỏ và tiếng chuông chùa, sóng vỗ và những dằng dặc nghìn trùng…, Ngũ Hành Sơn từ lâu đã thật sự là một cõi thiên thai dành cho du khách.

Nơi đây, các dấu ấn văn hóa lịch sử của các thời kỳ lịch sử, từ Trần – Lê – Nguyễn vẫn còn in đậm trên mỗi công trình chùa tháp. Đặc biệt đây là nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Champa từ các thế kỷ XIV – XV. Những di tích LSVH khác trong khu vực danh thắng như: mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan, bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như: Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,… Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.

Bán đảo Sơn Trà: Nằm cách trung tâm thành phố 10km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693m so với mực nước biển; giống hình một cây nấm, đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành. Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quý hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ… cảnh vật thiên nhiên nơi đây rất quyến rũ; dân gian đồn rằng các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau… nên còn có tên là Tiên Sa.

Bà Nà – Suối Mơ: Nằm cách Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam ở độ cao 1.487m so với mực nước biển. Bà Nà được xem là “lá phổi xanh” của miền Trung, là “hòn ngọc về khí hậu” của Việt Nam. Bà Nà được phát hiện vào tháng 4.1901 và người Pháp đã xây dựng nơi đây thành một trong những nơi nghỉ mát nổi tiếng, lớn nhất Đông Dương và thu hút nhiều du khách. Cảm giác khác biệt khi sống giữa thiên nhiên tươi đẹp quyện với nét kiến trúc hài hòa, thanh lịch mang lại cho du khách một cảm giác bình yên, sâu lắng.

Văn hóa phi vật thể

Lễ hội

Lễ hội ở Đà Nẵng có nhiều điểm giống các vùng duyên hải miền Trung, song cũng mang rất nhiều nét đặc trưng tạo nên vẻ đẹp rất riêng của miền đất này. Trong những ngày lễ hội, cả một vùng rực rỡ màu sắc, và rộn ràng những khúc hát cầu an, nhịp điệu bài chòi tha thiết. Các lễ hội của Đà Nẵng có từ rất xưa, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như: lễ hội cầu ngư, lễ hội Quan Thế Âm, lễ hội đình làng Hòa Mỹ, lễ hội đình làng An Hải, lễ hội mục đồng làng Phong Lệ…

Không chỉ giữ gìn những lễ hội truyền thống, người Đà Nẵng đã tạo cho mình một lễ hội mới như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, các cuộc đua thuyền… thường được tổ chức và các dịp lễ lớn hàng năm như: ngày Giải phóng Đà Nẵng (29/3), ngày Giải phóng miền Nam (30.4), ngày Quốc tế lao động (1.5), ngày Quốc khánh (2.9)… trên dòng sông Hàn. Những lễ hội này không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân thành phố mà còn được xem là sản phẩm du lịch đặc sắc đối với nhiều du khách.

Làng và nghề truyền thống

Đi ra khỏi cái ồn ào, náo nhiệt của thành phố, làng cổ Phong Nam, làng cổ Túy Loan như những mảnh gấm được dệt nên bởi đồng ruộng, những ngõ nhỏ rợp mát bóng tre, đâu đó vẳng tiếng gà gáy trưa nghe thanh bình đến lạ. Trong làng còn giữ lại những mái đình phủ màu thời gian, trải bao thăng trầm lịch sử vẫn còn nguyên một thế giới tâm linh thiêng liêng, thần bí mà cũng gần gũi với người dân quê xứ Quảng.

Mỗi làng quê, làng nghề là một nét rất riêng của mảnh đất Đà Nẵng. Làng đá mỹ nghệ Non Nước với những sản phẩm được người nghệ nhân gọt giũa bằng khối óc, bằng bàn tay khéo léo, tinh xảo, họ thổi tâm hồn mình vào đá, đánh thức giấc ngủ ngàn năm của thiên nhiên để sống với con người. Người làng chiếu Cẩm Nê dệt nên những chiếc chiếu thơm hương đồng cỏ nội, êm như sóng lúa, nâng giấc ngủ của biết bao thế hệ con người hay làng làm bánh khô mè Cẩm Lệ, cái thứ bánh giòn xốp, ngọt ngào hương vị đường non của cánh đồng mía bên dòng sông Cẩm Lệ đã trở thành một đặc sản không thể thiếu đối với du khách khi đến thăm thành phố.

Ẩm thực

Đến Đà Nẵng, rất nhiều du khách ngạc nhiên và thích thú khi được thưởng thức những món ăn ngon, mang đậm chất Quảng nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng của thành phố bên biển, bên sông.

  • Mì Quảng: Mì Quảng được làm từ gạo ngon xay thành bột, tráng bánh và thái thành sợi. Nước nhưn được chế biến từ thịt gà, tôm, cua, cá lóc và thịt sườn heo, thịt bò… nên thường được gọi theo các tên như: mì gà, mì cá lóc, mì bò… Vì vậy mỗi loại mì đều có hương vị và sức hấp dẫn riêng. Mì Quảng thường được ăn kèm với nhiều loại rau sống như: rau đắng, húng, quế, diếp cá, cải, hành, ngò, hoa chuối và nhất thiết phải có bánh tráng nướng, lạc rang và vắt thêm một lát chanh.
  • Bánh tráng cuốn thịt heo: Bánh tráng mỏng và mì lá cuốn những lát thịt dài bằng gang tay, nạc ở giữa, mỡ hai đầu và các loại rau như chuối non, khế, các loại rau salad, húng, quế, cải, hẹ… chấm với loại mắm nêm ớt, chanh, tỏi. Đặc biệt, du khách phải dùng tay mới có thể thưởng thức và cảm nhận được hết cái ngon của món này.
  • Bánh khô mè Cẩm Lệ: Là một trong những đặc sản của Đà Nẵng rất được du khách yêu thích. Nếu muốn đến tận nơi xem phương thức làm bánh và mua về làm quà, chỉ cần 10 phút xe máy từ trung tâm thành phố đến chân cầu Cẩm Lệ bạn sẽ thấy nhiều tấm bảng hiệu nổi tiếng quảng cáo bánh khô mè Cẩm Lệ như: bà Liễu, bà Nhứt…
  • Ngoài ra, Đà Nẵng còn nổi tiếng với nhiều món ngon khác như nem – chả – tré, bún chả cá, bánh canh, bún thịt nướng… được chế biến với hương vị rất riêng và đậm đà.
Rate this post