Khamphadisan.com – Chùa Chân Tiên (hay Chân Tiên tự) tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An, là 1 trong 99 ngọn núi của dãy núi Hồng Lĩnh, được người ta mệnh danh là “Tiên An đệ nhất danh lam”, nơi đây nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hùng vỹ. Chùa Chân Tiên cũng là di tích thuộc xã Thịnh Lộc – huyện Lộc Hà –  tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1992 đã được Bộ VH – TT&DL công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Chùa Chân Tiên được cho xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ 13). Ngôi chùa đã trải qua 3 lần được trùng tu, sữa chữa và lần gần đây nhất là vào năm 2005. Hiện tại, chùa có 2 ngôi đền thờ Phật tổ và thờ Thánh Mẫu. Nơi thờ Phật có diện tích 50,2m2, kiến trúc theo lối tứ trụ gồm: 3 gian lợp ngói âm dương và 4 cột xây, tường bao 3 phía.

chua chan tien ha tinh khamphadisan e1487060031923

Ngôi chùa nơi để thờ Thánh Mẫu được gọi là “Điện Thánh Mẫu” bao các công trình: Thượng điện – Trung điện (kiệu Long đình) và Bái đường có tổng diện khoảng 56m2. Trước cửa của Thượng điện có đề 4 chữ Hán: “Thiên hạ mẫu nghi” và hình ảnh chim phượng đang giang cánh bay lên. Trung điện là nơi dùng để đặt đồ tế lễ và nơi hóa hương của du khách khi đến viếng. Bốn đầu đao trên mái điện có 8 hình rồng. Trong điện có tất cả 8 con hạc chầu. Hai bên hành lang thờ bộ hạ của Thánh Mẫu có 2 con hổ phù. Nhà Bái đường trước có đề ba chữ Hán “Tạ Phúc đường” (có nghĩa là nhà cầu phúc), bốn cột nhà đều có treo câu đối ca ngợi về công đức của Thánh Mẫu. Trong chùa Chân Tiên hiện có 14 tượng phật làm bằng gỗ mít, 1 bàn thờ, 1 lư hương, 1 hương án, trống, mõ…

chua chan tien ha tinh khamphadisan 3 e1487060610152

Ngôi chùa gắn với liền những sự tích mang màu sắc huyền bí. Tương truyền, đã từ rất lâu rồi, có một đoàn tiên nữ trên trời, sau khi xin phép mẫu Cửu Trùng xuống thăm thú, du ngoạn chốn hạ giới đã chọn đỉnh núi Tiên An làm nơi dừng chân. Bởi Tiên An có lưng dựa vào núi, mặt lại hướng ra biển, ngày đêm đều có thông reo, cảnh vật hiền hòa lại còn có dòng suối Ngọc nước trong vắt bốn mùa, khung cảnh không đâu đẹp hơn. Một số tiên nữ, sau khi vãn cảnh sông núi, hang động… đã rủ nhau cùng xuống hồ nước ngay phía trước núi để tắm, rồi lại rủ nhau lên một tảng đá cạnh hồ ngồi để đánh cờ. Một số tiên nữ khác vì mãi say sưa với cảnh hoa thơm cỏ lạ, suối nước trong xanh nên chẳng chịu rời đi. Có một nàng tiên do mê mải đuổi theo con bướm vàng 6 cánh vô tình dẫm phải một cái lông nhím, khiến chân bị đau, nàng không thể đi được nên phải dùng ngựa để về trời. Trước khi về, các nàng tiên khác đã dùng nước suối Ngọc để rửa chân cho nàng và gót ngọc đã in lại dấu trên mặt đá cùng dấu chân ngựa thần. Người dân nơi đây bèn cho xây chùa và đặt tên cho chùa là chùa Chân Tiên để ghi nhớ sự tích này.

chua chan tien ha tinh khamphadisan 1 e1487060533269

Chùa được bao quanh là những cánh rừng thông tự nhiên xanh tươi bốn mùa. Núi Tiên An còn có nhiều động đẹp, như: Động Mai, Động Trúc, Động Đá Người, Động Thạch Thất,… và có nhiều hang đá cổ như: đá Giã Gạo, hang đá Bàn Cờ, đá Cối Xay, đá Mười Hai Cửa... đặc biệt có đá Vợ, đá Chồng cao lớn sừng sững đã sánh đôi ngàn đời dưới chân núi, hướng mặt ra biển Đông. Dưới chân núi trước mặt của chùa còn có: Bàu Tiên và Bàn Cờ Tiên cùng các dấu tích như: vết chân Tiên nữ, Dấu chân ông Bành Tổ, vó Ngựa, suối Ngọc, giếng Tiên, thạch Kim Quy (đá rùa)…

chua chan tien ha tinh khamphadisan 2

Di tích lịch sử – văn hóa Chùa Chân Tiên còn là địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng trong thời kì kháng chiến là nơi liên lạc của các tổ chức Đảng trong thời kỳ 1930 – 1931. Tại địa điểm này, vào ngày 25/04/1930, Chi bộ Yên Điềm, tiền thân của Đảng bộ xã Thịnh Lộc ngày nay đã được thành lập.

Ngày nay Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức vào ngày 03/03 âm lịch hằng năm. Lễ hội diễn ra trong vòng 2 ngày, sau phần dâng hương tế lễ là phần hội với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ như: đấu vật truyền thống, đua thuyền trên Bàu Tiên, đánh cờ thẻ, thả diều, bóng chuyền bãi biển, kéo co, cắm trại…

Đến đây, ngoài việc đi lễ chùa, cầu may thì bạn còn được giao lưu văn hóa – văn nghệ, từ trên đỉnh núi Tiên An có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh non nước hữu tình, tham quan những dấu tích đã gắn liền với những câu chuyện kỳ thú, tắm biển Thịnh Lộc và thưởng thức các món ăn đặc sắc của người dân bản địa nơi đây.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94 (Tổng hợp)

4.7/5 - (3 bình chọn)