Huế với đời sống sinh hoạt lễ nghi

Trong lịch sử, xứ Huế từng là miền biên viễn trong một thời gian dài, và suốt từ thời Lý – Trần – Lê, nhất là Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn, Nguyễn, Huế bắt đầu chuyển dịch, dần đảm trách sứ mạng thủ phủ vùng miền, rồi kinh đô cả nước. Với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia hơn một thế kỷ, Huế hội tụ nhiều tinh hoa của hoàng gia, quan lại quý tộc thượng lưu, làm nổi bật dấu ấn điển chế cung đình của triều đình Nho giáo. Vì thế trên mọi khía cạnh, đời sống lễ nghi, tôn giáo tín ngưỡng luôn được đặc biệt xem trọng và đời sống văn hóa tâm linh là chỗ dựa tinh thần và là phương sách an dân buổi đầu gầy dựng cơ nghiệp của triều Nguyễn trên vùng đất mới. Người Việt đi về phương Nam, tạo dựng cuộc sống dựa trên mối quan hệ hài hòa giữa trời – người – đất, nhất là với thế giới siêu nhiên thông qua hệ thống nghi lễ đặc biệt như cúng đất, cúng âm hồn, xá tội vong nhân,…. Trong ý nghĩa tạ ơn, người Huế thể hiện tấm lòng xót thương và cảm thông vô bờ đối với người khuất mặt, nhất là những oan hồn uổng tử không nơi nương tựa và nổi bật trong thập loại chúng sinh là các chiến sĩ trận vong, đồng bào nạn vong qua các cuộc binh đao máu lửa.

Tran Kinh thanh Hue 1885

Trong diễn trình cam go đó, miền Trung – Huế là nơi phải hứng chịu biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, bắt đầu với chuỗi hành trình Nam tiến rồi trải qua những cuộc chiến dai dẳng khốc liệt, từ thời Đàng Trong – Đàng Ngoài, chiến cuộc thời Nguyễn cho đến cuộc chiến kháng Pháp, Mỹ gần đây. Thảm cảnh của sự chết chóc đau thương hằn sâu trong tâm thức và dư âm của nó trở thành nỗi ám ảnh cho người ở lại. Đặc biệt là sự biến thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885), chỉ trong một ngày (23/5), cả kinh thành Huế đã nhuốm máu đỏ. Dư chấn này tạo nên bầu không khí tang thương trong lòng dân chúng kinh thành và để vơi đi những mất mát, làm lắng dịu sự đau thương tận tâm can dân chúng, Bộ Lễ đã có tấu sớ về việc lập đàn cúng tế những cô hồn thác oan.

Khởi nguyên của lệ cúng âm hồn ngày thất thủ kinh đô ở Huế cũng bắt đầu từ đó, và tục này được duy trì rộng rãi trong dân gian cho đến ngày nay. Hằng năm cứ vào một ngày tùy định, trải từ 22/5 đến 30/5 AL, từ các hộ gia đình đến từng xóm làng phường hội đều thiết lễ dâng cúng các vong hồn tử trận, thể hiện nghĩa đồng bào dành cho người đã khuất, để phần nào an ủi những âm linh phiêu dạt, và cũng là hành động gợi nhắc về sự biến thất thủ kinh đô trong đời sống tinh thần của người dân Huế.

Ngày thất thủ kinh đô và những dấu ấn văn hóa lịch sử đặc thù

2.1. Ngày thất thủ kinh đô: biến cố lịch sử năm Ất Dậu (1885)

Lấy cớ phản đối chính sách cấm đạo của triều đình Huế, ngày 31/8/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouill đã nổ súng tấn công cảng Đà Nẵng, bắt đầu cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Ban đầu, Pháp có ý định lấy Đà Nẵng làm bàn đạp để tấn công kinh thành Phú Xuân. Song, triều đình nhà Nguyễn một mặt đưa quân vào Đà Nẵng chống đỡ, một mặt huy động Cấm binh, lính Vũ Lâm, lính các vệ và chiêu mộ binh lính lập quân Chiến Tâm (sau đổi thành Vệ Nghĩa Dũng) phòng thủ các cửa ải, cửa biển trên đất Thừa Thiên và bảo vệ chặt chẽ kinh thành. Kế hoạch không thành, liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải thay đổi kế hoạch tấn công vào Cần Giờ, Gia Định (1959); lần lượt chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Thêm vào đó, ở miền Bắc, Tạ Văn Phụng tự xưng là Lê Duy Minh, con cháu của nhà Lê cũng nổi dậy ở Quảng Yên chống lại triều đình. Nhà Nguyễn đứng trước thế vừa chống ngoại xâm vừa chống nội thù.

Với âm mưu biến triều đình Huế thành chính quyền tay sai chống lại các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đang sôi sục ở Nam Kỳ, vào tháng 4 Âm lịch (1862), Pháp đã chủ động điều tàu Forbin đến Thuận An, đưa thư yêu cầu nghị hòa. Tiếp nhận thư nghị hòa, triều đình Huế cử phái bộ do Phan Thanh Giản theo tàu Forbin để vào ký hiệp ước Nhâm Tuất (1862), nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp.(1) Năm 1867 Pháp lấy luôn 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Nam Kỳ lục tỉnh từ đây trở thành thuộc địa của Pháp.

Với mưu đồ thôn tính toàn Việt Nam, năm 1873, Pháp mở cuộc tấn công lần thứ nhất ra Bắc Kỳ dưới sự chỉ huy của Francis Garnier và nhanh chóng chiếm thành Hà Nội. Một năm sau, Francis Garnier bị giết trong một cuộc phục kích của quân triều đình do Hoàng Tá Viêm chỉ huy. Trước tình hình đó, Pháp đồng ý ký hiệp ước Giáp Tuất (1874) trả lại Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ đã chiếm đóng cho triều đình; đổi lại, triều đình Huế chính thức công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1882, dưới sự chỉ huy của Henri Rivière tấn công chiếm thành Hà Nội và Hòn Gai, Cẩm Phả, Nam Định, vua Tự Đức phải kêu gọi sự chi viện của nhà Thanh và Pháp cũng gửi thêm quân cho H.Rivière. Tình hình trở nên căng thẳng khi H.Rivière (1883) bị quân của Hoàng Tá Viêm sát hại, Pháp càng tăng cường tấn công Bắc Kỳ. Khi vua Tự Đức băng hà, triều đình nhà Nguyễn càng rối ren. Thuỵ quận công Dục Đức nối ngôi làm vua được ba ngày thì bị phế truất, rồi bức tử. Vua Hiệp Hòa lên thay, trong triều phân liệt sâu sắc giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa.

Lợi dụng tình hình trên, quân Pháp do đô đốc Courbet cầm đầu bất ngờ tiến vào đánh Đà Nẵng và tấn công Huế, Thuận An thất thủ. Ngày 22/08/1883, Tổng uỷ viên quân chính Bắc kỳ Harmand đưa tối hậu thư kể tội, đe dọa triều đình và bản dự thảo hòa ước 27 điều khoản, hạn cho triều đình Huế phải phúc đáp trong vòng 24 giờ. Triều đình buộc phải nhờ Trần Tiễn Thành trung gian tiếp xúc với giám mục Caspar để đưa Nguyễn Trọng Hợp – đại diện chính thức của triều đình xuống Thuận An lên chiến thuyền xin đình chiến và chấp nhận điều kiện của Pháp. Ngày 25/8/1883, hiệp ước Quý Mùi (hiệp ước Harmand) được triều đình ký kết với Harmand và Champeaux, chính thức thừa nhận quyền “bảo hộ” của Pháp trên đất Việt Nam.

Trong triều đình, phái chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết đã tuyên bố phủ nhận hiệp ước Quý Mùi 1883, đồng thời phế vua Hiệp Hòa sau 4 tháng làm vua để đưa vua Kiến Phúc lên thay nhưng cũng chỉ trị vì 6 tháng. Tháng 08/1884, vua Hàm Nghi lên ngôi Hoàng đế khi mới 12 tuổi.

Mặc dù Pháp khẳng định quyền thống trị trên khắp lãnh thổ nhưng phong trào kháng chiến của nhân dân Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ và người Pháp buộc phải nghĩ đến việc dùng nhà Nguyễn phục vụ cho việc thống trị. Một bản Hiệp ước mới trên tinh thần “sửa đổi hiệp ước Harmand” được soạn thảo và Patenôtre từ Paris sang để đàm phán. Ngày 6/6/1884, hiệp ước Patenôtre (Hòa ước Giáp Thân) được ký kết, đặt Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, nhà Nguyễn hầu như đã bị khống chế hoàn toàn.(2) Tòa Khâm sứ, cơ quan đầu não chính trị của Pháp ở Trung Kỳ được thiết lập ngay bên tả ngạn sông Hương (vị trí trường Đại học Sư phạm Huế hiện nay) nhằm giám sát và can thiệp vào triều đình Huế. Ngoài ra, có khoảng 200 lính mã tà ma ní thuộc lực lượng đánh thuê Pháp cũng đóng ngay ở đồn Mang Cá Nhỏ (Tiểu Trấn Bình Đài).

Về phía nhà Nguyễn, việc Ưng Lịch lên ngôi lấy hiệu Hàm Nghi mà không hỏi ý kiến của tòa Khâm sứ đã vấp phải sự phản đối của thực dân Pháp. Bởi, mặc dù được che đậy dưới danh nghĩa là có chiếu của vua Kiến Phúc nhưng thực chất là xuất phát từ chủ trương của phe chủ chiến, đứng đầu là Phụ chính đại thần, kiêm Thương thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết. Mặc cho sự phản ứng quyết liệt của cả Pháp lẫn một bộ phận trong nội bộ Hoàng gia, ngôi vị vua Hàm Nghi vẫn giữ vững. Lúc này, Tôn Thất Thuyết và phái chủ chiến tiếp tục chuẩn bị lực lượng quân sự lập chiến khu Tân Sở ở Quảng Trị, kêu gọi tinh thần chống Pháp trong nhân dân, liên lạc với phong trào Văn thân chống Pháp, đồng thời ra sức đấu tranh với Pháp để trì hoãn việc thi hành Hiệp định Patenôtre.

Trước tình hình đó, chính phủ Pháp quyết định trao những quyền hành hết sức rộng rãi cho Ruossel de Cuorcy (Toàn quyền Chính trị và Quân sự tại Việt Nam)và cử vị Trung tướng này sang Việt Nam để đối phó với triều đình vua Hàm Nghi. Sự kiện này đánh dấu cho một cuộc đối đầu trực diện giữa phái chủ chiến của nhà Nguyễn và phía Pháp. Với một lực lượng hết sức hùng hậu, gồm 2 tàu chiến, 19 sỹ quan, 1024 lính, 1 đội kèn, De Cuorcy đã đến cảng Thuận An vào ngày 2/07/1885. Ngay ngày hôm sau, De Cuorcy đã yêu cầu các Thượng thư của triều đình Huế sang Tòa Khâm để hội kiến nhằm bàn chi tiết việc chuyển giao hiệp ước Patenôtre, đồng thời âm mưu bắt Tôn Thất Thuyết.

Biết trước được điều này, Tôn Thất Thuyết cáo ốm. Kế hoạch không thành, De Courcy liền đưa ra yêu sách đòi triều Nguyễn phải nộp chiến phí nội trong ba ngày. Ngoài ra, vị toàn quyền này còn đặt điều kiện là khi phái đoàn Pháp vào Hoàng thành gặp vua, vua Hàm Nghi phải đích thân ra đón; tất cả những người trong đoàn phải được đi vào Đại Nội bằng cửa Ngọ Môn. Sự khiêu khích, ngạo mạn và lăng nhục này đã đưa mâu thuẫn giữa triều đình vua Hàm Nghi và Pháp lên đến cực điểm.

2.1.2. Kinh đô thất thủ

Để bảo vệ vương triều và quốc thể, Tôn Thất Thuyết quyết định chủ động tấn công Tòa Khâm và Tiểu Trấn Bình Đài. Trong Vè chống Pháp, người dân Huế đã tả lại cảnh quân bình triều đình chuẩn bị tấn công hết sức kỹ lưỡng:

… Kinh thành cơ nghiệp mình đây
Nay mình thúc thủ phen này sao yên
Dàn quân mặt trước có lính Long Thuyền
Võ sinh xuất nhập, còn quyền xảo tri
Trong thành có lính Cẩm Y
Kim Ngô hai vệ võ nghệ thì rất hay
Võ Lâm hai vệ ở đây
Sanh sơ võ nghệ đóng đầy đồn trong
Đông ba năm vệ Tuyển phong
Cửa Trài, Trường Định, Võ Long cũng dàn
Cửa Hậu tới cửa An Hòa
Lính thì mười vệ vậy mà chia hai
Cửa Hữu năm vệ hổ oai
Chánh Tây, Hùng Nhuệ đóng đầy Thần cơ…

Nửa đêm ngày 4/7/1885 (đêm 22 rạng 23/05/Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết chia quân doanh làm hai đạo: một đạo do Tôn Thất Lệ chỉ huy vượt sông Hương đánh úp Tòa Khâm sứ Pháp; một đạo do ông trực tiếp tấn công đồn Mang Cá nhỏ.

Bị đánh bất ngờ, quân Pháp hết sức hoảng loạn.(3) Tuy nhiên, vũ khí quân triều đình quá thô sơ, chủ yếu là gươm đao giáo mác để cận chiến; đạn đại bác cũng chỉ làm cháy vài trại lính quanh Tòa Khâm, còn lại phần lớn rơi xuống sông. Thấy được thế yếu của đối phương, ngay sau đó, Pháp đã củng cố lực lượng phản kích.(4)

Dưới sự chỉ huy của Pernot, quân Pháp chia làm 3 đoàn do Bornes, Sajot và Cheroutre cầm đầu tấn công vào Kinh Thành. Từ Tiểu Trấn Bình Đài, thủy lục quân Pháp đánh thẳng lên khu Tam Tòa, Lục Bộ, tiến vào cửa Hiển Nhơn, đánh vào Đại Nội. Gặp sự kháng cự của quân triều đình, Pháp quay sang chiếm và treo cờ Tam Tài lên Kỳ Đài. Đạn pháo từ tàu chiến Pháp cũng bắn vào Đại Nội, quân triều đình dưới sự chỉ huy của Đề đốc Hộ thành Trần Xuân Soạn và Hữu quân Đô thống Hồ Văn Hiển phải tử thủ trong thành. Đến 9 giờ sáng ngày 5/7/1885, Hoàng thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết phải đưa Hàm Nghi cùng triều đình theo cửa Chương Đức (Tây Nam) xuất giá khỏi kinh thành, lên căn cứ Tân Sở(5) chuẩn bị cho phong trào Cần Vương chống Pháp.

Quân Pháp chiếm được kinh thành, ra sức đốt phá, cướp bóc, bắn giết. Trong hoàn cảnh rối ren đó, dân chúng hoảng loạn tìm đường chạy trốn. Ngoài những người bị súng đạn của giặc giết chết, một số đông đáng kể bị chết do chen chúc chạy trốn, dẫm đạp lên nhau, rơi xuống hồ ao, tường thành… Ghi lại cảnh chết chóc này, hỗn loạn, đau thương này, Philippe Devillers thuật lại: “11 giờ ngày 5-7-1885, Roussel de Courcy, tướng chỉ huy đội quân viễn chính Pháp tại Việt Nam, điện cho Chính phủ Pháp: “Ngôi thành đã ở trong tay chúng ta cùng với 1.100 khẩu đại bác. Quân đội chúng ta tuyệt vời. Thương vong không đáng kể” (…) Tướng Prudhomme báo cáo: “Xác của 1.500 người Annam cho thấy những thiệt hại của kẻ thù ít nhất cũng phải gấp đôi thế, vì theo tập quán họ đã mang đi rất nhiều, và mang tất cả những người bị thương đi, vì họ sợ chúng ta sẽ cắt xẻo hay đối xử tàn nhẫn…”.(6)

Với người dân Huế, sau sự biến thất thủ kinh đô, nhiều tác phẩm văn học, văn tế của giới trí thức và nhiều bài vè trường thiên đã kể về sự kiện này một cách chi tiết, bi thương. Tác phẩm Hạnh Thục Ca của nữ quan Lễ tần Nguyễn Nhược Thị kể về hoàn cảnh xa giá vua Hàm Nghi xuất cung ghi lại hình ảnh loạn ly của dân chúng: Tới nơi Cửa Hữu xem qua/Hai bên lê thứ trẻ già quá đông./Chen nhau dìu dắt mang bồng,/Chực theo Từ giá thoát vòng nguy nan.

Tập tục cúng cô hồn tử sĩ, kỷ niệm ngày “Kinh Thành Thất Trận Ất Dậu Niên Gian” của người dân Huế cũng hình thành từ đây.

2.2. Ý nghĩa và những biểu hiện văn hóa liên quan đến ngày thất thủ kinh đô

Sự biến thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885) đã khiến thành trì Phú Xuân – Huế trở thành chiến địa, dân chúng chạy tán loạn, khói lửa ngút trời, hòa cùng thanh âm não nùng của những tiếng khóc than. Xác người chết vô số, chất chồng trên khắp mọi nẻo đường, dưới kênh mương, hồ ao. Hình ảnh bi thương ấy đã được thể hiện qua những câu vè: “…Rạng đông vừa lặng lẽ kẻ tăm kình, người ngoài dại kẻ trong thành, bay những xác còn người lòe máu đỏ./Khôn xiết nổi hằng hà sa số, cuộc chiến trường nghiêng ngả chất tày non/Biết bao nhiêu ba vạn sáu ngàn, đem hài cốt nhập nhồn chôn mấy lỗ…”.

Lề đường, vườn nhà, mương thoát nước trong và ngoài kinh thành đều trở thành nơi chôn lấp xác người. Về sau, những mồ mả này lại phải cất bốc theo lệnh của người Pháp và được cải táng tại Ba Đồn. Vốn là nơi hợp táng các cô mộ khi nhà Nguyễn lần lượt tiến hành xây dựng kinh thành Phú Xuân, đàn Nam Giao và lăng Gia Long, sau sự kiện này, Ba Đồn lại trở thành nơi chất chồng hàng ngàn nắm xương tàn của các Chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong trong ngày Kinh đô thất thủ. Khu mộ Ba Đồn nằm trên một diện tích khá rộng, thường được gọi là tam đàn (3 cái đàn – mô đất cao) và ngũ trủng (5 cái trủng – khoảnh đất thấp), là nơi quy tụ hơn 10 ngàn âm linh phiêu dạt.(7) Ở chùa Ba Đồn hiện nay vẫn còn hai câu đối được viết từ thời vua Bảo Đại về việc phụng thờ những vong hồn đang vất vưởng không chốn nương thân:

Nhất Tộc Khởi Sùng Từ Vạn Đại linh hồn quan tuất tự

Thập phương đồng hiệp tự ức niên tán phách hiển tinh thần

Cuộc chiến mặc dù đã kết thúc, nhưng cuộc sống dân chúng ở kinh thành Huế từ sau biến cố này vẫn thường gặp phải những điều không may, bệnh dịch, hỏa hoạn…và họ tin rằng, đó là do sự quấy nhiễu của những oan hồn tử sĩ và nạn dân không được thờ cúng. Người ở lại cũng vì thế đã lo việc cúng bái cho họ đều đặn thường niên. Từ đời vua Thành Thái (năm 1894), triều đình đã cho lập đàn âm hồn ở phường Huệ An (số 24 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa hiện nay) để cúng tế. Tác giả Orband cho biết: “Người dân ở đây kể lại rằng: sau những trận đánh diễn ra ở Huế vào năm 1885 (…) những hồn người chết trở thành những bóng ma gây nên những đám cháy bởi vì họ không được ai thờ cúng. Vậy nên vào năm 1894, Bộ Lễ đã cho lập một cái đàn nhỏ gần cửa Quảng Đức”. Hằng năm cứ đến ngày 23/05ÂL, bộ Lễ phụ trách việc tổ chức tế lễ để tưởng niệm người đã khuất. Nhưng sau năm 1945, khi nhà Nguyễn sụp đổ, nhà nước không còn duy trì việc cúng tế Đàn âm hồn.

Trên tinh thần đạo nghĩa và những ảnh hưởng bởi sự chi phối của yếu tố tâm linh, tổ chức tự nguyện của người dân dưới tên gọi phổ được thành lập nhằm duy trì việc cúng lễ âm hồn thất thủ kinh đô. Một trong những phổ có vai trò duy trì việc cúng tế Đàn âm hồn là phổ Phước Lợi, có quy mô khởi nguyên của phổ khoảng 100 hộ gia đình tham gia, với bộ máy tổ chức sáng lập xuất thân từ nhiều thành phần, chủ yếu là những người từng làm việc cho triều đình như ông Nhất Lang – Nhất đẳng thị vệ, ông Nhị Lang – người theo Thiên chúa giáo, bà Đinh Thị Chất – phụ trách Hương thiện trong cung đình, ông Nguyễn Dục, ông Nguyễn Đức Trọng,… cùng với các bô lão nhân sĩ ở các phường Huệ An, Thuận Cát, Tri Vụ như ông Phan Hữu Dực, ông Ưng Đồng, ông Hoàng Bằng,…

Khi mới thành lập, lễ tế thất thủ kinh đô 23/5 được phổ Phước Lợi tổ chức ở đàn âm hồn, nhưng về sau để tránh sự truy sát của quân Pháp, phổ dời địa điểm về “Giỏ Canh” (ngã tư đường Lê Huân – Thạch Hãn hiện nay). Hằng năm vào ngày cúng tế, phổ tiến hành nghi lễ đội vật phẩm lên cáo ở đàn âm hồn trước, rồi về tế lễ ở Giỏ Canh. Hoạt động của phổ duy trì đến năm 2002, về sau, việc cúng tế được người dân tham gia tổ chức tại đàn âm hồn cho đến ngày nay.

Trong dân gian, các phổ nghề, (như Kim Hoàn, phổ Vải, phổ Nón, phổ Gương Lược, phổ thợ may, phổ chén bát…) cũng chọn ngày riêng để tổ chức tế âm hồn hoặc cùng hợp tế.(8) Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các phổ này đã không còn duy trì, một số thỉnh thoảng vẫn còn hoạt động như phổ Thiện Lạc, Thắng Duyên, riêng có phổ hội thiện nguyện Kim Hoàn được thành lập từ thời Bảo Đại vẫn thường xuyên tổ chức cúng tế cô hồn Thất thủ kinh đô.

Cùng chung ý nghĩa này, các phường cũ trong thành nội như Phú Nhơn, Vĩnh An, Tri Vụ, Thuận Cát và làng Phú Xuân đều lập miếu âm hồn. Trong đó, miếu Âm Hồn phường Phú Nhơn, nay tọa lạc ở ngã tư Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn thuộc phường Thuận Lộc, là một trong những nơi mà lệ tục cúng âm hồn được duy trì có tính liên tục nhất và thể hiện đậm nét tính chất cộng đồng. Một nghi thức mang nhiều ý nghĩa biểu trưng, hội tụ nghĩa đồng bào, lòng thành kính đối với người đã khuất là trước ngày tế, ban lễ tế lên chùa Ba Đồn thắp hương thỉnh mời chư vị âm linh về cùng phối hưởng. Xóm Âm hồn, Ngã tư Âm hồn, đường Âm hồn không chỉ là những địa danh, mà còn là chứng tích lưu danh, gợi nhắc cho người Huế về ngày thất thủ Kinh Đô – một sự biến đầy bi thương diễn ra hơn 120 năm trước.

Các bậc cao niên kể lại rằng: miếu Âm hồn vốn là một mồ chôn tập thể của rất nhiều quan binh tử trận. Năm 1895, khi người Pháp tiến hành quy hoạch, xây dựng các tuyến phố trong Thành Nội, người dân quanh vùng đã phát hiện và cùng nhau cất bốc – cải táng thành hai ngôi mộ chung ở vùng núi Ngự Bình. Sau đó, lập miếu thờ trên nền mộ cũ, duy trì việc cúng tế long trọng cho đến ngày nay. Tương truyền, trong quá trình cất bốc, ngoài xương cốt, người ta còn thấy mũ mão, bài ngà lẫn xác ngựa. Cũng vì lẽ đó, lòng bia của hai ngôi mộ cải táng do người dân ở ngã tư đường Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn (Thành Nội Huế) trực tiếp thờ phụng ghi rõ: Lăng mộ chiến sĩ trận vong đồng bào nạn vong Thất thủ kinh đô Huế năm Ất Dậu.

Cùng với các di tích lẫn phế tích ghi dấu ngày Kinh đô thất thủ, sự kiện này đã thực sự hằn sâu trong tâm thức của người Huế, thể hiện qua lệ Tế âm hồn mà dân gian thường gọi là bữa quảy cơm chung được kế thừa liên tục trong suốt hơn một thế kỷ qua, và đã trở thành một mỹ tục độc đáo, đầy tính nhân văn. Gọi là quảy cơm chung vì cứ đến một ngày tùy định từ 22 – 30/05 Âm Lịch hằng năm, nhân dân khắp các xóm, thôn, phường, hội; những người cùng nghề nghiệp, cùng sinh hoạt trong các khuôn hội chùa chiền lại tổ chức dâng lễ tế.(9) Bàn lễ được thiết trí ở ngã ba đường – nơi được quan niệm là có nhiều âm hồn qua lại – hay trước mặt nhà, sát lề đường, nếu nghi lễ diễn ra trong phạm vi gia đình.

Lễ phẩm có thể thịnh sơ tùy hoàn cảnh. Ngoài đăng đèn hoa quả, có những phẩm vật hết sức đơn sơ nhưng lại thường hằng, chúng đã trở thành biểu tượng của lễ tế âm hồn, của niềm thương xót và cảm thông vô bờ đối với người khuất mặt: Đó là áo binh, cháo thánh, cơm vắt, gạo muối, hạt nổ; là nước chè xanh cho miệng khát từng kẻ thác oan; là bếp lửa cho những tấm thân chết rét ngậm ngùi. Các thứ sắn, khoai, mít, đậu và nhiều phẩm vật khác đều được chia nhỏ để thêm nhiều các âm linh phiêu dạt được hưởng phần. Lễ vật có thể ít nhiều tùy hảo, nhưng thường được thiết trí thành 2 bàn: bàn thượng với hoa quả, xôi chè, cau trầu rượu, ở bàn hạ ngoài hương đèn, lễ phẩm, chủ yếu là bàn soạn với nhiều thức ăn mặn khác nhau.

Qua không gian nghi lễ được mở rộng từ phạm vi gia đình đến xóm thôn làng xã và đặc thù của lễ vật dâng cúng, người ta nhìn thấy ở đây không chỉ nghĩa đồng bào của người sống đối với người chết, mà còn xuất phát từ lòng cảm thương dành cho những người chết thảm trong biến cố tang thương của đất nước, và cũng thể hiện nỗi ám ảnh sâu xa trong tâm thức người Huế về những oan hồn uổng tử không ai thờ cúng:

Lô nhô trẻ dìu già, ông nách cháu, chân còn đi, đầu chốc lìa vai!
Lao nhao con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt, xương đà chất đống!
Oan uổng quá mấy ông trên võng, thình lình sét đánh, sống chẳng trọn đời.
Tội tình thay lũ bé trong nôi, cắc cớ sao sa, chết đà trắng bụng.

Thương mấy cụ khiêng sơn nón dấu, nặng nợ cơm vua áo chúa, được da ngựa bọc thây mới sướng, tức vì sao “Tứ bất thành danh”

Tủi mấy cô áo chít quần trơn, vui miền tài tử giai nhân, nỡ vủng bùn chôn ngọc cho cam, uổng cái kiểu “sanh nhi vô dụng”

Trước một trận mưa đen mịt tối, tất thảy người mà tất thảy quỉ, một vùng chôn kẻ cực người sang

Sau ba hồi trống dục loa dồn, biết đâu phận lại biết đâu duyên, ba thước lấp anh hay chú vụng

Cửa Thượng tứ, cửa An Hòa, sao rắc rắc khách văn tự não nùng tình điếu cổ, gió sầu lấp loáng dưới lầu thành

Cầu Đông Ba, cầu Gia Hội hãy trơ trơ chủ giang sơn chan chứa mối thương tâm, giọt lụy làm màn trên lớp sóng. (Tang Lễ bị Khảo)

Trong những dịp này, Vè Thất thủ kinh đô – một bài khẩu báo dân gian đầy tính thời sự vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lại được xướng lên:

…Canh hai cơm nước soạn sình
Hai bên phường phố lặng tanh như tờ
Canh ba dàn trận binh cơ
Canh tư lấy giờ phát lệnh giao phong

Súng Tây nó nổ đì đùng
Hai bên phường điếm hãi hùng kêu la
Người chui bụi, kẻ vọt ao
Người lòn xuống cống, lao xao canh chầy

Tránh thân cho khỏi súng Tây
Mẹ con chạy vạy trời rày còn khuya
Lao xao như cá trong đìa
Tránh sao cho khỏi súng lia vào mình…

…Người sáng còn cực tấm thân
Thương ông thầy bói chân lần tay quơ…
… Từ ngày Thất thủ Kinh đô,
Bốn phương xiêu vẹo Hán Hồ khổ thay…

…Từ ngày Thất thủ Kinh đô
Tây qua giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam
Lên dinh tớ ở Tòa Khâm
Chén cơm âm phủ, áo dầm mồ hôi…

Âm hưởng não nùng khiến lòng người nặng trĩu. Song, khoảnh khắc như thế này đã cho kẻ hậu sanh những phút giây lắng lòng mình, tạm quên đi nhịp sống bộn bề để nhìn về quá khứ. Để hiểu, để ghi khắc lịch sử hào hùng, bi tráng của cha ông; để trân trọng và yêu quý hơn những tháng ngày hiện tại. Lòng tiếc nuối không dễ nguôi khuây, niềm ức vọng tiền nhân ấm nghĩa đồng bào còn đặc biệt thể hiện trên những dòng văn tế bùi ngùi, xúc động. Văn tế cô hồn 23/5 ở Kinh thành Huế với những dòng ai oán khiến người ta có cảm giác như khoảnh khắc lịch sử đầy máu và nước mắt ngày xưa vẫn còn đó.

Hương Thủy, Ngự Bình in dấu cũ, ngàn dâu chìm bể nổi, phận cát bèo kẻ Bắc người Nam. Hàm Nghi Ất Dậu nhớ năm xưa, kinh lửa bốc chớp lòe, tai sấm sét hồn tan phách rụng.

Sống chết đã đành là số mệnh, trách vì ai xui khiến, đến bây giờ mất họ mất tên. Tháng ngày may chưa đổi xuân thu, nên chưa gặp đó bùi ngùi, gọi chút đỉnh còn nòi còn giống.

Khóc tình chung khôn giọt đượm giọt phai

Đau người cũ há bên khinh bên trọng

Thống duy: Âm hồn các vị bà con ta xưa

Xứ Huế riêng nhà

Trời Nam chung bóng

Tánh danh ở giữa đế đô

Này mặt cũng trong hoàng chủng…

Bên cạnh âm hưởng gợi nhắc về những phút giây bi hùng trong sự biến đầy bi thương ngày 23/5/Ất Dậu, văn tế còn thể hiện tinh thần đạo nghĩa, tấm lòng thành của người sống với hầu mong đức Phật từ bi siêu độ cho những tấm thân bất hạnh đã bỏ mạng nhanh thoát khỏi vòng địa ngục:

“Địa ngục biết bao giờ thoát, ghê chán chầu tháng đợi năm chờ

Thiên đường đã kẻ nào thắng, luống nổi một rày trông mai ngóng

Chí thê thảm thật là tuồng liệt bại, kinh hồn khiếp vía máy luôn luôn

Đại từ bi mong có Phật Như Lai, độ tử siêu linh cho chóng chóng.

Nào hồn đông hồn tây, hồn nam hồn bắc, chẳng đâu không gọi gọi thì: Hồn ôi! Về – Hỡi cô phu cô phụ, cô tử cô thần, may hãy còn mình mình phải cúng.

Cũng cha anh chú bác, thím mợ cô dì ta cả thảy, đau đoàn sau càng đau đoàn trước, tình nhất sinh nhất tử sơ khác gì thân.

Này hương hoa vàng giấy, xôi rượu muối trà, chút gọi rằng nếm lấy hơi, xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào, thác xem như sống.

Hỡi tinh linh các đấng phò trì cho tổ quốc trường tồn

Này quốc ngữ đôi hàng, ao ước những chí thành năng động

Thương ôi! Xin hưởng.”

Không chỉ phát xuất từ một sự kiện lịch sử, một cách tỏ bày đạo lý uống nước nhớ nguồn hay sự tiếp nối dòng mạch văn hóa yêu nước thâm trầm, sâu thẳm, sự phổ biến và kế thừa liên tục của lễ tế âm hồn thất thủ kinh đô còn là biểu hiện của một quá trình cộng hưởng văn hóa sâu sắc.

Sau lễ tế cô hồn 23/5, ngày 12/06 Âm lịch người dân kinh thành tổ chức chạp mộ Chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vọng Thất thủ Kinh đô năm Ất Dậu. Với cư dân ở vùng núi Ngự Bình, những ngôi mộ này nghiễm nhiên được họ chăm sóc, thờ phụng với tất cả sự thành kính, tận tâm.

Kết luận

Thất thủ Kinh đô từ một sự kiện lịch sử bi hùng đã trở thành một lễ nghi cúng tế đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa Huế, được duy trì liên tục hơn trăm năm nay và đạt đến tính cộng đồng cao độ. Không chỉ cư dân Thành Nội, các làng xã ven đô đều tự nguyện tổ chức cúng bái hằng nằm như một bổn phận của kẻ hậu thế với các thế hệ tiền nhân bỏ mình vì nghĩa nước. Không chỉ phát xuất từ một sự kiện lịch sử, một cách tỏ bày đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự phổ biến và kế thừa của các nghi lễ liên quan đến ngày thất thủ kinh đô còn là biểu hiện của một quá trình cộng hưởng văn hóa sâu sắc với đạo lý dân gian, tôn giáo tín ngưỡng, nhất là Phật giáo.

Tinh thần nhân văn của các nghi lễ liên quan đến ngày thất thủ kinh đô còn đặc biệt thể hiện ở hệ thống các phẩm vật cúng tế. Đúng như những lời mà “người dương gian” chia sẻ với “khách âm cảnh”:

Bát cháo thánh hầu ấm thân cô độc, trên đường xa mù mịt bốn phương

Tấm áo binh đỡ lạnh gót lạc loài, giữa lối thẳm âm u chín suối.

Nước chè nhạt cũng tình quyến luyến, khát vơi dần miệng kẻ thác oan

Củ khoai cằn ấy nghĩa thân quen, no đôi chút bụng người chết mới.

Bông chuối cau trầu đủ thứ, lỡ khi cùng không thiếu vật tuỳ thân,

Giấy tiền vàng bạc sót chi, gặp lúc ngặt có thừa đồ trao đổi.

Tội sớm tha, công thưởng lớn, nguyện cầu vía yên hàn vượt thoát,

Đêm đêm âm ty ám ám lưới sương giăng,

Oan thì giải, nghiệp trả dần, cầu khấn hồn thanh thản ra đi

Chiều dương thế mù mù luồng khói nổi

Đốt nén nhang ngan ngát, mặc ngậm ngùi xin chớ ngó lui,

Vẫy chén rượu thơm tho, dù ấm ức hãy mau bước tới.

Tâm thành lễ bạc, bàn phẩm vật trên dưới sơ sài

Ngôn thiểu ý đa, câu ai điếu ngắn dài vụng dại.(10)

Sự sẻ chia này không chỉ là cách thể hiện lòng thành, mà còn là nghĩa của người trần gửi đến người âm, và cũng qua nghi lễ này, chúng ta thấy ở đó còn phản ánh sinh hoạt lễ nghi giao tiếp trong đời sống cộng đồng, gắn liền quá khứ – hiện tại, cõi đời – cõi thiêng.

Từ nghi lễ cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần hi sinh vì tổ quốc, thể hiện tình yêu thương con người và lòng tri ân với các bậc tiền nhân, các nghi lễ liên quan đến ngày thất thủ kinh đô đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, duy nhất có trong đời sống của người dân xứ Huế. Thông qua các sinh hoạt lễ nghi này, trong sâu thẳm của mỗi người đều tìm được cho mình cảm giác bình an, thư thái. Tinh thần trách nhiệm, cố kết cộng đồng cũng thêm thắt chặt.

Thiên tai, chiến tranh và nhiều nguyên nhân lịch sử khác khiến cho các di tích tín ngưỡng liên quan đến ngày thất thủ kinh đô bị hư hại, xuống cấp, thậm chí là bị xóa sổ. Song hành với điều đó, trong một thời gian dài, các nghi lễ liên quan cũng bị gián đoạn, mai một hoặc giản lược dần. Trong những năm trở lại đây, nhiều xóm thôn, đặc biệt là cư dân Thành Nội Huế đã dành khá nhiều công sức, tiền của để phục hồi các cơ sở tín ngưỡng ghi dấu thời khắc lịch sử đầy bi hùng này của nhân dân Cố đô Huế. Những di tích còn lại hiện này, có thể kể đến:

– Hai ngôi lăng mộ chiến sĩ trận vong đồng bào nạn vong Thất thủ kinh đô Huế năm Ất Dậu được nhân dân đường Mai Thúc Loan, Lê Thánh Tôn, Thành Nội Huế cải táng và phụng lập năm 1973, nay đã được sửa sang khang trang.

– Nghĩa trủng Ba Đồn, nơi hợp táng của nhiều cô mộ, trong đó có các chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vọng Ất Dậu.

– Miếu Âm Hồn phường Phú Nhơn được xây dựng dưới thời Thành Thái, nay tọa lạc ở ngã tư Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc, thành phố Huế.

– Miếu âm hồn làng Thế Lại (Nghĩa trủng đường đàng) phường Phú Hiệp, thành phố Huế.

– Miếu âm hồn ở Cống Chém, phường An Hòa, thành phố Huế.

Đáng chú ý là Đàn Âm Hồn được lập vào năm năm 1894 đời vua Thành Thái ở phường Huệ An (gần cửa Nhà Đồ) với diện tích gần 1500 m2 nay đã trở thành phế tích (24 Ông Ích Khiêm). Ngoài miếu âm hồn phường Phú Nhơn đã đề cập, các phường cũ trong Thành Nội trước đây cũng có những miếu âm hồn được lập từ thời Thành Thái như Vĩnh An, Tri Vụ, Thuận Cát và làng Phú Xuân.

Dưới triều Nguyễn, Lễ tế Chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vọng trong ngày kinh đô thất thủ được triều đình long trọng tổ chức tại Đàn Âm hồn, do Quan đề đốc hộ thành làm chủ tế với lễ phẩm gồm một trâu cậu, 9 con bò, heo, gà và hoa quả. Sau lễ tế của triều đình thì dân chúng vào cúng bái. Với ý nghĩa và tầm vóc của nghi lễ đã được đời trước thừa nhận và thi hành, trong điều kiện hiện nay, đạo lý uống nước nhớ nguồn vẫn được người dân cố đô Huế tiếp tục kế thừa. Song, ngoài tấm lòng tự nguyện của dân chúng, các cơ quan hữu quan cần xem xét phục hồi Đàn Âm Hồn như một tượng đài phản chiến và nâng tầm nghi lễ xứng đáng với ý nghĩa vốn có của nó.

Lễ tế thất thủ kinh đô 23/5 là ngày giỗ chung mang tính cộng đồng, cũng là ngày lễ duy nhất tưởng nhớ đến thảm kịch đầy bi thương của kinh đô Việt Nam thời Nguyễn trong cuộc đụng độ với văn minh phương Tây của thực dân Pháp, biểu hiện tấm lòng kính trọng, xót thương của người Huế đối với các chiến sĩ vị quốc vong thân và đồng bào nạn vong trong sự biến này. Có thể nói, nghi lễ tưởng niệm sự biến thất thủ kinh đô thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa Huế. Cúng cô hồn không phải khởi nguyên từ lễ cúng 23/5 mà trên ý nghĩa là phản ánh khía cạnh sinh hoạt lễ nghi đầy tính nhân văn của cư dân miền Trung và Huế nói riêng, là sự thể hiện tình cảm đối với những vong hồn không chốn nương thân. Chính vì thế, lệ tục này còn được cộng hưởng, bổ sung bởi tục cúng đất, rằm tháng Bảy, trai đàn chẩn tế,… Tất cả cần được xem xét trong mối cộng hưởng tâm linh tinh thần, làm nên bức tranh phong tục đặc thù của dòng chảy văn hóa Huế.

Huế trong điều kiện thuận lợi về vị thế địa lý, là vùng đất đa dạng về văn hóa: hội tụ từ cả hai yếu tố địa sinh thái và lịch sử xã hội, thiết nghĩ, chúng ta nên khai thác sinh hoạt lễ hội như một sản phẩm du lịch. Có lẽ trong bối cnhr hiện nay, đó cũng là cách bảo tồn hữu hiệu vốn văn hóa phi vật thể đặc thù của một vùng văn hóa cố đô Huế.

Tài liệu tham khảo

  • Bonard [Bùi Quang Tung dịch] (1962), “Báo cáo gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp (ngày 14.1.1863)”, trong Văn Hóa nguyệt san, số 69: tr. 233.
  1. De Pirey (1993), “Một thủ đô phù du: Tân Sở”, trong Những người bạn cố đô [tập 1], Huế: Nxb. Thuận Hoá.
  2. Cadière (1997), Về văn hoá tín ngưỡng truyền thống người Việt, H.: Nxb. Văn hoá Thông tin.
  • Lê Quang Nghiêm (1970), Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hóa, Trung tâm văn bút Việt Nam.
  • Lê Quang Thái (2010), Chú giải và phân tích Vè thất thủ kinh đô, Đà Nẵng, Nxb. Đà Nẵng.
  • Lê Thị Như Khuê (2005), “Lưu ảnh của lớp người tiền trú ở miền Trung Việt Nam qua lễ tục cúng đất – Tá thổ”, Thông tin Khoa học, số tháng 3:
  • Lê Văn Chưởng, “Theo dòng lịch sử nghe vè ‘Thất thủ Kinh đô’”, trong http://diendan.songhuong.com.vn.
  • Lương An (1983), Vè chống Pháp: thất thủ kinh đô, thất thủ Thuận An, Huế.: Nxb. Thuận Hóa.
  • Nguyễn Hữu Thông (2002), “Vùng đất Bắc miền trung những cảm nhận bước đầu”, trong Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật tại Huế, số tháng 9: 5 – 19.
  • Nguyễn Hữu Thông (2003), “Bàn về nhóm tộc người thiểu số nói ngôn ngữ Việt – Mường ở Bắc miền Trung Việt Nam”, trong Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật tại Huế, số tháng 3: 5 – 21.
  • Nguyễn Hữu Thông (2005), “Nhận diện vùng đất miền Trung Việt Nam trong bối cảnh lịch sử và văn hoá dân tộc”, trong Kỷ yếu hội thảo Khoa học Chia sẻ nguồn lực thông tin và công bố kết quả nghiên cứu khoa học, Ðồng Hới: Trung tâm Thông tin Tin học và Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Bình xuất bản.
  • Nguyễn Hữu Thông, Lê Đình Hùng (2009), “Từ tập hồi ký của một người di dân – nhận diện vùng đất Thuận Hóa đầu thế kỷ XV”, trong Nghiên cứu văn hóa miền Trung, Huế: Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, số tháng 3:11 – 29.
  • Orband. 1997, “Lịch biến cố An nam”, trong, B. A.V.H (tập năm 1915). Huế: Nxb. Thuận Hóa.
  • Phan Kế Bính. 1990, Việt Nam phong tục, Nxb. Ðồng Tháp.
  • Phan Thuận An (1998), “Nhớ ngày thất thủ Thuận An”, T/c Thông tin khoa học và công nghệ, số 2 (20).
  • Philippe Devillers (2006), Người Pháp và người Annam là bạn hay thù?, Tp. HCM: Nxb. Tổng hợp Tp. HCM.
  • Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1974), Đại Nam thực lục chánh biên [Đệ tứ kỷ, tập 29], H.: Nxb. Khoa học xã hội.
  • Toan Ánh. 1998, Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ tết hội hè, Nxb. Thanh Niên.
  • Tôn Thất Bình (1997), “Lễ tế âm hồn ngày thất thủ kinh đô”, trong Huế – lễ hội dân gian, Huế: Nxb. Hội Văn nghệ Dân gian Huế.
  • Vĩnh Ba (2008), “Lễ tế âm hồn thất thủ kinh đô 23.5, một nét văn hóa độc đáo của xứ Huế”, T/c Huế Xưa & Nay, số 87: 47 – 53.

(1) Trong cuộc đình nghị để chuẩn bị cho Chánh sứ Phan Thanh Giản và Phó sứ Lâm Duy Thiếp đi thương nghị với Pháp, vua Tự Đức đã phán rằng: “Đến như địa hạt Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, chỉ cho ở đấy buôn một, hai nơi mà thôi; chẳng đặng đừng thì chỉ đến chuộc là cùng (…) Đường sá xa cách duy nhờ ở tài giỏi của các ngươi, nên theo như lời phê nghĩ. Nếu sai trái để hại về sau, đó là làm hỏng việc nước, quyết không nên làm..” [Quốc sử quán triều Nguyễn, 1974, Đại Nam thực lục chánh biên, tập 29, Tổ phiên dịch viện sử học dịch, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội].

Điều này thể hiện quyết tâm của vua Tự Đức trong việc giữ gìn đất đai ở Nam Kỳ. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tuần thương nghị (từ ngày 28/5 – 3/6/1862), đoàn sứ bộ Huế đã đồng ý nhường đứt 3 tỉnh miền Đông. Điều này đã gây ra sự thất vọng nặng nề trong dân chúng và triều đình. Vua Tự Đức đã phải thốt lên rằng: “Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng. Hai viên này (chỉ Phan Chánh sứ và Lâm Phó sứ) không những là người có tội với bản triều, mà là người có tội của muôn đời vậy!” [Quốc sử quán triều Nguyễn, tlđd].

(2) Trong hiệp ước này có hai điều khoản quan trọng:

– Chia nước Việt Nam ra làm ba xứ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine) dưới ba chế độ khác nhau; mỗi kỳ có một chế độ cai trị riêng như là ba nước riêng biệt. Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp; Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ Pháp bảo hộ nhưng triều đình nhà Nguyễn trên danh nghĩa vẫn được quyền kiểm soát.

– Trả các tỉnh Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trước thuộc Bắc Kỳ nay thuộc về Trung Kỳ và tỉnh Bình Thuận trước thuộc Nam Kỳ hoàn lại cho Trung kỳ.

(3) Về tình hình ở Tòa khâm sứ vào đêm hôm đó, ngoại vụ A.Delvaux đã viết:
Một trong những đạn đại bác bắn từ ổ pháo phía Đông đã làm thủng mái và nền nhà của nhà Phái bộ. Các trại lính của đại đội 27 và 30 của Tiểu doàn 4 Thủy quân lục chiến bị cháy cùng một lúc với chỗ để đồ đạc của Phái bộ và các nhà hậu cần. Lính đã tìm đến chỗ tường bằng cửa phía trước của tòa nhà đối diện với trại binh. Ông De Courcy chỉ huy 160 người, bố trí một cửa sổ hai người và tổ chức ngôi nhà thành một pháo đài. Một vài loạt súng trường bắn ra nhưng nhất là sáu cổ đại bác ở góc đông của Kinh thành đã cầm chân 1500 kẻ tấn công không có súng ống nhiều và ở cự ly xa. Cũng may mắn là chiếc nhà của điện thoại ở cách xa nhà phái bộ 300m không bị đạn, nhờ vậy mà ông tướng (chỉ De Courcy) có thể liên lạc với đồn Thuận An. Ông tướng bị kẹt trong gian nhà chính giữa rất lo cho số phận của đồn Mang Cá. …” [Những người bạn cố đô Huế năm 1916 (tập 3), Huế:. Nxb Thuận Hoá, 1993: tr 76].

(4) Báo cáo của De Courcy gởi Toàn quyền Đông Dương đã cho thấy người Pháp sớm lấy lại thế chủ động sau khi bị tấn công bất ngờ:

– “ Huế, ngày 5/7 vào lúc 3 giờ sáng.

Phái bộ và Mang Cá bị bất ngờ tấn công bởi toàn bộ binh lực của Kinh thành. Toàn thể khu vực của Thủy Quân lục chiến bằng nhà tranh xung quanh Phái bộ đều bị pháo cháy và người đốt. Tòa nhà phái bộ nguyên vẹn. Không có tổn thất gì đáng kể. Không có tin tức gì về Mang Cá là nơi đóng quân của tiểu đoàn 3 lính Phi. Kinh thành bị bốc cháy nhiều nơi; súng lớn và súng nhỏ nổ nhiều. Tôi nhìn theo hướng của hỏa lực, tôi chắc rằng địch đã bị đẩy lui. Tôi bảo vệ được nhà tranh điện thoại. Tôi đã ra lệnh cho Hải Phòng đưa quân đóng ở đó vào. Tôi chẳng lo ngại gì cả.

De Courcy” [Những người bạn cố đô Huế năm 1916 (tập 3), Huế:. Nxb Thuận Hoá, 1993: tr 75].

– “Huế, ngày 5 tháng 7 vào lúc 11 g sáng.

Kinh thành đã nằm trong tay chúng tôi với 1 100 cổ đại bác. Quân đội chiến đấu tuyệt vời, đầy tin tưởng. Các thiệt hại khá lớn. Sự tấn công về phía Annam lúc 1 giờ sáng cùng một lúc về phía khu vực trong Kinh Thành, nơi chúng tôi đóng, và về phía khu vực Phái bộ. Nhưng kẻ đánh phá với số lượng hơn 30 000 người, lúc đầu đã đốt cháy chỗ đóng quân bằng nhà tranh ở Mang Cá, và ở chỗ đóng quân Thủy quân lục chiến ở tại khu vực Phái bộ. Tất cả trang thiết bị đều bị cháy trụi, đạn dược và lương thực cứu được. Ngôi nhà phái bộ đều mang nhiều vết đạn pháo. Tôi đang tổ chức phòng thủ để đẩy lùi đợt đánh có thể xãy ra vào đêm mai, ít nhất cũng nhằm vào Phái bộ. Chẳng có gì phải lo ngại. Điều binh có trật tự để củng cố đồn.

De Courcy” [Những người bạn cố đô Huế năm 1916 [tập 3], Huế:. Nxb Thuận Hoá, 1993: tr 75].

(5) Theo nhà truyền giáo H. De Pirey, đường ngự đạo mà Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi là từ cửa Chương Đức, theo cửa Hữu xuất giá khỏi Kinh Thành, qua cầu Bạch Hổ (tức cầu Kim Long), lên ngã chùa Linh Mụ, vòng qua Trường Thi (làng La Chữ) ra Quảng Trị. Sau đó Tôn Thất Thuyết đưa vua lên Tân Sở, kết hợp với các lãnh tụ Văn Thân, ban hịch Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh Pháp. [H. De Pirey, “Một thủ đô phù du: Tân Sở”, trong Những người bạn cố đô, Tập I, năm 1914, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr.224].

(6) Philippe Devillers (2006), Người Pháp và người Annam là bạn hay thù?, TP HCM: Nxb. Tổng hợp TP.HCM.

(7) Đàn số 1 là nơi chôn lấp 3.700 người, đàn số 2: 3.700 người, và đàn số 3: 2.550 người.

(8) Ngày 19/5: phổ Thiện Căn (ở đường Chi Lăng); ngày 23/5: phổ Kim Hoàn; ngày 27/5: phổ Thiện Lạc (người dân địa phương); ngày 28/5: phổ Công nghệ phẩm; ngày 2/6: phổ vải; ngày 6/6: phổ nón; ngày 10/6: phổ gương, lược; ngày 20/6: phổ Thắng Duyên (Tăng già); ngày 21/6: phổ Légumes.

(9) Trong dân gian, thường từ ngày 22/5 – 30/5 AL hằng năm, người dân tùy theo điều kiện tổ chức cúng tế âm hồn thất thủ kinh đô, nhưng một số hội phổ trước đây cũng tế lễ ngoài khoảng thời gian này, như đã trình bày ở trên.

(10) Trích Văn tế Âm hồn Thất thủ kinh đô 23.5. Ất dậu tại miếu Âm Hồn Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn, Huế, năm 2008.

Theo: Tài liệu thuyết minh du lịch Huế

Khám Phá Di Sản tổng hợp

5/5 - (2 bình chọn)