Cách thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đến với nơi đây, du khách không chỉ cảm nhận được những dấu ấn lịch sử được “truyền lửa” qua nhiều thế hệ mà còn có cơ hội trải nghiệm bầu không khí trong lành của miền sơn cước.
Suối Lê Nin trong vắt như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ.
Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, Pác Bó là một trong những điểm nhấn trọng tâm để Cao Bằng tập trung phát triển thế mạnh về dịch vụ du lịch, phấn đấu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng.
Pác Bó – tiếng Tày – Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đến với nơi đây, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam mà còn được dịp chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước qua cột mốc biên giới Việt Nam- Trung Quốc số 108 để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Suối Lê Nin trong vắt như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ. Dòng suối hiền hòa xanh màu ngọc bích tuôn chảy từ đầu nguồn Pác Bó được người dân bản địa gọi là suối Giàng hay Dòng Trừng. Trong những ngày sống và làm việc tại đây, dấu chân Bác đã in khắp chốn. Du khách ấn tượng với hang Cốc Bó, nơi tấm phản gỗ Bác nằm nghỉ còn đó với bếp lửa sưởi ấm hang lạnh hay bàn đá nơi Bác ngồi làm việc, tảng đá Bác ngồi câu cá…
Bàn đá bên suối – Nơi Bác Hồ làm việc
Ngoài các điểm di tích ngoài trời, du khách có thể dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan nhà trưng bày để hiểu rõ hơn về phong trào cách mạng của Cao Bằng, cũng như quá trình lãnh đạo cách mạng của Bác sau khi trở về nước thông qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên tại Khu di tích.
Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ du lịch tại đây đã và đang được đầu tư theo hướng khang trang, đồng bộ, tạo thêm nhiều điểm nhấn du khách trải nghiệm. Tỉnh Cao Bằng đã đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng 6 dự án tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng.
Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban quản lý các di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị đã thực hiện công tác tôn tạo, bảo vệ cảnh quan và các hạng mục công trình được đầu tư đồng bộ. Tập trung vào công tác tôn tạo các điểm di tích gốc đã bị xuống cấp, hao mòn, chúng tôi đã thuê các chuyên gia để phục dựng lại, tạo không gian sống động nhất trong thời kì Bác hồ về nước cũng như giai đoạn Bác sống, hoạt động tại Pác Bó. Các khu vực hỗ trợ như khu vực Nhà trưng bày, Khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên cảnh quan cũng được đầu tư để hướng tới du lịch xanh – sạch – đẹp tại khu di tích Pác Bó.”
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng
Đến với Pác Bó, du khách còn có thể mua sắm sản vật của địa phương tại các gian hàng của người dân bản địa. Các sản vật mang đậm đà hương sắc của miền non nước Cao Bằng như: bánh khảo, khẩu sli, nấm hương, miến dong, măng khô, rau ngót rừng… Những nông sản địa phương không chỉ phục vụ nhu cầu của khách tham quan mà còn cải thiện đời sống vật chất cho bà con nhân dân trong vùng, vừa bảo tồn phát huy du lịch, vừa phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.
Bà Nông Thị Lành, một người chuyên bán nông sản tại khu di tích, nói: “Bây giờ nếu làm du lịch được thì thu nhập nói chung cũng đỡ hơn nhiều, kinh tế cũng phát triển hơn, cũng đỡ hơn là làm ruộng vì làm ruộng chỉ đủ ăn thôi. Tôi cũng rất mong muốn thời gian tới nếu khu di tích phát triển, khách du lịch về càng đông thì bà con bán càng được nhiều hàng.”
Khu du lịch Pác Bó thu hút khá đông du khách, đặc biệt là mùa hè. Tuy vậy, hạ tầng phục vụ vẫn còn nhiều mặt chưa hoàn thiện. Nhà khách của UBND huyện cùng một số nhà nghỉ tư nhân, homestay… có thể phục vụ nhưng đa số du khách tham quan trong ngày không có ý định lưu trú lại, thường thì trở xuống thành phố Cao Bằng cách hơn 40 km. Bên cạnh đó là sản phẩm và dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu sáng tạo… Trong xu thế của du lịch thời nay, những điều du khách cần khi đến với một điểm du lịch đó là sự đồng hành, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa thì rất tiếc Pác Bó chưa thực sự có điều đó.
Chị Phạm Thu Quỳnh, một du khách tới từ Hà Nội, cảm nhận: “Đến đây thì chúng tôi mới chỉ được cảm nhận về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử của điểm đến, nhưng với các giá trị dịch vụ bổ sung đi kèm ở đây thì tôi thấy vẫn còn nhiều thứ cần phải được đầu tư thêm. Ví dụ như ở đây đã có thêm một số trò chơi dân gian, các dịch vụ ăn uống cơ bản, tuy nhiên lại chưa có dịch vụ gì để níu chân du khách ở lại để tăng thêm trải nghiệm. Rất mong trong thời gian tới sẽ có những dịch vụ bổ sung, hấp dẫn hơn để thu hút du khách.”
Trong năm 2020, BQL Khu tích di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó đã đón tiếp hơn hơn 118.000 lượt khách du lịch
Trong Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng, Khu du lịch Pác Bó cũng được định hướng trở thành điểm du lịch trọng tâm. Thời gian qua, Ban quản lý di tích cũng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hơn 100 hộ dân trong vùng cùng tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Tới đây, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cũng cần được quan tâm đầu tư hơn để tạo nên điểm nhấn, níu chân du khách đến và ở lại với Pác Bó. Một số chương trình đã và đang được xây dựng như hướng dẫn nhân dân trong vùng trồng các cây con, sản phẩm nông sản đặc hữu để phục vụ tại khu di tích; thành lập các đội văn hóa ở các xóm để giao lưu văn hóa cộng đồng hay thành lập các cơ sở nhà nghỉ, du lịch “thân thiện”, các nhà văn hóa cộng đồng… Tất cả đều lấy nhân dân địa phương trong vùng làm chủ thể chính.
Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Đào tạo người dân phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, đó là định hướng hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ tập trung đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực này, chẳng hạn như kỹ năng lễ tân, phục vụ, đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm cũng như chế biến món ăn dân tộc để phù hợp với nhiều đối tượng khách, phát triển các đội văn nghệ làng bản… Với mục đích cuối cùng là phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, không chỉ tăng cường cho sinh kế của chính người dân địa phương mà qua đó còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa tại địa phương đó.”
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng các điểm di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó là niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Chính quyền và ngành du lịch địa phương đang từng bước triển khai những công việc cụ thể để Pác Bó để trở thành điểm đến phục vụ tốt hơn du khách gần xa./.
Thời gian tới, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cũng cần được quan tâm đầu tư hơn để tạo nên điểm nhấn, níu chân du khách đến và ở lại với Pác Bó.
Theo: vietnamtourism.gov.vn