Khamphadisan.com – Duyệt Thị Đường là một công trình kiến trúc có quy mô bề thế, với chức năng chính là nhà hát cung đình. “Duyệt Thị Đường” được hiểu là một ngôi nhà dành để xem biểu diễn nghệ thuật để từ đó con người chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải.

nha hat duyet thi duong khamphadisan

ảnh: sưu tầm

Duyệt Thị Đường là một trong bốn nhà hát được xây dựng dưới thời các vua Nguyễn, bao gồm: Duyệt Thị Đường (1826) dưới thời vua Minh Mạng, nhà hát Tịnh Quan Viên (1843) dưới thời vua Thiệu Trị, nhà hát Minh Khiêm Đường (1865) dưới thời vua Tự Đức, nhà hát Cửu Tư Đài (1917) thời vua Khải Định. Như vậy, Duyệt Thị Đường đã có gần 200 năm tuổi, được xem là nhà hát cổ nhất ở nước ta còn tồn tại đến ngày nay.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 3

ảnh: junghyeri94

Đây không chỉ là nơi tấu nhạc cung đình, mà còn là nơi trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác như: tuồng, kịch hát, ca Huế theo yêu cầu và sở thích của nhà vua. Mặc dù sau này còn có thêm ba nhà hát nữa được xây dựng, nhưng Duyệt Thị Đường vẫn được các vua Nguyễn kế tiếp nhau tu bổ, tôn tạo để làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật, nơi biểu diễn chiêu đãi sứ thần ngoại quốc khi đến Việt Nam. Đây không chỉ là sân khấu trình diễn mà còn là công trình kiến trúc độc đáo thể hiện trình độ nghệ thuật cao của kiến trúc xây dựng thời nhà Nguyễn.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 1

ảnh: travelingflgirl75

Duyệt Thị Đường được xây dựng trên diện tích 1180m2 trong một khuôn viên rộng đến 11740m2. Ngoài chức năng chính trên, Duyệt Thị Đường còn là nơi tổ chức các buổi lễ hội đặc biệt như: dịp tứ tuần các vua Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định…. Đối tượng được tham dự là: các văn võ đại thần, các hoàng tử, hoàng đệ…. Vào năm 1833 triều đình nhà Nguyễn đã cho tổ chức đúc tiền “Minh Mạng phi long” ngay tại địa điểm này.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 4

ảnh: sưu tầm

Xung quanh nhà hát Duyệt Thị Đường còn có nhiều công trình kiến trúc khác phục vụ sinh hoạt của vua và triều đình nhà Nguyễn, như: Sở Thượng Thiện (còn gọi là Ngự Thiện Phòng) nằm ở phía Đông bắc, là nơi chế biến, cung cấp thức ăn và thực hiện những công việc có liên quan như chuẩn bị bát đĩa, thìa, tăm… cho Hoàng gia. Thái Y Viện nằm ở phía Đông Nam, là nơi làm việc của các thầy thuốc trong hoàng cung, luôn chăm lo sức khoẻ của Hoàng đế, Hoàng gia cùng quan lại tại kinh đô.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 5

ảnh: sưu tầm

Ngoài ra, tại góc Đông nam là nơi tập trung của 3 công trình kiến trúc quan trọng, gồm: Thị Vệ Trực Phòng (là nơi các thị vệ của nhà vua túc trực), Cẩn Tín Ty (văn phòng nội điện trong Tử Cấm Thành) và Tiên Trượng Khố (là nơi để phù hiệu của vua đem biểu dương trong những kỳ đại lễ). Ngoài ra, ở phía Nam nhà Duyệt Thị còn có một công trình khác là Dưỡng Chính Đường, đây là nơi ở và học tập của các hoàng tử.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 6

ảnh: sưu tầm

Duyệt Thị Đường được xây dựng theo lối  nhà trùng thiềm lớn, mái thắt cổ diềm, lợp ngói thanh lưu ly.  Đây là một tòa nhà bằng gỗ lim có chiều cao 12m, gồm hai tầng, mặt bằng hình chữ nhật, dài 45,9m, rộng 34,5m, chạy theo hướng Đông – Tây, cấu trúc ban đầu gồm 4 gian 2 chái, mặt quay hướng Đông, Móng xây gạch. Nền nhà lát gạch vuông màu đỏ tươi , nền nhà có sàn diễn được thiết kế theo dạng sân đình, không có cấp bậc ngăn cách mà được lát phẳng. Trần nhà của nhà hát Duyệt Thị Đường được chạm nổi cảnh trăng, sao, các vì tinh tú, mặt trời – biểu hiện của vũ trụ thu nhỏ.  Sâu khấu có ba mặt: mặt sau là hậu trường; hai mặt hai bên là phòng dành cho các diễn viên hóa trang, thay trang phục.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 7

ảnh: sưu tầm

Sau khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ (8/1945), Duyệt Thị Đường bị rơi vào quên lãng. Trong những năm chiến tranh sau đó, cùng với các công trình kiến trúc khác trong Tử Cấm Thành, Duyệt Thị Đường bị tàn phá nặng nề. Thời kỳ đất nước bị chia cắt, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sử dụng Duyệt Thị Đường làm cơ sở giảng dạy của trường Quốc gia Âm nhạc Huế (ngày nay là Trường Đại học Nghệ thuật Huế).

Những năm sau giải phóng, công trình văn hoá này không được quan tâm tu tạo kịp thời, sự tàn phá của thời gian và chiến tranh cộng thêm sự thiếu ý thức của con người đã làm Duyệt Thị Đường gần như trở thành phế tích.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 8

ảnh: sưu tầm

Sau khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã thực hiện công tác trùng tu với rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cùng rất nhiều cuộc khảo cứu tỉ mỉ, cẩn thận; các công tác sản xuất mẫu ngói ống lưu ly, gạch nền cũng được làm theo phương thức truyền thống với những hoa văn đã từng được tạo ra dưới thời Minh Mạng, Khải Định,… Việc thi công các chi tiết cổ được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lựa chọn những người thợ, những nghệ nhân rất kỹ càng. Đến cuối tháng 11/2003, công trình đã hoàn thành.

nha hat duyet thi duong khamphadisan 9

ảnh: TTBTDTCD

Hiện, Duyệt Thị Đường là nơi trình diễn Nhã nhạc, ca Huế của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế. Bình quân mỗi ngày có khoảng 4 suất diễn mỗi ngày. Đặc biệt trong các kỳ Festival Huế, nơi đây trở thành tâm điểm thu hút du khách quốc tế, các suất diễn luôn không còn chỗ trống. Ngoài sự lôi cuốn hấp dẫn của Nhã nhạc, du khách đến đây còn bởi sự tò mò muốn biết diện mạo của nhà hát cổ nhất Việt Nam như thế nào. Có lẽ, đây cũng chính là nét đặc sắc của Duyệt Thị Đường đối với du khách trong và ngoài nước.

Trong lịch sử âm nhạc cổ truyền Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể “nhã nhạc cung đình Huế” gắn liền với sự ra đời và các hoạt động của nhà hát Duyệt Thị Đường tại Huế. Nơi đây, là nơi “Âm nhạc cùng phô bày, hòa lòng người để nuôi dưỡng chí khí/Thiện ác đồng trình diện, khiến giữ được cái tốt (cái đúng) mà giới hạn cái xấu (cái sai)” (Hai câu đối của vua Minh Mạng được treo trên lầu nơi vua ngồi xem).

Nếu như đã một lần đến Huế, chắc chắn không ai không ghé thăm Đại Nội và nếu đã ở trong Đại Nội, cớ gì mà bạn không đến với Duyệt Thị Đường – đến với nơi có di sản phi vật thể trong lòng di sản kiến trúc. Một di tích không chỉ mang trong nó giá trị kiến trúc, nghệ thuật, mà nó còn là không gian chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa – Nhà hát cổ nhất Việt Nam, Duyệt Thị Đường.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94 (Sưu tầm – biên tập)

Tài liệu tham khảo

1.Bảo tồn Di sản Kiến trúc và Đô thị – GS.TS.KTS Phạm Đình Việt – NXB Khoa học Kỹ thuật, 2008.

2.Khoa học công nghệ Bảo tồn trùng tu di tích Kiến trúc – NXB Xây dựng, 2003.

3.Bảo tồn và trùng tu các di tích Kiến trúc – PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi – NXB Khoa học Kỹ thuật, 2002.

4.Trang thông tin điện tử Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

5.Tạp chí Sông Hương.

6.Dự án Phục hồi, Tu bổ & thích nghi khu Di tích Duyệt Thị Đường, Đại nội Huế – Công ty Thiết kế và Tư vấn Xây dựng ADC, 1999.

5/5 - (1 bình chọn)