Khamphadisan.com.vn – Ngoài những ngọn tháp Chăm như tháp Bánh Ít, Tháp Đôi,… Bình Định còn sở hữu rất nhiều địa điểm thăm quan, du lịch mang dấu ấn tâm linh như chùa Linh Phong (chùa Ông Núi), nhà thờ Lòng Sông (hay Làng Sông),… Và một trong số đó phải kể đến chùa Thập Tháp Di Đà, một ngôi chùa có tuổi đời trên 300 năm, là một trong những kiến trúc cổ bề thế với những giá trị lịch sử, văn hóa.
1. Lịch sử chùa Thập Tháp Bình Định
ảnh: lendang
Chùa thuộc xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cách quốc lộ 1A khoảng hơn 50m theo đường thẳng, có thể nhìn thấy chùa từ ngoài đường lộ. Từ Quy Nhơn đi ra phía Bắc, cách trung tâm khoảng 27km. Gần chùa Thiên Hưng và cách sân bay Phú Cát khoảng 10km.
Nơi đây trước kia có 10 ngọn tháp Chăm được xây dựng để yểm trợ cho thành Đồ Bàn. Sau đó các ngọn tháp này bị sụp đổ, cho đến 1683 được Thiền sư Nguyên Thiều cho xây dựng ngôi chùa từ gạch của 10 ngôi tháp này. Do đó chùa có tên là chùa Thập Tháp Di Đà. Qua quá trình lịch sử, chùa được tu bổ nhiều lần và được định hình từ đầu thế kỷ 20.
2. Kiến trúc cổ kính
ảnh: thegioidisan
Chùa được xây dựng trên gò đồi khá rộng có hình mai rùa, chu vi gần 1km. Mặt chính quay về hướng đông, trước cổng Tam Quan là một hồ sen. Hồ sen rộng khoảng 500m2, nếu thăm quan đúng dịp hè du khách có thể nghe thấy mùi thơm của sen khắp một vùng.
Phía xa là ngọn Thiên Đỉnh (núi Mò O), phía nam là thành Đồ Bàn và Tháp Cánh Tiên. Sau lưng là nhánh sông Quai Vạc, một chi lưu sông Kôn. Vừa có sơn vừa có thủy thật là một khung cảnh hữu tình chốn nhân gian.
Cổng chùa là hai trụ biểu vuông cao, phía trên là hai tượng sư tử ngồi uy nghi. Chùa Thập Tháp Bình Định gồm 4 khu vực chính: khu Chính Điện, khu Phương Trượng, khu Tây Đường và khu Đông Đường.
3. Khu Chính Điện
ảnh: nhatrangholiday
Chính Điện nổi bật với kiến trúc làm bằng gỗ là chủ yếu và khá bắt mắt. Bao gồm 5 gian có hành lang bao bọc dài 30m và rộng 20m. Ba gian giữa là điện thờ Tam Thế Phật, Chuẩn Đề, Ca Diếp, A Nam, Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát. Hai gian tả hữu là 18 vị Bồ Tát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, tổ sư Đạt Ma và tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi. Các tượng phật cũng có niên đại lâu đời vào thời thiền sư Minh Lý (1871 – 1889).
Các cột to người ôm không xuể, các đoạn trính (hoành) được chạm khắc hình hoa cuộn, hình rồng cách điệu, uốn lượn trang nhã. Du khách đến với Chính Điện sẽ không khỏi cảm giác huyền bí, tâm linh dưới ánh đèn và hương khói.
4. Khu Phương Trượng
ảnh: nhatrangholiday
Được xây với 3 gian, ở giữa là án thờ trụ trì, hai bên là nơi nghỉ ngơi của khách tăng. Khu này được xây dựng bằng gạch, lợp ngói âm dương, mái cấu tạo nhiều lớp. Với kỹ thuật chạm trỗ công phu bộ sườn gỗ và dàn khám thờ đáng chiêm ngưỡng.
5. Khu Đông và Tây Đường
ảnh: dulichquynhon
Nằm đối xứng nhau, khu Đông Đường là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng, còn Tây Đường là nơi thờ phụng Sơ tổ khai sơn (Nguyên Thiều) cùng chư vị kế thừa. Các công trình này nằm quanh một sân vườn rợp bóng cây xanh.
6. Và các kiến trúc cổ
ảnh: mr.kets
Ngoài các khu chính, chùa Thập Tháp Bình Định còn có khu vườn tháp cổ. Ở đây còn lưu giữ 24 bảo tháp lớn nhỏ với kiểu dáng phong phú. Tất cả bảo tháp đều được dựng nên từ thế kỷ 19-20.
ảnh: thegioidisan
Chùa còn lưu giữ 2000 bản khắc gỗ in kinh A Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú và bộ Đại Tạng Kinh. 1200 quyền kinh, luật, luận và ngữ lục…
Năm 1990, chùa Thập Tháp Bình Định được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Là ngôi chùa có danh tiếng bậc nhất khu vực miền trung, tây nguyên, một địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách ghé thăm Quy Nhơn, Bình Định.