Khamphadisan.com – Tư liệu lịch sử không nhắc đến thời điểm xây đền Kỳ Cùng nhưng lại được người dân nơi đây xem là ngôi đền linh thiêng của vùng. Không những vậy đền Kỳ Cùng còn được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Đền Kỳ Cùng ở đâu ?
Đền Kỳ Cùng hay còn được gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng. Đền thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Đền Kỳ Cùng có một vị trí rất đẹp, nằm ở trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Lạng Sơn. Mặt trước đền quay ra phía bờ sông Kỳ Cùng.
Kiến trúc đặc biệt đền Kỳ Cùng
Kiến trúc đền Kỳ Cùng ngày nay là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Tuy không rõ năm xây dựng, nhưng biết rằng đền Kỳ Cùng có từ rất lâu, ban đầu chỉ là một ngôi đền nhỏ làm bằng đất lợp ngói, để thờ thần Giao Long. Theo tín ngưỡng của người dân địa phương, thì đây là một vị Thủy thần. Hiện tại, đền Kỳ Cùng được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm 3 cửa vòm cuốn với 2 trụ gạch vuông, bên trên được đắp nổi các hoa văn, trên cùng là bộ tam khí gồm đỉnh và lọ hoa thờ hai bên.
Mặt ngoài đền Kỳ Cùng là kiến trúc gạch tháp chồng diêm mang tính chất gác chuông. Phía trong đền còn lưu giữ được các hoành phi, đại tự có niên đại từ thời Lê – Nguyễn cùng nhiều đồ thờ tự khác như: chuông, ngai, tán, lọng, đỉnh đồng và các pho tượng cổ có giá trị niên đại và mỹ thuật cao.
Hiện tại, phía bên trái bàn thờ quan lớn Tuần Tranh có thêm gian thờ Mẫu Phật Quan âm. Phía trước là bàn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Ngoài ra, ngoài sân đền còn có bến đá, là 1 trong 8 cảnh đẹp của Lạng Sơn ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” và được danh nhân Ngô Thì Sĩ gọi là Kỳ Cùng thạch độ.
Ngôi đền này đã được xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.
Lịch sử đền Kỳ Cùng
Lịch sử của đền Kỳ Cùng gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh. Trước đây như được biết đền thờ một vị thủy thần nhưng sau này thờ quan Tuần Tranh. Quan Tuần Tranh được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc ở đây không may bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch.
Truyền thuyết còn kể rằng , do tấm lòng trong sạch, ông Tuần Tranh được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc – ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Sau này, nỗi oan đó của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) chứng minh, hóa giải tội ông Tuần Tranh. Từ đấy, đền cũng thờ ông Tuần Tranh như một vị thủy thần.
Lễ hội đền Kỳ Cùng
Lễ hội đền Kỳ Cùng được biết đến là một trong những lễ hội văn hóa đặc sắc ở Lạng Sơn. Lễ hội là dịp để người dân nơi đây gặp gỡ, vui chơi, ca hát, thực hiện những nghi lễ cầu cúng, cầu mong đạt được những ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp, may mắn cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội đền Kỳ Cùng được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng hàng năm tại đền Tả Phủ. Hội Kỳ Cùng còn được biết đến với tên gọi Hội Liên Gia. Những ngày diễn ra lễ hội còn là dịp họp mặt các chi họ và các hộ dân trong khu dân phố cùng nhau dựng rạp làm cỗ và sinh hoạt văn nghệ. Các gia đình có điều kiện thì tổ chức mời bạn bè khắp nơi tới tham dự khám phá nét văn hóa xứ Lạng.
Đến với đền Kỳ Cùng không chỉ được tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, được cầu mong phù trợ của thần linh mà còn được tham gia lễ hội đặc sắc nơi đây.
Có thể bạn quan tâm:
- Mùa đông – những địa điểm nào sẽ có tuyêt rơi ?
- Ẩm thực Lạng Sơn vương vấn khách phương xa
- Gợi ý top những điểm đến du xuân đầu năm
diemtv (Tổng hợp)