Khamphadisan.com – “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có Đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”. Thật sự phải nói rằng Bình Định có rất nhiều cảnh đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng. Và Đầm Thị Nại là một trong số đó. Đầm Thị Nại là hội tụ dòng chảy của các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh. 2 dòng sông này đã vun đầy dòng nước ở đầm Thị Nại, vẽ lên bức họa thủy mặc hữu tình hấp dẫn khách du lịch gần xa.
1. Đầm Thị Nại Bình Định
ảnh: kuroshirokuma
Đầm Thị Nại có tên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya phiên âm qua tiếng Hán thành Thi Lị Bi Nại. Ngoài ra đầm còn có tên là Hải Hạc Đầm. Đầm Thị Nại nằm ở phía Đông Bắc Quy Nhơn, thuộc huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đầm có diện tích hơn 5.000 ha, với chiều dài hơn 10 km, chiều ngang rộng nhất gần 5 km. Do vậy Đầm Thị Nại thênh thang như đại dương thu nhỏ giữa lòng Quy Nhơn. Một phần nhỏ của đầm Thị Nại được tận dụng làm cảng biển (cảng Quy Nhơn).
Đầm Thị Nại Bình Định là nơi có nhiều mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam:
– Vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), người con thứ tám của Lý Thái Tổ là Lý Nhật Quang đem thủy binh vào cửa Thị Nại. Đóng binh ngay dưới núi Phương Mai và được vua Chiêm Thành ngự giá nghênh kiến…
– Năm Canh Thìn (1470), vua Lê Thánh Tông thân chinh chỉ huy 20 vạn tinh binh vào đánh Thị Nại. Quân Chiêm Thành chống giữ kịch liệt. Vua Chiêm Thành là Trà Toàn bỏ lại Thị Nại, rút quân về đóng tại thành Đồ Bàn. Sau đó quân của vua Lê Thánh Tông cướp được thành Đồ Bàn, giết 40.000 quân địch, bắt Trà Toàn và hơn 30.000 tù nhân. Kết thúc triều đại thứ mười bốn của Chiêm Thành.
Ngoài ra còn nhiều cột mốc lịch sử khác liên quan đến Đầm Thị Nại.
2. Khám phá du lịch Đầm Thị Nại
ảnh: Halovietnam
Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đầm Thị Nại cũng đẹp. Từ khi nắng mai hắt luồng sáng ấm áp xuống đầm, nói đến vẻ đẹp của đầm phải nói đến sắc trời. Khi ánh hoàng hôn ma mị tím đỏ phủ lên đầm phá. Khi trăng tròn thanh vắng, đầm trở nên huyền ảo hệt chốn thần tiên. Vì vậy không một bức ảnh nào có thể diễn tả hết được vẻ đẹp của đầm bằng việc ngắm cảnh trực tiếp. Đặc biệt, ngắm nhìn đầm ngay trên chiêc thuyền giữa dòng nước sẽ cảm thấy như lạc vào một khoảng trời riêng vậy.
Để nói đến điểm nổi bật nhất bạn có thể thấy ngay khi đặt chân đến Đầm Thị Nại Bình Định chính là cây cầu Thị Nại. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam dài gần 7km. Cầu nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (Khu kinh tế Nhơn Hội). Gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu. Vì thế bạn có thể ngắm nhìn đầm Thị Nại một cách khá trọn vẹn với nhiều góc nhìn khác nhau ngay trên cây cầu này.
3. Khu sinh thái Cồn Chim
ảnh: Halovietnam
Trong quần thể đầm có khu sinh thái Cồn Chim – ‘lá phổi xanh của Quy Nhơn’. Cồn chim rộng gần 1.000 ha, là nơi tập trung hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển. Có tới 25 loài, hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá. Có hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng. Bạn có thể lên thuyền và du ngoạn khu sinh thái và đắm chìm vào khung cảnh hoạt động của những sinh vật. Cũng như được hít thở không khí trong lành, dịu mát ở nơi đây.
4. Tháp Thầy Bói
Trong đầm, gần phía tây có một núi nhỏ, trên có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thủy thần. Có người kể rằng nơi đây đã từng xuất hiện tháp do một ông thầy bói xây nên. Sau khi ông qua đời, không ai coi sóc nên tháp đã bị gió bão phá sập. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng nơi đây vốn không có tháp. Hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, nên được gọi là tháp Thầy bói. Còn Thầy Bói là tên một giống chim ăn cá, ngoài Bắc gọi là chim Bói Cá. Loài chim này thường tụ tập nơi khóm đá để bắt mồi.
5. Bán đảo Phương Mai
ảnh: thoa224
Nằm ở phía đông đầm Thị Nại là bán đảo Phương Mai, cũng là đoạn cuối của dãy núi Triều Châu. Bạn sẽ có dịp tham gia các hoạt động dưới nước cũng như trên đồi cát rộng lớn Nhơn Lý. Nổi tiếng nhất của bán đảo Phương Mai chắc hẳn là Hòn Khô. Hòn Khô nước trong thấu đáy, cát trắng mịn như kem sữa. Sóng xô vách đá hệt như muôn vàn đóa hoa đang nở rộ và cả rạn san hô đầy sắc màu ẩn mình giữa đại dương bao la.
6. Check-in và hơn thế nữa
ảnh: toanduonga
Bạn có thể tổ chức cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Một ngày làm ngư dân, cùng ngư dân địa phương trải nghiệm các hoạt động chèo thuyền, thả lưới, giăng câu, quăng chài… Nghỉ ngơi, thư giãn ở các chòi sinh thái được xây dựng dưới tán rừng ngập mặn. Hoặc thả sức nô đùa với sóng biển xanh trong vắt. Hoặc chơi các trò trượt cát thú vị tại các đồi cát hoang sơ trên bán đảo Phương Mai.
Đến với Đầm Thị Nại bạn có thể thưởng thức nhiều loại cá ngon, nhất là cá Nục. Ở đây có hai loại cá nục: cá Nục Vọng và cá Nục Gai. Ngoài chế biến cá nục thông thường, người ta còn phơi khô làm mắm, muối. Hãy một lần được nếm thử vị nước mắm Gò Bồi từ cá nục ở đây, đảm bảo bạn sẽ không bao giờ quên.
Hãy đến với đầm Thị Nại để được tận hưởng những khung cảnh thiên nhiên thay đổi theo từng khung giờ khác nhau. Và hãy ghé qua để được nghe về câu hò Bả Trạo hay hò Đưa Linh. Điệu hò rước hồn các Đức ông (cá voi). Là một nét riêng văn hóa của vùng sông nước nơi đây.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám phá Cù Lao Xanh Quy Nhơn
- Khám phá Tịnh Xá Ngọc Hòa Quy Nhơn
- Từ Huế du lịch Quy Nhơn – Phú yên 4N3Đ giá rẻ trọn gói
diemtv (Tổng hợp)