Khamphadisan.com – Giếng Cổ Gio An nằm tại xã Gio An – huyện Gio Linh – Quảng Trị là một hệ thống công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất hàng ngày, là một di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá và nghệ thuật độc đáo do người Chăm xưa sáng tạo nên và được người Việt tiếp thu và giữ gìn cho đến ngày nay. Theo ước tính của các nhà khảo cổ Giếng Cổ Gio An đã có niên đại trên 5000 năm tuổi.
Hệ thống giếng cổ Gio An tại Quảng Trị đã được Bộ VH-TT&TD cộng nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc vào 13/3/2001. Hệ thống bao gồm 14 giếng cổ (Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Côi, Giếng Tép, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai thôn Hảo Sơn, Giếng Trạng, Giếng Đào ở thôn An Nha. Giếng Gái1, Gái2, Giếng Nậy thôn An Hướng, Giếng Máng thôn Long Sơn, Giếng Pheo thôn Tân Văn).
Từ Tp.Đông Hà di chuyển theo QL.1A qua Thị Trấn Gio Linh rẻ trái và men theo tỉnh lộ TL.75 bạn sẽ đến với xã Gio An nơi có hệ thống giếng cổ nổi tiếng có niên đại trên 5000 năm và nơi có Rau trên đá đặc sản nổi tiếng của Quảng Trị.
Từ TL.75 theo hướng lên con đường mòn Hồ Chí Minh (cách QL.1A 10km phía Tây) bạn rẽ phải đi và men theo những con đường phủ bóng cao su xanh mướt hai bên, bạn sẽ đến được với làng An Hướng. Mặc dù có phần mệt bởi cái nắng mùa hè của miền trung nhưng sau một chút nghỉ lấy lại sức dưới những tán cây xanh trên đường xuống giếng cổ và thưởng thức một ngụm nước trong vắt chảy từ lòng đất ra thì cái mệt nhọc trong bạn dường như sẽ được xua đi.
Hệ thồng giếng cổ Gio An có 3 loại giếng riêng biệt nhau gồm: giếng Máng, giếng Ao và giếng Bi. Theo như người dân địa phương cho biết giếng nước ở đây trong vắt và có vị ngọt, mùa đông thì ấm và mùa lại hè mát. Nhiều người vẫn lấy nước giếng ở đây để dùng hàng ngày.
Giếng Máng:bao gồm một bể lắng ở trên cùng, nước được dẫn ra bằng 2 máng dài, phía dưới là một bể chứa rộng chừng 20 – 40m2, có độ sâu 1m, có hình tròn để người dân sinh hoạt hàng ngày, phía ngoài có một bể nhỏ cho trâu bò, gia súc và cuối cùng là mương dẫn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Giếng Ao: được người Chăm xưa đào sâu ngang với mạch nước ngầm rồi đặt đá xung quanh theo hình vành khăn, không có bể lắng lẫn máng dẫn nước. Nước ngầm sẽ đổ ra bể chứa rồi theo một hệ thống mương dẫn ra ruộng đồng. Bởi vì chỉ có một bể chứa nên sát họng nước ngầm, một tảng đá lớn có hình chữ nhật được đặt vào trong để tạo ra dòng nước chảy hai bên, nhằm ngăn nước lại chảy ngược vào trong, làm ranh giới quy ước để bên trong chỉ sử dụng cho ăn uống.
Loại cuối cùng là giếng Bi:với những chiếc bi giếng hình trụ tròn khum giống tang trống, được chế tác bằng đá bazan nguyên khối, đường kính chừng 0,5 m. Mỗi giếng có khoảng từ 3 – 4 bi, sâu hơn 1 m.
Điều đặc biệt ở mỗi giếng này là lợi dụng những mạch nước ngầm trong lòng đất, tự chảy cả nghìn năm nay. Chủ nhân của những sáng tạo ra hệ thống khai thác nước đặc biệt này chính là người Chămpa cổ khi sinh sông trên mãnh đất này. Bắt đầu từ những thế kỷ đầu công nguyên, người Chămpa cổ nơi đây đã xây dựng hệ thống dẫn thủy liên hoàn với giếng – mương – hồ,… đều được dùng đá xếp ở vùng đồi đất đỏ bazan để phục vụ thiết thực cho sinh hoạt và sản xuất.
Giếng cổ Gio An là di sản văn hóa có 1 không 2 ở Quảng Trị, minh chứng cho nền văn minh nông nghiệp cổ của cư dân Chămpa, thể hiện rõ lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người trước tự nhiên nhằm khai thác tốt những tiềm năng của vùng đất họ gắn bó.
Trải qua khoảng thời gian chiến tranh và sử dụng của con người sau này, nhiều giếng bị thay đổi kiến trúc, một số đã bị thiên nhiên tàn phá. Hiện Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị đang tiến hành khôi phục nguyên trạng các giếng này.
Giếng cổ Gio An đang ngày càng được nhiều người biết đến, đã và đang trở thành một địa chỉ du lịch Quảng Trị hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khám phá và nghe những câu chuyện cổ về chuyện làm giếng và được thương thức nguồn nước ngay tại giếng cổ mà không lo bị pha tạp những hóa chất công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm:
binhqb94 (Tổng hợp)