Trà Vinh là một tỉnh có nền giao thoa về ẩm thực rất phong phú, hội tụ đủ sự đa sắc của dân tộc Kinh, Kh’me và Hoa. Với nguồn sản vật tự nhiên sinh sôi phong phú và phát triển mạnh ở những khu vực rừng ngập mặn ven biển, đã được người dân Trà Vinh chế biến thành nhiều món ăn đa dạng khác nhau, đậm vị đồng quê và luôn thu hút những vị khách phương xa mỗi lần tới với nơi này.
1. Bánh canh Bến Có
Giống như phần lớn những loại bánh canh ở miền Tây, bánh canh Bến Có được làm chủ yếu từ bột gạo. Gạo được ngâm nước vài giờ đồng hồ cho mềm rồi đem đi xay mịn thành bột. Xay gạo xong cho tất cả vào cái bao vải, đặt bộ cối xay thật nặng lên trên để ép lấy bột.
Sau đó vo thành từng cục bột nhỏ vừa đủ để cán dẹp dán vào thành chai thủy tinh. Tiếp đến phải khéo léo vừa cầm cổ chai, vừa phải lăn vòng chai, vừa đưa lưỡi dao sắc bén xắt đứt từng miếng bột gạo thành sợi rơi vào nồi nước đun sôi. Sợi bánh canh dài và mềm, rất dai. Điểm đặc biệt để tạo nên “danh tiếng” cho bánh canh Bến Có chính là phần tỷ lệ giữa thịt và bún gần như bằng nhau.
2. Bánh tét cốm dẹp
Để làm ra được loại bánh này cần phải có nguyên liệu chính là loại cốm được làm ra từ những hạt gạo gặt sớm đem về giã nhuyễn. Trước khi đem gói bánh tét Cốm dẹp sẽ được trộn chung với nước cốt để làm tăng vị béo ngọt và thơm, nhân của bánh thường được dùng là đậu xanh có kèm thêm chút vani để tạo mùi thơm. Người làm bánh phải khéo léo gói bánh trong những chiếc lá chuối xiêm hoặc lá lùng, không phải dùng lá dong như ngoài Bắc.
Bánh khi chín, sẽ có vị thơm ngào ngạt của nếp, vị béo của nước cốt dừa, vị bùi của đậu xanh và một ít vani nên ăn hoài vẫn không ngán, người dân Trà Vinh rất thích ăn món này và có thể dùng thay cơm hoặc tráng miệng sau các buổi ăn chính. Bạn có thể dễ dang tìm mua loại bánh này vào các buổi chợ sáng tại chợ Trà Vinh.
3. Bún Suông
Với thành phần chính là bún, thịt ba chỉ và tôm. Linh hồn của món ăn này chính là trong những con tôm được nặn thành miếng chả dài. Để cho chả thêm ngon, người chế biến thường phải lựa ra những con tôm tươi, mập mạp. Tôm được rửa sạch, cắt đầu đuôi và bóc hết vỏ.
Những gia vị: hành khô bóc vỏ băm nhuyễn, tỏi, sẽ được cho cùng tôm vào máy xay, đến khi tất cả hòa đã quyện vào nhau tạo thành 1 hỗn hợp sánh mịn. Cho phần tôm trên vào tô, cho các gia vị khác như: hành khô bóc vỏ băm nhuyễn, hạt tiêu, muối và màu dầu điều để tạo màu vàng bắt mắt.
Nước dùng của bún suông cũng khá đặc biệt, không trong như các loại bún khác mà có màu ngả hơi nâu do có cho thêm tương hột và me tạo nên vị chua thanh lại thoang thoảng mùi thơm của tương. Bạn có thể thưởng thức món này trên các con đường: Điện Biên Phủ, Hùng Vương…
4. Mắm bò hóc
Nguyên liệu chính của món là cá lóc tươi, được làm sạch ruột sau đó ngâm nước một đêm cho cá hơi ươn, thì làm mắm mới “đung chất”. Tiếp đến đưa phần cá đã được ngâm nước lên nia tre phơi cho khô, sau đó ướp muối và dùng lá chuối tươi dằn ép cho rỉ cho hết nước cá. Công đoạn quan trọng nhất khi chế biến món mắm bò hóc này được bắt đầu bằng việc rửa lại nguyên liệu bằng nước muối, xếp cá vào lu, theo định lượng 1 muối – 1 cá – 1/2 cơm nguội. Phía trên, vật dằn mắm là mo cau khô, được đè thật chặt bằng nan tre, và sau đó phơi nắng 3 tuần và ủ tiếp từ 6 – 12 tháng mới có thể dùng được
Mắm bò hóc phải ăn kèm với các loại rau, quả như: chuối chát, khế, lá xoài non, rau thơm, đậu ớt, dưa leo, cà rừng. Món ăn này thường được dùng kèm với cơm trắng, món ăn này đã gắn với tuổi thơ của nhiều người dân Trà Vinh.
5. Ba Khía Muối
Sau khi được làm sạch Ba khía sẽ chất vào lu theo thứ tự: 1 lớp muối – 1 lớp ba khía, ủ khoảng hai tuần là có thể ăn được. Ba khía muối thường phải trộn thêm khóm, đường, tỏi, khế, ớt để khử bớt vị mặn. Ba khía sau khi ngấm hết các gia vị sẽ có vị nồng mặn, ngọt dùng ăn với cơm rất ngon. Nhiều người ăn không quen mon này sẽ rất dễ bị lên mẩn ngứa.
6. Bún nước lèo
Đây là món bún rất thịnh hành tại nhiều địa phương phía Nam nhưng nổi tiếng nhất vẫn ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Bún nước lèo là đặc sản của người dân Khmer với nguyên liệu chính không thể thiếu là mắm cá hóc. Những con mắm cá đã được rã đều trong nước, thêm gia vị sả ớt đập dập để làm nổi bật hương vị. Một số nơi dùng cả nước dừa xiêm hoặc cốt dừa để thay thế vị đường. Nước lèo còn cần độ trong và vị ngọt tự nhiên của tôm thẻ ninh, xương ống hầm nhừ. Bát bún với cá lóc, thịt lợn quay thoảng hương vị đậm của mắm rất đặc trưng khiến ăn một lần nhớ mãi.
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Trà Vinh – Ăn gì, chơi gì, ở đâu?
- Kinh nghiệm du lịch Đồng Tháp
- Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng
Thanh Bình – Khám Phá Di Sản
(Sưu tầm)