Chào mừng quý khách đến với cố đô Huế ! Xin tự giới thiệu tôi là ….. – hướng dẫn viên của công ty du lịch ……….. Đầu tiên tôi xin thay mặt công ty ………..gửi lời cảm ơn đến quý khách vì đã tin tưởng sử dụng dịch vụ tour của công ty chúng tôi. Riêng bản thân tôi rất hân hạnh được là người đồng hành cùng quý khách trong hành trình tham quan Đại Nội ngày hôm nay.
HDV đang đứng dưới cổng Ngọ Môn, thuyết minh về Ngọ Môn
Kính thưa quý khách, có lẽ đến Huế niềm ao ước lớn nhất của quý khách là được vào thăm Đại Nội, đây là một tên gọi dùng để chỉ chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành – cơ quan đầu não của triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử đất nước ta.
Chúng ta đang dừng chân tại cổng Ngọ Môn, một trong 4 cổng dẫn vào Hoàng thành. Ngọ Môn vừa là cổng chính vừa là bộ mặt của Hoàng thành, được xây dựng vào năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng. Ngọ Môn chỉ được mở khi vua ra vào Hoàng thành và có đoàn ngự đạo theo hầu hoặc khi tiếp kiến các sứ thần ngoại quốc.
Kinh thành Huế nhìn từ trên cao
Kiến trúc Ngọ Môn có hai phần: Phần lầu là lễ đài và nền đài cao gần 5m, xây trên mặt bằng hình chữ U vuông góc. Nền đài Ngọ Môn được xây bằng gạch vồ, đá thanh và đồng thau.
Ở chính giữa nền đài trổ 3 lối đi song song nhau. Ngọ Môn dành cho vua đi, Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho quan văn, quan võ trong đoàn ngự đạo. Kế bên là hai lối đi nữa mang tên Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho lính tráng, voi ngựa theo hầu.
Tiếp theo mời quý khách lên tham quan phần lễ đài của Ngọ Môn còn được gọi là lầu Ngũ Phụng:
Thưa quý khách, để miêu tả ngắn gọn về kiến trúc của Ngọ Môn, ca dao xưa có câu:
“Ngọ Môn năm cửa chín lầu,
Một lầu vàng tám lầu xanh ba cửa thẳng hai cửa quanh.”
Vâng, lầu ở đây chính là để nói đến lầu Ngũ Phụng – tòa nhà này được ví như 5 con chim phụng hoàng đang đậu liền nhau. Tất nhiên đây chỉ là cách gọi hình tượng lấy từ điển tích xưa, còn trên thực tế lầu Ngũ Phụng là cả một tổ hợp kiến trúc gồm 9 chiếc lầu được ghép nối tiếp liền mạch với nhau. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói Hoàng lưu ly (màu vàng) vì đây là nơi dành cho vua ngồi dự lễ, tám bộ còn lại lợp ngói Thanh lưu ly (màu xanh), đây là vị trí của các quan. Nơi đây ngày xưa vẫn thường diễn ra các lễ lạc quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền Lô (tuyên đọc tên tiến sĩ tân khoa) mà quý khách có thể thấy được khung cảnh của lễ này qua bức tranh ở đằng kia. Và một sự kiện rất quan trọng đó là ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại Ngọ Môn vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, đã thoái vị và trao chính quyền lại cho chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Rời cửa Ngọ Môn bây giờ chúng ta đang đi trên cây cầu Trung Đạo:
Đây là cây cầu bắc qua một cái hồ xây rất đẹp, hồ này gọi là hồ Thái Dịch. Ở mỗi đầu cầu đều có một phượng môn, trụ bằng đồng chạm mây nổi quấn quanh rất ngoạn mục, trên ngách được trang hoàng bằng pháp lam năm màu rực rỡ.
Bước qua khỏi phượng môn phía bắc quý khách sẽ nhìn thấy một sân rộng mênh mông, gọi là sân Đại Triều Nghi:
Sân Đại Triều Nghi
Đây là nơi diễn ra các lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Vào những dịp này, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng trong Điện Thái Hòa. Chỉ các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại triều theo cấp bậc và thứ hạng. Sân này chia làm ba bậc đều lót bằng đá thanh:
- Bậc trên hết dành cho các quan văn võ từ tam phẩm trở lên
- Bậc dưới dành cho các quan từ tứ phẩm trở xuống đến cửu phẩm
- Bên dưới cùng gần cầu Trung Đạo dùng cho các kỳ cựu hương lão được vua mời đến chầu trong những dịp đại lễ.
Quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt trước sân chầu.
Chúng ta đang đứng giữa sân Đại Triều Nghi, xin quý khách chú ý giữa sân từ cửa Ngọ Môn đi vào có một con đường gọi là Dũng đạo. Hai góc hai bên có đúc hai con kỳ lân rất lớn bằng đồng thếp vàng được đặt trong lồng gương bằng gỗ sơn vàng. Sân Đại Triều Nghi không mang giá trị về mặt kiến trúc trừ kỳ lân phía trước sân. Tuy nhiên, xét về mặt vai trò lịch sử, sân là nơi chứng kiến sự hưng thịnh và suy vong của 13 đời vua triều Nguyễn. Ngày nay, sân là sân khấu ngoài trời để biễu diễn nhã nhạc cung đình Huế mỗi lần có chương trình “đêm Hoàng Cung”, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của kinh thành Huế.
Thưa quý khách, địa điểm tiếp theo chúng ta đang dừng chân là Điện Thái Hòa
Điện được vua Gia Long cho khởi công xây dựng năm 1805, thiết triều lần đầu năm 1806. So với tất cả các cung điện khác ở Huế xưa nay, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất bởi đây là nơi đặt ngai vàng của nhà vua – tượng trưng cho quyền lực của nhà nước phong kiến.
Nói chung điện Thái Hòa đã được sửa sang rất nhiều lần, nhưng cái cốt cách cơ bản của nó nhất là kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí vẫn được bảo lưu.
Điện Thái Hoà cũng như nhiều điện khác trong Đại- nội được thiết kế theo kiểu thức nhà kép, gọi là trùng thiềm điệp ốc (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhà), nhà trước và nhà sau của điện nằm trên một mặt nền và nối liền nhau bằng một hệ thống vì kèo thứ ba, một hệ thống trần nằm cong nên thường gọi là trần vỏ cua hay thừa lưu.
Mái điện được lợp ngói hoàng lưu ly, có đắp nổi 9 con rồng trong nhiều tư thế khác nhau.
Phía trong điện là chỗ vua ngồi, ngai vàng được để trên 3 tầng bệ, trên đầu có bửu tán đều thếp vàng lộng lẫy, rực rỡ.
Sau lưng ngai vàng là một dãy đố bảng tạo thành một hệ thống hành lang chạy quanh ba mặt điện. Bên trên các đố bảng và hệ thống liền ba đều trang trí hình hoa văn đặc biệt theo lối “Nhất thi, Nhất hoạ” tạo nên cái tươi mát uyển chuyển cho cấu trúc này.
Có lẽ quý khách cũng- sẽ chú ý ngay trong gian điện này một hình ảnh nổi bật đó là con rồng. Ở đây con rồng được sử dụng đủ kích cỡ, đủ hình thái, mỗi con một dáng vẻ riêng tạo cho ta cái cảm giác đang bước vào một nơi mà ở đó là giang sơn của loài rồng. Trên 80 cây cột gỗ lim trong điện đều được vẽ hình rồng vờn mây nước màu vàng son rực rỡ
HDV đưa khách ra phía sau điện Thái Hòa, dừng lại trước sa bàn kinh thành Huế:
Thưa quý khách đây là sa bàn mô tả kinh thành Huế khi còn đầy đủ các công trình kiến trúc của nó. Tuy nhiên hiện nay đa phần các công trình này đã không còn nữa, phần màu xanh là phần đã bị mất, phần màu đỏ là phần hiện còn ngày nay.
Kinh thành Huế là hệ thống thành quách gồm 3 vòng thành:
- Vòng ngoài cùng là Kinh thành cao khoảng 6m có 10 cổng
- Vòng thành thứ 2 là Hoàng Thành cao khoảng 4m có 4 cổng mà chúng ta khi nãy đã tham quan 1 cổng là Ngọ Môn
- Vòng thành thứ 3 là Tử Cấm Thành cao khoảng 3,7m.
Xin hỏi hiện quý khách có biết mình đang đứng tại đâu không ạ? Vâng, chúng ta đang đứng ở Hoàng thành, sau lưng điện Thái Hòa. Quý khách có thể thấy ngay sau Điện Thái Hòa là Tử Cấm Thành – khu vực có đường viền xanh. Đây là nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia. Bên trong Tử Cấm thành có khoảng 40 công trình kiến trúc với qui mô lớn nhỏ khác nhau, được phân chia thành nhiều khu vực.Tuy nhiên phần lớn các di tích này đều không còn nữa. Theo trục Nam Bắc, trong Tử Cấm Thành có các điện: Cần Chánh là nơi vua làm việc hằng ngày, điện Càn Thanh là nơi ăn ngủ của vua, điện Khôn Thái là nơi ở của Hoàng Quý Phi vợ chính của vua. Ngoài ra hiện nay trong Tử Cấm Thành cũng còn 2 công trình đẹp đó là Nhà hát Duyệt Thị Đường – nhà hát dành cho vua quan và Thái Bình Lâu là nơi đọc sách nghỉ ngơi của vua.
HDV đưa khách ra sân sau điện Thái Hòa để thuyết minh về Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành có 7 cửa cả thảy, mặt nam chỉ có một cửa duy nhất thông với Điện Thái Hòa là Đại Cung Môn. Ngày xưa đây là một tòa nhà 5 gian bằng gỗ được làm vào đời vua Minh Mạng, cửa rất rộng bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi.
Khu đất phía trước có trải thảm đỏ mà chúng ta đang thấy là vị trí của Điện Cần Chánh – một công trình kiến trúc bằng gỗ có quy mô gần bằng điện Thái Hòa.
Bên cạnh Điện Cần Chánh là hai trong số rất ít các công trình còn sót lại của Tử cấm Thành đó là Tả Vu và Hữu Vu. Đây là hai tòa nhà là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều: Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn ở bên tay phải của quý khách, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ ở bên tay trái của quý khách. Ngày nay ở Hữu Vu có một dịch vụ hóa trang chụp hình, còn Tả Vu được sử dụng làm nhà bảo tàng lưu giữ những bức hình của hoàng cung, những vật dụng của vua quan nhà Nguyễn.
HDV đưa khách đến Thế Miếu, trên đường đi HDV thuyết minh
Thưa quý khách, triều Nguyễn từ vua Gia Long đến Bảo Đại đã trải qua 143 năm trị vì với 13 vị vua. Các vua triều Nguyễn đều rất chuộng Nho giáo mà theo đạo này quan niệm chết không phải là hết mà là sự tiếp nối của một đời sống khác và sự tồn tại của họ là sự thờ phụng của con cháu – đó chính là tục thờ cúng ông bà tổ tiên ngàn đời nay của cư dân Việt. Cũng vì đạo hiếu đó mà vua Minh Mạng vào những năm 1921 đã xây dựng Thế Miếu để thờ vua Gia Long.
Thưa quý khách, chúng ta đang đứng ở gian giữa của Thế Miếu:
Ngôi miếu này nằm trên khuôn viên hình chữ nhật có diện tích khoảng 2ha. Tòa nhà chính có 9 gian 2 chái kép, mỗi gian là án thờ một vị vua. Có tất cả 10 vị vua Nguyễn đang được thờ tại đây:
Các án thờ của các vị vua còn lại đều sắp theo nguyên tắc “tả chiêu, hữu mục”:
Chúng ta đang đứng ở gian chính trung (gian giữa): thờ vua Gia Long. Bên tay phải là áng thờ vua Minh Mạng con của người và bên tay trái là vua Thiệu Trị là con Minh Mạng, cháu của Gia Long. Các vua Nguyễn có rất nhiều vợ như Minh Mạng có 500 bà vợ với 142 người con, trong đó Thiệu Trị là con cả. Do đó chỉ có hoàng hậu vợ chính của vua là được thờ trong Thế Miếu.
Trước đây, theo gia pháp của dòng họ Nguyễn, thì chỉ có những vị vua băng hà khi còn tại vị thì mới được đặt án thờ trong tòa Thế Miếu còn các vị vua bị coi là “xuất đế” và “phế đế” đều không được thờ trong tòa miếu này. Do đó, trước năm 1958, bên trong Thế Tổ Miếu chỉ có 7 án thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh và Khải Định. Và đến tháng 10/1958, án thờ của 3 vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân vốn bị liệt vào hạng “xuất đế” cũng đã được đưa vào thờ ở Thế Miếu. Còn các án thờ vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại đến nay vẫn chưa có mặt trong Thế Tổ Miếu.
Bây giờ mời đoàn chúng ta ra phía trước Thế Miếu và tiếp tục chuyến tham quan của chúng ta.
Chín cái đỉnh nằm dưới bóng Hiển Lâm Các mà quý khách đang nhìn thấy trước mắt đây chính là chín cái đỉnh đồng lớn nhất Việt Nam. Đây được xem là một công trình kiến trúc và gọi là Cửu Đỉnh.Cửu đỉnh được đúc vào năm 1836, vào thời Minh Mạng. Cửu đỉnh được dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền. Trên mỗi đỉnh có khắc một tên riêng bằng chữ Hán, tên được lấy từ miếu hiệu (tên để thờ cúng) của một vị vua nhà Nguyễn và được xem là biểu tượng của vị vua đó. Chẳng hạn như: “Cao” – vua Gia Long, “Nhơn” – vua Minh Mạng, “Chương” – vua Thiệu Trị, “Anh” – vua Tự Đức, “Nghị” – vua Kiến Phúc, “Thuần” – vua Đồng Khánh, “Tuyên” – vua Khải Định, còn “Dũ” và “Huyền” thì chưa rõ tượng trưng cho vua nào.
Mới nhìn 9 đỉnh hình như giống nhau, nhưng trong thực tế chúng đều khác nhau: khác nhau về trọng lượng khác nhau về bộ chân, cũng như bộ quai ở trên. Nhưng cái khác nhau đặc biệt nhất là 17 hình chạm chung quanh mỗi đỉnh. Mười bảy hình chạm nổi chung quanh mỗi đỉnh gồm những gì tiêu biểu của đất nước từ Lạng Sơn xuống tận mũi Cà Mau và được qui lại trong các chủ đề: tinh tú, sông núi, biển cả, thuyền bè, xe cộ, các sản vật quí giá trên rừng, dưới biển của nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tổng cộng có 153 cảnh vật được chạm khắc tỉ mỉ và tinh vi trên hông 9 chiếc đỉnh.
Thưa quý khách, ngay sau Cửu Đỉnh là Hiển Lâm Các – công trình cao 13m và là tòa nhà cao nhất trong Đại Nội.
Tòa lầu này có 3 tầng được xây vào thời vua Minh Mạng: tầng 1 được chia làm 3 gian 2 chái mỗi gian có trổ một cửa vòm. Yếu tố chính tạo nên sự bền vững của tòa nhà trước gió bão là hệ thống 24 chiếc cột gỗ, trong đó có 4 cột chính mỗi cột cao 12m xuyên suốt cả 3 tầng của tòa nhà. Toàn bộ hệ thống cột kèo thì đều được chạm trỗ tinh vi khéo léo hình rồng cách điệu.
Và, xin quý khách hãy hướng mắt lên phía trên cửa của gian giữa chúng ta sẽ thấy tấm hoành phi lớn đề ba chữ “Hiển Lâm Các” theo chữ hán trên nền sơn màu lục, khung chạm 9 con rồng vờn mây sơn son thếp vàng.
Còn gian bên phải của quý vị đây thì có bắc chiếc cầu thang lên tầng trên. Cầu thang được trang trí rất cầu kỳ: hai tay vịn chia thành các ô hộc trang trí hình chữ “thọ”, chữ “vạn” và đường nét kỷ hà. Ðầu và cuối tay vịn thì đều được các nghệ nhân chạm nổi hình đầu và đuôi rồng uốn lượn mềm mại.
Tầng 2 thì được chia làm 3 gian và xung quanh có lan can. Từ tầng 2 lên tầng 3 có thiết kế một cầu thang 9 bậc đơn giản,tầng 3 thì chỉ có 1 gian. Trên nóc của tòa lầu dựng một bầu rượu bằng pháp lam màu vàng, bầu rượu này cũng đặt trên một đám mây bằng pháp lam ngũ sắc rất khiến cho tòa nhà trở nên thanh thoát. Vì lý do bảo tồn di tích nên chúng ta ko được đi lên hai tầng còn lại của tòa lầu.
Thưa quý khách, Hiển Lâm Các là nơi ghi lại công lao của các vua nguyễn và các công thần đã có công dựng nước và giữ nước nên được vua Minh Mạng rất chú ý xây dựng.Chính vì thế mà Hiển Lâm Các được xem là một trong những công trình kiến trúc tuyệt xảo độc đáo trong các công trình kiến trúc ở hoàng thành bởi, nó được kiến trúc vừa cân xứng vừa hài hòa với bối cảnh thiên nhiên tươi đẹp của xứ Huế.Cũng chính vì thế mà công tác bảo tồn và tôn tạo rất được chú ý.Ngày nay, Hiển Lâm Các mà chúng ta đang đứng không khác gì so với 188 năm trước đây.
HDV đưa khách rời Hiển Lâm Các kết thúc chuyến tham quan tại cổng Ngọ Môn:
Vậy là trong vòng 2 tiếng đồng hồ quý khách đã đi tham quan hầu hết các công trình kiến trúc quan trọng ở Đại Nội. Hy vọng rằng hành trình này đã mang lại cho quý khách những hiểu biết mới về lịch sử, cũng như kiến trúc cung đình Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Bây giờ mời quý khách ra xe chúng ta tiếp tục hành trình đến với chùa Thiên Mụ.