“Ngày 23.5, ngày khởi đầu của tuần lễ cúng cô hồn của người Huế cho đến hết ngày 30.5 (âm lịch), tính theo mấy mùa trăng chinh chiến, điêu tàn theo cơn binh biến thất thủ kinh đô long trời lở đất. Ở nhà, Má tôi, O tôi lại lút cút lui cui đi chợ sớm mua đồ nấu cúng…”

hues-van-hoa-tam-linh-mua-cung-am-hon-o-hue

Trách nhiệm của tôi thì lo chùi dọn bàn thờ, xếp giấy vàng bạc, quét dọn cái sân, sắp đặt cái bàn thượng hạ ngoài ngõ nhà chuẩn bị hào soạn cúng kiếng. Nhà nghèo, không mâm cao cỗ đầy nhưng phải đủ lễ nghi. Lòng phải thành, lễ phải thảo thì của sẽ thiêng. Của sẽ biến ít ra nhiều, Cô hồn ai ai cũng được thụ hưởng. Biến cố thất thủ kinh đô, người Huế nội thành chết nhiều lắm.

Đâu đâu cũng thấy xác người nằm la liệt. Chết oan khiên thì hồn khó siêu thoát. Hồn không đi đầu thai chuyển kiếp được. Cứ lang thang vất vưởng, tìm cây cao bóng cả trú thân, tìm bến đò bãi dọc nấu mình…Tội nghiệp, O kể cho tôi nghe, giọng ngùi ngùi thương cảm.

hue6

Trấn Bình Đài ( Đồn Mang Cá) nơi quân Pháp đồn trú và diễn ra trận đánh

Bàn thượng, O dạy cho tôi cách sắp xếp nến đèn bát nhang, bông ba hoa quả, cau trầu rượu sao cho đăng đối. Bỏ chén chè, dĩa xôi thế nào cho đúng vị trí, nghiêm túc mà nhìn lại đẹp, lại có tâm. Bàn thượng là bàn các quan. Các quan chỉ yêu cầu ngần ấy.

Tôi hỏi vì răng: O chỉ bảo làm đi, xưa bày nay làm, hỏi nhiều chi cho mệt. Tôi cứ thế mà làm. Bàn hạ tức bàn dưới, cũng đủ đầy các lễ phẩm ấy, nhưng thiết thêm các món Huế cúng kiếng truyền thống, như bánh ram, canh mướp đắng, ba chỉ kho tôm, thịt gà bóp,đậu cô ve xào, miến trộn lòng gà vịt, canh kim châm, dĩa cơm trắng. Ai giàu có thì làm nhỉnh hơn một chút, sang hơn một chút.

thatthukinhdo

Cửa Đông Ba vào năm 1885 đã diễn ra sự kiện đau thương với hơn 1.500 người con Huế ngã xuống.

Ngoài ra phải có mâm tạp bí lù, đủ loại củ quả trộn với nhau gồm mít, dâu truồi, bắp, đậu luộc, dưa hấu, khoai lang, củ dong, củ sắn…Những món ăn chơi dân dã hằng ngày mà người Huế rất thích ăn vào những ngày hè đổ lửa. Trước cúng, sau còn cấp cho cô hồn sống. Ngày ấy, dân vạn đò còn đói khổ, người ăn xin còn đầy đường. Mùa hai ba cũng là mùa họ được những bữa no.

Mâm củ quả đó thường phát cho họ, họ nhận và na theo rất tiện. Hoặc chia cho mấy đứa con nít trong xóm nhỏ ăn vui. Coi như san sẻ niềm vui mùa cúng. Sáng sớm, tôi đã thấy O dậy sớm nấu nồi cơm, rồi O ngồi vắt cơm trắng thành cục. Cơm trắng cúng với muối mè. O bẩu, cô hồn đói khổ, một năm được một lần cúng, cơm cục là quà để cho họ ăn xong mà lận lưng mang về ăn dọc đường. Cũng như cháo thánh, muối, hột nổ, phà ra tứ phía; ai đến muộn, đến sau, đến không kịp thì còn cất công nhặt nhạnh kiếm chút thức ăn sót cho đỡ tủi thân . O ra sau chạn bếp lấy ít củi, mạt cưa. Đốt bên bàn cúng.

cung co hon

Bên mâm cơm cúng, người Huế đốt lửa với tâm niệm sưởi ấm cho người đã khuất...

Tôi hỏi vì răng cúng 23, mùa hè đỏ lửa, O lại đốt củi, đốt mạt cưa rứa. Biến cố kinh đô, chết năm bảy hạng. Chết đủ kiểu. Lửa cho người lỡ may chết nước, chết sông, chết hồ, chết biển họ sưởi ấm cho đỡ lạnh. Sống cả năm dưới nước. Được một ngày lên. Có lửa sưởi ấm thì còn chi bằng. Tôi lại hỏi, rứa nồi nước chè, với chậu nước lạnh thì răng? O nói, thì cho người chết khô, chết khát. Họ đến là họ múc uống ừng ực. Cõi dương răng cõi âm rứa. Trả lời riết hồi, O chửi, mạ cha mi, hỏi nhiều, xưa bày nay làm, đừng hỏi nữa. Vô nhà đem hương ra thắp. Rứa là tui cười he he và lủi vô nhà.

cungcohon

Từ ngày 23/5 AL – Ở trên khắp nẻo đường ở Huế, nhà nhà đều cúng cô hồn người Huế cúng ở nhà, ở chợ, ở xóm ở nơi họ buôn bán.v.v – gửi gắm lòng thánh kính với những người đã khuất trong những ngày thất thủ kinh đô.

Đứng trong nhà, thấy O mặc chiếc áo tràng ra van vái. O quỳ quỳ lạy lạy. Miệng lẩm nhẩm khẩn cầu. Mùi hương mùi trầm xông lên thơm ngát, Tôi thấy lòng ấm áp lạ thường. Vừa ấm cái tình thương cảm dành cho người đã khuất. Vừa nghĩ về một giai đoạn lịch sử đau thương của Huế. Và hơn hết, cô hồn chính là nhân dân, là đồng bào, đồng loại bị thất táng, chết oan khổ trước hòn tên mũi đạn của khói lửa kinh thành.

hotinhtam

Hồ Tịnh Tâm nơi nhiều người bị ngã xuống khi tháo chạy.

Rốt cùng, chiến tranh luôn phi nghĩa. Bên thắng cuộc, bên thua cuộc, kẻ chủ chiến, người chủ hòa dẫu thắng hay bại thì đau khổ lúc nào cũng thuộc về nhân dân. Về những âm binh cô hồn không bao giờ siêu thoát. Họ chỉ siêu thoát khi cõi trần gian này còn nhớ đến họ, ghi ơn họ, và thành tâm cầu nguyện cho họ sớm được thanh thản về miền cực lạc; và đời sau, đồng bào họ bớt giết nhau, thôi tiếng súng, thôi đổ máu. Giá trị tâm linh, giá trị nhân văn của người Huế cúng cô hồn nằm trong tinh thần ấy. Nhớ Huế đọa đầy….

Bài viết cảm niệm của một người con Xứ Huế xa quê…

Theo: Nguyễn Thành

4.8/5 - (10 bình chọn)