Khamphadisan.com – Huế mang trong mình một nét đẹp dịu dàng, chậm rãi và bí ẩn. Chừng ấy thôi đã đủ để làm say mê lang bạt kỳ hồ. Và rồi tầm mắt vương lại ngay trước Phu Văn Lâu, vẻ đẹp thật say đắm khiến lòng người mê mẩn.

Nằm trên trục đường chính kinh thành Huế, nằm trước Kỳ Đài và phía sau Nghênh Lương Đình, đây là một công trình kiến trúc độc đáo trong quần thể kiến trúc Cố đô. Phu Văn Lâu được coi là biểu tượng của Cố đô Huế, hình ảnh đó còn được in trên mặt sau của tờ tiền 50.000 đồng.

phu văn lâu

ảnh: redsvn

Phu Văn Lâu có nghĩa là cái lầu trưng bày văn thư, công trình được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long. Tòa nhà kiến trúc trên mặt bằng hình vuông, mặt đất của đoạn thành này hơi xuôi về phía trước. Mặt nền được lát đá cẩm thạch sân lát gạch Bát Tràng, nhưng nay sân đã thay thế bằng gạch ca rô đúc bằng xi măng.

phu văn lâu

ảnh: _mr.huyy

Tòa nhà có hai tầng gồm 2 bộ mái chồng lên nhau dưới lớn trên nhỏ. Mái của kiến trúc ngày xưa lợp ngói ống tráng men vàng là loại ngói được dùng để lợp các cung điện nằm ở trục chính ở Kinh thành Huế. Công trình này có tất cả 16 cột gỗ tròn sơn đỏ đậm. Bốn cột lớn ở giữa chạy liên tục từ dưới đến nóc tầng trên, mỗi cột đều dựng trên một bệ đá. Những viên đá tảng được chạm thành hai tầng dưới vuông trên tròn.

phu văn lâu

ảnh: ST

Xung quanh Phu Văn Lâu còn có một hệ thống lan can ngăn cách bậc thềm giữa 3 mặt trước, trái phải. Hai lối đi hai bên không có thành bậc thềm còn bậc cấp mặt trước có thành bậc chạm hình rồng. Từ tầng dưới đi lên tầng trên bằng một cầu thang bằng gỗ. Ở tầng trên cả 4 mặt đều dựng đố bản lụa khung tranh. Hai mặt trước và sau cửa sổ tròn, hai mặt trái và phải trổ cửa sổ vuông đối xứng nhau. Quanh bên ngoài là hệ thống lan can tiện bằng gỗ thật thanh tú và duyên dáng .

phu văn lâu

ảnh: mr.kenn0910

Trên cửa sổ mặt tiền treo hoành phi sơn son thếp vàng, trang trí dây lá lưỡng long triều nguyệt. Hai bên mặt trước đặt hai khẩu súng thần công bằng đồng hướng vào nhau. Dưới thời vua Thiệu Trị đặt hai tấm bia đá khắc 4 chữ “khuynh cái hạ mã”, bên phải Phu Văn Lâu còn có tấm bia trên khắc bài thơ “Hương giang hiểu phiếm”.

phu văn lâu

ảnh: hp.mnhat

Không chỉ là nơi niêm yết văn thư, Phu Văn Lâu là nơi diễn ra nhiều hoạt động của triều đình. Từ năm 1821, sau khi truyền lô, danh sách các khoa danh tiến sĩ được đem niêm yết tại đây. Vì tính cách long trọng như vậy nên hai bên lầu có hai bia đá “khuynh cái hạ mã” nhắc nhở cho tất cả mọi người khi đi ngang qua Phu Văn Lâu phải “nghiêng nón xuống ngựa”.

phu văn lâu

ảnh: jeannguyen2401

Vào năm 1829 nơi này đã từng có một cuộc đấu giữa voi và cọp trước lầu để cho vua Minh Mạng ra xem. Vào những dịp tứ tuần, ngũ tuần của vua Minh Mạng cũng có nhiều cuộc vui khác được tổ chức ở đây. Về sau các đời vua Thiệu Trị, Tự Ðức cũng giữ cái lệ ấy nhân những ngày khánh thọ của mình.

phu văn lâu

ảnh: lendang.vn

Vua Thiệu Trị đã từng liệt sông Hương và lầu Phu Văn là một trong 20 cảnh đẹp ở chốn Thần Kinh. Năm 1843 Thiệu Trị cho dựng một nhà bia bên tay phải lầu để khắc bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm (buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương).

Trong gần 200 năm, Phu Văn Lâu được trùng tu khoảng 10 lần. Mặc dù đã được trùng tu cải tạo nhiều lần nhưng công trình vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng độc đáo của kiến trúc thời Nguyễn.

Có thể bạn quan tâm:

Cường Nguyễn

5/5 - (2 bình chọn)